Trời mới, đất mới
The
Word Among Us – Lại Thế Lãng dịch- Fri, 16/04/2021
Trong sách Khải Huyền,
thánh Gioan kể lại một thị kiến về thiên đàng mà Thiên Chúa đã ban cho ông.
Trong thị kiến đó ông nhìn thấy một ngai tòa vĩ đại được bao phủ bởi ngọc thạch
và được bao quanh bởi một vầng hào quang giống như bích ngọc, trước ngai là một
biển trong vắt tựa pha lê. Ông nghe một giọng nói giống như tiếng kèn và tiếng
sấm sét vang lên. Hai mươi bốn vị kỳ mục đều đội vương miện bằng vàng khi họ ở
trước mặt Chúa và thờ phượng Ngài (Kh 4: 1-11)
Tất cả những hình ảnh
hùng vĩ này chỉ có thể bắt đầu mô tả những gì cuối cùng không thể diễn tả được.
Giáo hội cố gắng diễn đạt bằng lời khi dậy chúng ta rằng thiên đàng “là cộng đồng
vinh phúc gồm tất cả những người đã được tháp nhập trọn vẹn vào Đức Ki-tô”.
Thiên đàng “nằm ngoài mọi sự hiểu biết và mô tả” nhưng là “mục đích tối hậu và
là sự hiện thực các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng hạnh
phúc tuyệt hảo và chung cuộc.” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1026, 1027, 1024)
Đây là hy vọng mà chúng ta đang sống. Mặc dầu đôi khi chúng
ta có thể chịu đau khổ trên trần gian này, và mặc dầu chúng ta sẽ chết, niềm
tin của chúng ta không vô ích. Mong muốn lớn nhất của Thiên Chúa là chúng ta sống
với Ngài mãi mãi. Và Ngài đã biến điều đó thành hiện thực qua cái chết và sự phục
sinh của Con Ngài là Chúa Giêsu.
Phần tốt nhất là niềm hy
vọng này không chỉ dành cho chúng ta! Một phần niềm vui chúng ta sẽ trải nghiệm
trên thiên đàng đến từ việc được kết hợp không phải chỉ với Thiên Chúa nhưng
cũng còn với những người thân yêu của chúng ta – thực ra, với tất cả anh chị em
của chúng ta trong Chúa Kitô. Niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ vượt ra ngoài
chính chúng ta. Chúng ta sẽ vui mừng trong và với tất cả những tín hữu đã đến
trước chúng ta.
Người chết sẽ được sống lại.
Tuyệt vời và đẹp đẽ như chúng ta tưởng tượng về thiên đàng mà chúng ta có thể
không có một bức tranh đầy đủ. Sự phục sinh của Chúa Giêsu có ý nghĩa xa hơn việc
mở cửa thiên đàng cho chúng ta. Bởi vì Ngài sống lại từ cõi chết, ngay cả sự sợ
hãi về cái chết đã bị đánh bại. Chúng ta không biết khi nào Chúa Giêsu sẽ trở lại
nhưng chúng ta biết chắc rằng khi Ngài đến, thân xác dễ hư nát của chúng ta sẽ
trở thành bất diệt (1Cr 15: 42- 43). Chúng ta sẽ sống lại từ cõi chết giống như
Ngài đã sống lại. Chúng ta sẽ nhận được thân thể bất diệt như Ngài, và tâm hồn
chúng ta sẽ được hoàn toàn tẩy sạch mọi tội lỗi, sự buồn rầu và đau khổ. Cuối
cùng chúng ta sẽ cảm nghiệm – trong thân xác của chính chúng ta – lời hứa rằng
sự chết không còn nữa!
Việc tin vào sự phục sinh
thân xác của chúng ta thật không dễ dàng. Chúng ta có thể tự hỏi làm sao thân
xác của chúng ta có thể được tái tạo sau khi nó đã bị phân hủy. Ngay cả những
Kitô hữu đầu tiên cũng phải vật lộn với lời dậy dỗ này (1Cr 15: 12). Nhưng như
Phaolô đã dậy, sự phục sinh của chúng ta trực tiếp gắn liền với sự phục sinh của
chính Chúa Giêsu “Nếu kẻ chết không trỗi dậy” ông viết, “thì Đức Ki-tô cũng đã
không trỗi dậy.” (15; 16). Nói cách khác Chúa Giêsu được sống lại trong thân
xác của Ngài có ích gì nếu Ngài không có ý định cho chúng ta, con cái yêu dấu của
Ngài cũng được sống lại để ở với Ngài?
Chúng ta không biết chính
xác sẽ như thế nào khi có một thân xác được tôn vinh, nhưng chúng ta có vài
manh mối trong Kinh Thánh. Thân xác của Chúa Giêsu sống lại rất giống với thân
xác của chúng ta. Nó được làm bằng thịt và máu; Tôma đã có thể đặt tay vào vết
thương của Chúa Giêsu và cạnh sườn Ngài (Ga 20: 27). Chúa Giêsu thậm chí còn ăn
cá nướng trước mặt các môn đệ của Ngài (Lc 24: 42- 43)
Nhưng theo những cách
khác, Chúa Giêsu không giống như chúng ta. Ngài dường như có thể đi qua những
cánh cửa bị khóa (Ga 20: 19) và ít nhất có một câu chuyện nói rằng Ngài có thể
lập tức biến mất khỏi tầm mắt (Lc 24: 31). Chúng ta không biết liệu có thể làm
được những việc tương tự khi chúng ta sống lại từ cõi chết hay không, nhưng
chúng ta biết chắc rằng thân xác chúng ta sẽ hoàn hảo và bất tử. Điều đó có
nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ phải trải qua đau bệnh, không bao giờ già đi
và không bao giờ suy tàn.
Một trời mới và một đất mới.
Đây là một phần quan trọng khác của bức tranh thiên đàng: khi Chúa Giêsu trở lại
và cho chúng ta sống lại, chúng ta sẽ sống trong “một trời mới và một đất mới”
(Kh 21: 1). Trong sách Khải Huyền, Gioan mô tả thành phố Giêrusalem trên trời
đang đến trần gian “chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý
tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê” (21: 11).
Thật là một bức tranh tuyệt
đẹp đầy hy vọng mà Gioan vẽ ra! Vào ngày phán xét cuối cùng, tất cả những gì
sai trái trên trần gian sẽ được giải quyết đúng đắn và vương quốc của Thiên
Chúa sẽ trị vì mãi mãi ngay tại đây, trên trái đất. Trời và đất sẽ là một và đó
sẽ là ngôi nhà mới vĩnh cửu của chúng ta. Như Giáo Hội dậy “Sự đổi mới nhiệm mầu
này . . . sẽ là sự nhận thức rõ ràng về việc Thiên Chúa có kế hoạch đưa mọi sự
trên trời và mọi vật dưới đất dưới quyền một đầu duy nhất là Chúa Kitô (GLGHCG, 1043; Ep 1: 10)
Khi thấy thành thánh từ
trên trời đi xuống, Gioan nghe thấy một giọng nói lớn tuyên xưng: Đây là sự cư
ngụ của Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân
của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ. . . . vì những điều cũ đã biến mất. (Kh 21: 3,4).
Bằng cách nào đó, thế giới
của chúng ta sẽ được biến đổi cũng như chúng ta sẽ được biến đổi! Như thánh
Phaolô đã viết, tất cả mọi loài thọ tạo đang “rên siết và quằn quại như sắp
sinh nở” (Ro 8: 22). Nhưng ngay cả loài thọ tạo “cũng sẽ được giải thoát, không
phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng
tự do và vinh quang” (8: 21).
Bạn có thể tưởng tượng một
thế giới không có động đất hay cuồng phong, lụt lội hay nạn đói? Một thế giới
mà thậm chí không có khả năng xẩy ra một cơn đại dịch trên toàn thế giới? Một
thế giới trong đó tất cả chúng ta sống trong sự đoàn kết, không bị hiểm họa chiến
tranh, phân biệt chủng tộc hay chia rẽ sắc tộc? Đây là những gì Thiên Chúa đã hứa
cho chúng ta và đây là những gì Chúa Giêsu đã đạt được trong sự phục sinh của
Ngài. Bức tranh huy hoàng này là nền tảng cho tất cả hy vọng của chúng ta trong
thế giới này. Vào thời cuối cùng, Thiên chúa sẽ thực sự phục hồi tất cả mọi thứ
trong Ngài – bao gồm cả bạn – và làm cho đúng bất cứ điều gì sai.
Một niềm hy vọng không
bao giờ thất vọng. Tội lỗi, xung đột, bệnh tật, nghiện ngập và chết chóc là một
phần của thế giới nhưng chúng không phải là lời nói cuối cùng. Ngay cả khi
chúng ta sống cuộc sống hàng ngày ở đây trên trái đất, chúng ta biết rằng Chúa
Giêsu đang ở với chúng ta. Những gì Chúa Gisêsu đã làm qua cái chết và phục
sinh của Ngài đã bắt đầu. Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Ngài đã
giao cho chúng ta một sứ mệnh để thúc đẩy vương quốc của Ngài trên trái đất.
Chúng ta có thể tin tưởng tuyệt đối rằng trong ngày sau hết, Ngài sẽ hoàn thành
mọi thứ Ngài đã bắt đầu (Ga 6: 39)
Trong một loạt những cuộc
nói chuyện về niềm hy vọng của Kitô giáo, ĐTC Phanxicô đã nói rằng mặc dầu tội
lỗi chúng ta nhìn thấy trong thế giới, chúng ta biết chúng ta đã được cứu bởi
Thiên Chúa. Chúng ta thậm chí còn có thể nhìn thấy những dấu hiệu của sự phục
sinh quanh chúng ta.
Người Kitô hữu không sống
bên ngoài thế giới. Anh ta biết cách nhận ra trong cuộc sống của mình và những
gì chung quanh anh ta những dấu hiệu của sự ác, ích kỷ và tội lỗi . . . Tuy
nhiên, cùng lúc người Kitô hữu đã học cách đọc tất cả những điều này với con mắt
của lễ Phục sinh, với con mắt của Chúa Kitô sống lại. Như vậy anh ta biết rằng
chúng ta đang sống trong thời gian chờ đợi, thời gian khao khát vượt qua hiện tại,
thời gian của sự hoàn thành. Trong niềm hy vọng chúng ta biết rằng Chúa muốn chữa
lành dứt điểm thương tích bằng lòng thương xót của Ngài, những trái tim bị
thương tích và bị sỉ nhục và tất cả những gì con người đã làm hư hỏng bởi sự bất
trị của mình. Và bằng cách này Ngài tái tạo một thế giới mới và một nhân loại mới,
cuối cùng hòa giải họ trong tình yêu của Ngài (Buổi tiếp kiến chung ngày 22
tháng 2 năm 2017)
Trong thời gian chờ đợi
này, chúng ta không nên nản lòng, cho dù chúng ta thấy những gì xẩy ra chung
quanh chúng ta. Chúng ta vẫn có thể có hy vọng – niềm hy vọng không chỉ cho sự
cứu rỗi cá nhân của riêng chúng ta mà còn cho sự cứu độ của những người thân
yêu chúng ta và thậm chí cho toàn thế giới.
Thiên Chúa khởi động kế
hoạch giải cứu khi Ngài lập giao ước với Abraham và khi dân Do Thái trở thành
dân riêng của Ngài. Qua họ, Chúa Giêsu đã đến thế gian với tư cách là Chúa và
là Đấng Cứu thế. Khi Ngài trở lại, lời hứa của Thiên chúa về việc cứu rỗi loài
thọ tạo khỏi tội lỗi và sự chết đời đời sẽ được hoàn thành. Đây là niềm hy vọng
chúng ta có thể đem tới cho tất cả mọi người đang bị tổn thương, tất cả những
người đang khao khát tình yêu, lòng thương xót và công lý. Cầu mong chúng ta là
những sứ giả của Thiên Chúa mang niềm hy vọng của chúng ta đến mọi người ở bất
cứ nơi nào Thiên Chúa gửi chúng ta đến./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét