Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

May 29, 2021 - Chúa nhật lễ Thiên Chúa Ba Ngôi năm B

 

May  29,  2021 - Chúa  nhật  lễ  Thiên   Chúa  Ba  Ngôi  năm  B

Mầu  nhiệm  tình  yêu

 


https://canhdongtruyengiao.net/loi-chua/thanh-vinh-dap-ca-chua-nhat-le-chua-ba-ngoi.html


Các Bạn thân mến,

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm siêu phàm nhất, mà trí khôn con người không thể hiểu, là giáo lý gây nhiều kinh ngạc, là chân lý căn bản nhất của Kito giáo.

Cao siêu nhưng gần gũi, chúng ta có thể đọc và suy niệm hằng ngày qua hành động làm dấu Thánh Gía đơn giản. Biểu hiện từ Cha xuống Con và ngang qua Thánh Thần.

Nhưng mầu nhiệm này như vẫn thách đố, thu hút con người mọi thời đại. Riêng mình, mỗi năm đến lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, lại nhớ tới một chứng nhân cùng là người Việt Nam, cùng có thời gian dài sống dưới chế độ CSVN, ngay trong thời đại này, và mặc dù đã nói, nhưng mình vẫn muốn nhắc tới với các Bạn câu chuyện của ông được báo Trái Tim Đức Mẹ của dòng Đồng Công, số 375, phát hành tháng 3/2009, nơi trang 36 đăng bài viết của một tân tòng, tiên sĩ khoa học Vật Lý Phan Như Ngọc với tựa đề: "Xin Cha sống mãi trong con."

Tác gỉa sinh ra, lớn lên, được giáo dục trong lòng miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa vô thần, theo ngành Vật Lý của ĐHTHợp Hà Nội. Ông giảng dạy Vật Lý tích cực, góp phần tuyên truyền cho chủ nghĩa chống lại Thiên Chúa. Được đi nghiên cứu sinh ở Hungary, về làm việc ở Viện Vật Lý Viện Khoa Học VN. Không là Đảng Viên Cộng Sản, nhưng chuyên môn tốt nên được làm trưởng phòng nghiên cứu Vật Lý Hạt nhân. Đã ký kết và thực hiện nhiều hợp đồng với cơ quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế.

Năm 1989, sau gần 50 năm với chủ nghĩa vô thần, dịp đi công tác nước ngoài này ông xin tị nạn ở Đức. Tại trại tị nạn, ông gặp một nhà truyền giáo người Hà Lan và xin một cuốn Kinh Thánh tiếng Anh. Mở ra đọc, ngay dòng đầu, ông đã thấy vô lý: "Ban đầu, Đức Chúa Trời dựng nên trời đất". Nhớ lại, chính Newton cũng cho rằng sở dĩ các thiên thể chuyển động nhịp nhàng được là nhờ "cái hích đầu tiên của Thượng Đế” mà ông đã cho là sai lầm. Nhưng chẳng lẽ Newton lại dốt như vậy? Bị khích thích, ông đọc tiếp sang Tân Ước, càng thấy nhiều điều không logic khoa học nhưng lại đầy những phép lạ. Chính lúc ấy, nẩy ra một câu hỏi: “Sức mạnh nào khiến cho hàng tỷ người trên thế giới, trong đó có hầu hết các nhà khoa học vĩ đại nhất tin Kinh Thánh?” Và ông hiểu được Chúa đã dùng các nhà khoa học mở mắt cho ông qui phục Ngài, tin Kinh Thánh là Lời của Thượng Đế.

Ông viết: một trong những khái niệm khó nhất là khái niệm Đức Chúa Trời Ba Ngôi Một Thể. Cảm tạ Chúa đã đào tạo tôi thành một người nghiên cứu vật lý, nên điều này đối với tôi lại rất dễ chấp nhận khi so sánh với nước. Nước cũng có ba trạng thái là rắn, lỏng và hơi. Ba trạng thái vật chất ấy đều có cùng bản chất là nước. Có thể nói ba là một, một nhưng là ba. Điều thật khó hiểu đã trở thành qúa rõ ràng, mặc dù đây chỉ là một sự so sánh rất khập khiễng, một sự minh họa rất đại khái để chúng ta có thể hiểu được một chút nào đó.

Sự tìm ra và theo Chúa của ông thật đáng qúi, nhưng ông giải thích khái niệm Thiên Chúa Ba Ngôi kiểu này lại là một sự so sánh rất nguy hiểm. Vì tuy nước là vật chất tự nhiên duy nhất có khả năng ở cả ba trạng thái khi chuyển thể, không phải ba trạng thái hợp một thể, vì lực liên kết giữa các phân tử nước rất yếu; khi bị tác dụng đủ bởi điều kiện bên ngoài, đặc biệt là nhiệt, thì nó tự thực hiện một qúa trình chuyển thể hoàn toàn sang trạng thái khác. Và khi đó thể tích của nó thay đổi. Nhưng nếu tác dụng không đủ, nó chỉ chuyển thể một phần, không hoàn toàn được.

Nên dù nước có thể ở cả ba trạng thái, nhưng không trọn vẹn toàn khối trong một trạng thái cách tức thời. Nên không thể ví sánh với Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Ba nhưng Một, một nhưng Ba, nghĩa là cùng một lúc Ba vị riêng rẽ nhưng vẫn hợp nhất như một thể chặt chẽ mà không có tác dụng ngòai nào có thể phân rẽ, chia phối. Cũng không nên ví sánh một ngón tay có ba đốt, một lá cây có ba nhánh, một cái trứng có tròng trắng, tròng đỏ và vỏ. Bởi những ví sánh ấy chỉ có con số một và số ba là giống chữ số một và số ba của Thiên Chúa Ba Ngôi!

Vì thế không nên dùng bất kỳ hình tượng, trạng thái nào để so sánh với mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi bằng nhau, mà nên dâng những thắc mắc của mình cho Thiên Chúa hoặc nhìn gương thánh Augustine cùng cậu bé nơi bờ biển trao đổi về mầu nhiệm này. Hay như tiến sĩ Phan Như Ngọc, đã noi gương Newton:"đứng trên vai những người khổng lồ thì sẽ nhận ra chân lý của Thiên Chúa." Bởi thực tế chúng ta còn chưa giải thích được rất nhiều vấn đề nhân qủa đơn giản như giữa con gà và cái trứng cơ mà! Vậy cần tập trung, bám bíu vào những gì Đức Giesu dạy:

1. " Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất":

-  Sau khi Đức Giesu từ cõi chết sống lại vinh hiển với tư cách Đấng Kito Phục Sinh, Ngài tự nhận có quyền hành trọn vẹn ở trên trời và dưới đất, không hạn chế.

-  Phạm vi quyền hành của Ngài được mở rộng theo đà tiến triển chức vụ của Ngài: thoạt tiên Ngài có quyền tha tội ở trên mặt đất, sau đó Ngài hành động như quan án tối hậu của mọi người, kể cả quyền xác định cho chính sự sống, chức vụ của Ngài. Buổi tối trước giờ tử nạn, Ngài cho biết Chúa Cha đã cho Ngài quyền hành trên mọi loài thọ tạo.

-  Chẳng có một lời tự nhận nào đạt mức vô biên vinh hiển như lời trên.

-  Vì Ngài đã cương quyết từ chối đề nghị của Satan, trung thành vâng theo ý Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến cứu chuộc trần gian, nên giờ đây Ngài được cầm quyền chủ tể trên cả vũ trụ trời đất, và tùy ý xử dụng.

-  Với quyền hành tuyệt đối, Ngài chọn lựa để làm trước tiên là công khai sai các môn đệ đến với muôn dân.

-  Chúng ta hãy tin vào quyền lực của Ngài luôn bao phủ tạo vật, để chẳng sợ hãi gì khi công khai phục vụ hay phải âm thầm chiến đấu.

2. "Làm cho muôn dân trở thành môn đệ":

Lời phán chứng tỏ nhiệm vụ Chúa Phục Sinh trao không còn hạn chế như trước kia, không chỉ đến với chiên lạc nhà Israel, mà sẽ đến với muôn dân, mọi nền văn hoá, mọi thời đại, nghĩa là Hội Thánh của Ngài được qui tụ mọi dân tộc khác nhau trên toàn cầu.

     a)" Làm phép rửa cho họ, Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần":

-    Đã nhiều lần Đức Giesu hé mở cho biết có Một Thiên Chúa Ba Ngôi, như khi:

             .  Ngài chịu phép Rửa của Gioan, đã xuất hiện hình ảnh sống động đặc trưng về chân dung Thiên Chúa Ba Ngôi: một hình chim bồ câu đậu trên Ngài và có tiếng nói “Con là Con Ta yêu dấu.”

             .  Ngài hiển dung trên núi cao, tất cả Ba Ngôi cùng xuất hiện: Chúa Cha là tiếng nói, chúa Con là chính Đức Giesu và Chúa Thánh Thần là áng mây sáng chói lòa.

-    Hôm nay Đức Giesu công khai tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi và cũng là công thức của lễ nghi Phép Rửa.

-    Tất cả những ai chịu phép rửa đều được liên kết với Chúa Cha là Đấng Tạo Thành, với Chúa Con là Đấng Cứu Chuộc, và với Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa.

-    Nhờ sức mạnh của mối liên kết hiệp thông ấy mà có thể vừa sống, vừa vâng theo các huấn giới của Đức Giesu đã dạy để truyền lại cho kẻ khác.

-    Theo kinh thánh đó là sự cộng tác giữa Ba Ngôi để đem lại ơn cứu rỗi cho loài người.

-    Chúa Cha lập kế hoạch cứu rỗi, Chúa Con là hy lễ vẹn toàn cho chúng ta được trở nên dân của Ngài, và Chúa Thánh Thần tái sinh chúng ta thành con người mới.

-    Phép Rửa là dấu hiệu bề ngoài về sự đổi mới bên trong của đời sống cá nhân đã được cam kết sống với Chúa.

-    Nhưng không phải chung quanh chúng ta không còn tội lỗi, mà tội lỗi vẫn đầy khắp nơi, song kể như nó không thống trị được chúng ta nữa.

-    Khi chấp nhận và tin như vậy, Thiên Chúa sẽ thực hiện điều đó cho chúng ta.

-    Vậy sống mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa là sống ơn Bí Tích Rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận qua bàn tay của Giáo Hội.

-    Mầu nhiệm ấy được nhắc nhở mỗi khi chúng ta làm dấu thánh gía trên mình cách kính cẩn.

-    Hiện nay “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” so với tỉ lệ phát sinh về số lượng của nhân loại thì không đáng kể, nhưng năm nào, ở đâu cũng có nhiều người xin được chịu phép rửa.

-    Hằng năm Giáo Hội dành riêng những ngày để kêu mời, nhắc nhở mọi người thực hiện nhiệm vụ này.

     b) "Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em":

-    Hẳn chúng ta nhận ra rằng tinh thần bác ái của nhân loại càng ngày càng lớn mạnh.

-    Nhân loại càng ngày càng biết tôn trọng nhân quyền, phẩm gía con người, nhân phẩm phụ nữ, quyền lợi trẻ em…

-    Thành qủa tốt đẹp ấy một phần nhờ văn minh tiến bộ, nhưng chắc chắn cũng là do ảnh hưởng của tinh thần Tin Mừng Đức Kito.

-    Những gía trị tinh thần mà ngày xưa người ta cho là lý tưởng xa vời, thì ngày nay được coi là đúng, là phải, là đạo đức, là đương nhiên phải có, đương nhiên phải theo, phải sống, kể cả những người không theo Kito giáo.

-    Tuy nhiên nếu nói truyền giáo theo quan niệm làm Phép Rửa cho người ta gia nhập Giáo Hội thì kết qủa qúa khiêm tốn, nếu không muốn nói là thất bại! Nhưng nếu quan niệm truyền giáo là truyền bá những gía trị Tin Mừng thì truyền giáo đã thành công.

-    Vì thế Giáo Hội luôn cần mọi cách, mọi người để truyền giáo, quan trọng hơn là làm cho tinh thần Tin Mừng thấm sâu vào thế giới con người.

-    Bởi thật dễ dàng, mọi người, mọi tầng lớp của Giáo Hội đều có thể truyền giáo bằng nếp sống thể hiện tinh thần Tin Mừng cho người chung quanh, người được tiếp xúc, cách tế nhị, lịch sự, chân thành, kín đáo...

-    Nếu ai không thể chịu Phép Rủa, không thể sinh hoạt với Giáo Hội được, nhưng họ vẫn sống theo những gía trị tốt đẹp của Tin Mừng, thì họ chính là những Kito hữu ẩn danh.

-    Và chắc chắn Thiên Chúa sẽ đón nhận những tín hữu ẩn danh này.

3. "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”:

-    Đức Giesu nói điều này sau khi đã truyền cho các môn đệ đi rao giảng cho muôn dân.

-    Như lời hứa kèm theo công tác, nhưng chỉ có vậy, không bảo đảm cho môn đệ cuộc sống đầy đủ hạnh phúc, không bảo đảm thành công, tuy nhiên các ông đã ý thức rằng bao lâu Ngài ở với họ, thì họ can đảm mạnh mẽ đương đầu với bất cứ khó khăn nào, vì có Ngài ở cùng là sự bảo đảm quan trọng nhất, trên hết mọi bao đảm.

-    Ý thức có Chúa ở cùng không làm cho chúng ta thay đổi được thế giới, nhưng cho chúng ta can đảm đối diện với mọi thứ trong thế giới ấy.

-    Vì vậy đừng bao giờ xin Chúa thay đổi điều này, người kia, vật nọ…mà hãy cần xin Ngài bảo đảm luôn ở với chúng ta, chúng ta sẽ đương đầu được với những khó khăn, cám dỗ, cô đơn và thất vọng. Nên chúng ta cũng cần luôn ở với Chúa.

-    Đôi khi những bận rộn, lo lắng, tham vọng quyền danh lợi thế tràn đầy tâm lòng chúng ta, có thể không còn chỗ cho Chúa, không nhận ra, không liên lạc được với Ngài, thậm chí đã xua đuổi Ngài bằng những hành động tội lỗi.

-    Chúng ta hãy bồi dưỡng ý thức có Chúa ở cùng bằng cách cầu nguyện liên tục, suy ngẫm thường xuyên.

-    Hãy năng cầu nguyện cho chính chúng ta được ơn tin tưởng phó thác vào sự hiện diện thần linh và quyền năng của Đức Kitô trong đời sống và hoạt động tông đồ của chúng ta.

 

Lạy Chúa, tin vào Lời Ngài về mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi sống hiệp thông, chia sẻ và yêu thương. Qua đó chúng con biết làm dấu thánh gía trên thân xác hằng ngày cách kính cần, như in dấu Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời mình, cùng như họa lại hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa trong tâm hồn những người chung quanh.

Xin cho chúng con luôn biết dẹp bỏ tham vọng, kỳ thị, hận thù để yêu thương, chấp nhận, tôn trọng những khác biệt của nhau, hầu hiệp thông với mọi người, xứng đáng tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi: "Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Amen.

Than men,

duyrenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét