Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

Mar 8, 2020- Chúa nhật thứ II Mùa Chay năm A


Mar  8,  2020- Chúa  nhật  thứ  II  Mùa  Chay  năm A
Đức  Giesu  muốn  nói  gì  qua  biến  cố  Hiển  dung?



Các Bạn thân mến,

Cả Giáo Hội chúng ta vừa bước vào Mùa Chay, thì cũng là lúc dịch virus Corona tàn phá Vũ Hán ở Trung Quốc và hiện đã lan tràn khắp thế giới! Khiến lòng chúng ta xao xuyến lo lắng khuấy động sự yên tĩnh cần thiết cho mọi Tín Hữu mỗi khi Mùa Chay về! Tệ hơn nữa là nhiều nơi trên thế giới đã không cử hành nghi lễ thứ Tư Mùa Chay được, vì sự an toàn cho giáo dân. Và còn gây lo hại không biết ngaỳ Phục Sinh cuả Đức Giesu sẽ thế nào, đặc biệt ở Roma, tâm dịch Châu Âu, không biết có cử hành được những nghi thức quan trong không?
Nhưng đây cũng là một trải nghiệm quí báu đối với mỗi Kito hũu chúng ta, khẳng định sự sống chết rất mong manh, không ai có thể ngờ! Để xét suy về cuộc sống hằng ngày của mình cùng suy nghĩ về những bài học Đức Giesu đã dạy sau những hành động của Ngài, đặc biệt chuẩn bị cho cuộc tử nạn cũng như sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài.

Như một thánh nhân đã nói từ thế kỷ 17: "Sự ảm đạm trong thế giới này chỉ là một chiếc bóng. Ðàng sau chiếc bóng ấy là niềm vui nằm trong vòng tay của chúng ta. Chúng ta có thể thấy được nét rạng rỡ và vinh quang ngay trong bóng tối, miễn là chúng ta biết nhìn. Chúng ta chỉ cần nhìn thôi. Vậy tôi xin anh chị em hãy nhìn đi. Tất cả những gì chúng ta gọi là thử thách, là sầu khổ đều ẩn chứa một ân huệ... anh chị em cứ tin tôi đi... và trong đó còn chứa đựng sự hiện diện của Thiên Chúa bao trùm trên chúng ta. Và niềm vui của chúng ta cũng vậy, cũng ẩn giấu ơn thánh hoá của Chúa trong đó."

Chúng ta cùng cầu xin để niềm tin được như vậy nhé, dù với ai thì những xáo trộn cũng là chuyện bình thường xẩy ra. Chúng ta chẳng phải suy nghĩ, tìm hiểu, nhìn xa, chẳng phải ngước mắt lên hay nhìn xuống, mà ngay trong chúng ta, chung quanh mọi người, trên đầu, dưới chân…tràn đầy đổ vỡ, tan nát, chết chóc, đau thương, buồn tủi… nhưng vì qúa quen thuộc nên chúng ta không nhận ra Đức Giesu đang sống giữa chúng ta khi đó và cũng chẳng có thời gian dừng lại để nhận ra sự an ủi chia xẻ của Ngài. Nên nhiều khi càng tăng thêm bất hạnh.

Tin Mừng hôm nay đề cập về tình trạng này và nhắc lại cho chúng ta ý thức Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Ngài đã sống lại và muốn biểu lộ chính Ngài cho chúng ta qua thiên nhiên vạn vật, qua muôn ngàn đổi thay, qua gia đình, qua đoàn thể, qua công đồng, đặc biệt tụ họp vào mỗi chủ nhật để mời gọi mọi người tìm kíếm Ngài, không chỉ trong những biến cố khác thường của cuộc sống, mà còn trong những biến cố rất đỗi bình thừơng nữa.

Đức Giêsu đang hiện diện khắp nơi trong trần gian. Ngài muốn chúng ta nhận ra Ngài. Ngài đang chờ đợi mọi người. Chúng ta chỉ cần đảo mắt là nhìn thấy Ngài. Ðây chính là sứ điệp và cũng là lời mời gọi của Tin Mừng hôm nay.

Như khi xưa Đức Giêsu biến hình trước mắt Phero, Giacobe và Gioan, một giây phút quyết định trong cuộc đời họ. Trước thời điểm ấy, họ nhìn Đức Giêsu cách bình thường mỗi ngày, giờ đây họ nhìn thấy Ngài trong một viễn cảnh hoàn toàn mới lạ với vẻ vinh quang sáng ngời diệu kỳ. Mà chẳng bao giờ họ có thể quên được những cảm nghiệm đó.

Có thể đôi khi chúng ta cũng đã có những cảm nghiệm tương tự như vậy trong cuộc sống của mình, cảm nghịêm được chớp nhoáng, dường như nhìn thấy đựơc một điều phi thường bên kia những biến cố bình thường. Như những giây phút biến hình cuả Đức Giesu khiến Phero, Giacobe và Gioan bị choáng ngợp trước ý thức kỳ lạ về sự hiện diện của Thiên Chúa, và nếu những khoảng khắc ấy xảy đến mà biết chăm chú lắng nghe, chúng ta cũng sẽ nghe được tiếng nói từ Trời phát ra: "Này là con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đàng. Hãy nghe lời Ngài!" Như Thánh Mattheu đã ghi lại trong sự Biến Hình của Đức Giesu, với nhiều điều tỏ quan trọng:

1. Vinh quang của Đức Giesu:
 -    Đất nước Do Thái có nhiều đồi núi cao, trên đó hòan toàn yên tĩnh với khí hậu trong lành. Đứng trên ấy có thể nhìn thấy toàn cảnh vật của Do Thái và các vùng lân cận.

 -    Núi là biểu tượng sự hùng vĩ uy nghi, gợi lên những gì cao cả, huyền bí, nên núi được coi như nơi ngự trị thích hợp cho thần linh.Và là địa điểm tốt cho những ai muốn cầu nguyện, tĩnh tâm…

 -    Đức Giesu mỗi khi muốn xin ý kiến Chúa Cha trước khi hành động, Ngài cũng thường một mình đến nơi vắng vẻ yên tĩnh như sa mạc, cánh đồng, đồi núi...

 -    Lần này Ngài mang theo Phero, Giacobe và Gioan, là muốn cho các ông biết một số điều quan trọng. Vì thời gian này Ngài đang trên đường tiến về Gierusalem, con đường thập gía khổ nhục Ngài sẽ phải qua. 

 -    Sau khi cầu nguyện trên núi, Đức Giesu được tiếp xúc cùng Moisen, là nhà lập pháp vĩ đại, người đã đem luật pháp của Thiên Chúa đến cho loài người; và Elia, là tiên tri cao trọng nhất, qua ông, Thiên Chúa đã trực tiếp phán cách đặc biệt với loài người. Hai vị này là đỉnh cao của lịch sử và thành tích tôn giáo của dân Israel.

 -    Sự xuất hiện rạng ngời vinh hiển của hai nhân vật quá cố thời Cựu ước xa xưa ấy đã làm chứng rằng Đức Giesu được chính Thiên Chúa sai đến, Ngài đang đi theo đường lối của Thiên Chúa. Cùng là bằng chứng hiển nhiên chắc chắn rằng có sự sống lại, là sự sống vĩnh cửu sau cái chết mà các ông đang được hưởng.

 -    Nói cách khác, qua biến cố hiển dung, Đức Giêsu muốn nói với nhân loại rằng mọi người có quyền tin tưởng có thế giới bên kia, nơi mà hai vị đại ngôn sứ đang sống hạnh phúc ngập tràn.

 -    Quan trọng hơn tất cả là chính tiếng Thiên Chúa Cha phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”


 -     Sự kiện biến hình trên núi cao này đối với Đức Giesu thật là một dỉnh núi tâm linh. Và biểu lộ vinh quang thần tính của Ngài.

 -     Bởi Đức Giesu được chứng nhận, chuẩn y của Thiên Chúa, có sự minh xác của lịch sử, có nhà lập pháp và vị tiên tri trọng đại nhất động viên Ngài. Còn có cả ba môn đệ trần gian chứng kiến.

 -    Đấy là một sự hợp tác kỳ diệu giữa Trời - Đất, giữa thế giới bên kia và thế giới hiện tại để cứu chuộc nhân loại. 

 -    Để từ đó và mãi mãi không ai còn có thể hoài nghi về thân phận, về công cuộc cứu thế của Đức Giesu cho mọi người được hưởng hạnh phúc viên mãn đời sau.

2. Tác động trên các môn đệ:
  -    Biến hình còn là biến cố khích lệ niềm tin cho các môn đệ trước viễn tượng cuộc thương khó của Thầy mình.

  -    Bởi khi nghe Đức Giêsu nói: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Lời mời gọi này làm các ông nản chí vì phải lột bỏ con người mình để theo khuôn mẫu Ngài, thực hiện cuộc hành trình đầy gian khổ, phiêu lưu như tổ phụ Abraham xưa.

  -    Nên Đức Giêsu cần biến hình trước mặt các ông để khuyến khích rằng cứ an tâm theo Ngài, Thầy của họ có chết thì cũng sẽ phục sinh vinh quang. Và hé mở cho thấy một chút tương lai của cuộc hành trình ấy, là qua gian khổ, sẽ tới vinh quang.

  -    Khi ba môn đệ nhìn thấy gương mặt sáng láng chói rực vinh quang của Đức Giesu, với y phục trắng tinh như ánh sáng. Lại được nghe lời Thiên Chúa phán từ đám mây sáng ngời.

  -    Các ông bối rối, kinh hoàng, nhưng sự vui mừng hạnh phúc ập đến nhanh chóng, phi thường, khi thấy toàn cảnh núi vinh quang, các ông phấn khởi, muốn rũ bỏ mọi sự trần gian để củng Đức Giesu ở lại trên núi, mà chưa hiểu được rằng vinh quang chỉ có ở bên kia cảnh nhục nhã, khải hoàn chỉ có ở bên kia khổ hình.

  -    Và rồi các ông, đặc biệt Phêro đã học được bài học quí gía là không phải lúc nào cũng muốn được sống yên mãi trong phút giây hạnh phúc, mà luôn phải hành động, phải làm một cái gì.

  -    Hơn nữa còn cần có thời gian yên tĩnh để suy ngẫm, tôn thờ, kính yêu, phủ phục trước sự hiện diện của Thiên Chúa vinh quang.

  -    Ngày nay vẫn thế, chúng ta qúa bận rộn làm việc nọ việc kia, với công tác này, công trình nọ, trong lúc lẽ ra phải để chút thời gian yên lặng lắng nghe, xin ý kiến, học hỏi tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa, ít nhất là trước khi làm một việc quan trọng.

  -    Như Phero, khi được hưởng chút vinh quang giầu sang, sung sướng hạnh phúc, chúng ta cũng muốn kéo dài thời gian ấy, không muốn trở về với công việc hằng ngày, với bao vất vả lo toan, bao chiến đấu, hy sinh, khổ đau…

  -     Ước muốn ấy là chuyện của người phàm, nhưng Đức Giesu muốn chúng ta khắc ghi rằng, dù biết trước sẽ bị đói rách, khổ đau, bắt bớ, nhục hình, thiên tai, hoạn nạn… vẫn phải tin rằng tất cả chỉ là bất hạnh ở thế gian. Hãy can đảm chiu đựng, rồi mọi sự sẽ mau qua đi, rồi sẽ được chìm ngập trong vinh quang, là phần thưởng vô gía, là sự đền bù gấp bội.

  -    Vì thế sự kiện biến hình ban cho chúng ta là để chúng ta có thêm sức mạnh, thêm tin cậy, giúp hoàn thành công việc hằng ngày và can đảm bước đi theo Đức Kito.

  -   Bởi giờ phút vinh quang không xuất hiện vì chính nó, nó xuất hiện là để khoác vẻ đẹp long lanh, rực rỡ cho những công việc bình thường mà trước kia chúng chẳng hề có.

Lạy Chúa, Ngài đã lên núi cầu nguyện, đã được Thiên Chúa Cha đáp lại bằng sự vinh quang, chói ngời và cho Moisen và Elia cùng đàm đạo. Ngài như được tăng cường thêm sức mạnh, bình an, tin tưởng, trong cuộc cứu chuộc nhân loại, để Ngài có chịu chết trong khổ nhục thì cũng được sống lại vinh hiển.

Xin dạy chúng con cũng biết dành thời gian lên núi với Chúa, là những giờ phút được tiếp cận riêng với Ngài, để chúng con cũng được biến đổi bản thân, sẵn sàng chiến đấu, đón nhận khổ đau, thử thách mỗi ngày.

Xin lấy niềm vui, vinh quang của Ngài làm cho chúng con mạnh mẽ và trở nên mối dây yêu thương giữa mọi người, để tất cả được sống dồi dào, sẵn sàng bước theo đường Thiên Chúa đã định, hầu được sống lại trong vinh quang như Ngài. Vì Đức Giesu Chuá chúng con. (mượn ý)

Than men,

duyenky


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét