Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

ĐI CHỢ MÙA DỊCH COVID-19


ĐI  CHỢ  MÙA  DỊCH  COVID-19
Trần Mỹ Duyệt




Đố ai không hoảng sợ và lo lắng trong mùa đại dịch này? Nghe tin tức trên TV, các đài phát thanh, youtube, facebook, emails chỗ nào cũng chỉ nghe, chỉ nói đến Corona virus, Covid-19 hay China virus. Hết quốc gia này đến quốc gia khác phong tỏa đi lại, phong tỏa giao thương, buôn bán, nhập cảnh. Hết đạo luật này đến đạo luật khác được đưa ra nhằm đề phòng khả năng lan lây dịch bệnh. Tại thủ đô tỵ nạn người Việt là Orange County, CA những biện pháp an toàn này cũng được ra rả lập đi, lập lại trên các phương tiện truyền thông. Mới đầu cấm tụ tập quá 250 người, sau đó giảm xuống 50 người và bây giờ thì 10 người. Những người già yếu trên 65 tuổi phải ở nhà. Ngay cả thanh niên trai tráng cũng chỉ được ra đường khi có những lý do rất cần thiết như đi chợ, đi bệnh viện, đổ xăng, hoặc dắt chó đi tiêu, tiểu. Buồn ơi, chào mi!

Luật pháp nghiêm minh như thế, mà Chúa nhật vừa qua mình cũng phải bất đắc dĩ xuất hành “đi chợ”. Chợ Mỹ là Sam’s club chứ không phải mấy chợ Việt hoặc chợ Tầu. Lý do phải đi chợ nó rất vô duyên đến nỗi nghe nói tới ai cũng phải cười: Mua mấy hộp thức ăn khô, một nải chuối, một két nước, một bình sữa, và đặc biệt là một thùng giấy vệ sinh. Nghe mình đi chợ, mấy cô bạn làm cùng bệnh viện với bà xã í ới nhờ mua sữa cho con mấy cô, và dĩ nhiên là mua ké mấy thùng giấy vệ sinh. Nhưng luật là luật, mỗi người chỉ được một thùng giấy vệ sinh mà thôi. Do đó, cái màn mua ké kể như không tính tới.

Nghe lời khuyên khôn ngoan của bà xã (bà xã thì lúc nào cũng khôn ngoan), là phải đi sớm, và nhớ mặc áo, đội mũ cho ấm. Nhưng sớm là bao nhiêu? Cứ tưởng 30 phút trước giờ mở cửa cũng là sớm lắm rồi, nào ngờ khi lái xe đến bãi đậu mới thấy, ô kìa, một đoàn người rồng rắn sắp hàng chung quanh tòa nhà ra mãi tận cuối con đường kế bên. Thoạt nhìn là thấy nản, nhưng về sao được, lệnh trên ban ra, không mua lần này cũng phải mua lần sau. Không chờ đợi lần này cũng phải chờ đợi lần tới. Và thế là đành phải xếp hàng để nối đuôi nhau đi vào siêu thị.

Nhờ con Corona mà có dịp quan sát kỹ hơn, nhìn nhận kỹ hơn thái độ của đám đông, của quần chúng, trong trường hợp đối diện với những khó khăn chung như vậy. Vừa đi, vừa nghe thiên hạ kháo láo với nhau, tiếng Mễ có, tiếng Anh có, tiếng Việt có, và tiếng Tàu có, cứ thế mỗi người một ý nhờ vậy mà đoạn đường chờ đợi được cắt ngắn. Tiếng Tàu và tiếng Mễ nghe không hiểu, nhưng tiếng Anh và tiếng Việt thì nghe được, hiểu được. Đây là mẩu đối thoại của một ông Mỹ già đi trước:

-Bà cứ ở nhà chờ đừng có hối. Hàng còn dài lắm, không rút ngắn được. Mà bà bảo tôi mua gì nhỉ? Tôi quên rồi?

-Sữa. Sữa cho ông và tôi dùng ăn sáng. Giấy đi cầu. Cứ mỗi lần ông ho là lại són ra quần nên phải mua nhiều nhiều vào. Nếu không thì không đủ. Già rồi nó khổ chưa?

Và cũng lại giấy đi cầu, một chị Việt Nam đi sau tôi cứ lẻo nhẻo với chồng:

-Anh mà đi như vầy thì tới nơi chỉ còn mấy cái thùng rỗng chứ giấy đi cầu làm gì còn. Phải tìm cách len lỏi về phía trước cho nhanh.

-Em điên hả? Mình đang ở Mỹ chứ có phải ở Cầu Ông Lãnh hay ngã ba chuồng chó ở Việt Nam đâu mà nghĩ đến cái màn chen lấn, chộp giật.

-Ơi! Cứ quân tử Tàu theo lối Mỹ đi như vậy thì chả biết Mỹ hay Việt ai hơn ai. Đến nơi mà hết giấy đi cầu thì anh biết tay tôi.

Dĩ nhiên là đi đến siêu thị, người ta mua nhiều thứ nhưng xem như giấy vệ sinh là chính, vì trước đó loại giấy này biến mất khỏi các gian hàng từ Sam đến Costco, ngay cả Target. Có thể vì tâm lý hoang mang, lo lắng, và nhất là cái tâm lý ích kỷ đã khiến cho nhiều người hốt hoảng, tạo điều kiện cho các nhà tư bản có lý do làm giầu. Các chợ thực phẩm của người Việt, người Tàu cũng vậy. Ba hôm trước lái xe chở vợ đến một chợ Việt Nam. Ở đó, người ta còn đầu cơ tích trữ hơn ở các siêu thị Mỹ. Con buôn Việt và Trung hoa thính mũi, bắt kịp nhu cầu người mua nên tha hồ ép giá. Đống gạo trước đó chình ình ở cửa ra vào chờ người vác đi không ai thèm để ý tới, vậy mà nhờ con Corona, người người bảo nhau ùn ùn tới khuân đi không còn một bao. Mấy chủ chợ chắc cười thầm, phen này mấy trăm bao gạo ẩm, gạo cũ nhờ trời được khách hàng mua hết mà lại còn bán được giá cao. Cám ơn trời phật, cám ơn corona virus.

Nhưng tại sao lại phải lo lắng, sợ hãi và hoảng hốt? Trong cuộc sống có tới 80% những cái người ta lo sợ đã không bao giờ sảy ra. Sợ chỉ để sợ, lo lắng chỉ để lo lắng, và hoảng loạn chỉ để mà hoảng loạn, Thực tế có ai biết ngày mai sẽ ra sao. Trong Thánh Kinh có tới 365 lần Chúa nhắc tới hai chữ “đừng sợ”. Nếu đem chia đều một năm 365 ngày, thì mỗi ngày Chúa đều bảo chúng ta đừng sợ. Sợ gì, “mai hãy để mai lo, sự khó ngày nào đủ cho ngày ấy” (Mt 6:34).

Như vậy là không nên lo lắng gì, cứ việc sống vô tư, không bận tâm? Không phải vậy. Trong cái hốt hoảng, sợ hãi nó tiềm ẩn sẵn yếu tố của sự bình an, và lo liệu. Đây là điểm tích cực của tâm lý sợ hãi. Chính trong cái sợ hãi, giúp ta có cái nhìn tiên liệu và sự quyết đoán khôn ngoan cho tương lai. Và đây là điều mà mọi người phải suy nghĩ và sống theo sự quan phòng của Cha trên trời.

Cho đến hôm nay, nhờ cơn dịch bệnh, người ta đã khám phá ra tâm lý ích kỷ và vô cảm của một số người. Lợi dụng nhân loại đang đau khổ để đầu cơ, trục lợi. Cười nhạo trên sự đau khổ của người khác. Đây là tâm lý bệnh hoạn, tâm lý của những trái tim và khối óc vô cảm.

Ngoài ra, chúng ta cũng nhận ra sự hốt hoảng của đa số căn cứ vào đám đông, vào tâm lý quần chúng để tự mình hoang mang, sợ hãi. Và từ sự sợ hãi ấy ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, gia đình, và xã hội.

Một số ít nhận ra điểm tích cực trong những lo lắng ấy. Phải chăng đây là cơ hội giúp mình nhìn lại những quyết định khôn ngoan cho mình, gia đình, và cuộc sống khi phải đối phó với những khó khăn, và thử thách như bệnh dịch Corona chẳng hạn. Và nếu có một thời điểm cần phải ở nhà, thì đây chính là thời gian tốt để thực hiện những điều mình nghĩ là tốt cho mình, cho chồng, cho vợ, cho con cháu mà thường ngày do sức ép của công việc bận rộn mình đã không làm được.

Tóm lại, “đừng sợ”. Vì chỉ khi nào tỉnh táo và bình tĩnh, chúng ta mới đủ khôn ngoan để giải quyết những khó khăn, bất trắc, dù lớn hay nhỏ trong cuộc sống. Hơn nữa, chúng ta còn phải sống phó thác, quan phòng vào bàn tay nhân hiền của Cha trên trời. Chính Ngài gọi ta từ hư không, chính Ngài vẫn thường ngày lo lắng, chăm lo cho ta. “Dù đã tạo dựng nên ta, nhưng nếu có giây phút nào Ngài quên không nghĩ đến ta, lập tức, giây phút đó ta trở về hư không ngay.” (St. Tomas A’quinas)      

Tác giả:  Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét