LÀM VỆ SINH
Monday,
November 30, 2020
Hãy
Dọn Sẵn Đường Ngay Cho Chúa Đến
Mau Sửa Sang Lối Thẳng Để Người Đi
Thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi dọn đường cho Chúa đến: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy; mọi núi đồi, phải bạt cho thấp; khúc quanh co, phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Lc 3:4-6) Đó chính là con-đường-tâm-hồn của mỗi tín nhân, không hề xa lạ. Coi vậy mà con đường này dơ bẩn nhất, khó dọn vệ sinh nhất, khó uốn thẳng nhất. Có con đường ngắn nhất mà dài nhất là Con Đường Yêu Thương, vì nói dễ mà làm khó. Con đường chỉ có từ miệng tới tay mà thấy thăm thẳm, hun hút,...
Hằng ngày có biết bao thứ ô uế cần phải dọn dẹp, sắp xếp, làm sạch – từ trong gia đình tới xã hội, nhất là chính bản thân mình. Vệ sinh là công việc rất bình thường mà đôi khi cảm thấy phức tạp. Có những việc “không tên” và “nhỏ mọn” nhưng không hề đơn giản, thậm chí còn khó làm. Con người thực sự rất nhiêu khê, vì việc NHỎ mà vẫn thấy KHÓ, còn việc LỚN thì lại thấy ỚN. Cỡ nào cũng có đủ lý do để thoái thác, chỉ muốn an nhàn cho khỏe. Xét cho cùng cũng chỉ tại “cái tôi” nên quen thói ích kỷ. Lâu ngày dày kén, thói quen thành tính cách, tính cách hóa bản chất, mà bản chất thì rất khó dời.
Chỉ là vệ sinh nhà cửa mà cũng thấy rắc rối, huống chi vệ sinh đường sá chung – đường làng, đường phố. Trong sinh hoạt đời thường, mỗi khi sắp có “ông lớn” nào đến kinh lý một nơi nào đó, người ta chuẩn bị đủ thứ tươm tất, giăng cờ xí rợp trời, biểu ngữ với lời lẽ rất “kêu” lắm, tốn kém cả chi phí và công sức. Chiếc xe hơi bóng lộn đậu ở chỗ ưu tiên. Sau đó, “ông lớn” đi quan sát khu vực chính, phát biểu “đôi lời,” rồi tiệc tùng “hoành tráng” (đời hay đạo cũng thế thôi.) Chỉ tội đám dân đen! Còn có “lối nhỏ” nào dành cho Thiên Chúa ngự đến nữa không? Nói cho cùng, quan trọng nhất vẫn là Con Đường Tâm Linh, Con Đường Chân Lý và Công Lý. Nhưng phải hành động chứ không nói suông, người ta NHÌN chứ không cần NGHE.
Từ ngàn xưa, chính Thiên Chúa đã truyền lệnh: “Hãy an ủi dân Ta: Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giêrusalem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm.” (Is 40:1-2) Khổ gấp đôi nhưng được tha tội, thật là hạnh phúc. Cha mẹ thấy con cái sai thì phải sửa dạy, thậm chí là trừng phạt, đau lòng lắm, nghiêm khắc ngoài mặt nhưng quay đi mà khóc, hoặc nuốt nước mắt vào trong. Thiên Chúa là Đấng nhân lành, Ngài phạt “gấp hai lần tội phạm” là để chúng ta tỉnh ngộ. Sau đó Ngài lại vỗ về, ủi an. Đó là lòng thương xót sâu thẳm khôn dò của Ngài, thậm chí có khi Ngài phạt gấp bảy lần. (Lv 26:18, 21, 24, 28; Hc 7:3; Hc 35:9-10)
Tại sao? Thiên Chúa trừng phạt để chúng ta có thời gian ăn năn, Ngài đã sai người tiên phong Gioan Tẩy Giả để mở đường cho chúng ta trở về kịp giờ thương xót. Trước đó, ngôn sứ Isaia đã cảnh báo: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa; giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán.” (Is 40:3-5) Đường làng có một số cỏ dại nhưng ít quanh co, có những con đường làng vẫn thẳng tắp và phẳng phiu. Nhưng “đường lòng” của chúng ta có đủ thứ cỏ dại, khúc khuỷu và gồ ghề lắm: Kiêu ngạo, ích kỷ, gian dối, lọc lừa, tự ái, mưu mô, ác ý,...
Trách nhiệm và bổn phận của chúng ta là dọn sạch và làm đẹp “đường lòng” của chính mình, nhưng chúng ta cũng có trách nhiệm “thông báo” cho người khác biết để họ cũng dọn “đường lòng” của họ: “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Sion, hãy TRÈO lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giêrusalem, hãy cất tiếng lên cho thật MẠNH. Cất tiếng lên, ĐỪNG SỢ, hãy bảo các thành miền Giuđa rằng: ‘Kìa Thiên Chúa các ngươi!’ Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên. Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.” (Is 40:9-11)
Thiên Chúa xử tội bất cứ ai, không thiên tư tây vị, nhưng Ngài vẫn dành tình thương cho mọi người như nhau. Để có thể mạnh mẽ lên tiếng bênh vực công lý nhưng bất bạo động, người ta phải thực sự can đảm, quyết tâm chấn chỉnh và giúp người khác thay đổi.
Tương tự, trên hành trình tâm linh, khi đi theo Con Đường Chân Lý và Công Lý, người ta phải can đảm đủ mức mới “không sợ” mà dám ăn dám nói, thành thật và thẳng thắn. Rất nhiều lần Kinh Thánh đã động viên: “Đừng sợ!” Với các sắc thái khác nhau, mệnh lệnh cách “Đừng Sợ” được đề cập 365 lần trong Kinh Thánh. Cụ thể như St 15:1; St 21:17; St 26:24; St 46:3; Xh 14:13; Đnl 31:6; Is 43:1; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Is 41:13; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Ga 14:27; Lc 1:13; Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Ga 14:27; Kh 1:17-18.
Cần phải can đảm vì có thể sẽ bị người ta ghét, thậm chí bị hại, nếu chúng ta dám nói thẳng nói thật. Ông Gioan Tẩy Giả bị cắt thủ cấp chỉ vì “tội” thẳng thắn và thành thật. Chúa Giêsu bị giết chết cũng chỉ vì “tội” dạy người ta sống thành thật và thẳng thắn, bị nhà nước La Mã cho là “xúi giục và xách động dân chúng nổi loạn.” Nhưng Ngài vẫn thẳng thắn xác nhận với Philatô tổng trấn: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18:37)
Một khi dám can đảm sống chân thật và thẳng thắn bảo vệ chân lý và công lý, chúng ta có thể bị người khác xa lánh, và chúng ta cảm thấy buồn, nhưng tâm hồn lại thanh thản, an bình, tức là được hưởng “niềm vui ơn cứu độ” của Thiên Chúa. Dĩ nhiên niềm vui này không giống như niềm vui trần tục, hào nhoáng, nổi lên như sóng cồn rồi mau qua.
Chia sẻ chân thành, Thánh Vịnh gia cho biết: “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán, điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người, cho kẻ trung hiếu và những ai hướng lòng trí về Người. Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.” (Tv 85:9-10) Thiên Chúa chỉ yêu quý những ai chân thật, có “đường lòng” không quanh co, Ngài chỉ đi trên Con Đường Công Lý và bảo vệ Chân Lý tới cùng: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao. Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân.” (Tv 85:11-14) Cái gì cũng có cái giá của nó.
Không ai lại không muốn sống trong Hòa Bình, muốn vậy thì phải thực hiện Công Lý. Hòa Bình và Công Lý luôn liên kết chặt chẽ với nhau. Thật đáng thương cho đám dân đen, khốn khổ vô cùng vì bị chèn ép đủ kiểu, bị áp bức đủ dạng, ngóc đầu không nổi, đôi khi họ cảm thấy thất vọng lắm, vì thế họ luôn sống trong “mùa vọng” triền miên. Khoảng mong chờ của người đau khổ luôn dài lê thê, tưởng chừng không có lúc dừng. Như đất hạn chờ mưa, họ khao khát Mưa Giêsu gội mát cuộc đời họ trong Biển Cứu Độ, và được sống trong Vương Quốc Bình An.
Thời gian dài hay ngắn, lâu hay mau là do cảm giác phàm tục của loài người, đối với Thiên Chúa không như vậy. Thánh Phêrô nhắc nhở: “Xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người KHÔNG MUỐN cho ai phải diệt vong, nhưng MUỐN cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.” (2 Pr 3:8-9) Ôi, lòng thương xót của Thiên Chúa quá đỗi diệu kỳ! Chúng ta nghe nói về ngày tận thế quá nhiều lần và cảm thấy lâu, thậm chí có thể cho là “chuyện đùa dai” hoặc “chuyện hù dọa,” nhưng thật ra là sự kiên trì của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta về Ngày Ấy, chắc chắn nhất và gần nhất là chính Ngày Chết của mỗi chúng ta. Người khôn thì lo dọn dẹp “đường lòng” hằng ngày, làm vệ sinh triền miên trước khi quá muộn!
Thánh Phêrô tiếp tục cảnh báo: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ.” (2 Pr 3:10) Vậy là sao? Thánh Phêrô giải thích: “Muôn vật phải tiêu tan như thế thì anh em phải là những người tốt dường nào, phải sống đạo đức và thánh thiện biết bao, trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng.” (2 Pr 3:11-12) Cuối cùng, theo lời Thiên Chúa hứa, “chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị,” và trong khi mong đợi ngày đó, chúng ta phải cố gắng sao cho Ngài thấy chúng ta “tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an.” (2 Pr 3:14) Khó lắm, không dễ chút nào, thế nên phải không ngừng cố gắng.
Trình thuật Mc 1:1-8 nói tới “chiến sĩ mở đường” Gioan Tẩy Giả trong sách ngôn sứ Isaia: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” Và đúng theo lời đó, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Tiếng hô trong hoang địa vang vọng tới mọi nơi, dội vào cả những khe nhỏ nhất.
Và rồi ngày đó, mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem lũ lượt kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. Kinh Thánh cho biết phong cách rất “bụi” của ngôn sứ Gioan: Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông Gioan sống “bụi đời” nhưng nghiêm túc trong cách sống với Thiên Chúa và tha nhân. Điều này nhắc nhở chúng ta đừng xét người theo dáng vẻ bề ngoài, vì “chiếc áo KHÔNG làm nên giáo sĩ và tu sĩ.” Tương tự, “bằng cấp KHÔNG là thẻ căn cước của người giỏi.” Chính cách sống “nói” lên tất cả, chứng minh mọi thứ.
Bề ngoài rất ư bình thường nhưng ông Gioan lại rất khác thường, như siêu nhân nhưng vẫn bình dị, khiêm nhường. Chính ông đã xác định: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.” Vâng, chỉ có Thiên Chúa mới là tất cả, còn chúng ta chỉ là con số không to lớn mà thôi!
Lạy Thiên
Chúa, xin ban lòng can đảm cho chúng con, giúp chúng con biết sống giản dị
nhưng dám bảo vệ Chân Lý và Công Lý, luôn làm vệ sinh linh hồn hằng ngày để Đức
Giêsu Kitô ngự đến. Người là Đấng hằng sinh và hiển trị với Chúa Cha, hiệp nhất
với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét