Trước đây, mỗi khi giới thiệu với bạn bè nước ngoài vẻ đẹp đất nước mình là tôi “dẫn” họ đến không gian núi sông hùng vĩ và di sản kiến trúc. Giờ hay vào rừng chơi lại thỉnh thoảng gặp những vị khách bay hàng ngàn cây số đến để lặng ngắm chim bản địa và lắng nghe chúng hót chứ không chỉ mục đích chụp hình quay phim, tôi ngộ rằng một cánh chim Việt thôi, riêng có càng tuyệt, cũng là vẻ đẹp đất nước và là tài sản chung trái đất này.
Ban đầu với đôi mắt gần như đã dành hết cho những trang văn trên màn hình vi tính, tôi không tin mình sẽ chụp được ảnh những con chim bay vút lưng trời. Rồi với thời gian quan sát và trải nghiệm, cuối cùng tôi làm được điều yêu thích. Từ đó, tôi đâm ra tiếc cho mình không đủ điều kiện đi thật xa, đến thật nhiều nơi là sinh cảnh những loài chim quý hiếm.
Giờ thì tôi tự nhủ hãy tiếp tục ao ước trong khi khám phá 104 loài chim tại Sơn Trà, cánh rừng tuyệt đẹp trong phố biển Đà Nẵng nơi tôi sống và làm việc. Và tôi cũng nghiệm để có tấm ảnh thật sự đẹp về một cánh cò quê thôi đôi khi cả đời mình không đủ.
Cứ nghĩ bây giờ không phải làm báo nữa, máy ảnh trên tay đó đây sông núi giải trí thôi. Rồi dần nhận ra “chạy trời không khỏi nắng”, bởi nhận ra tính thời sự vẫn ám đâu đó trong ảnh tôi. Như một lần theo dấu chim lạc vào xóm hoang ven sông Cổ Cò chờ xây dựng khu đô thị mới tôi gặp người nông dân âm thầm trở lại thăm vườn cũ, nơi sen vẫn nở trong ao đã cạn, lúa vẫn mọc chen cỏ lau, cò vẫn quen đường bay thuở nọ. Nhác thấy bóng tôi, người đàn ông vội quay lưng giấu khóe mắt vẫn rưng rưng… Chụp tấm ảnh chim trời mà lòng tôi la đà nơi mặt đất ngày dâu bể.
Điều đẹp đẽ nhất trong thời gian chụp ảnh động vật hoang dã là nẩy sinh tình thương yêu thiện lành dành cho muôn thú. Mùa đông 2018 tôi gần như vào rừng Sơn Trà mỗi ngày. Ấy là thời gian chim từ các nước Bắc và Đông Á trốn tuyết tìm đến đây sưởi nắng ấm.
Tuần cuối của mùa chim di trú, tôi tình cờ đánh bạn với một Oanh họng đỏ Siberia. Một lần, đôi khi hai lần, mỗi ngày tôi mang cho Oanh những con sâu gạo béo thơm. Khi đã quen hơi, chỉ cần nghe bước chân tôi, nó đã ló ra từ bụi sim rậm. Chưa bao giờ tôi có thể chụp ảnh chim trời với khoảng cách gần gũi đến thế, chỉ chừng hai mét.
Ngày cuối năm âm lịch, Oanh quay về cố xứ, nơi mùa xuân đang đến, để lại khoảng trống ở rừng Sơn Trà và cả trong lòng tôi. Thật ái ngại cho cánh chim nhỏ bé đơn độc trong sáu tuần lễ đường bay Đà Nẵng-Siberia. Mong tái ngộ vào mùa đông 2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét