Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

XÉT ĐOÁN: LỖI KHÔNG CỦA RIÊNG AI

 

XÉT  ĐOÁN: 

LỖI  KHÔNG  CỦA  RIÊNG  AI

Mon, 28/02/2022 - Lm Anmai, CSsR

                Trong cuộc sống thường ngày, dường như ít ai thoát được cái bệnh xét đoán. Đơn giả, là người mà, cứ nhìn thấy cái gì là cứ xét đoán cho bằng được và cứ nghĩ mình là bậc thầy và mình hoàn toàn đúng. Thế nhưng rồi có những câu chuyện, có những lời nói xem chừng như cảnh tỉnh cho ta về sự xét đoán.

                Con người dễ bị lầm vì chính cái vẻ bề ngoài cũng như từ miệng lưỡi của người khác.

                Cái lưỡi phải nói rằng chính là vũ khí không chỉ sát hại người khác mà là sát hại cả người dùng nó không đúng nơi đúng chỗ.

                Nguyên tuần qua, nếu như ai nào đó tham dự Thánh Lễ ngày thường và để tâm lắng nghe lời Chúa trong các bài đọc thì ta thấy Thánh Giacôbê tông đồ đã nói quá nhiều về chuyện lời nói, về tác hại của cái lưỡi cũng như cái phán xét người khác từ cái vẻ bên ngoài.

                Mở đầu chương 2, ta thấy thư của Thánh Giacôbê nói rất hay về sự phán xét bề ngoài : “Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư.  Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào,  mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói : "Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này", còn với người nghèo, anh em lại nói : "Đứng đó !" hoặc : "Ngồi dưới bệ chân tôi đây !",  thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao ?

                Nhiều và nhiều điều hay nữa mà Thánh Gia cô bê đã nhắc chúng ta. Về cái lưỡi thì Ngài nói hơi rõ : Kìa, một ngọn lửa có là bao, mà đốt cháy cả một khu rừng lớn. Lưỡi cũng là ngọn lửa, là cả một thế giới gian ác. Lưỡi là một trong các chi thể của chúng ta, nó làm hoen ố cả thân xác, được hoả ngục nhen nhúm lên, nó đốt cháy cả cuộc đời chúng ta …

Anh em thân mến, anh em hãy biết rằng: Mọi người hãy mau nghe, nhưng đừng vội nói và vội nóng giận, vì sự nóng giận của người ta không thực hiện sự công chính của Thiên Chúa. Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác; anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, là lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.

        Cũng lâu lắm rồi, tôi đọc được câu chuyện về vị thiền sư Hakuin ở bên Nhật Bổn.

Thiền sư Hakuin Ekaku (1686-1768) là một vị thầy đạo hạnh khiêm nhu, lối sống giản dị, thanh tịnh, là thiền sư vĩ đại “500 năm mới có một người” của nước Nhật. Thiền sư Hakuin rất được mọi người trọng vọng kính nể vì phong cách đạo đức thánh thiện của ông.

Thiền sư Hakuin Ekaku sinh năm 1684 ở thời kỳ Edo Nhật bản, xuất gia từ năm 8 tuổi, là một vị thiền sư quan trọng nhất của dòng thiền Lâm Tế, người đã có công phục hưng lại thiền phái vốn đã bị tàn lụi trước đó nhiều thế kỷ. Chính vì thế, người ta gọi ông là thiền sư vĩ đại “500 năm mới có một người” của nước Nhật.

Một ngày kia, có một người con gái trẻ đẹp nhà gần chùa của thiền sư bỗng bị chửa hoang. Người ta không biết cha đứa bé là ai. Bố mẹ cô gái vô cùng tức giận và xấu hổ nên đánh đập tra khảo con gái để biết về lai lịch tình nhân. Ban đầu cô con gái không chịu nói gì cả, nhưng sau cùng vì bị đánh đập dữ dội, cô tiết lộ đó là thiền sư Hakuin.

Một vị sư được người người kính trọng lại làm chuyện như vậy nên câu chuyện lan ra khắp xóm làng, dân chúng dị nghị, nghi ngờ, xầm xì, khinh thường, cho rằng ông ấy mà tu hành gì, đồ đạo đức giả…

Đệ tử của thiền sư dần dần bỏ đi gần hết. Không chỉ có vậy, gia đình cô gái vô cùng tức giận, chờ đứa con được sinh ra rồi mang tới dúi cho thiền sư. Họ nói: “Đấy, con của ông đấy, ông giữ mà nuôi lấy, đồ đạo đức giả!”. Thiền sư không nói gì, bình thản nhận lấy đứa bé. Vì không có sữa cho đứa bé, bị đệ tử xa lánh, nên chính thiền sư phải bồng đứa bé ngày ngày đi xin sữa, bị người đời chê bai, dè bỉu.

Sau một thời gian dài, vì lương tâm cắn rứt và giày vò khôn nguôi nên cô gái quyết tâm nói ra sự thật để giải thoát cho bản thân mình. Cô khai đứa bé đó là con của cô và chàng bán cá tanh hôi ở chợ. Cha mẹ cô nghe xong liền hoảng hốt, cảm thấy tội lỗi vô cùng nên tức tốc dẫn con gái tới chùa dập đầu sám hối với thiền sư và xin cháu về.

Thiền sư nghe xong, bình thản nói: “Thế à!”.

                Câu chuyện của thiền sư cho ta thấy sự phán xét hồ đồ của con người. Mà cũng chả phải thiền sư Hakuin bị xét đoán cách hồ đồ. Cách đây hơn 2000 năm, ở đỉnh đồi Canve, một Giêsu vô tội cũng bị người ta vu khống, bỏ vạ cáo gian và đem treo lên trên cây thập tự. Kinh nghiệm cây thập tự giá ngày xưa treo Thầy Chí Thánh phải chăng là kinh nghiệm lớn lao cho sự hàm hồ của chúng ta.

                Khi ngồi tòa giải tội nghe hối nhân thú lỗi, tội cảm nhận được thân phận yếu đuối và tội lỗi của con người trong đó có cả tôi. Với kinh nghiệm như vậy, tôi lại càng ngán phán xét hay kết án người khác bởi lẽ mình vẫn là phàm nhân.

                Ai trong chúng ta cũng hơn một lần đau khổ vì bị người khác xét đoán hay là đóng đinh. Ít nhiều gì chúng ta cảm nghiệm được sự đau đớn đó để rồi mình có kinh nghiệm và đừng xét đoán người khác.

                Mùa Chay Thánh đang về, cơn dịch bệnh vẫn còn đang tiếp diễn và cả chiến tranh chưa chấm dứt. Chúng ta hãy dành thời gian lắng đọng tâm hồn để nhìn lại cuộc đời của mình, nhìn lại chính bản thân của mình để rồi mỗi chúng ta có chút gì đó gọi là thay đổi. Nếu như trước đây mình hồ đồ hay xét đoán người khác thì hãy tập dần đi. Xin cho chúng ta bớt xét đoán để rồi Chúa cũng sẽ bớt xét đoán với mỗi người chúng ta.

Lm. Anmai, CSsR

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét