Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Đuối nước - tai nạn thường gặp mùa nóng

 

Đuối  nước - tai  nạn  thường  gặp  mùa  nóng

Chủ nhật, 11/4/2021,vnexpress.net


PHÚ THỌBé trai 13 tuổi, đi tắm sông thì bị đuối nước, suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, suýt chết.

Bé được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh cấp cứu, đặt ống nội khí quản, thở máy, sau đó chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, ngày 4/4. Bé ý thức lơ mơ, oxy hóa máu giảm thấp do phổi bị tổn thương nặng do đuối nước. Các bác sĩ áp dụng các biện pháp điều trị tích cực gồm thở máy, lọc máu liên tục, kháng sinh, hỗ trợ dinh dưỡng... Đến nay một tuần, tình trạng sức khỏe của bé dần ổn định, ý thức tỉnh táo hoàn toàn, oxy hóa máu dần cải thiện.

Một bệnh nhân 33 tuổi cũng bị đuối nước, chuyển đến viện Đa khoa Phú Thọ trong tình trạng hôn mê, oxy hóa máu giảm rất thấp, toan chuyển hóa nặng, rối loạn nhịp tim. Bệnh nhân này cũng phải thở máy, lọc máu liên tục, điều chỉnh rối loạn toan kiềm, kháng sinh chống nhiễm khuẩn, hỗ trợ dinh dưỡng..., tình trạng dần ổn định.

Bác sĩ Đinh Văn Trung, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, nhận định cả hai tổn thương phổi rất nặng do đuối nước, phim chụp cắt lớp vi tính có tổn thương phổi lan tỏa cả hai bên.

Hình ảnh tổn thương não của bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hình ảnh X-quang tổn thương não của bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp


Đuối nước có thể xảy ra với bất cứ người nào, kể cả người bơi thành thạo. Nếu không được cấp cứu kịp thời, xử lý đúng cách, nạn nhân có thể tổn thương nặng nề tim, phổi, thần kinh, thậm chí ngừng tim, ngừng thở, tử vong.

Bác sĩ cho biết, điều quan trọng quyết định sự sống còn cho người bị đuối nước là thời gian chìm trong nước. Thứ hai, khi vớt lên, nạn nhân cần phải thực hiện sơ cứu kịp thời và đúng cách.

Cách sơ cứu người đuối nước như sau: đầu tiên, đưa nạn nhân ra khỏi vùng nước. Nếu nạn nhân gặp nạn ở sông, ao hồ... sẽ rất hoảng loạn nên cần người biết bơi giỏi, chuyên nghiệp dùng vật dụng nổi để vớt lên và đưa vào bờ. Nạn nhân cần được đánh giá xem còn thở không, nếu đã ngưng tim, ngưng thở thì thực hiện hồi sức tim phổi ngay tại chỗ.

Tiến hành ấn tim với lực ấn đạt chiều sâu 1/3 đến 1/2 bề dày lồng ngực. Bắt mạch ở các mạch máu lớn như nách, cổ, hoặc bẹn... nghe mạch nảy là có hiệu quả. Ấn 15 cái, kiểm tra nạn nhân có thở không. Nếu không thở, ngực không di động thì phải hà hơi thổi ngạt. Trường hợp có một người thì ấn tim và hà hơi thổi ngạt thì làm theo tỷ lệ 30 lần ấn tim và 2 lần thổi ngạt. Nếu 2 người thì ấn tim 15 cái, thổi ngạt 2 cái. Khi hà hơi thổi ngạt mà lồng ngực nạn nhân không nhô lên thì phải kiểm tra lại.

Hồi sức tại chỗ vài phút cho tới khi bệnh nhân tự thở, mạch tự đập lại được, sau đó chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Hiện nay các trung tâm cấp cứu ngoại viện cũng có thể điều động nhân viên y tế hỗ trợ kịp thời. Nếu không ấn tim, thổi ngạt liên tục 5 phút thì nạn nhân nguy cơ sẽ tử vong. Nếu có phương tiện vận chuyển như xe hơi thì trong lúc di chuyển đến viện cần đặt nạn nhân nằm, tiếp tục ấn tim hà hơi thổi ngạt liên tục trên đường đưa trẻ đến cơ sở y tế, không được gián đoạn.

Dân gian có nhiều phương pháp sơ cứu như sốc nước (dốc ngược nạn nhân lên vai rồi chạy quanh), lăn lu... Những cách này có thể vô tình làm mất thời gian vàng, nạn nhân không được sơ cứu tim phổi kịp thời mà còn thêm tổn hại vì tác động không đúng cách.

Bác sĩ cho biết, nạn nhân đuối nước có thể tự cứu mình bằng cách thả nổi cơ thể hoặc đứng tại chỗ dùng chân làm mái chèo quạt nước để đầu nhô lên.

Cách thoát khỏi đuối nước khi không biết bơi. Video: Bright Side


Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm trên 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước, 2/3 trường hợp xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, gần 3.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và gấp 10 lần các nước phát triển, chiếm trên 45% số ca trẻ tử vong do tai nạn thương tích trên cả nước.

Bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần nhắc trẻ không chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, kênh rạch... những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước, không để trẻ nhỏ ở nhà một mình, đậy kín các vật chứa nước trong nhà. Trẻ nhỏ đi đến hồ bơi nên đi cùng người lớn, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, đặc biệt cần tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi tắm biển hay tắm sông, dù biết bơi hay không biết bơi cũng chỉ nên tắm gần bờ.

Phụ huynh nên cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng bơi an toàn. Đặc biệt, mỗi người nên tự trang bị những kiến thức, kỹ năng sơ cứu đuối nước để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp tình huống khẩn cấp, tránh những hậu quả xảy ra.

Thúy Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét