Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

‘Trẻ em Việt Nam tiếp xúc chậm với tiền’

 

‘Trẻ  em  Việt  Nam  tiếp  xúc  chậm  với  tiền’

Thứ hai, 12/4/2021,vnexpress.net

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng cách lựa chọn và quyết định tài chính trong hiện tại sẽ có ảnh hưởng đến sức khoẻ tài chính trong tương lai của mỗi cá nhân. Ảnh: PGS.TS Trần Thành Nam.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, đa số phụ huynh muốn con độc lập tài chính trong tương lai nhưng chưa biết cách thức và thời điểm giáo dục trẻ về tiền.

Nghiên cứu về giáo dục trẻ quản lý tài chính sớm từ góc độ tâm lý học, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, người Việt Nam nói chung còn hạn chế trong hiểu biết về tài chính.. Ông Thành Nam đưa ra số liệu khảo sát về mức độ hiểu biết tài chính toàn cầu (Global Finlit Survey) cho thấy chỉ có khoảng 24% người trưởng thành ở Việt Nam có hiểu biết tài chính. Một khảo sát khác của Master Card về am hiểu tài chính cho thấy người Việt trẻ rất hạn chế về kỹ năng quản lý tiền cơ bản (52/100 điểm) và yếu nhất về kỹ năng đầu tư tài chính (51/100 điểm). Năng lực quản lý tài chính nói chung của người Việt trẻ trong khảo sát này đứng thứ 14/16 quốc gia tham gia khảo sát.

Trong khi đó, một khảo sát của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015 trên đối tượng học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 13-18 cho thấy, chỉ 17,2% người tham gia khảo sát biết tiết kiệm một phần tiền sinh hoạt phí của mình, 8,8% tiêu hết sạch tiền và số còn lại thì không biết làm gì với tiền.

Theo lý giải của chuyên gia Thành Nam, những con số trên phản ánh lỗ hổng kiến thức về tài chính xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Nhiều bậc phụ huynh mong muốn con mình thành tài, tự chủ tài chính trong tương lai nhưng không có sự chuẩn bị từ sớm cho trẻ bởi chính họ cũng không có đủ kiến thức và biết thời điểm phù hợp.

Trẻ em Việt Nam được tiếp xúc khá chậm trễ hơn với tiền so với trẻ em ở các nước khác trong khu vực và các nước phát triển trên thế giới. Trên trường, các em chưa có những bài học, hướng dẫn cụ thể về tiền, hay bao quát hơn về tài chính, để có một nền tảng chắc chắn hơn.

Trên thực tế, nhiều người lớn cũng chưa thực sự tự tin về những kiến thức chính xác và khoa học liên quan đến tài chính nên để giáo dục con về quản lý tài chính hoàn toàn không phải là vấn đề đơn giản. Chuyên gia Thành Nam cho rằng, gần như các cha mẹ đều phải đang tự cập nhật bản thân với các chủ đề có liên quan thuộc 5 nhóm chính như: Tiền và Giao dịch; Lập kế hoạch Tài chính và Quản lí Tài chính; Quản lí Rủi ro; Bối cảnh tài chính... để quản lý công việc cá nhân và gia đình cũng như có kiến thức và kinh nghiệm để giáo dục cho con em mình.

"Song song, trẻ em ngày nay phải đối mặt với những lựa chọn tài chính khác xa so với những gì mà các thế hệ trước đã trải qua khi ở cùng độ tuổi. Các yếu tố như đời sống xã hội thay đổi, các mối tương quan tác động ảnh hưởng đến trẻ không còn đơn thuần là gia đình mà còn là bạn bè, nhà trường, mạng xã hội,.. đều có tác động đến cách thiết lập suy nghĩ và thói quen tài chính của con", PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Cha mẹ cũng cần thay đổi nhận thức để đồng hành cùng với con trong lĩnh vực này, có thể mạnh dạn cùng chia sẻ với con các chủ đề phù hợp với độ tuổi. Ví dụ trong độ tuổi tiểu học, các con có thể được cha mẹ giới thiệu làm quen với các bài học cụ thể như sau: Tiền là gì, đến từ đâu, cất giữ thế nào cho an toàn; Theo dõi chi tiêu cá nhân; Kiểm soát chi tiêu...

PGS.TS Trần Thành Nam sẽ chia sẻ rõ hơn cách nghiên cứu tâm lý và phương pháp giáo dục trẻ em về tài chính trong toạ đàm "Vì sao nên giáo dục trẻ em về tiền ngay từ bé?" do báo điện tử VnExpress cùng Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) hợp tác tổ chức. Toạ đàm diễn ra vào 14/4, phát sóng trực tiếp trên VnExpress, fanpage VnExpress và tiếp sóng trực tiếp trên fanpage của Prudential.

Thông qua toạ đàm, cha mẹ sẽ có cơ sở để giáo dục trẻ hiểu hơn về việc tiêu tiền, phân chia hợp lý các hành động: kiếm, tiêu, tiết kiệm và quyên góp, từ đó ý thức về giá trị của đồng tiền. Trẻ cũng biết trân trọng công sức lao động làm ra tiền để tự lập và chủ động đưa ra các quyết định đúng đắn trong việc sử dụng tiền hợp lý và thông minh. "Cha mẹ sẽ giúp trẻ có mục tiêu tài chính cá nhân rõ ràng. Từ đó, thúc đẩy động lực làm việc và phấn đấu để có thái độ sống tích cực và trách nhiệm với bản thân, chia sẻ với xã hội", ông Thành Nam nói.

Chương trình còn có sự góp mặt của Biên tập viên Diệp Chi, chuyên gia giáo dục tư duy tài chính, hướng nghiệp cho trẻ Đoàn Bích Ngọc, Giám đốc điều hành tổ chức Junior Achievement Việt Nam.

Nha Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét