Thứ năm, 3/3/2022, vnexpress.net
Khi nào cần thay khớp háng?
Thay khớp háng là phẫu thuật chỉnh hình được thực hiện khi khớp háng bị hư hỏng, tổn thương gây ảnh hưởng đến cuộc sống.
Phẫu thuật thay khớp háng là quy trình cắt bỏ khớp háng bị tổn thương hoặc thoái hóa và thay thế bằng khớp nhân tạo. Thay khớp háng được thực hiện với mục đích khôi phục tính toàn vẹn của khớp ổ cối giữa xương đùi và xương chậu, điển hình là ở những bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi, viêm khớp háng hoặc trật khớp háng bẩm sinh.
Theo TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đồng thời là Chủ tịch Hội nội soi khớp và Thay khớp Việt Nam, kỹ thuật thay khớp háng đã có hơn 40 năm ứng dụng và phát triển tại Việt Nam, đến nay đã có hàng nghìn trường hợp được thay khớp thành công mỗi năm.
Thay khớp nhân tạo được chỉ định trong những trường hợp cần thiết. Cụ thể khi khớp háng làm người bệnh đau đớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Khi người bệnh dùng thuốc giảm đau không đạt hiệu quả, tình trạng chuyển biến xấu ảnh hưởng đến khả năng vận động, dù đã dùng gậy hoặc khung tập đi. Hoạt động đi lại, lên xuống cầu thang, khó đứng lên khi đang ở tư thế ngồi..
Những trường hợp hoại tử chỏm xương đùi hoặc tai nạn té ngã gãy cổ xương đùi, khiến người bệnh không đi lại được, nằm một chỗ... thì thay khớp háng là một lựa chọn tối ưu.
Những bệnh lý thường gặp phải thay khớp háng
Người thoái hóa khớp háng, sụn khớp bị bào mòn: Thoái hóa khớp làm tổn thương lớp sụn trơn bao bọc đầu xương khiến cho các khớp khó vận động trơn tru. Nếu máu không được cung cấp đầy đủ để nuôi phần chỏm của khớp háng do những nguyên nhân như trật khớp hoặc gãy xương, xương có thể xẹp và biến dạng, khiến cho khớp háng mất chức năng.
Người bị hoại tử chỏm xương đùi, gãy cổ xương đùi: Tình trạng này xảy ra khi nguồn máu cung cấp cho xương bị gián đoạn khiến cho các mô xương bị hoại tử. Dần dần các ổ xương bị khuyết hổng khiến cho phần sụn và xương bị phá hủy. Bệnh nhân gặp tình trạng này sẽ có cảm giác đau phần khớp háng và khó khăn khi xoay người.
Người bị viêm khớp dạng thấp: Bệnh gây ra bởi hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Viêm khớp dạng thấp có thể ăn mòn sụn và đôi khi là xương dưới sụn, dẫn đến tình trạng các khớp bị hư hỏng và biến dạng.
Viêm cột sống dính khớp: là bệnh lý mạn tính ảnh hưởng nặng nề đến cột sống và các khớp, đặc biệt khớp háng. Khi khớp háng bị dính, khả năng vận động bị ảnh hưởng sẽ gây khó khăn cho vấn đề sinh hoạt như đi vệ sinh, ngồi làm việc,... ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Ngoài ra các bệnh lý u xương vùng chỏm hoặc cổ xương đùi phức tạp cũng có thể được điều trị bằng phương pháp cắt u và thay khớp háng bán phần.
Tiến sĩ Tăng Hà Nam Anh, cho biết để phẫu thuật thay khớp háng, bệnh nhân cần hỏi bác sĩ về cơ địa, tình trạng sức khỏe của mình có đảm bảo cho việc thay khớp háng hay không.
"Để nắm được tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, thận, gan... và có câu trả lời, bạn có thể thay khớp háng hay không. Nếu bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng đường tiểu, bệnh lý nội khoa nặng... bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị dứt điểm mới tiến hành phẫu thuật thay khớp" - TS Nam Anh nói.
Kỹ thuật thay khớp háng
Việc thay khớp sẽ giúp bệnh nhân giảm đau, đi lại được thuận tiện và cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống. Hiện nay, kỹ thuật này được phân ra 2 loại gồm:
Thay khớp toàn phần
Bệnh nhân sẽ được thay toàn bộ phần mặt khớp của xương đùi và ổ cối. Phẫu thuật này được chỉ định khi bệnh nhân bị các tổn thương khớp như thoái hóa, hoại tử vô khuẩn,. và đảm bảo sức khỏe để trải qua cuộc mổ kéo dài.
Thay khớp bán phần
Bệnh nhân chỉ thay thế phần chỏm xương đùi mà không thay thế ổ cối; đây là phẫu thuật được chỉ định các trường hợp chấn thương gãy cổ xương đùi ở người già, hoặc những trường hợp thể trạng yếu không thể đảm bảo thực hiện thay khớp háng toàn phần. Ngày nay, hầu hết khớp háng bán phần là loại khớp lưỡng cực, giúp biên độ vận động của bệnh nhân được cải thiện rất tốt.
TS.BS Nam Anh lưu ý, sau phẫu thuật, người bệnh có thể phải nằm trên giường với một tấm đệm giữa hai chân để giữ cho khớp háng mới ở đúng vị trí. Bệnh nhân sẽ được tập vật lý trị liệu sau vài ngày và tiếp tục tập vật lý trị liệu trong vài tuần đến vài tháng sau khi phẫu thuật.
Để đẩy nhanh quá trình hồi phục ngoài áp dụng các bài tập vật lý trị liệu người bệnh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe.
Bổ sung các nhóm thức ăn giàu canxi, hoặc các thực phẩm có chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin. Bổ sung thêm rau xanh và thực phẩm giàu protein để sức khỏe người bệnh nhanh chóng hồi phục hơn. Hạn chế những thực phẩm cay nóng, rượu bia, chất kích thích.
Những thức ăn có mùi tanh, đặc biệt thịt gà, hải sản, rau muống, thịt bò cũng nên hạn chế vì chúng làm quá trình hồi phục chậm hơn.
Anh Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét