Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

THAM DỰ HỒI TÂM, NGHE GIẢNG VỚI TÂM LÝ NÀO?!


THAM  DỰ  HỒI  TÂM,  NGHE  GIẢNG  VỚI  TÂM  LÝ  NÀO?!
Trần Mỹ Duyệt

Trong những dịp đặc biệt như Mùa Vọng, Mùa Chay, mừng bổn mạng, mừng ngân khánh, kim khánh… các giáo xứ, các hội đoàn thường chuẩn bị bằng những buổi hồi tâm, tĩnh tâm, hội thảo. Trong những trường hợp này, người tham dự luôn luôn được nghe những bài giảng, bài nói chuyện với những chủ đề hấp dẫn, và dĩ nhiên, được trình bày do những thuyết trình viên, những nhà chuyên môn đạo đức, có bằng cấp, uy tín và địa vị.

Nguyên việc những dịp như vậy được gọi là đặc biệt, và nghe danh những thuyết trình viên, những nhà giảng thuyết tên tuổi, những đề tài hấp dẫn như vậy đã khiến cho tâm lý người nghe nổi lên nhiều háo hức, tò mò và mong được tham dự. Tâm lỳ ấy cũng tạo nên điểm tích cực trong việc đón nhận những nội dung được trình bày. Mặt khác nó cũng làm cho nhiều người có cảm giác ảo mộng về những gì mình được nghe, và từ đó dễ dẫn đến những điều tiêu cực.

Sau đây là một thí dụ, Mùa Vọng năm nay, giáo xứ chúng tôi mời được vị giảng thuyết từ Việt Nam qua. Trên tờ thông tin liên lạc của giáo xứ cả tháng trước đã giới thiệu tiểu sử của ngài, đề tài của 3 buổi tĩnh tâm.  Trong các thánh lễ trước đó cũng đã được cha xứ, cha phó, các vị chủ tịch nhắc nhở, mời gọi, tạo nên không khí chờ đợi, mong ngóng. Giáo dân thì kháo láo với nhau về nhà giảng thuyết và đề tài qua những trao đổi, và nhận định khác nhau. Ngày khai mạc, vô tình tôi gặp một người bạn được cho là “trí thức” và cũng có đôi chút ảnh hưởng trong cộng đồng. Chúng tôi chào hỏi nhau theo cách thức bình thường, rồi ai nấy tìm cho mình một chỗ ngồi trong thánh đường. Hôm sau tôi không thấy anh, và hôm sau nữa cũng không thấy anh. Giáng Sinh tôi lại tình cờ gặp anh và hỏi tại sao không thấy anh tiếp tục tham dự hồi tâm Mùa Vọng. Anh mỉm cười và không trả lời. Nhưng tôi hiểu qua ánh mắt và nụ cười ấy anh muốn nói gì?!

Một hình ảnh khác, mới cách đây vào tuần trước, trong buổi gặp gỡ của một nhóm anh chị em trong sinh hoạt gia đình, một chị đã say sưa nói về cảm tưởng mà chị vừa trải qua trong buổi tĩnh tâm Mùa Chay. Chị cũng không ngớt lời ca tụng vị giảng thuyết: Thánh thiện, thông thái, và dễ mến. Chị còn chia sẻ thêm là từ đó (mới chỉ hơn hai ngày thôi), chị cầu nguyện sốt sắng hơn, nói chuyện với Chúa hàng giờ, và thấy được hạnh phúc, tâm hồn bình an, sung sướng. Chị thấy Chúa gần gũi, và đáng mến dường bao!

Hai thái độ trên, theo tôi, đã phản ảnh phần lớn tâm lý của nhiều người khi tham dự những buổi hồi tâm, thuyết trình, hội thảo hay diễn thuyết: 1) Có người tham dự vì mình. 2) Có người tham dự vì người khác. 3) Có người tham dự vì hiếu kỳ. Và 4) Có người tham dự vì đám đông.

THAM DỰ VÌ MÌNH
Những người tham dự các buổi tĩnh tâm, hồi tâm, hội thảo hay thuyết trình vì mình hay cho mình thường bao giờ cũng mang tâm lý lạc quan, học hỏi, tìm hiểu. Họ là những người có tinh thần cầu tiến. Câu nói bình dân mà những người này thường áp dụng là: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Dù họ là ai - người hiểu biết, học thức hay địa vị - họ vẫn đến tham dự những buổi tổ chức ấy bằng ý thức rất thật về mình: “Biển học mênh mông, cái biết của mình chỉ là giới hạn”. Do đó, họ không phê bình, bắt bẻ, hoặc khắt khe chê bai thuyết trình viên hay các vị giảng thuyết mặc dù có những điều mà họ đồng ý hay không đồng ý; ngay cả trong những lãnh vực mà họ chuyên môn, thâm cứu hơn. Điều quan trọng họ muốn tìm hiểu là nội dung người trình bày muốn chuyên chở, mà họ là người nghe đang cần lúc này.

Và họ cũng thường là những người đến đúng giờ, tham dự nghiêm chỉnh và ra về một cách thoải mái. Tóm lại, những người này đến để học hỏi, tìm kiếm một điểm gì tốt, thích hợp cho mình để suy nghĩ, và để sống. Đây là tâm lý tích cực. Nó luôn đem lại những kết quả tốt cho những ai đến các buổi hồi tâm, hội thảo, thuyết trình hay cấm phòng. Nó cũng là tâm tình “đến mà xem” đã được Chúa Giêsu trả lời cho hai môn đệ khi họ muốn tìm biết nơi Ngài ở.

THAM DỰ VÌ NGƯỜI KHÁC
Trái ngược với tâm lý vì mình là vì người khác. Những người tham dự với tâm lý vì người khác họ đến để nghe, để xem cha giảng phòng, thuyết trình viên nói gì? Trình bày như thế nào? Những điều ấy có phù hợp với hiểu biết, quan điểm, phán đoán và cái nhìn của họ hay không? Nếu hợp ý họ, họ sẽ không ngớt lời ca ngợi. Nhưng nhất là những điều ấy có dùng được để khi về họ tố cáo chồng, vợ, cha, mẹ, con, cháu hoặc những người chung quanh hay không?

Trở lại câu chuyện mà tôi đã nêu lên ở trên về người chị em đã không ngớt lời khen cha giảng phòng: Đạo đức, duyên dáng, dí dỏm, tư tưởng mới lạ, hữu ích và chuyên môn. Nhưng theo tôi, không biết những điều này có giúp gì cho đời sống tâm linh và đổi mới tâm hồn của một người hay không? Trên thực tế, cá nhân tôi cũng từng được nghe những nhận xét tương tự mỗi khi thuyết trình ở đây đó. Trong những trường hợp như vậy, tôi thường thân mật trả lời: “Cám ơn! Tôi ước gì ở nhà bà xã tôi cũng lâu lâu khen tôi được một vài câu như vậy”.

Cái nhìn ảo tưởng này còn dễ đem đến những kết luận tiêu cực. Nó thường là đề tài của những tranh chấp giữa vợ chồng, giữa những người thân trong gia đình. Thật ra, chính Chúa Giêsu cũng đã cảnh báo trước: “Hãy nghe những gì chúng nói, mà đừng bắt chước những gì chúng làm” (Mt 23:3). Và điều này cũng nhắc lại một câu truyện lý thú giữa hai vợ chồng đang ngồi trong rạp xinê. Cô vợ nhìn cảnh tình tứ trên màn ảnh, ghé vào tai chồng:

- Anh xem kìa, đôi tình nhân hôn nhau lãng mạn, tình tứ quá. Em ước gì cũng được anh hôn như vậy.

Người chồng không kém dí dỏm, thì thầm bên tai vợ:

- Em ơi! Thằng tài tử đó hôn nồng nàn, say đắm như thế vì không những được hôn miễn phí mà còn được trả tiền nữa!

Trên thực tế, những người tham dự các buổi hồi tâm, tĩnh tâm, cấm phòng, hay thuyết trình vì người khác là những người thường đến đó chỉ để nghe những gì mà họ muốn chồng, vợ, cha, mẹ, hay con cháu họ phải sửa đổi, phải thực hành. Nghe rồi để đó về nhà nếu thấy những ai đó làm sai ý mình, không như mình nghĩ liền đem ra so sánh, chì chiết, và chê bai: “Anh có nghe cha giảng phòng nói hôm đó là chồng phải thương yêu vợ không” Hoặc: “Em có nghe cha nhắc lại câu thánh kinh: “Chồng là đầu của vợ, như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh” (Eph 5:23) không?” Một sự so sánh thiếu chuẩn mực, không chính xác.

THAM DỰ VÌ HIẾU KỲ
Trường hợp của người bạn tôi nhắc đến ở câu chuyện đầu có thể đến buổi cấm phòng lần đó vì hiếu kỳ? Nghe giới thiệu hấp dẫn. Đề tài mang nội dung chuyên môn, phong phú. Đến thử một lần xem có đúng như những gì thiên hạ đồn đãi không? Tự trong thâm tâm, người hiếu kỳ đã có sẵn những mặc cảm nghi kỵ, bắt bẻ, và phê phán. Do đó, những người này đến với những buổi hội thảo, hồi tâm, học hỏi thường bằng thái độ thờ ơ, nếu không muốn nói là “biết rồi khổ quá nói mãi” để mong phê phán, bắt bẻ hơn để học hỏi.

Với tâm trạng ấy, người thuyết trình viên, cha giảng phòng hoặc bất cứ nhà giảng thuyết nào dù thông thái, đạo đức, khôn ngoan và nhiều kinh nghiệm mấy đi nữa cũng không hài lòng những người này. Bởi vì, họ cho rằng tự mình họ, họ đã biết đủ, đã hiểu đủ, đến là để nghe thử, xem thử và coi thử có giống như thiên hạ đồn đại và giới thiệu hay không! Đến để nghe và để sửa sai người khác.   

Tâm lý hiếu kỳ cũng mang sẵn tâm lý chối từ. Với tâm trạng đến để nghe cho biết, những người này sẽ loại bỏ, sẽ từ chối tất cả những tư tưởng, những ý kiến không phù hợp với họ. Họ thường ra về với đầu óc trống rỗng và thất vọng. 

THAM DỰ VÌ ĐÁM ĐÔNG
Có lẽ đây là thuộc về số đông. Người này đi, người kia đi, tôi cũng đi, Không đi sợ bị chê là mình khôn khan, nguội lạnh, thiếu đạo đức, thiếu tinh thần.

Những người tham dự hồi tâm, tĩnh tâm, hội thảo kiểu này thường đến trễ, về sớm. Họ không quan tâm đến những lời giảng giải. Thân xác ngồi đó mà tâm trí bay bổng, ngao du những nơi nào khác. Thấy người khác vỗ tay, mình vỗ tay. Người khác xụt xùi cảm động, mình cũng xụt xùi xúc động. Họ thường tránh né những câu hỏi, hoặc ngại ngùng khi phải trả lời do thuyết trình viên, giảng viên nêu ra.    

Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, họ thường lại là những người dễ bị tâm lý quần chúng tác dụng nhất. Khóc lóc, thổn thức và bừng bừng lửa mến như kiểu Phêrô trên núi lúc Chúa biến hình: “Lạy Thầy được ở đây thì tốt lắm” (Mt 17:4). Riêng trong lãnh vực đạo đức, để thảo mãn tâm lý này, nhiều cha giảng phòng thường dùng những câu truyện hài hước, những ví dụ rẻ tiền, thiếu thực tế mong tạo được tiếng cười, những giây phút thoải mái của người nghe. Nhưng đây là một thực hành tiêu cực rất đáng tiếc, vì sau những trận cười đó, ra về người nghe không học hỏi được gì.

KẾT LUẬN TỰ VẤN
4 trong số những người thường đến với các buổi hồi tâm, tĩnh tâm, chia sẻ, cầu nguyện, và hội thảo, bạn thuộc loại người nào? Mùa Chay cũng chỉ mới bắt đầu. Hãy chọn cho mình một mẫu người tham dự khi đến với những buổi hồi tâm, tĩnh tâm, cấm phòng hay hội thảo.

Tác giả:  Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét