Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

TRÁI TIM HIẾN TẾ


TRÁI  TIM  HIẾN  TẾ
Thứ bảy - 07/03/2020-ĐGM GB Bùi Tuần




Nhiều tượng ảnh Chúa Giêsu đã gây ấn tượng. Nhất là tượng ảnh Trái Tim Chúa. Tay Người chỉ vào trái tim Người bị lưỡi đòng đâm sâu, và từ vết thương đó có máu và nước chảy ra.
Đôi khi nhìn ngắm cảnh tượng thương đau đó, tôi thầm nghĩ: Nếu lúc ấy, Đức Mẹ Maria, thánh Gioan và mấy bà đạo đức hiện diện đã lấy khăn thấm những giọt máu và nước quí báu đó, thì hay biết mấy. Khăn đó sẽ được trối lại qua các thời đại cho tới bây giờ. Nhờ khăn đó, chắc chắn vô vàn người sẽ nhớ đến Chúa, sẽ biết Chúa, sẽ tin theo Chúa.
Ý tưởng của tôi là rất chân thành. Nhưng không lâu, trong thinh lặng, tôi nghe từ thẳm sâu tâm hồn một Lời Chúa quen thuộc: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì các con. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,20).
Lời Chúa trên đây, tôi đã đọc nhiều lần trong Phúc Âm. Tôi cũng đọc hằng ngày trong thánh lễ. Với lời đó, Chúa dần dần dạy tôi về ý Chúa. Ý Chúa muốn các môn đệ Chúa không những nhớ đến Chúa, mà còn hãy góp phần vào việc cứu độ. Để được như vậy, các môn đệ Chúa cần nghĩ xa hơn việc giữ những kỷ vật thánh, lễ nghi thánh, và dâng lễ thánh. Nghĩ xa hơn, có nghĩa là hãy cùng với Chúa Giêsu làm việc cứu độ. Người đã làm việc nào, thì chúng ta cũng làm việc đó. Người đã hiến tế chính mình Người, thì chúng ta cũng hiến tế chính mình chúng ta.
Một ơn gọi
Từ cảm nghĩ đó, tôi nhận ra ơn gọi của người môn đệ Chúa Giêsu. Ơn gọi này không phải chỉ là truyền bá Tin Mừng, quy tụ dân Chúa, thông báo ý Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể, mà còn là hiến tế chính mình trong cuộc đời. Hiến tế bằng tình yêu và hy sinh. Cho dù một cách nào đó, người môn đệ Chúa sẽ phải chịu đóng đinh vào thánh giá, phải chịu cho trái tim mình bị đâm, để những giọt máu và nước sau cùng trong đó cũng đành đổ hết ra.
Nhận ra ơn gọi như thế, chúng ta sẽ thấy trước mắt nhiều đòi hỏi về hiến tế chính mình. Nhưng, nếu cần phải chọn một điểm quan trọng, để mà tập trung hiến tế, chúng ta có thể chọn trái tim mình. Trái tim sẽ là của lễ hiến tế quí giá bậc nhất. Trái tim sẽ là bàn thờ đẹp nhất để hiến tế.
Trong Phúc Âm, chính Chúa Giêsu, khi giới thiệu mình, cũng đã chỉ vào trái tim mình, mà nói: “Hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong trái tim” (Mt 11,28). Trong nhiều lần hiện ra, Chúa Giêsu cũng đã để lộ trái tim mình trước ngực. Một trái tim bị thương tích, một trái tim quấn vòng gai, một trái tim bốc cháy. Để qua hình ảnh trái tim đó, nhân loại hiểu: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Ngài hiến tế mình, vì vâng phục Chúa Cha và vì yêu loài người. Trái tim là biểu tượng tình yêu. Trái tim là nơi chứa đựng tình yêu.
Tới đây, câu hỏi cần đặt ra sẽ là: Phải huấn luyện trái tim ta thế nào, để nó trở thành trái tim hiến tế?
Thú thực là tôi không có một giáo án nào về vấn đề này. Hơn nữa những điều tôi biết về vấn đề này cũng chưa bao giờ được sắp xếp thành hệ thống. Ở đây, tôi chỉ xin mạo muội chia sẻ vài kinh nghiệm.
Kinh nghiệm thứ nhất là chúng ta đến với Chúa.
Này con xin đến với Chúa
Đến với Chúa Giêsu, trước hết là đến với Lời Chúa. Từ Kinh Thánh, Chúa luôn gọi ta. Thánh Kinh ghi lại rất nhiều lời nói về sự Chúa xót thương và chấp nhận hy sinh để cứu độ nhân loại. Chỉ riêng Phúc Âm thánh Gioan cũng đã là một kho tàng. Chúa gọi chúng ta đến kho tàng Kinh Thánh. Chúng ta xin đến. Đến để đọc Lời Chúa, để gẫm suy, để cảm tạ, để nguyện cầu. Khi chúng ta trung thành với việc đến với Lời Chúa như vậy, chúng ta sẽ cộng tác với Chúa trong việc huấn luyện đào tạo trái tim ta.
Dần dần trái tim ta trở nên khiêm nhường hơn, bác ái hơn, nhiệt thành hơn, sẵn sàng dấn thân hơn. Chúng ta sẽ cảm nghiệm được ý Chúa. Ý Chúa là hãy thực thi những gì Chúa muốn. “Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,7).
Ngoài ra, đến với Chúa là đến với Mình Thánh Chúa. Khi rước Mình Thánh, chầu Mình Thánh, chiêm niệm Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể, chúng ta sẽ dần dần được biến đổi. Đến một lúc nào đó, Chúa sẽ cho trái tim chúng ta ơn tái sinh trong Chúa Thánh Thần. Đó là ơn vô cùng trọng đại. Bởi vì “Không ai có thể thấy Nước Trời, nếu không được sinh lại bởi ơn trên” (Ga 3,3).
Hơn nữa, đến với Chúa là đến với Hội Thánh. Bởi vì Hội Thánh là một gia đình, một cộng đoàn, một dân tộc được Chúa thiết lập, trong đức tin và trong đức ái. Chúa luôn hiện diện trong Hội Thánh của Người, để Hội Thánh trở nên máng chuyển ơn Chúa xuống cho chúng ta. Trong ơn sai đi của Hội Thánh, trái tim ta cũng sẽ được sai đi làm chứng cho Tin Mừng. Và khi thực hành nhiệm vụ kẻ được sai đi, trái tim ta xác tín Chúa ở trong trái tim ta, như lời Người đã hứa: “Và đây, Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Sau cùng, đến với Chúa còn là đến với những người nghèo khổ. Bài Phúc Âm về ngày phán xét chung cho thấy: Chúa đồng hoá mình với những người nghèo khổ. Kinh nghiệm cũng cho hay: Tiếp xúc với những người nghèo khổ, chúng ta có thể cảm được nhiều chuyển biến tốt trong trái tim ta. Nhất là khi người nghèo lại là những người đạo đức. Xưa, hai môn đệ thánh Gioan Baotixita đến hỏi Chúa Giêsu: Thưa Thầy, Thầy ở đâu. Chúa Giêsu trả lời: “Cứ đến mà xem” (Ga 1,39). Họ đã đến nơi Chúa Giêsu sinh sống. Khi thấy tận mắt cảnh đơn sơ khó nghèo của Chúa Giêsu, họ đã mến phục Người và đã xin theo Người (Ga 1,35-39). Ai ngờ yếu tố đã lôi cuốn và thuyết phục trái tim hai người thanh niên đó lại chính là cảnh sống nghèo của một Đấng hiền lành khiêm tốn.
Khi ta đến với Chúa bằng nhiều cách khác nhau, đặc biệt là bằng bốn cách trên đây, trái tim chúng ta sẽ được đổi mới dần dần. Dần dần trái tim ta sẽ trở thành của lễ hiến tế và bàn thờ hiến tế với mức độ mỗi ngày mỗi cao hơn.
Nhưng, khi tới những mức độ cao, trái tim ta sẽ không tránh được mệt mỏi, ngại ngùng. Bởi vì Chúa sẽ đòi hỏi thêm. Nhiều khi trước những đòi hỏi của Chúa, trái tim ta sẽ cảm thấy bất lực. Vì thế, chúng ta cần cầu khẩn thiết tha, xin Chúa thương đến với ta.
Kinh nghiệm thứ hai là Chúa đến với ta.
Xin Chúa thương đến với con
Phải nói thực là: Chúa đòi hỏi rất nhiều nơi những trái tim nào muốn hiến tế mình vì mến Chúa và vì thương cứu các linh hồn.
Ngay một đòi hỏi phải nên như hạt lúa thối đi, cũng đã mệt rồi. “Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không thối đi, nó sẽ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ sinh ra được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).
Đối với trái tim, cái chết nào cũng gây nên đau đớn. Hết từ bỏ này, lại đến từ bỏ kia. Hết chấp nhận thánh giá cũ, lại phải chấp nhận thánh giá mới. Đó là những thứ chết đi. Trước hoàn cảnh như thế, không thiếu người đưa ra lời khích lệ: “Hãy can đảm và hoan lạc bước lên”. Lời khuyên đó có thể hữu ích cho một số người. Riêng đối với tôi, tôi xin thú thực là tôi khó có đủ can đảm và không hoan lạc gì, khi phải đớn đau, nhất là những đớn đau quá lớn.
Nhận thức sự thực đó, tôi khẩn cầu tha thiết với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin Chúa thương đến với con”. Chúa đến và dẫn tôi vào vườn Cây Dầu. Ở đó, Người cho tôi thấy: Chính Người cũng đã khiếp sợ trước những khổ đau sắp xảy tới cho Người. Người khiếp sợ, đến toát mồ hôi máu ra. Người quá ngại ngùng, đến nỗi đã khẩn cầu Chúa Cha: “ Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 25,39). Một lời đó thôi cũng đã đủ nói lên sự Người đã phải đớn đau, đã phải đấu tranh với chính mình, đã phải sợ hãi ngại ngùng đến mức độ nào.
Nếu hôm nay, một số môn đệ Chúa được sai vào những hoàn cảnh tương tự như thế, để hiến tế mình một cách khác thường, thì chúng ta cũng hãy làm như Đức Kitô đã làm xưa. Phải tha thiết cầu nguyện. “Xin Chúa thương đến với con”. Tôi chắc chắn: Chúa sẽ đến. Chúa sẽ đồng hành với ta trong suốt chặng đường hiến tế. Chúa sẽ cùng đau khổ với ta. Chúa sẽ ở bên ta. Chúa sẽ ở trong ta. Chúa sẽ cùng hiến tế với ta.
Thánh Têrêsa thành Lisieux cũng để lại một lời khuyên tương tự. Đại khái Ngài nói: Chúa bảo Ngài phải leo lên một cầu thang cao và dốc. Ngài chỉ là đứa bé yếu đuối, bước đi không vững. Mới bước lên, liền bị té ngã. Thử bước lại, cũng lại té ngã. Đến một lúc, Têrêsa xin Chúa: Xin Chúa đến với con. Chúa đoái thương. Chúa đích thân xuống và ẵm bé Têrêsa lên cầu thang, để ở lại bên Chúa.
Thành ra chính sự yếu đuối, chính thiện chí  và sự chân thành khiêm tốn của chúng ta lại là lời cầu khẩn đắc lực kéo ơn Chúa xuống, để ta sống ơn gọi hiến tế. Không phải các thứ hiến tế ồn ào lộng lẫy bên ngoài. Nhưng hiến tế âm thầm khiêm tốn trong cõi thẳm sâu của trái tim.
Thiết nghĩ những hiến tế này đang rất cần cho Hội Thánh Việt Nam hiện nay. Trước những biến chuyển phát sinh từ nội bộ Hội Thánh địa phương, trước những biến chuyển mới xuất hiện trong xã hội, và trước những biến chuyển phức tạp đến từ thế giới, Hội Thánh Việt Nam chúng ta rất cần nhiều ơn thánh Chúa, nhất là ơn cứu độ và ơn thánh hoá. Những ơn thánh này, một phần nào đó, sẽ chuyển vào các linh hồn qua những trái tim hiến tế theo gương Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét