Hầu hết chúng ta đều mắc phải sai lầm này sau khi ăn xong
- Minh Minh
- •
- • trithucvn.net
Ăn hoa quả, uống trà, hút thuốc lá…đều là những hành động quen thuộc mà hầu hết ai cũng mắc phải sau bữa cơm. Bạn hoàn toàn có thể ăn, uống những thứ mình thích, nhưng hãy chú ý thời gian để không biến những việc làm tưởng như vô hại lại gây ra ảnh hưởng lớn cho sức khỏe sau này. Dưới đây là những việc bạn không nên làm ngay sau khi ăn xong.
1. Tắm
Khi quá no hoặc đói, bạn đều không nên tắm. Tắm lúc đói dễ làm bạn bị chóng mặt, ngất xỉu vì lượng đường trong máu đang ở mức thấp nhất. Còn tắm khi quá no sẽ làm giảm nhiệt độ của cơ thể, khiến lưu thông máu bị chuyển hướng từ hệ tiêu hóa tới da để làm ổn định lại nhiệt độ. Về lâu dài bạn có thể mắc các bệnh về đường ruột, dạ dày. Bạn nên tắm hai tiếng trước khi ăn hoặc một tiếng sau khi ăn.
2. Uống trà
Người Việt Nam, đặc biệt là người lớn tuổi, thường có thói quen uống trà sau khi ăn cơm như một hình thức làm sạch miệng. Thực tế thì trong trà chứa hàm lượng tanin cao cùng nhiều hợp chất có tính kiềm khác mà khi đi sâu vào dạ dày sẽ làm ức chế quá trình phân giải chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Chỉ uống 15ml nước trà đã đủ làm cơ thể bạn giảm khả năng hấp thụ chất sắt. Nếu tình trạng này kéo dài thì bạn sẽ bị thiếu máu do thiếu sắt. Chất tanin khi được kết hợp với protein có trong các thực phẩm như: thịt, sữa, trứng, thực phẩm họ đậu… sẽ tạo thành những chất cặn khó tiêu, các chất kết tủa và tạo sỏi. Tanin và theocin trong trà còn có khả năng ức chế sự bài tiết của dịch vị và dịch ruột, không tốt cho tiêu hóa.
3. Uống nước lạnh
Tất nhiên chúng ta có thể uống nước sau khi ăn, nhưng đó là một cốc nước nhỏ, nước ấm hoặc nước ở nhiệt độ phòng chứ không phải một cốc nước lạnh toát. Trong bữa ăn, chúng ta nạp vào chất béo nhưng sau đó lại đột ngột uống nước lạnh khiến chất béo bị co, khó tiêu hóa hơn. Dạ dày sẽ tiêu hóa những thức ăn có nhiệt độ tương đương với cơ thể nhanh hơn, uống nước quá nóng hay quá lạnh đều khiến hệ tiêu hóa dễ bị rối loạn do nhiệt độ thay đổi đột ngột, có thể dẫn đến tiêu chảy. Thân nhiệt bình thường của con người ở khoảng 37 °C, nên khi bạn uống nước lạnh cơ thể sẽ phải dùng nhiều năng lượng hơn để làm cho cơ thể về lại nhiệt độ bình thường. Trong khi ăn xong, cơ thể cần nhiều năng lượng để tiêu hóa và hấp thu lượng thức ăn, bạn uống ngay nước lạnh vào thì năng lượng ấy sẽ phải dùng để điều hòa nhiệt độ, không còn đủ năng lượng để hấp thu chất dinh dưỡng một cách tối ưu.
4. Đọc sách
Vì bạn phải dồn hết sự tập trung vào các trang sách, nên quá trình tiêu hóa thức ăn sẽ bị chậm lại. Bởi máu sẽ dồn lên não thay vì xuống dạ dày và hệ thần kinh tập trung vào việc đọc sách hơn là tiêu hóa thức ăn. Bạn nên chờ 1-3 tiếng sau ăn mới chuyển sang đọc sách.
5. Ăn hoa quả
Thức ăn trong bữa chính chưa kịp tiêu hóa hết mà bạn đã dồn thêm thứ mới sẽ khiến cho dạ dày hoạt động quá sức. Chưa kể thành phần trái cây có chứa một số lượng lớn các loại axit, đường, glucose, fructose, tinh bột… càng làm tăng thêm sự trì trệ tại cơ quan tiêu hóa. Chất plavon có trong nho, cam, quýt, lê dễ bị vi khuẩn đường ruột phân giải thành axit tioxianic làm ức chế công năng của tuyến giáp trạng, về lâu dài sẽ gây bệnh ở tuyến này. Để tăng giá trị dinh dưỡng từ các loại trái cây, bạn không nên ăn trái cây lúc bụng đói hay ngay sau bữa ăn của mình. Thay vào đó, thời điểm tốt nhất để bạn ăn trái cây là trước và sau khi tập thể dục. Trong trường hợp bạn muốn ăn trái cây sau bữa cơm thì phải chờ khoảng 2 tiếng để thức ăn tiêu hóa hết.
6. Đi ngủ
Các cụ đã dạy “căng da bụng chùng da mắt”, nhưng bạn nên cố gắng giữ cho mắt mở to ít nhất 30 phút sau ăn. Sau khi ăn no, đặc biệt là những người cao tuổi không nên đi ngủ ngay. Lý do là ăn no sau đó ngủ ngay sẽ khiến dạ dày căng to, đẩy cơ hoành lên chèn ép cản trở hoạt động của tim. Ngoài ra, nằm ngay sau bữa ăn làm tăng sức ép đối khả năng tiêu hoá thức ăn của dạ dày. Lượng thức thức ăn trong dạ dày không được tiêu hoá hết làm cơ thể luôn mệt mỏi, khó chịu sau khi ngủ dậy. Ngủ ngay sau bữa ăn khiến lượng axit trong dạ dày tăng cao. Axit dư thừa do dạ dày tiết ra có thể đi lên ngực gây ợ nóng. Theo một nghiên cứu của Đại học Ioannina (Hy Lạp) trên 500 người, trong đó 250 người từng bị đột quỵ và 250 người được chẩn đoán có hội chứng mạch vành cấp tính cho thấy, kết quả là những người có khoảng cách giữa giờ ăn và ngủ dài nhất sẽ ít nguy cơ bị đột quỵ nhất.
7. Hút thuốc lá
Nếu hút thuốc vào lúc này, cường độ hấp thụ khói của phổi và các mô khắp cơ thể tăng mạnh, dẫn tới hấp thu phải lượng lớn các thành phần có hại trong thuốc lá, có tác dụng kích thích rất mạnh đối với hệ hô hấp và tiêu hóa, mang lại tổn thương cho các cơ quan chức năng và các mô trên cơ thể lớn hơn nhiều so với hút thuốc lúc bình thường. Hút thuốc lá sau khi ăn có thể dẫn đến hội chứng ruột kích thích và gây viêm loét đại tràng.
8. Vận động mạnh
Sau khi ăn, dạ dày no căng, ruột cũng sắp khẩn trương làm việc, cần điều động một lượng máu lớn. Nếu lao động nặng hoặc làm việc trí não khẩn trương ngay sau khi ăn, máu trong cơ thể sẽ dồn ra cơ bắp hoặc đại não, dạ dày và ruột chỉ được nhận phần ít ỏi còn lại. Do đó, thức ăn không được tiêu hóa tốt, lâu ngày sẽ dẫn đến các bệnh về tiêu hóa như chướng bụng hoặc đau dạ dày. Vì vậy, trước và sau khi ăn, bạn đều nên ngồi nghỉ một lát. Đi bộ khoảng 100 bước sau khi ăn có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa, làm tăng tốc quá trình trao đổi chất của cơ thể, cải thiện giấc ngủ, giảm tích tụ chất béo và duy trì thể hình. Bạn lưu ý là phải đi thật chậm rãi, nhẹ nhàng. Hoặc bạn có thể xoa ấm bàn tay, lấy rốn làm tâm điểm, xoa quanh vòng bụng 20 vòng theo chiều kim đồng hồ và xoa ngược lại 20 vòng nữa. Đây không thể tính là một bài thể dục nhưng cũng là cách hành động hợp lý sau khi ăn no.
Minh Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét