Thứ Ba, 8 tháng 3, 2022

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư

 Thứ năm, 3/3/2022, VnExpress.net

Các  yếu  tố  làm  tăng  nguy  cơ  mắc  ung  thư

Hút thuốc lá, uống rượu bia, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, lối sống thiếu vận động, mắc các bệnh lý mãn tính, di truyền… làm tăng khả năng mắc ung thư.

Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, đến nay y học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây bệnh của nhiều loại ung thư. Tuy nhiên, có các yếu tố có thể làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư của một người. Các yếu tố này được gọi là yếu tố nguy cơ. Cần phân biệt rõ yếu tố nguy cơ không phải là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư; nghĩa là không phải ai có yếu tố nguy cơ thì chắc chắn sẽ mắc bệnh và không có yếu tố nguy cơ thì sẽ không mắc bệnh; mà nên hiểu theo nghĩa là người có yếu tố nguy cơ sẽ có khả năng mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người không có yếu tố nguy cơ.

Mỗi loại bệnh ung thư khác nhau có thể có các yếu tố nguy cơ chuyên biệt khác nhau. Nhưng tổng quát, một số yếu tố nguy cơ phổ biến có thể gặp trong tất cả các loại bệnh ung thư như tuổi tác, mắc các bệnh lý mãn tính, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, lối sống thiếu vận động, di truyền, căng thẳng, tiếp xúc các hóa chất độc hại, bức xạ...

Trong đó, theo bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi, những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh phần nhiều có liên quan đến lối sống (chiếm khoảng trên 60%) như hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn quá nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn...

Tuổi tác, mắc các bệnh lý mãn tính

Tần suất mắc bệnh ung thư thường tăng theo độ tuổi, tỷ lệ người lớn tuổi mắc ung thư cao hơn người trẻ. Khả năng mắc bệnh ung thư ngày càng tăng khi bắt đầu bước vào độ tuổi trung niên.

Bác sĩ Thảo Nghi giải thích, quá trình lão hóa có thể khiến tế bào mất khả năng sửa chữa các tổn thương (như viêm nhiễm...), từ đó hình thành các tế bào bất thường. Quá trình tiếp xúc với các tác nhân như virus, vi khuẩn lâu dài góp phần làm suy giảm khả năng phục hồi của tế bào, tạo điều kiện thuận lợi cho tế bào bất thường tiến triển thành các tế bào ác tính, dần dần tích tụ và hình thành khối u ác tính. Ngoài ra, nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, viêm gan, xơ gan, viêm dạ dày, polyp đại tràng... cũng làm tăng khả năng mắc ung thư.

Ví dụ ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày thường gặp ở bệnh nhân trên 50 tuổi; ung thư gan, ung thư phổi là từ 45-50 tuổi trở lên... Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố, nhất là từ môi trường - lối sống, hiện nay độ tuổi mắc bệnh ung thư đang có xu hướng trẻ hóa, có thể gặp ở người dưới 40 tuổi. Do đó, bác sĩ Thảo Nghi khuyến cáo, mọi người nên chủ động tầm soát ung thư từ 40-45 tuổi, ở cả nam và nữ.

Hút thuốc lá

Thuốc lá có hơn 7.000 chất hóa học. Các chất độc hại có trong khói thuốc lá có thể làm thay đổi ADN tế bào, gây đột biến tế bào, dẫn đến ung thư. Người hút thuốc lá (tiếp xúc chủ động với thuốc lá, còn được gọi là hút thuốc lá chủ động) lẫn người hít khói thuốc lá (tiếp xúc bị động với thuốc lá, còn được gọi là hút thuốc lá thụ động) đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Hút thuốc lá đặc biệt làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư phổi, nhất là ở nam giới. Bác sĩ Thảo Nghi cho biết, khoảng 70% bệnh nhân ung thư phổi có sử dụng thuốc lá. Người hút thuốc lá chủ động lẫn người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá) cũng tăng khả năng mắc căn bệnh này.

Ngoài ra, hút thuốc lá cũng có khả năng dẫn đến các loại ung thư khác như ung thư miệng, ung thư vòm họng, ung thư gan... Bác sĩ Thảo Nghi khuyến cáo không nên hút thuốc lá vì nguy hại cao đến sức khỏe, và thường rất khó để cai một khi đã bắt đầu hút.

Uống nhiều rượu bia

Uống nhiều rượu bia có khả năng làm tổn thương tế bào và các cơ quan trong cơ thể. Rượu bia có thể gây tổn thương bề mặt thực quản dạ dày gây viêm loét hoặc tổn thương gan gây xơ gan; các tổn thương này có thể tiến triển thành ung thư thực quản, ung thư dạ dày và ung thư gan. Bác sĩ Thảo Nghi chia sẻ thêm, những người thường xuyên uống nhiều rượu bia có nguy cơ mắc ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư miệng, ung thư vòm họng... cao gấp 1-5 lần so với những đối tượng khác. Phụ nữ uống nhiều rượu bia còn dễ mắc ung thư vú.

Uống nhiều rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan tại Việt Nam. Bác sĩ Thảo Nghi khuyên mọi người tốt nhất không nên uống nhiều rượu bia hoặc nếu có uống thì nên có số lượng giới hạn. Những bệnh nhân ung thư, tim mạch, cao huyết áp... nên từ bỏ rượu bia hoặc có thể uống với số lượng giới hạn.

Uống nhiều rượu bia gây hại cho sức khỏe. Ảnh: Anh Thư.

Uống nhiều rượu bia gây hại cho sức khỏe. Ảnh: Anh Thư.

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Người có chế độ ăn không hợp lý, ví dụ như không cân bằng giữa chất đạm và chất xơ (rau, củ, quả); ăn uống không điều độ hoặc không đúng bữa, bỏ bữa; ăn nhiều thịt đỏ, đồ cay nóng, thực phẩm ủ muối, thực phẩm chế biến sẵn... có thể dẫn đến bệnh ung thư, nhất là ung thư về đường tiêu hóa.

Ăn thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng; thực phẩm có tẩm các hóa chất; đồ nướng bị cháy, tiêu thụ nhiều chất béo... dễ dẫn đến căn bệnh nguy hiểm này. Tái sử dụng dầu mỡ chiên rán nhiều lần cũng rất có hại cho sức khỏe. Ăn uống đa dạng các nhóm chất, chế độ ăn cân bằng, ăn đúng bữa đúng giờ, hạn chế các thực phẩm không có lợi có thể giúp giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.

Lối sống thiếu vận động

Những người ít vận động, hiếm khi tập thể dục thể thao có nguy cơ dễ mắc các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, béo phì... Năm 2021, Việt Nam trong top 10 nước lười vận động nhất thế giới với ít nhất 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA).

Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Mỹ năm 2017, béo phì là yếu tố nguy cơ thứ hai gây ung thư sau hút thuốc lá và được dự đoán sẽ trở thành yếu tố nguy cơ hàng đầu trong thập kỷ tới. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người trưởng thành nên có tổng thời gian tập thể dục vào khoảng 3-4 tiếng trong một tuần (có thể tập thể dục 3 lần mỗi tuần, mỗi lần tối thiểu 45 đến 60 phút hoặc tập thể dục mỗi ngày, mỗi lần tối thiểu 30 đến 45 phút).

Lối sống tĩnh tại, nằm nhiều để xem tivi, lướt điện thoại... làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý. Ảnh: Shutterstock.

Lối sống tĩnh tại, nằm nhiều để xem tivi, lướt điện thoại... làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý. Ảnh: Shutterstock.

Di truyền

Bác sĩ Thảo Nghi cho biết, có một vài yếu tố nguy cơ gây ung thư có liên quan đến di truyền, tức là các con có thể nhận các đột biến gene của yếu tố nguy cơ gây ung thư từ cha hoặc mẹ.

Một số ung thư có yếu tố nguy cơ liên quan đến di truyền như ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư dạ dày... Người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư có yếu tố liên quan đến di truyền được xếp vào nhóm yếu tố nguy cơ cao. Những đối tượng này nên tầm soát ung thư sớm để có biện pháp can thiệp, kế hoạch điều trị kịp thời. Tuy nhiên, không phải tất cả những người mang đột biến di truyền đều mắc ung thư.

Tiếp xúc với hóa chất độc hại, bức xạ

Các tia bức xạ có thể gây tổn thương ADN, từ đó gây ra tổn thương tế bào và dẫn đến ung thư. Người thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại như amiăng, titanium dioxide, diesel... cũng tăng nguy cơ mắc ung thư da, ung thư phổi.

Căng thẳng thường xuyên và kéo dài

Căng thẳng trong công việc và cuộc sống nếu xảy ra thường xuyên và kéo dài sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây hại phát triển. Căng thẳng kết hợp với lối sống thiếu vận động, chế độ dinh dưỡng không hợp lý càng làm nguy cơ mắc bệnh ung thư tăng lên gấp nhiều lần.

Nội soi tầm soát ung thư đại tràng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nội soi tầm soát ung thư đại tràng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

"Hiện nay, bệnh ung thư có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Do đó, không chỉ người trung niên, cao tuổi mà cả những người trẻ, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ cao nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng đến một năm. Chủ động tầm soát phát hiện sớm bệnh giúp cho việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn, với chi phí thấp hơn", bác sĩ Thảo Nghi nhấn mạnh.

Ngọc An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét