Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

Giáo dân chuẩn bị Giáng sinh

 Thứ hai, 21/12/2020, VNExpress.net

Giáo  dân  chuẩn  bị  Giáng  sinh

Trước lễ Giáng sinh, giáo dân đến nhà thờ xưng tội, trang trí hang đá, tập hát thánh ca và các bài kèn, trống... phục vụ đại lễ.

Những ngày này, giáo dân cả nước thường đến nhà thờ dự buổi tĩnh tâm, sám hối và xưng tội để chuẩn bị tâm hồn trong sạch đón Chúa Giêsu Hài đồng. Giáng sinh là một trong hai đại lễ của đạo Công giáo, cùng với lễ Phục sinh (mừng Chúa sống lại).

Tại giáo xứ Chính Trạch (Giáo phận Đà Nẵng), linh mục và giáo dân đều đeo khẩu trang phòng Covid-19 khi cử hành bí tích giải tội. Để được tha tội lỗi mình đã phạm, ngoài việc đến tòa giải tội, giáo dân phải làm việc đền tội và quyết tâm không tái phạm.

Theo giáo luật, người Công giáo đã được học giáo lý và sau khi xưng tội (còn gọi là bí tích hòa giải, hay sám hối) lần đầu thì mỗi năm phải đến tòa xưng tội ít nhất một lần.

Trong một con hẻm nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), hai gia đình người Công giáo chung nhau mua đèn về trang trí đón Giáng sinh. Do trời mưa lạnh nên việc trang trí muộn hơn mọi năm.

Ông Phao lô Tống Viết Hòa (63 tuổi) cho biết việc trang trí đón Giáng sinh vừa làm đẹp ngõ xóm, vừa tạo thêm ký ức cho các cháu. "Gia đình tôi làm thêm một hang đá nhỏ với mong ước sẽ có một mùa Giáng sinh an lành", ông nói và cho biết sẽ để đèn điện đến Tết Nguyên đán.

Chiều thứ bảy tuần trước, những giáo dân ở thôn Hưng Nhơn, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã đến nhà thờ Cây Da dọn vệ sinh, quét lá ngoài sân để chuẩn bị Giáng sinh.

"Năm nay, giáo dân ở đây được đón Đức tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh (Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam), đến làm lễ dịp Giáng sinh nên ai cũng phấn khởi", bà Phan Thị Mai (55 tuổi), giáo dân tại thôn chia sẻ.

Giáo dân ở xứ đạo Cây Da, giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, đã căng dây điện ngôi sao, dựng hai cây thông Noel và làm sân khấu nổi phía ngoài sông Ô Lâu để Đức tổng chủ tế thánh lễ vào tối 24/12.

Những ngày qua, ông Nguyễn Văn Oanh (60 tuổi, trú thôn Hưng Nhơn, xã Hải Phong, Hải Lăng) đã trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa. Ông Oanh mang 2 lồng đèn cũ và mua mới một số ngôi sao nhựa treo trước sân nhà. Trong khi đó, con trai ông học đại học ở Huế, tranh thủ những ngày cuối tuần chạy xe máy về nhà để làm hang đá.

Anh Trần Văn Sơn (30 tuổi) trang trí hang đá trước cửa salon ôtô của gia đình tại phường Đông Hương, TP Thanh Hóa. Trước đại lễ nửa tháng, anh Sơn cùng nhóm thợ dành hai ngày để thi công hang đá với chi phí khoảng hai triệu đồng. Trang trí hang đá với hình ảnh Chúa Giêsu hài đồng hạ sinh trong máng cỏ hang lừa là truyền thống được nhiều gia đình Công giáo trong dịp Giáng sinh.

Tại giáo xứ Vĩnh Thiện (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa), đại diện các họ đạo cùng nhau tập luyện các tiết mục văn nghệ, trên sân khấu ngoài trời cạnh hang đá Bê lem, để biểu diễn trong đêm canh thức Giáng sinh.

Ngoài các hoạt cảnh Giáng sinh biểu diễn trước Thánh lễ, ca đoàn tại các giáo xứ cũng dành thời gian tập hát thánh ca.

Chị Lê Thị Mai, Trưởng ca đoàn (người đang bắt nhịp) giới trẻ Giáo xứ Phong Ý (thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa), cho biết ca đoàn có gần 50 thành viên. "Bình thường các bạn trẻ chỉ tập hát hai buổi mỗi tuần, song dịp Noel, ca đoàn ở đây dành cả tháng để luyện tập nhằm có những tiết mục thánh ca nhuần nhuyễn", chị nói.

Đội trống giáo xứ Phong Ý cùng các thành viên đang tập luyện để phục vụ các Thánh lễ mừng Giáng sinh. Những ngày cận lễ, không chỉ ca đoàn mà đội trống, đội kèn các giáo xứ đều dành nhiều thời gian ôn luyện. Linh mục Giuse Phạm Văn Quế, Chính xứ Phong Ý, cho hay hội trống giáo xứ có hơn 40 người. Dàn trống ở đây có 15 chiếc cỡ đại và rất nhiều trống con.

Trong khi đó, đội kèn gồm cả nam và nữ ở giáo xứ Phúc Lạc (Thanh Hóa) cũng đang gấp rút ôn lại các bài Hang Belem, Noel về... Đội kèn được thành lập 5 năm và thường phục vụ trong các thánh lễ quan trọng.

Ở Huế, nhóm sinh viên Công giáo dành gần một tháng để tập luyện hoạt cảnh cho đêm diễn nguyện Canh thức Giáng sinh (tối 24/12) tại Dòng Thánh Tâm Huế. Các tiết mục nối tiếp nhau sẽ tái hiện câu chuyện Thiên Chúa tạo dựng loài người là Adam và Eva, cho sống hạnh phúc nhưng hai người đã phá vỡ giao ước và phạm tội. Vì yêu thương loài người, Thiên Chúa đã không chấp tội mà sai ngôi Hai xuống thế làm người hơn 2.000 năm trước tại làng Bêlem (nước Do Thái).

Noel với người Công giáo là dịp trao gửi yêu thương. Maria Nguyễn Thị Doanh (20 tuổi) đang học đại học tại Huế tự in thiệp và viết thư chúc Giáng sinh chị gái đang là tu sĩ ở quê nhà Nghệ An.

"Em giữ thói quen viết thư ngắn gọn và thiệp chúc mừng Giáng sinh từ nhỏ đến giờ. Món quà nhỏ bé nhưng chứa đựng tình cảm và lời chúc Giáng sinh an lành gửi đến những người thân yêu", Doanh chia sẻ.

Trước lễ Giáng sinh, linh mục Giuse Phan Tấn Hồ (Dòng Thánh Tâm Huế) cùng các nhà hảo tâm đã đi trao 377 suất quà cho học sinh trường Tiểu học Kim Đồng (xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam), nơi xảy ra thảm hoạ sạt lở núi cuối tháng 10. Đoàn còn trao nhiều phần quà cho học sinh và người già neo đơn ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

Việc tặng quà cho người nghèo, bất hạnh được nhiều giáo xứ trên cả nước thực hiện trước và sau lễ Giáng sinh. "Chúng tôi chia sẻ niềm vui Giáng sinh với những người ngoại giáo để thể hiện tinh thần đoàn kết, không phân biệt thành phần trong xã hội", linh mục Phan Tấn Hồ cho biết.

Nguyễn Đông - Lê Hoàng - Hoàng Táo - Nguyễn Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét