Bài thuốc giảm đau xương khớp từ ngải cứu
Thứ
hai, 12/4/2021,vnexpress.net
Ngải
cứu có vị cay đắng, tính ấm, tốt cho người bệnh xương khớp. Ảnh: Servus
Ngải cứu rang làm túi chườm nóng hoặc nấu cùng sả, gừng để tắm, ngâm giúp giảm đau nhức, căng thẳng.
Bác sĩ Nguyễn Trần Như Thủy,
Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết triệu chứng đau
nhức xương khớp nhẹ có thể tự khỏi khi bạn nghỉ ngơi hợp lý, xoa bóp dầu, không
nên tự ý mua thuốc giảm đau uống do có thể lạm dụng thuốc. Khi đau nhức kèm
sưng nóng đỏ vùng khớp hoặc đau tăng dần, đau dữ dội, nên đến bệnh viện khám.
Nhẹ thì có thể áp dụng một số phương pháp giảm đau tại nhà, như dùng ngải cứu.
Trong đông y, ngải cứu vị
cay đắng, tính ấm, mùi thơm đặc trưng, tác dụng tán hàn thấp, làm ấm cơ thể, cầm
máu. Ngải cứu thường được sử dụng để trị đau bụng do lạnh, chảy máu cam, động
thai, kinh nguyệt không đều và các bệnh đau nhức xương khớp do nhiễm phong hàn.
Ngải cứu có thể dùng nấu
món ăn, sắc nước uống, làm điếu ngải để cứu ấm hoặc làm thành túi chườm.
Túi chườm nóng
Sử dụng 400 g ngải cứu
tươi rửa sạch để ráo nước, cắt khúc, rang trên bếp với khoảng 2 nắm tay muối hột.
Để tăng tính ấm của túi chườm, có thể dùng thêm gừng già khoảng 400 g rửa sạch,
xắt sợi dày, trộn chung với hỗn hợp trên. Sau đó dùng khăn mềm bọc lại, để cho
nguội bớt, rồi đắp lên vùng khớp bị đau. Khi cảm thấy da vừa đủ nóng thì nhấc
lên và tiếp tục chườm cho đến khi nguội. Một ngày có thể chườm 2-3 lần.
Khi túi chườm nguội hẳn,
đổ hỗn hợp lá ngải cứu và muối hột ra chảo rang lại hoặc dùng lò vi sóng làm
nóng lại là có thể tái sử dụng. Nếu bị đau tại vùng khớp vai hoặc thắt lưng, để
thuận tiện có thể dùng thêm một tấm khăn mỏng, độ dài phù hợp, bọc lại túi chườm,
cột vào vùng cần chườm, chú ý độ nóng vừa phải.
Bác sĩ Thủy lưu ý nếu lần
đầu sử dụng túi chườm nóng, nên để nhiệt độ vừa ấm, không được để quá nóng
tránh bị phỏng rộp da, lót lên da bằng một tấm vải mỏng.
Nếu vùng khớp đau bị sưng
nóng đỏ, viêm nhiễm, có vết thương chảy máu thì không nên tự chườm. Lúc này nên
đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn.
Làm nước thuốc dùng ngâm hoặc tắm
Lá ngải cứu tươi khoảng
400 g, rửa sạch, cắt khúc. Gừng già khoảng 300g, rửa sạch, đập dập. Sả 4 cây, rửa
sạch, đập dập. Lấy tất cả bỏ vào 1,5-2 lít nước, nấu sôi trong 10 phút, sau đó
tắt bếp, hãm thêm 2 phút. Lọc bỏ bã, pha thêm nước để tắm, hoặc dùng để ngâm
vùng khớp bị đau, ngâm chân. Tác dụng tán phong hàn, khử ứ, giảm căng thẳng, ngủ
ngon giấc.
Nếu bạn bị đau đầu, có thể
dùng các thành phần như trên lượng gấp đôi, đổ nước ngập mặt lá, bỏ thêm một nắm
lá bạc hà hoặc húng cây, đun sôi 15 phút. Xông hơi khoảng 20 phút có thể làm giảm
cơn đau đầu.
Có thể ngâm nước thuốc
hai lần mỗi ngày cho đến khi hết đau hoặc xông hơi một lần mỗi ngày. Người bệnh
xương khớp nên tắm sớm, tốt nhất trước 19h và chú ý độ nóng để tránh bị phỏng.
Bác sĩ Thủy lưu ý các bài
thuốc trên thực hiện tại nhà cho các trường hợp đau xương khớp nhẹ. Trường hợp
chấn thương nặng, gãy xương, cơn đau diễn tiến xấu hơn hoặc đau nhẹ, sau khi
dùng các phương pháp trên từ 3 đến 5 ngày mà triệu chứng không cải thiện thì phải
đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Lạm dụng ngải cứu có thể gây ngộ
độc, thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức dẫn tới chân tay run giật cục bộ
hoặc co giật.
Bệnh nhân viêm gan, vàng
da, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người mắc các bệnh nội khoa như sỏi
thận, suy thận, xơ vữa động mạch, cần thận trọng khi dùng bài thuốc từ ngải cứu,
nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét