SỐNG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI THẾ NÀO?
Thu,
27/05/2021 - Phạm Văn Trung
Tin vào một Thiên Chúa
duy nhất, và đồng thời cũng tin vào các mối tương quan trong chính Ngài là Ba
Ngôi, và tin rằng tất cả Ba Ngôi đều như nhau, đó là một mầu nhiệm lạ lùng. Và
hơn thế nữa từ ngữ Ba Ngôi này không xuất hiện trong từ vựng Kinh thánh. Người
ta kể rằng Thánh Augustinô, tác giả của một cuốn Luận thuyết tuyệt vời về Chúa
Ba Ngôi, đã từng nhìn thấy một em bé đang cố gắng cho tất cả nước biển vào
trong một chiếc vỏ sò nhỏ. Khi Giám mục thành Hippo chỉ ra cho em thấy công việc
đó khó khăn chừng nào, thì vị thiên thần trong bộ dạng em nhỏ ấy trả lời rằng
việc đó còn dễ hơn là việc chỉ với nguồn lực duy nhất và nhỏ bé như vỏ sò, là lý
trí con người, mà lại muốn chứa đựng hết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Giáo lý ngày xưa, thường
ví Chúa Ba Ngôi được như một hình tam giác đều, có ba góc bằng nhau, hoặc Chúa
Ba Ngôi được so sánh với nước ở ba thể: khí, lỏng và rắn... hoặc như một ngọn nến, vừa có sắc lửa vàng
lung linh, vừa có hơi nóng ấm tỏa ra, vừa có ánh sáng soi rọi chung quanh. Hay
như thánh Giuse Cupertino (1603-1663, thường được ơn ngất trí bay bổng khi cầu
nguyện) ví Ba Ngôi Thiên Chúa tựa một tấm chăn được gấp lại thành ba nếp: ba nếp
gấp nhưng khi mở rộng ra thì vẫn chỉ là một tấm chăn. Thánh Y Nhã thì ví Ba
Ngôi như một hợp âm. Một hợp âm được tạo bởi vài nốt nhạc nhưng chỉ vang lên một
âm thanh.Tuy nhiên, tất cả những lối so sánh ấy dường như không phản ánh một
cách trọn vẹn bản tính thật sự của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Một Linh mục kể chuyện:
Vào ngày cuối của khoá học về Chúa Ba Ngôi, cha giáo hỏi các học viên:
- Bây giờ các anh chị đã
hiểu mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chưa?
Gần như cả lớp đồng
thanh:
- Thưa cha hiểu.
Cha giáo bật cười:
- Vậy thì các anh chị giỏi
hơn tôi rồi! [1]
Dĩ nhiên, con người giới
hạn của chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm quá siêu vượt này.
Tuy nhiên, Kinh thánh
không im lặng về chủ đề này.
Vào đầu sách Sáng thế,
Ábraham được Thiên Chúa viếng thăm dưới hình dạng ba nhân vật bí nhiệm. Bản văn
Kinh thánh khi thì dùng số ít khi lại dùng số nhiều,cho nên đối với các Kitô hữu,
lòng hiếu khách của Ábraham đã trở thành biểu tượng tuyệt vời và là hình ảnh
tiên trưng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Các sách Tin Mừng cũng sử dụng ba từ ngữ:
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, để chỉ Thiên Chúa. Những bản văn rõ ràng
nhất về điểm này là những bản văn về sự Truyền tin: “Thánh Thần sẽ ngự xuống
trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp
sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà,
tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng
là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có
gì là không thể làm được” (Luca 1: 35-37), về phép rửa của Chúa Giêsu: “Vừa lên
khỏi nước, Ngài liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu
ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của
Cha, Cha hài lòng về Con” (Máccô 1: 10-11) và ở phần cuối của sách Tin Mừng
Mátthêu, nói về việc sai đi truyền giáo: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân
trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh
Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở
cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mátthêu28: 19-20)
Một Thiên Chúa
Ba ngôi
Phải mất hơn ba thế kỷ để
từ ngữ Ba Ngôi xuất hiện, từ ngòi bút của thánh Athanasiô thành Alexandria. Thuật
ngữ này, được hình thành từ chữ “trias” trong tiếng Hy Lạp, mô tả thực tại lạ
lùng về một thần tính độc nhất nhưng lại là ba ngôi vị, và thực tại đáng kinh ngạc
này được đề xuất thành một tín điều cho đức tin của các Kitô hữu. Phải chăng có
thể đây là một phát minh muộn mằn, có phần nào đi xa khỏi thông điệp ban đầu của
Chúa Giêsu không? Người ta có "thêu dệt" thêm điều gì vào Thiên Chúa
không? Để xác tín vào Ba Ngôi trong Một Thiên Chúa duy nhất, chúng ta phải trở
lại lịch sử của những Kitô hữu đầu tiên. Trên hết, người Do Thái chia sẻ niềm
tin độc thần, một niềm tin bao trùm Ítraen khi họ phải đối mặt với việc thờ ngẫu
tượng đa thần đang thịnh hành trong các dân tộc sống chung quanh họ. Do đó,
theo lý mà nói thì họ khá vất vả khi phải thông qua các khái niệm để giải thích
những kinh nghiệm mà họ đã trải qua khi tiếp xúc, gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng tự
xưng mình là Con Thiên Chúa:
“Chúa Giêsu bảo họ:
"Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm;
vì việc nào mà các ông ném đá tôi? " Người Do thái đáp: "Chúng tôi ném
đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông
là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa ." Chúa Giêsu bảo họ:
"Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: "Ta đã phán:
các ngươi là những bậc thần thánh"? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên
Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ,
thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại
bảo tôi: "Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: "Tôi là Con Thiên
Chúa"? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi.
Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin
các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở
trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Gioan 10: 31-38).
Trong khi nói chuyện với
người phụ nữ Samaria bên giếng nước Giacóp, Chúa Giêsu khẳng định rất rõ:
“Này chị, hãy tin tôi: đã
đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại
Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng
chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái. Nhưng giờ đã đến -và
chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa
Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người
như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng
trong thần khí và sự thật." Người phụ nữ thưa: "Tôi biết Đấng Mêsia,
gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Ngài đến, Ngài sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự."
Chúa Giêsu nói: "Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Gioan
4: 21-26).
Chính thánh Gioan tẩy Giả,
trước đó, khi trả lời cho các môn đệ của mình, đã làm chứng rõ ràng về Chúa
Giêsu là “Đấng từ trên cao mà đến”, “Đấng được Thiên Chúa sai đi”,“Chúa Cha yêu
thương người Con”, “Thiên Chúa ban Thần Khí cho Ngài” :
“Đấng từ trên cao mà đến
thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới
đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; Người làm chứng về những gì Người
đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. Ai nhận lời chứng của
Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa
sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Ngài
vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người.
Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào
người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng
trên kẻ ấy” (Gioan 3; 31-36).
Sự phục sinh của Chúa
Giêsu là chứng cứ tốt nhất về thần tính của Ngài, nhưng ngược lại, Ngài không
phủ nhận sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa và Đấng ấy là Cha. Vì vậy, Chúa Giêsu
thực sự là Con Thiên Chúa và Ngài gửi đến cho các tông đồ một Đấng Bảo vệ
(Paraclet), Thần Khí, Đấng ban cho họ những lời chân lý và sự sống, trong lòng
và trên môi miệng của họ. Nhưng có một nguồn đức tin khác: đó là phụng vụ. Theo
Thánh Mátthêu, phép rửa được ban “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. (Mátthêu 28: 19). Chúng ta vẫn luôn bắt đầu lời
cầu nguyện của mình bằng một dấu thánh giá được làm “nhân danh Cha, và Con và
Thánh Thần”.
Phụng vụ Thánh Thể rất
phong phú về phương diện này. Bản văn những lời cầu nguyện,vốn tạo nên phụng vụ,
công bố một chuyển động nội tại nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa là ân ban, trong
công trình Sáng Tạo, trong sự Nhập thể và là hành động vĩnh viễn và đổi mới của
Thánh Thần. Ngài là tình yêu: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4: 16), mà tình
yêu thì sinh ra sự sống. Thiên Chúa Cha sinh ra Chúa Con, như Hội Thánh tuyên
xưng trong kinh tin kính: “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa,
sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời, Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,
Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà
không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha. Nhờ Người mà muôn vật
được tạo thành”. Người Kitô hữu cũng tuyên xưng: “Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh
Thần là Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống, Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa
Con mà ra”. (Kinh tin kính Nicea – Constantinopoli, dùng trong thánh lễ).
Người Kitô hữu không chỉ
chiêm ngắm một Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, bởi vì mỗi Ngôi đều hướng ánh
nhìn về một trong hai Ngôi kia. Sự chuyển động luôn mãi từ Ngôi này sang Ngôi
kia trong Ba Ngôi Thiên Chúa cho thấy thần tính của Chúa Con và của Chúa Thánh
Thần, cũng như sự hiệp nhất của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần với Chúa Cha.
Do vậy khi lãnh nhận Phép Thánh Tẩy,bằng ơn thánh hóa,người tín hữu được hòa nhập
vào chuyển động của sự sống và của tình yêu của Thiên Chúa. [2]
Một mầu nhiệm
vô cùng tận.
Thiên Chúa của đức tin
Kitô giáo là Thiên Chúa vĩ đại, đẹp đẽ và trọn vẹn: chúng ta tôn kính Ngài, phụng
thờ Ngài, vì Ngài là Tình yêu cháy bỏng, là Đấng tự hiến không ngừng từ bên
trong “nội tại” của chính mình - một sự lưu chuyển tuần hoàn, như một vũ điệu
tình yêu, là Ba Ngôi nóng sáng sục sôi, vĩnh cửu –từ đó phát xuất ra tất cả mọi
thứ hiện hữu. Chính bụi cây bốc cháy - biểu lộ thần tính tự hữu của Thiên Chúa
- trong sách Xuất Hành chương 3 đã làm Môsê say mê và thức tỉnh về mầu nhiệm vô
cùng tận của Thiên Chúa, và sau đó về sứ mệnh Thiên Chúa trao cho ông:
“Ông Môsê nhìn thì thấy bụi
cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo: "Mình phải lại
xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?" Đức
Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: "Môsê!
Môsê!" Ông thưa: "Dạ, tôi đây!" Ngài phán: "Chớ lại gần! Cởi
dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh." Ngài lại phán:
"Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của
Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp." Ông Môsê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên
Chúa. Đức Chúa phán: "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai cập, Ta
đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ
của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Aicập, và đưa chúng từ đất ấy
lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật, xứ scủa người
Canaan, Khết, Emôri, Pơrítdi, Khivi và Giơvút. Giờ đây, tiếng rên siết của con
cái Ítraen đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người
Ai cập. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharaô để đưa dân Ta là con
cái Ítraen ra khỏi Aicập." Ông Môsê thưa với Thiên Chúa: "Con là ai
mà dám đến với Pharaô và đưa con cái Ítraen ra khỏi Aicập?" Người phán:
"Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi
ngươi đưa dân ra khỏi Ai cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này.”
(Xuất hành 3: 2-12).
Nhưng thực ra, đôi lúc,
con người được thúc đẩy ngắm nhìn Thiên Chúa
như người Cha nhiều hơn để biết rằng mọi sự bắt nguồn từ nơi Ngài, rằng
Ngài là Nguồn cội và cũng là Đấng ban cho chúng ta người Con yêu dấu của Ngài,
Ngôi Lời, Ngôi Con, Đấng đã trở thành phàm nhân hoàn toàn và gần gũi chúng ta
trong con người Giêsu. Thật vậy, càng bước đi, con người càng cảm thấy rằng
Chúa Cha thực sự là “Abba, Cha ơi!” (Rm 8,15), là cha, rất gần gũi, thân thuộc,
là người mà họ có thể hoàn toàn tin tưởng, người gọi họ đứng dậy, đặt họ vào
trong tình thân với Chúa Giêsu, và ban cho họ Thánh Thần tình yêu của Thiên
Chúa.
Tình yêu
tuyệt đối
Chúa Con cũng như Chúa
Thánh Thần không phải là những ngôi vị trung gian giữa một Thiên Chúa cô độc với
các thụ tạo của mình. Để chiêm ngắm sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa, cách dễ
tiếp cận nhất là xem xét tình yêu dưới dạng tình yêu tuyệt đối mà chúng ta gọi
là Agape – Đức Ái. Tình yêu không vụ lợi này hướng tới sự hiệp nhất như bất cứ
tình yêu nào, nhưng vẫn giữ một khoảng cách tôn kính dành cho mỗi người, như
văn hóa Á đông thường nói “tương kính như tân”. Khi tình yêu mang tính thần
linh, và do đó có tính hoàn hảo, thì tình yêu đó tạo ra sự nghịch lý lạ thường
này, đó là một sự đơn nhất ở số nhiều.
Để tiến đến nắm bắt được
mầu nhiệm này, có hai con đường được mở ra cho chúng ta, một con đường, đơn giản
và chắc chắn, là con đường của phụng vụ, và một con đường khác,cần nhiều sức mạnh
của ơn thánh và của ý chí để nỗ lực hơn, đó là con đường của tình yêu thương lẫn
nhau.
Ba Ngôi Thiên Chúa chính
là một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Tình yêu ấy đã đổ tràn vào trần gian,
tràn ngập vũ trụ khi Thiên Chúa Cha dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài;
là tình yêu cứu độ, thứ tha qua cái chết nhục nhằn của Chúa Con; là tình yêu
thánh hóa, đổi mới trong Thánh Thần. Một tình yêu chan hòa, chia sẻ giữa Ba
Ngôi: Cha trao cho Con tất cả, Con dâng tất cả cho Cha, tình yêu khắng khít giữa
Cha-Con là Thánh Thần. Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao, không phải chỉ
là trao quà tặng hay điều gì ngoài mình, nhưng là trao ban chính mình: “Thiên
Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” (Gioan 3, 16).
Dù thế nào đi nữa, mỗi
Ngôi đều là Thiên Chúa trọn vẹn trong mối quan hệ mật thiết luôn tuôn trào,
nhưng khởi đi từ một trong ba khía cạnh của mối quan hệ này: là Nguồn cội
nguyên khởi, hay là hình ảnh hoàn hảo của Nguồn cội hoặc là sự đáp trả như một
hành vi tạ ơn, là lực đẩy của Tình Yêu thông ban và hiệp nhất của Ba Ngôi. [3]
Sống mầu nhiệm Thiên Chúa
Ba Ngôi.
Một độc giả viết: “Tôi
khó mà hiểu được bất cứ lời giải thích nào so sánh mỗi Ngôi trong Thiên Chúa Ba
Ngôi như một Phần của Thiên Chúa”.
Một người khác lại nhận
xét: “Đối với tôi, Cha, Con và Thánh Linh hoàn toàn là Thiên Chúa, đó cũng là
lý do tại sao rất thường xuyên mỗi khi tôi cố gắng cầu nguyện, tôi không tìm
cách xem coi mình đang nói với ai, trừ khi tôi cầu xin điều gì đó thiết thực, cụ
thể, đụng chạm đến giác quan của tôi, bởi vì khi đó tôi dành ưu tiên cho Chúa
Giêsu vì Ngài là con người.”
Hiểu được Thiên Chúa Ba
Ngôi rốt cuộc là ơn ban của Thiên Chúa dành cho mỗi người, tùy theo trí hiểu của
người ấy. Chúng ta xin Chúa soi sáng để chúng ta có thể hiểu được bao nhiêu thì
tốt bấy nhiêu. Nhưng điều quan trong mà mọi Kitô hữu cần phải thực hiện, bất kể
trí thông minh của họ như thế nào, là sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: nghĩa
là Sống Yêu Thương như chính Thiên Chúa Ba Ngôi.
Hình ảnh diễn tả chính
đáng về mầu nhiệm Ba Ngôi chính là gia đình: vợ chồng yêu thương nhau và con
cái là kết tinh của tình yêu. Vì thương yêu nhau mà mọi thành viên trong gia
đình hợp nhất nên một. Dù là hai ba bốn, hoặc nhiều hơn, thì cộng đoàn gia đình
vẫn thực sự phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, nếu họ có một trái
tim để yêu thương, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn,để cảm thông, nâng đỡ nhau và khát vọng cùng nhau nên thánh.
Sống mầu nhiệm Thiên Chúa
Ba Ngôi trong sinh hoạt thường ngày.
Trong một xứ đạo miền quê
xa xôi hẻo lánh, đa số dân chúng là người ít học và nghèo khổ. Trong thánh lễ ngày Chúa Nhật, cha
xứ giảng một bài giảng rất hùng hồn về Chúa Ba Ngôi. Trước khi kết thúc bài giảng,
cha xứ hỏi:
- Ông bà anh chị em có hiểu
được gì về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không?
Cả nhà thờ im lặng, nhưng
có một bà cụ đứng lên nói:
- Thưa cha, con không hiểu
bài giảng nhiều lắm, nhưng con cũng xin nói lên những việc làm của con về việc
tôn kính Chúa Ba Ngôi. Lúc nhỏ, con cũng được học giáo lý, được nghe các dì phước
dạy về Chúa Ba Ngôi và con đã làm trong cuộc sống của con.
Mỗi ngày trước khi đi ngủ
con dành ra ba phút, chỉ ba phút ngắn ngủi thôi vì suốt ngày con phải làm việc
cực nhọc, tối về mệt nhọc, con không còn đọc kinh nhiều được nữa, vì thế con chỉ
có ba phút thôi, rồi ngủ ngon lành.
Phút đầu tiên con nhìn lại
những khuyết điểm: nào là con gây lộn với người hàng xóm, nào là con tức giận với
chồng con trong gia đình …con nhìn lại những sự thiếu sót lỗi lầm đó và con
dâng điều đó lên cho Chúa Cha.
Phút thứ hai con nhìn lại
xem con có làm điều gì tốt trong ngày hôm đó không: cho người hàng xóm một cọng
hành, cho một em bé một cái bánh, dỗ một đứa bé khóc vì nhớ mẹ đi làm ruộng
chưa về … những việc tốt nhỏ bé đó con cũng xin dâng lên cho Chúa Giêsu và con
nói với Chúa Giêsu rằng: Mặc dầu con có nhiều tật xấu, nhưng con cũng có những
việc lành nho nhỏ, con xin góp những việc lành nho nhỏ đó để cộng tác vào việc
cứu chuộc của Chúa, để đền bù tội lỗi của con,một chút.
Phút thứ ba con so sánh
xem việc tốt, việc xấu con đã làm trong ngày, con lại thấy việc xấu nhiều hơn
việc tốt, nhưng con cũng dâng hết lên cho Chúa và con nói: Lạy Chúa Thánh Thần,
xin thánh hoá và biến đổi cuộc sống của con mỗi ngày một tốt hơn.
Con chỉ có làm bấy nhiêu
đó thôi để sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.” [4]
Lạy Chúa Ba Ngôi con tôn
thờ, xin giúp con quên mình đi để được ở trong Ngài, bình an và vô vi như đang ở
trong thiên đàng. Xin đừng để điều gì làm náo động bình an của con, cũng đừng
lôi con ra khỏi Ngài, nhưng cứ mỗi phút lại cho con tiến xa hơn trong mầu nhiệm
của Ngài. Xin hãy làm cho tâm hồn con bình tĩnh, lặng yên, biến tâm hồn con
thành bầu trời cao, thành dinh cơ và nơi Ngài nghỉ ngơi. Xin cho con đừng để
Chúa phải cô đơn một mình ở đó, nhưng lúc nào con cũng có mặt ở đó, tỉnh táo
trong đức tin, say sưa thờ lạy Ngài và để cho Ngài hoàn toàn sáng tạo.[5]
Phêrô Phạm Văn Trung.
[1] nguoitinhuu.org
[2]croire.la-croix.com.
[3] Lm Guy Lepoutre, một
tu sĩ Dòng Tên, một nhà giảng phòng. thành viên của ban tổ chức phong trào đặc
sủng đại kết “Xin hãy đốt lên trong trái tim con”.
[4] tinmung.net
[5] Chân phúc Elisabeth
de la Trinité, 1880-1906.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét