Thứ Ba, 1 tháng 12, 2020

VƯỢT QUA TÍNH CẦU TOÀN

 

VƯỢT  QUA  TÍNH  CẦU  TOÀN

Thursday, October 8, 2020


Một phụ nữ tên Anne nhớ lại câu chuyện này từ cuộc đời cô năm 1945 khi mới 5 tuổi. Quá phấn khích, cô chạy xuống cầu thang lớn của ngôi nhà để gặp cha mình lần đầu tiên, sau khi ông bị giam giữ ở Đức. Người cha nhìn cô con gái nhỏ và nói: “Hãy sửa chiếc giày bên phải, một chiếc nút đã bật ra.” Điều đó cho thấy kiểu của người cầu toàn: lý tưởng cao, bận tâm đến các chi tiết, khó thể hiện và khó chấp nhận tình yêu thương.

Cố gắng làm đúng… Ai sẽ phàn nàn về điều đó? Nhưng những người theo chủ nghĩa cầu toàn không bao giờ hài lòng nếu họ không đạt được yêu cầu. Chẳng hạn như người điều hành đòi hỏi mức độ công việc quá cao, hoặc người mẹ tức giận vì con mình không đạt điểm trung bình, hoặc người cha mệt mỏi vì phải dọn nhà sau một ngày làm việc. Theo tâm lý gia Yves Boulvin, nhà đào tạo mối quan hệ và tư vấn: “Muốn trở nên tốt hơn thì thay đổi, khao khát làm hết sức mình là được, nhưng tin rằng mình có thể hoàn hảo sẽ tạo ra căng thẳng. Chỉ có Chúa là hoàn hảo.” Có cái bẫy trong việc chọn sự hoàn hảo làm chương trình sống của bạn.

Bà Brigitte de Baudus, bà mẹ và nhà giáo dục tại Viện Giáo dục Gia đình (IPEF) ở Pháp, cho biết: “Ngay từ tuổi nhỏ, một số trẻ lo lắng không hoàn thành bài tập về nhà vì nó không đủ giỏi. Xu hướng này thường là do nhu cầu biết rằng bạn được yêu, một mong muốn vô thức được thừa nhận hoặc tương ứng với một mô hình xã hội.”

 

1. KHI VẤN ĐỀ CẦU TOÀN LÀ VẤN ĐỀ TRONG MỐI QUAN HỆ CỦA BẠN VỚI CHÚA

Trong một chương trình của kênh truyền hình Pháp KTO về sự tiết chế, triết gia Chantal Delsol giải thích: “Mọi thứ đều có giới hạn, ngay cả những điều tốt nhất. Chúng ta tưởng tượng rằng có sự hoàn hảo trong thế giới này và bằng cách thúc đẩy một đức tính đến cực độ, chúng ta sẽ đạt được điều đó, nhưng điều đó không hiệu quả trong thế giới loài người.” Nếu chúng ta cố gắng đạt đến sự hoàn hảo, chúng ta có nguy cơ rơi vào logic tính toán, giống như những đứa trẻ làm bất cứ điều gì cần thiết để nhận được phần thưởng, trở nên kiêu hãnh muốn kiểm soát mọi thứ. Trong đời sống tinh thần, điều này có thể trở thành vấn đề đắn đo. Brigitte de Baudus nói: “Khi chúng ta xét mình, nếu nó giống như một cuốn danh mục, nếu chúng ta chỉ tập trung vào những gì đã làm hoặc chưa làm, nếu không xem xét tình yêu mà chúng ta đặt vào hành động của mình, thì có vấn đề.”

Chúa Giêsu truyền lệnh cho chúng ta: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Đó là Ngài kêu gọi chúng ta nên thánh, chứ không phải theo chủ nghĩa hoàn hảo. Yves Boulvin nhận xét: “Chính sự sám hối, mối liên hệ với tình yêu, đưa bạn vào Thiên Đàng, chứ không phải bạn hoàn toàn hoàn hảo.” Ví dụ kinh điển là Thánh Phaolô, như Alek Zwitter giải thích: “Thánh Phaolô có niềm tin sâu sắc, tin chắc rằng việc trung thành thực thi Luật sẽ đưa ngài đến sự hoàn thiện về tâm linh. Sau khi hoán cải, sau khi trình bày sự bất toàn của mình với Thiên Chúa, ngài đã tìm thấy nguồn vô hạn của sự bình an nội tâm, niềm vui và sức mạnh quan trọng.”

 

2. ĐỪNG GIẬN BẢN THÂN VÌ ĐÃ KHÔNG HOÀN HẢO

Hành vi cầu toàn giống như một cỗ máy mà chúng ta không thể tắt cho đến khi chương trình kết thúc. Beatrice, 55 tuổi, nhận ra tính lập dị mà bà thừa hưởng từ ông nội, đã thừa nhận: “Tôi không dừng lại để nghỉ ngơi cho đến khi những gì tôi làm ở mức độ mà tôi cảm thấy thoải mái với bản thân. Với tuổi tác, tôi đã mềm đi một chút, nhưng để thoát khỏi thói quen này thì phải mất cả đời.” Thật vậy, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường bị kiệt sức. Chỉ có một câu trả lời: chủ nghĩa hiện thực. Nó đòi hỏi phải biết chính mình và đủ khiêm tốn để biết giới hạn của mình. Yves Boulvin nhớ lại: “Tôi thường bị các phụ nữ khác mắng vì giận chồng con.” Tôi hỏi họ: “Hằng ngày bạn có dành thời gian nào cho bản thân không?” Cho phép mình dành thời gian cho bản thân, học cách giao phó và cầu nguyện, đó là những yêu cầu không thể thiếu để có thể ngắt kết nối.

Nhận biết kỳ vọng của người khác cho phép bạn làm dịu những yêu cầu nhất định. Beatrice cho biết: “Tôi gửi bản báo cáo cho sếp. Theo tiêu chí của tôi, hầu như nó không thể hiện được. Nhưng sếp lại nghĩ nó rất xuất sắc. Tôi đã không mong điều đó!” Những người khác hiếm khi đo lường tất cả những nỗ lực cần thiết để tạo ra một bữa ăn ngon, họ không quan tâm một chút bụi trên đồ đạc và họ thích vui đùa với một đứa trẻ đi đôi vớ không phù hợp. Chủ nghĩa hoàn hảo đặc biệt khó khăn đối với bản thân họ. Không thể đạt được các mục tiêu quá cao, lòng tự trọng của chúng ta thường kết thúc bằng nỗi khổ. Vì vậy, tốt hơn là áp dụng lời khuyên khôn ngoan của Thánh Phanxicô Salê: “Một trong những bài tập tốt nhất về sự lịch thiệp mà chúng ta có thể thực hiện là khi đối tượng là chính mình, để chúng ta không nổi giận với bản thân cũng như không băn khoăn về sự không hoàn hảo của chính mình.”

 

3. CẦU NGUYỆN ĐỂ THOÁT KHỎI CHỦ NGHĨA CẦU TOÀN

Khi xu hướng đó làm bản thân mệt mỏi, người cầu toàn cũng khiến người khác mệt mỏi bằng cách áp đặt các tiêu chí cầu toàn của họ lên người khác. Felicity, 47 tuổi, nói: “Một ngày nọ, các con tôi đã làm một bài hát nhỏ, ý nói rằng ‘Mẹ đừng căng thẳng, Mẹ chớ nổi điên.’ Lời bài hát cứ ám ảnh tôi vào những lúc tôi quá bận rộn. Tôi nhận ra rằng tôi đang làm cho cuộc sống của các con trở nên khốn khổ, và tôi bắt đầu dành nhiều khoảng sống riêng và làm mọi việc theo ý muốn của mình.”

Một lưu ý nghiêm túc hơn, Patricia nói: “Chủ nghĩa cầu toàn khiến bạn trở nên lạnh lùng, khó ưa, khó tiếp cận. Không có chỗ cho người khác trong sự hoàn hảo. Để bản thân được yêu mến, bạn phải chấp nhận sự thật rằng BẠN KHÔNG HOÀN HẢO.”

Giải thoát chính mình khỏi chủ nghĩa hoàn hảo là con đường dài bao gồm việc tự kiểm điểm và cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin dạy con chấp nhận bản thân như hiện tại!” Brigitte de Baudus nói: “Chúng ta không bao giờ ngừng nói điều này, nhưng đó là khi chúng ta yếu đuối, và đó là lúc Chúa đến.”

 

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)

Đêm 07-10-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét