Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

7 trò chơi dân gian hấp dẫn cha mẹ nên dạy cho trẻ

 

7  trò  chơi  dân  gian  hấp  dẫn  cha  mẹ
nên  dạy  cho  trẻ

Minh Minh • Chủ Nhật, 20/03/2022-trithucvn.org

Trò chơi dân gian không còn xa lạ gì đối với tuổi thơ của nhiều người. Nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng lại dần bị lãng quên bởi những trò chơi điện tử, game online, mạng xã hội.

Để con bạn có một tuổi thơ hoạt bát, năng động, lành mạnh, cha mẹ có thể dạy con trẻ những trò chơi dân gian thú vị sau đây.

1. Oẳn tù tì



(Ảnh: FAMILY STOCK/Shutterstock)

Trò chơi này cần 2 người trở lên tham gia. Tất cả cùng nắm tay thành nắm đấm rồi đồng thanh hô “Oẳn tù tì ra cái gì là ra cái này”.

– Đấm: Ai ra đấm thì thắng người ra kéo

– Kéo: Ai ra kéo thì thắng người ra lá

– Lá: Ai ra lá thì thắng người ra đấm

– Ra giống nhau là hòa

Trò chơi đơn giản này không những có tác dụng giải trí rất thú vị mà còn giúp con trẻ rèn luyện tinh thần phản xạ và sự phán đoán nhanh nhạy. Ba mẹ nên thông qua trò chơi này để dạy con những quy luật như: cái kéo trong thực tế có thể cắt giấy, tờ giấy có thể dùng để bọc đồ đạc…

2. Cá sấu lên bờ

Đây là trò chơi giúp các con nâng cao tinh thần tập thể, tăng sự vận động, nhanh nhẹn, nên chơi ở ngoài trời (sân, vườn). Các con nên rủ 4-8 bạn cùng tham gia trò chơi này.

Để bắt đầu chơi, ba mẹ hãy dùng phấn để vẽ “bờ” lên nền gạch. Các con oẳn tù tì, ai thua sẽ phải làm “cá sấu”. Những người thắng sẽ làm dân thường, đứng trên “bờ”. Dân thường ‘chọc tức’ cá sấu bằng cách đợi cá sấu ở xa thì thò 1 hoặc 2 chân xuống “nước” rồi vỗ tay hát “cá sấu, cá sấu lên bờ”. Khi nào cá sấu quay lại thì lại nhảy lên bờ. Người nào nhảy lên không kịp bị cá sấu bắt được phải thay làm cá sấu. Nếu cá sấu bắt được một lúc 2 người, thì 2 người đó sẽ xác định ai sẽ làm cá sấu qua trò chơi oẳn tù tì.

3. Chim bay cò bay

Trò chơi này rất thích hợp để các con nhỏ học mẫu giáo vừa vận động vừa luyện phản xạ. Các con đứng thành một vòng tròn, người quản trò đứng giữa. Đặc điểm của chim là biết bay, vậy nên khi quản trò hô “Chim bay” (Đồng thời giời co chân, giang tay như chim đang bay) thì các con đứng xung quanh cũng phải làm theo. Để đánh lừa, quản trò sẽ hô những câu như “Ghế bay”, “Áo bay”, “Chổi bay”… nếu các con bị giật mình mà giơ tay-co chân lên thì sẽ bị thua. Hình phạt cho người thua là nhảy lò cò từ đầu sân đến cuối sân hoặc các hình phạt thú vị khác.

4. Kéo cưa lừa xẻ

Kéo cưa lừa xẻ là một trò chơi có thể thực hiện dễ dàng tại nhà, nó đặc biệt thích hợp với những bé nhỏ tuổi. Hãy cầm tay bé kéo qua đẩy lại kèm theo lời hát quen thuộc:

“Kéo cưa lừa xẻ

Ông thợ nào khỏe

Về ăn cơm vua

Ông thợ nào thua

Về bú tí mẹ”

Trò chơi này giúp con vận động nhẹ nhàng nên rất tốt cho sức khỏe, ba mẹ hãy dành thời gian chơi với con mỗi ngày nhé.

 


(Ảnh: Skids Nhạc Thiếu Nhi/YouTube)

5. Chi chi chành chành

Trong trò chơi này, một trẻ đứng xòe bàn tay ra, những trẻ khác giơ các ngón tay trỏ đặt vào lòng bàn tay đó và đọc nhanh câu đồng dao:

“Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa chết trương

Ba vương ngũ đế

Chấp dế đi tìm

Ù à ù ập.”

Đến chữ “ập” thì trẻ đang xòe tay ra nắm nhanh tay lại, còn mọi người thì cố gắng rút tay thật mạnh, ai rút không kịp bị nắm trúng thì lại trở thành người đứng xòe tay ra, đọc câu đồng dao cho người khác chơi.

6. Bịt mắt bắt dê

Đây là trò chơi dân gian đáng nhớ của hầu hết những ai sinh ra trong thế hệ đầu 9x trở lên. Tuy nhiên, điện thoại thông minh, sự phát triển công nghệ và chương trình học quá nặng đã khiến các trò chơi dân gian trở nên xa lạ với trẻ em ngày nay. Bạn nên dẫn dắt để con có thế tiếp xúc được với những trò chơi truyền thống lành mạnh, vì sự phát triển tốt đẹp của trẻ trong tương lai.

Trò chơi này bạn nên hướng dẫn con chơi cùng nhiều bạn khác. Các bạn tạo thành một vòng tròn lớn vây quanh 1 bạn bị bịt mắt ở giữa. Sau khi dùng khăn bịt mắt, mọi người sẽ chạy xung quanh rồi chạm vào người bịt mắt rồi chạy khi người đó chụp mình. Khi người bị bịt mắt chụp được người nào, thì phải đoán và nói tên của người đó. Nếu nói đúng thì người bị bắt chuyển thành người bịt mắt, nếu nói sai trò chơi tiếp tục như cũ. Người bị bắt có thể “lừa” người bị bịt mắt bằng cách khụy chân xuống giả làm người lùn hoặc kiễng chân lên cao, để cho người bị bịt mắt không đoán ra mình là ai. Trò chơi này sẽ rèn luyện thể chất cho trẻ rất tốt và giúp trẻ có thêm nhiều bạn mới.

 

(Ảnh: fizkes/Shutterstock)

7. Rồng rắn lên mây

Với trò chơi này, ba mẹ nên cho con chơi ngoài sân rộng (hoặc phòng rộng), bằng phẳng và mời khoảng 5-10 người bạn của con đến chơi. Một trẻ đóng vai “thầy thuốc” và ngồi một chỗ. Một trẻ cao to khỏe nhất (người có khả năng bảo vệ mọi người nhất) sẽ đứng ở đầu, còn các trẻ còn lại sẽ nối đuôi nhau thành một “đoàn rồng rắn” dài đi vòng vèo trong sân, vừa đi vừa đọc:

“Rồng rắn lên mây

Có cây lúc lắc

Hỏi thăm thầy thuốc

Có nhà hay không?”

Khi đọc đến câu “Có nhà hay không?”, đoàn tàu dừng lại trước mặt “thầy thuốc”, thầy thuốc có thể trả lời “Thầy thuốc đi chợ rồi, đi câu cá rồi v.v… (có thể tự chế)”. Nếu vậy đoàn rồng rắn sẽ đi tiếp, vừa đi vừa đọc lại những câu trên. Cho tới khi thầy thuốc trả lời “có” thì cả đoàn sẽ dừng lại để thầy thuốc hỏi chuyện.

Thầy thuốc hỏi:

– Rồng rắn đi đâu?

Người đứng đầu của đoàn rồng rắn trả lời:

– Rồng rắn đi lấy thuốc để chữa bệnh cho con.

– Con lên mấy?

– Con lên một

– Thuốc chẳng hay

– Con lên hai.

– Thuốc chẳng hay.

Cứ thế cho đến khi thầy thuốc trả lời “Thuốc hay vậy”.

Kế đó, thì thầy thuốc đòi hỏi: “Cho xin khúc đầu?”

Người đứng đầu trả lời: “Những xương cùng xẩu”

– Cho xin khúc giữa?

– Chẳng có gì ngon

– Cho xin khúc đuôi?

– Tha hồ mà đuổi.

Sau câu “Tha hồ mà đuổi”, “thầy thuốc” chạy đuổi bắt cho được “khúc đuôi” (người cuối cùng) còn cả nhóm sẽ chạy tránh, người đứng đầu nhóm dang hai tay che chở cho cả nhóm không bị bắt. Nếu trẻ làm thầy thuốc bắt được “khúc đuôi” thì người bị bắt sẽ đổi vai thành thầy thuốc và chơi lại từ đầu.

Các trò chơi dân gian sẽ đem lại một tuổi thơ đáng nhớ và sự phát triển lành mạnh cho trẻ nhỏ. Vì vậy, thay vì để con bạn chơi cùng với tivi, máy tính, điện thoại… hãy hướng dẫn trẻ các trò chơi dân gian thú vị này nhé.

Minh Minh

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét