Xin Hãy Thử Một Lần, Ăn Chậm Lại, Ngủ Ít Đi Và Thinh Lặng Nhiều Hơn
Ăn và ngủ chiếm hai chỗ đầu trong bộ “tứ khoái” của con người. Dân gian bảo “ăn được ngủ được là tiên” khó mà sai cho được. “Nói” lại là nhu cầu khác không thể thiếu trong đời sống tương giao, dù đó là lời từ miệng phát ra hay những dấu hiệu của ngôn ngữ hình thể. Nhưng chuẩn mực “ăn bao lâu”, “ngủ mấy giờ” hay “nói mức độ nào” rất khó để trả lời. Tuy nhiên, trong một thế giới cuồng quay với công việc cùng lối sống nhanh vội và hưởng thụ, bạn có nghĩ mình nên ăn chậm lại, ngủ ít đi và thinh lặng nhiều hơn một chút?
Khoa học chứng minh rằng, mất khoảng 20 phút từ lúc bắt đầu ăn để não bộ con người có thể gửi đi tín hiệu no. Ăn chậm rãi giúp ta có nhiều thời gian hơn để não phát đi tín hiệu. Cảm giác no khiến bạn ăn vừa đủ.[1] Như thế, thời lượng tối thiểu của bữa ăn là 20 phút để bạn không ăn quá những gì cơ thể đòi hỏi. Đó là chuyện bảo vệ sức khoẻ. Có khi việc ăn chậm lại còn mang đến cho bạn nhiều điều hơn thế.
Nhai kỹ, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi của hạt cơm trắng dẻo, mang theo cả hương đồng gió nội quyện hoà. Có khi là cảm giác khô khốc và nóng bức của những ngày hạn hán, và cả sự ướt át những ngày nước nổi mùa đông. Vị đắng của cải xanh đâu chỉ là vị đắng tự nhiên vốn dĩ. Trong đó còn có cả vị chát mặn của nước mắt và mồ hôi. Ăn chậm lại, bạn có dịp để cảm nhận cả thiên nhiên và cuộc sống được tái hiện sống động trong mình.
7 đến 8 tiếng là thời gian lý tưởng cho việc ngủ mỗi ngày. Lời mời gọi “ngủ ít đi” không mang nghĩa cắt giảm thời lượng lý tưởng này. Hơn thế, “ngủ ít đi” ước mong kéo bạn về trung dung nếu bạn đang dành quá nhiều giờ để ngủ. “Đời người có một gang tay, ai hay ngủ ngày còn được nửa gang,” hậu quả của việc ngủ nhiều rõ ràng là phí phạm thời gian. Đời sẽ ngắn lại nếu người ta thay vì tỉnh táo lại chỉ biết ngủ vùi. Những ngủ vùi của men rượu, thuốc kích thích và biết bao vui thú trần đời. Còn nữa, ngủ nhiều đồng nghĩa mắt bạn sẽ nhắm lại nhiều hơn.
Bạn sẽ không có nhiều thời gian để nhìn ngắm thế giới quanh mình. Hừng đông mỗi sáng, những giọt sương mai, trước sân lá rụng, chim chóc chuyền cành… bạn bỏ lỡ hầu như tất cả. Đôi mắt nhắm, bạn vẫn chìm sâu vào cõi mộng trong khi vạn vật đang vần xoay từng phút giây. Ngủ nhiều hơn đồng nghĩa bạn phải tất bật hơn sau khi thức dậy. Đôi mắt thức vì thế chỉ còn chăm chú bước đi, lướt qua những ổ gà, đám bụi và rác rưởi; bỏ lại sau lưng gánh hàng rong và những em bán vé số bên đường.
“Thinh lặng nhiều hơn” nghĩa là nói ít hơn. Nói nhiều thì dễ sai nhiều. Người khôn ngoan chỉ nói khi cần thiết. Thinh lặng gìn giữ bạn khỏi những tai vạ miệng lưỡi. Nhưng thinh lặng không chỉ để giữ mình, thinh lặng còn để lắng nghe. Làm sao bạn nghe khi bạn đang nói? Im lặng là chuẩn bị và sẵn sàng cho lắng nghe. Bạn có nghe bản hòa ca giữa tiếng gió, tiếng chim và tiếng gà mỗi sớm? Sóng vỗ, suối reo có là đối tượng của đôi tai bạn? Bạn có để ý tiếng xe ồn ào không nghỉ, tiếng mì gõ về đêm, cả tiếng thở dài của bà hàng xóm nghèo khuya vắng, tiếng khóc ai oán của những người thấp cổ bé họng? Cả tiếng lòng của chính mình, bạn có nghe thấu chăng?
Xin hãy thử một lần, ăn chậm lại, ngủ ít đi và thinh lặng nhiều hơn, biết đâu bạn sẽ nhận thấy cuộc sống này đẹp hơn chút nào đấy.
Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.
(dongten.net 10.10.2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét