Tại sao chúng ta tự lừa dối mình?
3/2/2020-baoconggiao
tai-sao-chung-ta-tu-lua-doi-minh.jpg
Trong sứ điệp Mùa Chay
năm 2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh báo chúng ta: “Ai tin vào lời loan báo
này cũng đều bác bỏ lời dối trá nói rằng sự sống của chúng ta là từ chính chúng
ta, đang khi thực sự sự sống ấy sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa Cha, từ
thánh ý của Ngài muốn cho chúng ta được sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Ngược lại,
nếu chúng ta nghe theo tiếng nói quyến rũ của “cha kẻ dối trá” (Ga 8,44), chúng
ta có nguy cơ rơi vào vực thẳm vô nghĩa, và sống cảnh địa ngục ngay ở đây trên
trái đất này, như nhiều biến cố bi thảm theo kinh nghiệm của cá nhân cũng như cộng
đồng nhân loại đã chứng minh điều ấy một cách đáng buồn.” [1]
Vậy tác hại của sự dối
trá, cách riêng của sự tự dối mình là gì? Ở đây xin được đưa ra 7 tác hại của sự
tự dối mình.
Trước hết, ai bị xúc phạm
bởi những lời dối trá?
Vâng, rõ ràng là Thiên
Chúa bị xúc phạm, như đã thấy trong điều răn chống lại “việc làm chứng gian hại
người” (x. Xh 20,16).
Một điều rõ ràng nữa là
tha nhân cũng bị xúc phạm bởi những lời dối trá, như văn hào Michel de
Montaigne đã diễn tả cách hùng hồn rằng:
Dối trá thực sự là một tật
xấu đáng nguyền rủa, chúng ta là con người, và chúng ta có tương giao với nhau
chỉ bằng lời nói. Nếu chúng ta đã nhận ra được sự kinh tởm và trầm trọng của lời
dối trá, chúng ta hãy dùng lửa để trừng phạt nó một cách đích đáng hơn bất kỳ tội
ác nào khác.
Một nạn nhân của sự dối
trá ít được để ý tới là chính bản thân chúng ta. Fyodor Dostoyevsky, trong kiệt
tác của mình, anh em nhà Karamazov, đưa
ra một câu chuyện đáng sợ về tác hại đối với linh hồn của một người là, chính
người đó có thói quen tự lừa dối mình:
Kẻ tự dối mình và nghe lời
dối trá ấy thường đi đến chỗ không phân biệt được sự thật nơi bản thân mình và
xung quanh nữa, thế là họ không còn tôn trọng cả bản thân mình và người khác. Một
khi không tôn trọng ai thì cũng không còn yêu ai nữa. Không còn tình yêu, họ dấn
mình vào những đam mê và những thú vui thô lậu để khỏi trống rỗng và để giải
trí, dần dần với những thói xấu của mình, họ rơi xuống hàng súc vật, tất cả là
vì họ luôn luôn dối người và dối mình.
Kẻ dối mình là kẻ dễ oán
giận trước tiên. Bởi vì oán giận đôi khi cũng rất dễ chịu, phải không? Có người
biết rằng không ai xúc phạm mình, rằng xúc phạm là do y bịa đặt ra và vẽ vời
thêm, tự y phóng đại lên cho thành chuyện, y bám lấy một lời nói và biến hạt đậu
thành quả núi – chính y biết thế, nhưng y vẫn cứ là người trước nhất oán giận,
oán giận đến độ thích thú, đến mức cảm thấy hết sức khoái trá và vì vậy đi đến
chỗ oán thù sự thật. [2]
Đoạn văn này thực sự là một
chuỗi mô tả các sự kiện được tạo ra khi người ta có thói quen tự dối mình:
1. Không có
sự thật;
2. Vắng
bóng sự thật, không có đức hạnh;
3. Vắng bóng đức hạnh, không thể có tình yêu
4. Vắng bóng tình yêu,
tâm hồn trở nên ích kỷ;
5. Bị suy đồi bởi thói ích kỷ, không thể có lòng thương cảm;
6. Vắng sự thương cảm, chỉ còn lại ác cảm và hận thù;
7. Ác cảm và hận thù thúc đẩy người ta triệt hạ và tiêu diệt kẻ
khác.
Tôi tin logic xoay vòng
này là logic của địa ngục. Ma quỷ có lòng ham muốn vô tận đã gặp phải sự bất
mãn vô tận, làm xui khiến lên cơn oán thù và ác tâm không ngừng. Nghệ thuật và
văn chương vĩ đại, cũng như một nghiên cứu lịch sử tỉ mỉ, khẳng định hết lần
này đến lần khác rằng, vòng xoay hủy diệt này bùng phát ra ngoài khi người ta
chọn lựa tự dối mình.
Vậy, tại sao chúng ta làm
thế? Tại sao chúng ta đi vào con đường sẽ đẩy tình yêu ra khỏi cuộc sống của
chúng ta và người khác? Dĩ nhiên, điều đó không hợp lý chút nào. Nếu điều đó
đơn giản chỉ là vấn đề của lý trí, và chính chúng ta đơn giản thấy hợp lý, thì
nó có thể được giải thích cho chúng ta chỉ một lần: “Bạn đừng tự dối mình. Đây
là lý do…”. Đáng buồn thay, chúng ta biết nó không hoạt động theo cách chúng ta
nghĩ. Tại sao vậy?
Nó không hoạt động theo
cách lý trí bởi bản tính con người của chúng ta không hoàn toàn thuần lý. Chúng
ta có con tim, cảm xúc, dục vọng, ước muốn. Nếu chúng ta bắt đầu trên con đường
hủy hoại bằng việc tự dối mình, điều đó cho thấy chúng ta không chỉ đơn giản là
phạm một sai lầm.
Vấn đề không phải là của
lý trí cho bằng của con tim. Nói cách khác, tự dối mình là một hành vi thờ ngẫu
tượng – chúng ta yêu mến một điều gì đó hơn là yêu mến Thiên Chúa hằng sống, Đấng
là Chân, Thiện, Mỹ, Tình Yêu. Vâng, chúng ta cần phải biết sự thật – chúng ta
cũng cần phải yêu mến sự thật. Việc yêu mến sự thật sẽ thúc đẩy chúng ta biết sắp
xếp cuộc sống mình sao cho hài hòa với tình yêu, với những gì là chân thật, thiện
hảo, và tốt đẹp.
Sự thay đổi con tim không
phải là điều chúng ta có thể tự mình đạt được. Chúng ta phải cầu xin sức mạnh
và lòng xót thương của Thiên Chúa công minh, như Thánh vịnh 51 diễn tả: “xin rửa
con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy… Ngài yêu thích tâm hồn
chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan… Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một
tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy…”
Chúng ta hãy nhìn nhận lỗi
lầm, sự khốn khổ và bất toàn của chúng ta. Chúng ta hãy vui mừng vì lòng thương
xót dành cho những người biết ăn năn sám hối. Và tất cả chúng ta hãy đi xưng tội
cách trung thành và thường xuyên, đặc biệt trong Mùa Chay thánh này!
Lm. Robert McTeigue, SJ
Hướng Dương chuyển ngữ từ
aleteia.org
(hdgmvietnam.com
01.03.2020)
[1] hdgmvietnam.com
[2] Fyodor Dostoevsky,
Anh em nhà Karamazov, Phạm Mạnh Hùng, dg., Tp. HCM, Văn học, 2019, 71.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét