Phúc bất tận
hưởng, quyền bất
tận sử
An
Hòa•Thứ Sáu, 02/04/2021
Người xưa nói: “Phúc hề họa
sở ỷ, họa hề phúc sở trí”, tức là họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của
mối họa, phúc nếu như hưởng hết thì tất sẽ chiêu mời họa. Vì vậy, cổ nhân đề
cao nguyên tắc “phúc bất tận hưởng”, không được mặc sức hưởng thụ phúc, tránh để
tiêu hao hết phúc báo của bản thân. Văn hóa truyền thống còn cho rằng mọi phúc
báo trong cuộc đời của một người là từ đức mà ra, cho nên nếu một người hưởng hết
phúc mà không hành thiện tích đức thì tai họa sẽ đến ngay lập tức. Quyền thế lại
càng là một loại cám dỗ khiến người ta nhanh chóng tận diệt phúc phận của mình.
Những người hiểu biết thời
xưa đều sống theo nguyên tắc “Phúc bất tận hưởng, quyền bất tận sử”. Không những
thế, họ còn giáo dục và hướng con cái sống theo nguyên tắc đó một cách vô cùng
nghiêm túc. Một tấm gương nổi tiếng về việc này là vị quan đại thần triều Thanh
tên Trương Đình Ngọc.
Trương Đình Ngọc là Đại học
sỹ, Quân cơ đại thần vào thời Hoàng đế Ung Chính nhà Thanh. Mặc dù địa vị cao
nhưng ông rất khiêm cung, hiểu rõ đạo lý đối nhân xử thế. Ông còn yêu cầu con
cái phải biết sống giản dị chất phác, bằng lòng với những gì mình có và coi trọng
đức hạnh.
Bấy giờ con trai cả của
Trương Đình Ngọc là Trương Nhược Ải đã vượt qua được hai kỳ thi Hương và kỳ thi
Hội để bước vào kỳ thi Đình tại kinh thành. Sau khi các quan chủ khảo đọc và chấm
bài luận của thí sinh, họ niêm phong bài lại và trình lên để Hoàng đế đích thân
thẩm duyệt và định đoạt.
Bài thi thứ 5 có câu “Thiện
tắc tương khuyến, quá tắc tương quy, vô trá vô ngu, tất thành tất tín, tắc đồng
quan nhất thể dã, nội ngoại diệc nhất thể dã” (Quan quân thấy gương việc thiện
thì nên khuyến khích lẫn nhau, thấy lỗi lầm của người khác thì nên chiểu theo
pháp quy mà làm, không ai gian trá không ai lầm lạc, thì mọi việc đều thành
tâm, mọi chuyện đều đáng tin cậy, như thế quan lại cùng làm việc như một thể thống
nhất, trong ngoài kinh đô đều làm việc như một thể thống nhất). Đọc đến câu
này, Hoàng đế rất phấn chấn, nhận thấy ngôn từ có phong thái của các bậc đại thần.
Vì vậy, Hoàng đế Ung
Chính liền quyết định chủ nhân của bài thi này đậu Thám hoa. Sau đó Hoàng đế mới
biết đây là bài thi của Trương Nhược Ải, con Đại học sĩ Trương Đình Ngọc. Ông
liền lập tức phái người báo tin vui cho Trương Đình Ngọc biết.
Không ngờ, Trương Đình Ngọc
biết tin liền lập tức tới cầu kiến. Khi được vào gặp mặt Hoàng đế, Trương Đình
Ngọc lại bày tỏ rằng không nên cho con trai còn trẻ tuổi đậu Nhất giáp tam
danh.
Hoàng đế ngạc nhiên: “Trẫm
thật sự chí công vô tư, không phải vì đó là con của đại thần mà có ý đề bạt”.
Trương Đình Ngọc lại nói:
“Thiên hạ lắm người có tài, 3 năm mới có một kỳ thi, mỗi người đều mong có tên
trong Nhất giáp. Bản thân thần hiện nay có địa vị cao, con của thần lại đỗ Nhất
giáp tam danh, chiếm chỗ của các hàn sỹ trong thiên hạ, trong tâm thần thật sự
bất an. Thỉnh Hoàng đế liệt nó vào Nhị giáp, như vậy đã là vinh hạnh rồi”.
Vào thời nhà Thanh, trong
chế độ khoa cử thì kỳ thi cuối được tổ chức tại Hoàng cung. Thi đậu kỳ thi này
có 9 người và được xếp vào 3 giáp tiến sỹ, mỗi giáp 3 người. Nhất giáp gồm Trạng
nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, gọi là Tiến sỹ cập đệ. Nhị giáp gọi là tiến sỹ xuất
thân. Tam giáp gọi là Đồng tiến sỹ xuất thân.
Dù cả 3 giáp đều có thể gọi
chung là Tiến sỹ, nhưng chế độ đãi ngộ dành cho mỗi giáp không hề tương đồng.
Người đậu Nhất giáp có thể lập tức nhậm chức quan, có thể làm việc trong Hàn
Lâm Viện, tương lai có thể dễ dàng thăng đến chức vụ cao hơn. Những người đậu
Nhị giáp, Tam giáp không thể lập tức thụ quan mà phải chờ vài ba năm, và thường
bắt đầu từ các chức quan tại phủ huyện mà thôi.
Trương Đình Ngọc hiểu rõ
quy tắc này, nhưng cho rằng con trai còn trẻ, không thể ở tại vị thế quá thuận
lợi, danh tiếng quá lớn, địa vị quá cao. Điều này với người trẻ tuổi mà nói sẽ
là lợi bất cập hại. Ông cho rằng cần phải bảo toàn phúc đức thì mới tiến bước vững
vàng.
Lúc đầu Hoàng đế Ung
Chính tưởng Trương Đình Ngọc đơn giản chỉ muốn khiêm nhường, nên nói rằng: “Nhà
khanh tận trung tích đức, có được người con ưu tú, đỗ vào Nhất giáp, mọi người đều
phục, hoàn toàn xứng đáng, không cần phải hổ thẹn”.
Trương Đình Ngọc liền quỳ
xuống trước mặt Hoàng đế tâu: “Hoàng thượng chí công. Nhưng nhà thần đã được thụ
hưởng nhiều vinh hoa ân điển, xin hoàng thượng soi xét cho lòng thành của thần,
nguyện ý nhường lại Nhất giáp cho hàn sỹ trong thiên hạ. Nếu Hoàng thượng muốn
khai ân mà bảo hộ cho thần, xin cho nhà thần lưu lại một chút phúc phận, để
dành tương lai về sau, sự việc sẽ tốt đẹp hơn”.
Hoàng đế Ung Chính thấy
Trương Đình Ngọc tha thiết như vậy, không thể không theo thỉnh cầu ấy. Cuối
cùng, Trương Nhược Ải được sửa thành đứng đầu Nhị giáp. Không lâu sau đó, tại
chỗ trương bảng khoa, Hoàng đế cũng ban chỉ biểu dương đức tính khiêm nhường của
Trương Đình Ngọc, để cho thiên hạ cùng đọc mà biết được.
Trương Nhược Ải không phụ
lòng hy vọng to lớn của cha, không ngừng rèn luyện, sở học không ngừng tiến những
bước dài. Sau này dù tại Nam thư phòng, hay là Quân cơ đại thần, Trương Nhược Ải
luôn luôn tận lực làm tròn trách nhiệm, hơn nữa lại cung kính khiêm nhường, có
phong thái giống như cha.
Người xưa thường giảng:
“Hữu quyền bất khả sử tẫn, hữu phúc bất khả hưởng tẫn”, có quyền không được
dùng hết, có phúc không được hưởng hết; hay “Trung hậu truyền gia cửu, khiêm thận
kế thế trường”, trung hậu truyền đời thì gia đình được vững bền, khiêm cung thận
trọng thì phúc thọ được dài lâu. Đây đều là những lời vàng ý ngọc trong đạo lý
đối nhân xử thế, cũng là quy phạm dạy con hết sức trọng yếu.
An Hòa biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét