Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2020

KHÁT VỌNG


KHÁT  VỌNG    KHÁT  VỌNG
Monday, March 9, 2020



Chúa Xin Thế Gian Nước Giải Khát
Ngài Tặng Nhân Loại Nguồn Trường Sinh

Đói và khát thường đi đôi với nhau, và là nhu cầu cấp thiết của con người. Đói liên quan đồ ăn, khát liên quan đồ uống. Đó là vấn đề cơ bản của thể lý. Nhịn đói được lâu hơn nhịn khát. Thiếu nước là nỗi khổ không chỉ của con người mà cả sinh vật, cụ thể là tình trạng hạn hán đang xảy ra ở miền Tây Việt Nam trong mùa hè năm Con Chuột Chù 2020 này.
Về thể lý, muốn hết khát thì phải có nước để giải khát. Ngày nay, trên đường đi thường thấy có những nhà để bình “nước đá miễn phí” cho khách vãng lai sử dụng. Một nghĩa cử đẹp mang tính nhân đạo. Tất nhiên nước đó chỉ có lợi cho những người lao động nghèo thôi, người giàu chẳng ai “để ý” làm chi. Về tinh thần, muốn hết khát thì phải có loại nước đặc biệt: tình yêu thương.
Cho (trao, tặng, biếu) người khác những thứ đơn sơ, nhỏ mọn, có thể chỉ là “chuyện nhỏ,” nhưng với tình yêu lớn, đó lại là sự chia sẻ thực sự quan trọng và cần thiết. Chẳng đáng gì với một ly nước lạnh mà vẫn giá trị, nhất là vào những ngày hè nắng nóng bức, cái nắng oi ả mà tiền nhân ví von là “nắng tháng Ba, chó già le lưỡi.” (tục ngữ Việt Nam) Việc nhỏ mà công to, chính Chúa Giêsu cũng chúc lành cho những việc làm “nhỏ bé” như vậy, và Ngài hứa: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10:42) Mẹ Thánh Teresa Calcutta nhận định rằng chúng ta không làm được những việc to lớn nhưng có thể làm được những việc nhỏ với tình yêu lớn. Thế thôi, nhưng thực sự tuyệt vời lắm!
Cái khát về thể lý đã là cấp bách rồi, cái khát về tinh thần (ước mong, khát vọng,...) cũng cấp bách lắm, đặc biệt là cái khát về tâm linh còn cấp bách và mãnh liệt hơn nhiều. Hạn hán là “thiên tai” (thường là nhân tai), nghĩa là thiếu nước vì không có mưa, đất đai khô cằn, nguy hiểm lắm, nhưng hạn hán tâm linh còn nguy hiểm hơn, vì rõ ràng đó là “nhân họa.” Chỉ có Mưa Giêsu mới khả dĩ cứu nguy con người khỏi cơn đại hạn cho mảnh đất tâm hồn. Thực sự chúng ta phải khao khát Ngài, vì Ngài là nguồn mạch Nước Hằng Sống.
Thời Cựu Ước xưa, trên hành trình qua sa mạc tiến về Đất Hứa, dân khát nước nên đã kêu trách thủ lĩnh Môsê: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì? Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?” (Xh 17:4) Nắng đồng bằng đã khó chịu rồi, nắng cao nguyên cũng ghê gớm lắm, nắng sa mạc thì hẳn là như lửa thiêu. Vì chịu không nổi cái nắng nóng nên dân muốn nổi loạn, ông Môsê cũng “ngán” lắm mà không biết làm sao, thế nên ông phải kêu cứu Thiên Chúa: “Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!” (Xh 17:4) Rõ ràng là dân bức xúc lắm rồi, có thể bạo động và làm bất cứ hành động nào, và thủ lĩnh Môsê thấy sợ lắm rồi!
Thật chứ chẳng chơi. Vùng đó sẵn đá, muốn gì lấy đá chọi ngay. Phải trái thế nào tính sau, chết chắc. Thấy ông Môsê kêu xin, Đức Chúa cho biết: “Ngươi hãy đi lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục Israel; cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nin, và đi đi. Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khô-rếp. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống.” (Xh 17:5-6) Ôi, thế thì còn gì bằng! Ông Môsê nghe và làm theo ngay. Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Ông đặt tên cho nơi ấy là Maxa và Mơriva, nghĩa là Thử Thách và Gây Sự, vì con cái Israel đã gây sự và thử thách Chúa. Họ nghi ngờ nên đặt vấn đề: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?” (Xh 17:7) Kể cũng to gan, lớn mật. Liều thật!
Ngày nay có thể chúng ta cho rằng dân Israel “uống thuốc liều” quá chỉ định, “coi trời bằng vung” nên mới dám gây sự và thử thách Chúa, kiểu “bán trời không cần văn tự.” Tuy nhiên, chắc gì chúng ta đã hơn họ, có khi còn liều mạng hơn họ. Thật vậy, khi gặp gian nan thử thách theo kiểu “mắc nối tiếp” như kiểu nối các bóng điện, gọi là “họa vô đơn chí,” chắc hẳn cũng đã có những lúc đức tin của chúng ta bị rung rinh. Mặc dù không nói ra nhưng các động thái của chúng ta cũng bộc lộ sự hoài nghi: “Có Chúa thật hay người ta chỉ ảo tưởng?” Cũng đã thấy có những người còn liều hơn – kể cả người Công giáo, đã từng dám thốt thành lời: “Trời không có mắt, trời mù!” Trời là ai? Thế thì chúng ta chẳng liều hơn dân Israel sao? Nghĩa là chúng ta tự thấy mình “ngon” lắm!
Việc ăn năn sám hối không chỉ là động thái được thực hiện trong Mùa Chay, Mùa Vọng, dịp tĩnh tâm hay cấm phòng, mà phải được thực hiện không ngừng trong suốt cuộc đời. Ai cũng có tội nên luôn cần sám hối, ngày nào cần sám hối thì ngày đó là Mùa Chay. Đó là cách sống sẵn sàng dầu đèn như mười cô trinh nữ khôn ngoan đi đón chàng rể. (x. Mt 25:1-13) Giáo Hội ấn định Mùa Chay như tiếng chuông cảnh báo để “đánh động” mạnh hơn, nhất là đối với những người còn “ngủ mê,” do đó mà có nghiêm luật: “Xưng tội mỗi năm ít là một lần.” Xưng tội liên quan rước lễ trong Mùa Phục Sinh.
Cứ chân thật ngắm thiên nhiên, nhìn vạn vật thì sẽ nhận ra Thiên Chúa. Điều đơn giản nhất là không khí. Không có không khí thì không gì có thể sống được một lúc. Cái rất nhỏ nhưng lại là điều quan trọng, là đại hồng ân. Vì thế, đừng làm ngơ lời mời gọi của Thánh Vịnh gia: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.” (Tv 95:1-2) Hằng ngày trong Giờ Kinh Phụng Vụ, Giáo Hội vẫn sử dụng Thánh Vịnh này để chúc tụng Thiên Chúa.
Nước đầy thì tràn ly, lòng đầy thì miệng nói ra. Ngoại tại chứng tỏ nội tại. Thánh Vịnh gia cho biết: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.” (Tv 95:6-7a) Đặc biệt là mỗi dịp Mùa Chay, chúng ta cũng thường được nghe nhắc nhở câu này: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa phán: Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.” (Tv 95:7b-9) Cái gì cứng thì khó hóa mềm, lòng cứng cũng chẳng dễ mềm chút nào – vì không biết sợ. Kinh Thánh nói: “Phúc cho người luôn luôn biết sợ, còn kẻ cứng lòng sẽ gặp phải tai ương.” (Cn 28:14)
Hai địa danh Mơ-ri-va và Ma-xa nhắc nhở chúng ta “ĐỪNG gây sự và CHỚ thử thách Thiên Chúa.” Không dám làm vậy là biết sợ, có thể bắt đầu tin có Thiên Chúa hiện hữu, và chính niềm tin đó là khởi đầu của chuỗi hệ lụy tốt lành: Tín thác – Thương yêu – Tha thứ – Thánh ân – Trắng án – Trường sinh. Một chuỗi các mẫu tự T thật kỳ diệu, liên kết thành con đường nên thánh để được làm công dân Nước Trời. Thế thì thật tuyệt!
Có nhiều mối phúc khác ngoài Bát Phúc (Mt 5:3-11; Lc 6:20-23), một trong các mối phúc có liên quan đức tin: “Phúc thay những người không thấy mà tin.” (Ga 20:29) Đức tin thật kỳ diệu, vì đức tin có thể làm cho người ta nên công chính. Thánh Phaolô cho biết: “Một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.” (Rm 5:1-2) Đức tin là đèn sáng soi đường chúng ta đi về hướng có Thiên Chúa.
Những người tin vào Thiên Chúa không phải là ngu dốt mà là khôn ngoan. Càng có tri thức thì người ta càng dễ nhận ra Ngài. Các bác học lừng danh đều có niềm tin vào Thiên Chúa, cụ thể là: Roger Bacon (khoảng 1214-1294, người áp dụng phương pháp thực nghiệm và các phương pháp khoa học tân tiến, viết về luật thiên nhiên, cơ khí, địa lý và quang học), Johannes Kepler (1571-1630, nhà vũ trụ học, tính toán sự di chuyển của các thiên hà), René Descartes (1596-1650, bác học về hình học và những con số bất biến, người hướng dẫn cuộc Cách Mạng Khoa Học của Tây phương), Blaise Pascal (1623-1662, thần đồng toán học, vật lý, và lý thuyết), Isaac Newton (1643-1727, nhà khoa học và toán học vĩ đại nhất của mọi thời đại), Louis Pasteur (1822-1895), Albert Einstein (1879-1955), Max Planck (1858-1947, đoạt giải Nobel về vật lý và là cha đẻ của Thuyết Quantum Mechanics), Georges Lemaître (1894-1966, linh mục Công Giáo, người khởi xướng thuyết Big Bang), và còn rất nhiều nhà bác học khác đều là các Kitô hữu tốt lành. Họ đã KHÁT và đã được uống Nước Giêsu.
Lời giải thích của Thánh Phaolô rất chi tiết: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5:8) Sự thật minh nhiên, đến nỗi chính viên đại đội trưởng đã run sợ sau khi Chúa Giêsu trút hơi thở, và phải thốt lên: “Quả thật ông này này là Con Thiên Chúa.” (Mt 27:54; Mc 15:39; Lc 23:47)
Chúng ta thấy điều gì trong các thư của Thánh Phaolô cũng được diễn tả rất chi tiết, dễ hiểu. Vâng, tình yêu và lòng thương xót của Chúa quá vĩ đại, cao thượng, bao la. Thật vậy, có lần Chúa Giêsu đã xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13) Nhưng đâu dễ mấy ai! Tha thứ đã khó rồi chứ nói chi chết thay ai đó. Vậy mà Thánh Maximilian Kolbe (1894-1941, linh mục Dòng Phanxicô) đã làm được, ngài dám tự nguyện “thế mạng” cho một tù nhân khác tại trại tập trung Auschwitz trong thời gian Đức chiếm đóng Ba Lan hồi Đệ Nhị Thế Chiến. Đó là dạng khát vọng rất khác người nhưng lại giống Chúa Giêsu.

Như một đoạn phim thú vị, trình thuật Ga 4:5-42 đề cập tính nhân bản và nỗi khát vọng chính đáng: Một hôm, Chúa Giêsu đến thành Xy-kha thuộc xứ Samari, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Ngài đi đường mỏi mệt trong khi các môn đệ vào thành mua thức ăn, vả lại lúc đó khoảng mười hai giờ trưa, nắng nóng như lửa, nên Ngài ngồi ngay bên giếng nước.
Sự ngẫu nhiên là ngay lúc đó có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Trưa nắng mà đi lấy nước thì cũng lạ thật. Và rồi Đức Giêsu đã xin chị chút nước uống. Chị ngạc nhiên nói: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” Thời đó, người Do Thái và người Samari phải “cách ly” với nhau, không được giao tiếp. Đức Giêsu ôn tồn: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’ thì hẳn chị ĐÃ xin, và người ấy ĐÃ ban cho chị nước hằng sống.” Chúa Giêsu dùng thì quá khứ trong khi Ngài nói là thì hiện tại – loại giả định có thật. Điều đó cho thấy rằng những gì Ngài nói đều là sự thật, như Ngài khẳng định với Tổng trấn Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT.” (Ga 18:37) Chỉ có sự thật mới giải thoát và làm cho người ta được tự do thực sự. (x. Ga 8:32)
Phụ nữ này còn thắc mắc rằng giếng sâu mà Chúa Giêsu không có gầu, làm gì có được nước hằng sống mà cho. Chị còn chứng minh rằng tổ phụ Giacóp với cả con cháu và đàn gia súc cũng xài nước ở giếng này. Chúa Giêsu vẫn nở nụ cười hiền và trầm giọng: “Chị Hai à, ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Có lẽ lúc đó chị vừa gãi đầu vừa nghĩ bụng: “Mèn ơi, lạ dữ nghen!” Không lạ sao được, thế mới đáng nói. Cơn khát của phụ nữ này không còn đơn thuần là khát nước, mà bắt đầu là cơn khát tâm linh.
Cứ từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, hết mắt tròn rồi mắt dẹt, miệng chữ A rồi mắt chữ O, thế nhưng chị thực sự cảm thấy tin tưởng “Anh Chàng” này nói thật, vì có gì đó rất khác thường, và chị nói ngay: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Chúa Giêsu không bảo cho hay không cho, mà bảo chị ấy gọi chồng ra. Chị bảo rằng chị chỉ “mình ên” thôi, không chồng con chi cả. Chúa Giêsu cười và xác nhận chị nói đúng. Ngài nói thẳng luôn là chị đã có tới năm đời chồng rồi, ngay cả người hiện đang sống với chị cũng không phải là chồng. Chắc đó là dạng “sống thử” hoặc “nửa nhân ngãi, nửa vợ chồng” đây. Chị hết hồn hết vía vì thấy Chúa Giêsu không phải thầy bói mà nói trúng phoóc, y chang như “đi guốc trong bụng” vậy. Ngại thì có ngại, nhưng chị cũng phải công nhận: “Ông ơi, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ.” Hay tuyệt!
Và rồi không chỉ có vậy, Chúa Giêsu còn nói điều “ngược đời” lắm. Ngài bảo rằng không được thờ phượng Thiên Chúa trên núi nữa, mà Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa. Kể ra chị Hai ngoại giáo này cũng dễ tiếp thu “cái mới” đấy. Thế thì thật tốt!
Như thấy chị có vẻ “khó hiểu” về việc thờ phượng vừa được đề cập, Chúa Giêsu nghiêm túc xác định: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Chị Hai này hay thiệt, xem chừng cũng giỏi Kinh thánh nữa, vì chị nghe Ngài nói vậy mà không “phản ứng” chi cả, rồi chị nói: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Quá đúng. Thật giỏi. Và Chúa Giêsu nói ngay: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.” Ôi chao, chị này diễm phúc quá, được gặp và nói chuyện với Đức Kitô. Chẳng còn hạnh phúc nào hơn nữa!
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và phụ nữ Samari tới đó thì các môn đệ trở về, họ rất ngạc nhiên vì thấy Thầy nói chuyện với một phụ nữ. Kỳ ghê ta! Thế nhưng chẳng đệ tử nào dám hỏi Thầy. Còn người phụ nữ phấn khởi đến nỗi bỏ cả vò nước lại, chạy vào thành và bảo người ta đến xem một “Người Lạ” rất giống Đấng Kitô. Chị này tự nguyện làm nhân chứng sống. Thế là dân thành tuôn ra như trẩy hội. Mọi người được tận mắt thấy một “Dị Nhân” độc nhất vô nhị là cơ hội ngàn vàng chứ ít gì. Lạ lắm, và cũng vui lắm. Chắc hẳn ai cũng rất phấn khởi vì thỏa niềm khát vọng lâu nay – đặc biệt là chị Hai ngoại giáo. Niềm vui không thể giấu, phải chia sẻ thôi!
Không còn sớm nữa, quá trưa rồi, bụng ai cũng đánh lô-tô, thế nên các môn đệ thưa: “Xin mời Thầy dùng bữa.” Nhưng Ngài nói với các ông điều cao xa hơn: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” Các môn đệ lại gãi đầu và ngơ ngác nhìn nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?” Họ tưởng Thầy ăn rồi, không cần gì nữa. Các ông đâu có hiểu rằng Thầy nói về “siêu lương thực” là THI HÀNH Ý CHÚA CHA và HOÀN TẤT CÔNG TRÌNH CỨU ĐỘ. Thì phải vậy thôi, trò sao hơn thầy được, bằng thầy cũng khá lắm rồi. (x. Mt 10:24-25) Tất nhiên Thầy rất thông cảm cho các đệ tử. Mưa lâu thấm sâu, dần dần rồi sẽ hiểu. Phải biết uống sữa rồi mới có thể ăn cháo, ăn cháo rồi mới có thể ăn cơm – và các món khác.
Theo lời kể của Thánh Gioan, hôm đó có nhiều người Samari trong thành đã tin vào Chúa Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Hiệu quả nhãn tiền của việc làm chứng. Vâng, chỉ có Thiên Chúa mới biết mọi sự, từ thuở hồng hoang tới tận thế, nói chi tới quá khứ, kể cả tương lai của con người. bởi vì “Thiên Chúa thấu suốt mọi sự.” (1 Sb 28:9b; Gđt 8:14; Et 4:17d; Et 5:1a; 2 Mcb 6:30; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Gr 10:12; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 10:12; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 2:10; 1 Cr 12:4-6; 1 Ga 3:20)
Lòng tin tạo sự hiếu khách, dân Samari xin Ngài ở lại với họ, và Ngài đã ở lại đó hai ngày. Và rồi số người tin lời Chúa Giêsu tăng thêm nhiều. Họ bảo chị Hai nọ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.” Không thành vấn đề, chị Hai không hề buồn, chị chỉ muốn người ta cũng tin như chị thôi. Ngày nay, mỗi chúng ta cũng được Thiên Chúa tuyển chọn, bằng cách này hay cách khác – bất kể cộng đoàn hoặc chức vụ nào, như Thiên Chúa đã tuyển chọn chị Hai ngoại giáo xưa. Bổn phận và trách nhiệm của chúng ta là chia sẻ Thiên Chúa và đức tin cho những người khác.
Khát vọng là ước muốn mạnh mẽ, tiếng kêu thảm thiết của Chúa Giêsu từ trên Thập Giá năm xưa vẫn vang lên: “Tôi khát!” (Ga 19:28) Đó là nỗi “khát tình yêu thương.” Ngài khát khao thương xót mọi người mà bị phụ tình: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Mt 23:37; Lc 13:34) Ngài còn có khát vọng khác thường là “khát vọng đau khổ,” Ngài bằng lòng uống “chén đắng,” không chỉ vui vẻ uống mà còn say sưa uống. Thế mà chúng ta lại nhẫn tâm đối xử tệ bạc với Ngài, chẳng khác bọn thủ ác cho Ngài nếm giấm chua, (Ga 19:29) đúng như từ xưa Thánh Vịnh gia đã than thở: “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua.” (Tv 69:22) Đau khổ chồng chất!
Hôm nay, trong Cõi Lặng Thánh, ước gì mỗi chúng ta đều biết thực sự khát vọng sống công chính, biết tin mến Đức Kitô giống như chị Hai và dân thành Xy-kha, đồng thời luôn xác tín: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời hằng sống.” (Tv 42:3) Chị Hai và dân thành Xy-kha tin vào “Người-Lạ” là điều hợp lý và đúng ý Chúa. Chúng ta đều là tội nhân bất xứng, không đáng tiếp cận Ngài, nhưng Ngài vẫn rộng lòng “hỉ xả” với chúng ta, bởi vì “nếu Ngài chấp tội, chẳng ai có thể được cứu độ” (x. Tv 130:3) Nhưng Lòng Thương Xót của Ngài bao phủ tất cả.
Điều cần thiết đối với tội nhân chúng ta là yêu mến. Thánh Gioan Thiên Chúa nói: “Nước dập tắt lửa thế nào, tình yêu cũng rửa sạch tội lỗi như vậy.” Vâng, thật là tuyệt vời, bởi vì tình yêu có thể khỏa lấp mọi khoảng cách. Xin tạ ơn Thiên Chúa muôn đời!

Lạy Thánh Phụ nhân từ, xin Ngài thương xót và chấp nhận trở nên gia nghiệp đời đời của chúng con, xin giúp chúng con khôn ngoan phân định, biết đáp lại lời kêu khát của Chúa Giêsu nơi những con người bé mọn dọc đường đời chúng con gặp hằng ngày. Lạy Chúa các Chúa, xin giúp chúng con luôn biết khát mong ơn Ngài cứu độ. (Tv 119:174) Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét