Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Nhà thờ Công giáo rực rỡ trước Giáng sinh

 


Thứ ba, 22/12/2020, VnExpress.net

Nhà  thờ  Công  giáo  rực  rỡ  trước  Giáng  sinh

Giáng sinh 2020, các nhà thờ Công giáo trang hoàng lộng lẫy bằng đèn điện, tiểu cảnh với điểm nhấn là hang đá nơi Chúa Giêsu ra đời


Nhà thờ Lớn Hà Nội những ngày qua nhộn nhịp người dân đến vui chơi, ngắm cảnh. Sảnh trước được sắp đặt hang đá và cây thông Noel cao vài chục mét.

Phía trước cổng chính của nhà thờ là dòng chữ "Emmanuel" - Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Do ảnh hưởng của Covid-19, việc trang trí của Nhà thờ Lớn không có nhiều thay đổi so với năm trước. Ảnh: Ngọc Thành.

Các linh mục đồng tế trong Thánh lễ chủ nhật cuối Mùa Vọng để chuẩn bị bước vào mùa Giáng sinh tại Nhà thờ Lớn, tối 20/12.

Trong thánh đường, những cây thông nhỏ được trang trí ngay trên cung thánh. Trên cột nhà thờ, nhiều vòng hoa nhỏ cũng được sắp đặt để tạo điểm nhấn và không khí Giáng sinh. Ảnh: Ngọc Thành.

Nhà thờ Chính tòa Thanh Hóa lung linh ánh đèn điện về đêm. Ngôi giáo đường này được xây dựng từ hơn 90 năm trước với kiến trúc Gothic đặc trưng của các nhà thờ Công giáo, mỗi năm thu hút hàng nghìn giáo dân và du khách đến chung chia niềm vui dịp Giáng sinh.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Bình, Chính xứ Chính tòa, cho biết để chuẩn bị cho đại lễ mừng Chúa giáng sinh năm nay, từ giữa tháng 11, Hội đồng giáo xứ đã huy động giáo dân ở các giáo họ cùng chung tay trang trí nhà thờ. Ảnh: Lê Hoàng.

Lòng hồ lớn trước cổng nhà thờ Chính tòa Thanh Hóa được lắp đặt chiếc đèn kéo quân lớn cùng các hình ảnh biểu tượng của đạo Công giáo, như: cây thông Noel, ông già tuyết, tuần lộc… Chiếc đèn cao 13 m (chưa tính chân đế khoảng 5 m), đường kính 10,5 m, được làm từ khung thép, vải bạt, mang dáng dấp của đèn kéo quân truyền thống.

Theo cha Giuse Nguyễn Văn Bình, năm nay do ảnh hưởng của đại dịch và thiên tai, giáo xứ chủ trương trang trí tiết kiệm, tối giản hơn những năm trước. “Chúng tôi sẽ dành một phần kinh phí nhằm giúp đỡ đồng bào vùng lũ và thăm hỏi, tặng quà người già cả neo đơn hay những phận người kém may mắn trong dịp đại lễ này”, linh mục Giuse nói. Ảnh: Lê Hoàng.

Noel năm nay, dưới chân tháp chuông ở Thánh địa La Vang (xã Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị), giáo dân dựng hang đá lớn. Do trời lạnh, mưa phùn, công trình này vẫn chưa hoàn thành.

Tranh thủ buổi tối không mưa, các em nhỏ dưới sự hướng dẫn của một sơ ra khu vực tiền sảnh tượng đài Đức mẹ La Vang tập lần cuối tiết mục hoạt cảnh Giáng sinh. Tiết mục này sẽ được biểu diễn vào đêm Giáng sinh 24/12. Ảnh: Hoàng Táo.

Hang đá tại La Vang dưới chân tháp chuông nhà thờ cổ đang dần hoàn thiện.

La Vang ngày nay là thánh địa và là nơi hành hương quan trọng của người Công giáo Việt Nam, thuộc Tổng Giáo phận Huế. Các tín hữu tin rằng, Đức Mẹ Maria hiển linh ở khu vực này vào năm 1798. Một nhà thờ đã được xây dựng gần ba cây đa, nơi họ tin là Đức Mẹ đã hiện ra và được Tòa Thánh tôn phong là Tiểu vương cung thánh đường La Vang. Ảnh: Hoàng Táo.

Tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam (Tổng Giáo phận Huế), hai tháp chuông được trang trí đèn điện như hình cây thông Noel. Khuôn viên nhà thờ được trang trí thêm tiểu cảnh Giáng sinh để người dân đến tham quan, chụp ảnh. Dù Huế đang mưa và lạnh 13-14 độ C, nhiều giáo dân tranh thủ giờ đi lễ tại nhà thờ Chính tòa lán lại chiêm ngưỡng hang đá, chụp ảnh kỷ niệm.

Phủ Cam là nhà thờ lớn, lâu đời và nổi tiếng tại Huế, tọa lạc trên đồi Phước Quả. Nhà thờ ngày nay được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Ảnh: Nguyễn Đông.

Toàn bộ nhà thờ Dòng Chúa cứu thế Huế được trang trí nhiều đèn điện, điểm cao nhất là 53 m, sáng rực ngã ba đường Nguyễn Huệ - Nguyễn Khuyến (phường Phú Nhuận, TP Huế).

Khuôn viên nhà thờ rộng, có hình tam giác, phía trước là hang đá thiết kế cỡ lớn. Nhiều vật dụng trang trí Giáng sinh được tận dụng qua các năm để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Nguyễn Đông.

Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt (còn gọi là Nhà thờ Con Gà), trang trí đơn giản chào Giáng sinh 2020. Đưa vào hoạt động năm 1931, đây là nhà thờ lâu đời và lớn nhất Đà Lạt. Mỗi mùa Giáng sinh, nơi đây đón hàng nghìn người đến làm lễ và tham quan. Ảnh: Khánh Hương.

Nhà thờ Phúc Hải (TP Biên Hòa, Đồng Nai) được trang trí lung linh bằng đèn nhiều màu ở mặt tiền. Đây là một trong những giáo xứ lớn ở TP Biên Hòa. Ảnh: Phước Tuấn.

Khuôn viên Nhà thờ Giáo xứ Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM) năm nay được trang hoàng bằng những cây thông rực sáng bằng đèn led. Nhà thờ được xây năm 1859, là một trong những công trình lâu đời nhất thành phố, được các nhà nghiên cứu đánh giá là một phần di sản của vùng đất Sài Gòn. Cuối năm 2019, UBND TP HCM đã xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm. Ảnh: Hữu Khoa.

Nhà thờ Đức Bà được trang trí cây thông Noel, một số chùm đèn màu. Công trình xây năm 1877, hoàn thành sau 3 năm và được Tòa thánh Vatican phong hàng tiểu Vương cung Thánh đường từ năm 1959 (tên gọi chính thức là Vương cung thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội). Không như những nhà thờ khác tại TP HCM, Nhà thờ Đức Bà không có vòng rào hoặc bờ tường bao quanh.

Do nằm ở trung tâm quận 1, lại là nhà thờ Chính tòa của Tổng Giáo phận TP HCM nên đây là địa điểm người dân, khách du lịch thường tập trung vào các dịp lễ, Tết, nhất là lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, sau 140 năm, nhà thờ đã xuống cấp nên Tổng Giáo phận TP HCM đang đại tu công trình. Dự kiến đến năm 2023, việc đại tu hoàn tất. Ảnh: Hữu Khoa.

Thành Hoàng - Đông Tuấn - Hương Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét