Đột quỵ có di truyền?
Thứ
tư, 2/12/2020-VnExpress.net
Ngoài tuổi, giới, chủng tộc, lối sống, tiền sử dùng thuốc thì tiền sử gia đình là yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Bác sĩ Phan Nguyễn Liên Anh, Cố vấn chuyên môn Trung tâm Công nghệ Y khoa DNA, cho biết các thành viên trong gia đình có chung nhiều gene, chung lối sống và môi trường có nguy cơ mắc bệnh giống nhau. Nguy cơ đột quỵ ở một số gia đình có thể cao hơn những gia đình khác.
Các đột biến gene gây tăng nguy cơ rung nhĩ, đái tháo đường, tăng huyết áp, là những bệnh dễ dẫn đến đột quỵ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy nghiên cứu di truyền giúp phân biệt các dạng đột quỵ và góp phần quản lý bệnh nhân. Ví dụ có mối liên quan giữa các biến thể gene làm tăng nguy cơ rung nhĩ và đột quỵ nên khi phân tích di truyền có thể giúp chẩn đoán đột quỵ là do rung nhĩ.
"Các yếu tố nguy cơ thường tương tác lẫn nhau dẫn đến đột quỵ và chia thành hai loại có thể thay đổi được và không thể thay đổi được", bác sĩ Liên Anh phân tích. Tuổi tác, giới tính và chủng tộc là những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi trong khi bệnh nền, lối sống và dinh dưỡng có thể sửa đổi được. Riêng các yếu tố di truyền, đặc biệt những yếu tố có tương tác với môi trường, gần đây được chứng minh có thể thay đổi.
Phòng ngừa đột quỵ thường tập trung vào các yếu tố nguy cơ có thể sửa đổi như thay đổi lối sống và hành vi, thay đổi chế độ ăn uống hoặc ngừng hút thuốc. Điều này không chỉ làm giảm nguy cơ đột quỵ mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác. Cần phát hiện và điều trị các bệnh làm tăng nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, tiểu đường, rung nhĩ.
Bác sĩ khuyến cáo, người có người thân từng đột quỵ, bị các bệnh gián tiếp liên quan đến đột quỵ như rung nhĩ, tiểu đường, tăng huyết áp, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, cân nhắc tầm soát gene để biết khả năng mắc những bệnh này. Việc tầm soát sớm giúp mỗi người thay đổi lối sống, giảm nguy cơ.
Ở Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Nhiều người may mắn sống sót nhưng cũng chịu các di chứng nặng nề, mất khả năng lao động, tàn phế, cần có người chăm sóc. Đây được coi là tình huống cấp cứu y tế, cần có chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân đột quỵ có thể
xuất hiện đột ngột triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Đặc biệt là
khi triệu chứng xảy ra một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc
khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét