Lễ Mẹ Thiên Chúa 2021
Năm Mới Bình An và Hạnh Phúc
Wed,
30/12/2020 - Lm Dương Trung Tín
“Còn Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những
điều ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19).
Hôm nay, Giáo Hội mừng kính lễ Đức Ma-ri-a
là Mẹ Thiên Chúa. Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, điều đó có ý nghĩa gì? “Trong
các Sách Tin Mừng, Đức Ma-ri-a được gọi là “Mẹ Đức Giê-su” (x.Ga 2,1;19,25). Dưới
sự thúc đẩy của Thánh Thần, Mẹ được xưng tụng là “Mẹ của Chúa tôi” (x.Lc1,43),
ngay cả trước khi Con Mẹ sinh ra. Quả thế, Đấng mà Mẹ cưu mang làm người bởi
Thánh Thần, Đấng thực sự là con Mẹ theo xác phàm, chính là con hằng hữu của
Chúa Cha, Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy Hội Thánh tuyên xưng Đức
Ma-ri-a thực sự là “Mẹ Thiên Chúa” (x.GLCG, số 495).
Đức Giê-su có nói: “Ai thi hành ý muốn của
Cha Tôi, Đấng ngự trên trời, người đó là anh chị em và là mẹ Tôi” (x. Mt
12,50). Theo nghĩa này, thì ai xứng là Mẹ của Đức Giê-su hơn Đức Ma-ri-a! Suốt
cuộc đời của Mẹ, Mẹ đã thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ đã luôn ghi nhớ, suy
niệm và thực hành Ý Chúa. Noi gương Mẹ, chúng ta cũng hãy ghi nhớ, suy niệm và
thực hành Lời Chúa. Trong năm mới 2021 này, tôi chọn câu Lời Chúa: “Phúc cho ai
sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (x.Mt 5,5).
Đây là mối phúc thứ ba trong tám mối phúc
thật. “Sầu khổ” mà phúc sao? Đúng vậy, sầu khổ có phúc không phải vì sầu khổ mà
là được Chúa ủi an. Vì thường, khi gặp khó khăn, gian khổ chúng ta mới chạy đến
với Chúa. Khi đó chúng ta sẽ được Chúa ủi an. Phúc của chúng ta là ở chỗ đó.
“Mối phúc này là lời hứa của Chúa, nghe có vẻ
ngược đời nhưng nâng đỡ niềm hy vọng khi con người gặp hoạn nạn. Chúng công bố
những phúc lộc và ân thưởng các môn đệ đã được âm thầm hưởng nhận” (x. GLCG, số
1717).
Mối phúc của Chúa “đáp ứng khát vọng tự
nhiên của con người là muốn được hạnh phúc. Khát vọng này bắt nguồn từ Thiên
Chúa. Người đã đặt chúng vào trong tâm hồn con người để lôi kéo họ đến với Người,
Đấng duy nhất có thể thỏa mãn ước vọng này” (x. GLCG, số 1718).
Hạnh phúc của người tín hữu công giáo chúng
ta là gì? Đó là “Được nhìn ngắm Thiên Chúa; được vào hưởng niềm vui của Chúa và
được an nghỉ trong Chúa” (x. GLCG, số 1720). Chứ không được nhiều tiền nhiều của
hay được danh vọng đâu. Nhưng dầu sao, trong cuộc sống ở trần gian, chúng ta
toàn là gặp khó khăn và gian khổ. Chúng ta khổ là do thế giới này có nhiều sự dữ
xảy ra. Chúng ta thắc mắc: “Nếu Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng sáng tạo thế
giới có trật tự và tốt lành, chăm sóc hết mọi thụ tạo, tại sao lại có sự dữ? Tại
sao Thiên Chúa không tạo dựng một thế giới thật hoàn hảo để không có một sự dữ
nào xuất hiện”, để con người chúng ta khỏi đau khỏi khổ?
“Trước một câu hỏi không thể tránh và khẩn
thiết; vừa đau thương, vừa bí nhiệm này không thể có câu trả lời ngắn gọn mà đầy
đủ được. Toàn bộ đức tin Ki-tô giáo là câu trả lời cho câu hỏi này : Sự tốt
lành của cuộc sáng tạo, thảm kịch tội lỗi, tình yêu kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng
đã đi bước trước đến với con người qua các giao ước, qua việc nhập thể cứu chuộc
của Chúa Con; qua việc ban Thánh Thần; qua việc qui tụ Hội Thánh; qua sức mạnh
của các bí tích; qua việc kêu gọi con người tới hưởng một cuộc sống diễm phúc
mà ngay từ đầu các thụ tạo có tự do được mời gọi đón nhận, nhưng cũng ngay từ đầu,
chúng có thể từ chối, do một huyền nhiệm khủng khiếp! Không có bất cứ chi tiết
nào của sứ điệp Ki-tô giáo mà không là một phần của câu trả lời cho câu hỏi về
sự dữ” (x. GLCG, số 309).
Ngay bây giờ đây, trước tình hình dịch covid
19 và covid 19 chủng mới đang hoành hành trên khắp thế giới, gây bao đau khổ
cho con người chúng ta. Đó không là một sự dữ lớn lao sao? Đúng vậy, covid 19
là một sự dữ thật lớn lao và khủng khiếp trong thời đại tân tiến và phát triển
khoa học của con người.
“Xét theo quyền năng vô biên, Thiên Chúa vẫn
có thể tạo dựng được điều tốt hơn. Nhưng trong sự khôn ngoan và nhân hậu vô
biên của Người, Thiên Chúa đã tự ý sáng tạo một thế giới trong “Tiến trình’ hướng
về sự trọn hảo tối hậu. Theo ý định của Thiên Chúa, sự tiến hóa này gồm có việc
vật này xuất hiện và vật khác biến đi; có cái hoàn hảo hơn và có cái kém hơn;
có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Vì vậy, bao lâu mà cuộc sáng tạo
chưa đạt được sự trọn hảo của nó, thì cùng với điều tốt thể lý, cũng có sự dữ
thể lý” (x. GLCG, số 310).
“Thiên Thần và con người là những thụ tạo
thông minh và tự do, nên phải tiến về cùng đích bằng một sự lựa chọn tự do và
yêu chọn cái tốt hơn. Do đó họ có thể lầm lạc. Trong thực tế, họ đã phạm tội.
(Thiên Thần Lu-ci-phe đã chống lại Thiên Chúa và biến thành quỉ Sa-tan; A-đam
và E-và cũng đã phạm tội bất tuân, ăn trái cấm). Như vậy, sự dữ luân lý vô cùng
nghiêm trọng hơn so với sự dữ thể lý, đã nhập vào thế giới. Thiên Chúa không
bao giờ là nguyên nhân của sự dữ luân lý, cho dù trực tiếp hay gián tiếp. Tuy
nhiên, vì tôn trọng tự do của thụ tạo, Người để nó xảy ra và một cách mầu nhiệm,
Người biết cách rút lấy điều lành từ sự dữ” (x. GLCG, số 311).
“Như thế, thời gian giúp chúng ta khám phá rằng
Thiên Chúa trong sự quan phòng toàn năng có thể rút sự lành từ hậu quả của một
sự dữ, cho dù là sự dữ luân lý do thụ tạo gây nên. (Ví dụ như việc bị bán qua
Ai-cập vì sự ghen ghét của Anh em của Giu-se, con cái của ông Gia-cóp. Giu-se
nói với anh em : Không phải các anh đã đưa đẩy tôi đến đây nhưng là Thiên
Chúa,...sự dữ mà các anh đã định làm cho tôi, ý định của Thiên Chúa đã chuyển
thành sự lành... để cứu sống một dân đông đảo” (x. St 45,8;50;20). Từ việc dân
Ít-ra-en chối bỏ và hạ sát Con Thiên Chúa là sự dữ luân lý lớn nhất chưa từng có
do tội lỗi của mọi người gây nên. Thiên Chúa đã rút ra được sự lành lớn nhất do
sự sung mãn của ân sủng. Tuy nhiên, không vì thế mà cái xấu trở thành cái tốt
được” (x. GLCG, số 312).
Đối với người tín hữu chúng ta thì : “Mọi sự
đều sinh lợi ích cho ai yêu mến Thiên Chúa” (x. Rm 8,28). Có nghĩa là cho dù là
sự dữ đi nữa, thì cũng sinh ích lợi cho chúng ta mà thôi.
“Việc Thiên Chúa cho phép sự dữ thể lý và sự
dữ luân lý là một huyền nhiệm mà Thiên Chúa soi sáng nhờ Con của Người là Đức
Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại để chiến thắng sự dữ. Đức tin giúp chúng
ta xác tín rằng, Thiên Chúa sẽ không cho phép có sự dữ xảy ra nếu Người không
rút ra được sự lành từ chính sự dữ, bằng những con đường mà chúng ta chỉ biết
được trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu” (x. GLCG, số 324).
“Thế giới này chỉ có hòa bình, khi tài sản của
con người chúng ta được bảo vệ, con người được tự do giao lưu, phẩm giá con người
và của các dân tộc được tôn trọng; tình huynh đệ được thực thi. Hòa bình là “ổn
định trật tự”, là công trình của công lý và là hoa quả của tình yêu” (x. GLCG,
số 2304). Nói cách khác, chúng ta chỉ có hạnh phúc và thế giới chỉ có hòa bình
khi tất cả mọi người chúng ta đều ghi nhớ, suy niệm và thực hành Lời Chúa như Đức
Ma-ri-a mà thôi.
Vậy trong năm Mới 2021 này, chúng ta hãy ghi nhớ câu Lời Chúa này: “Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”, để khi gặp những đớn đau, sầu khổ, chúng ta hãy chạy đến với Chúa; cầu xin sự trợ giúp của Chúa, để chúng ta vượt qua tất cả, luôn sống bình an và hạnh phúc trong ơn gọi của mình.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2021
“Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ ANH CHỊ EM.
Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn
và ban bình an cho ANH CHỊ EM” (Ds 6,24,26)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét