TẢN MẠN CHUYỆN NHÀ ĐẠO:
Chụp hình trong thánh lễ
(Fri,
10/11/2017)
Mới đây, trong buổi tiếp
kiến chung vào thứ tư 8. 11. 2017, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha
Phanxicô xin giáo dân đừng chụp hình trong thánh lễ. Ngài xin mọi người hãy bỏ
điện thoại di động vào túi, đây là một thói xấu. Đức Thánh Cha nói: “Tôi rất buồn
khi tôi dâng thánh lễ ở đây hay ở Đền thờ Thánh Phêrô và tôi thấy bao nhiêu là
máy điện thoại cầm tay giơ lên cao. Không phải chỉ có các giáo dân mà có các
linh mục và ngay cả các giám mục. Xin anh chị em vui lòng đừng chụp hình, vì
thánh lễ không phải là một buổi trình diễn”.
Trong bài tản mạn này,
người viết xin chia sẻ chuyện chụp hình trong thánh lễ. Đức Thánh Cha nói như
thế dường như ở quảng trường Thánh Phêrô, ngài thấy có biết bao nhiêu điện thoại
giơ lên lúc ngài đang dâng lễ, nhất là trong những thánh lễ đại triều. Những
giáo dân, linh mục, giám mục chụp hình trong thánh lễ làm mất đi bầu khí của cầu
nguyện trong các cử hành phụng vụ. Đức Thánh Cha thấy nhiều, nên cần phải nhắc
nhở cho giáo dân và cả giám mục, linh mục.
“Ai được phép chụp hình
trong thánh lễ? Người chụp hình trong thánh lễ đương nhiên là những anh chị em
trong ban mục vụ truyền thông. Những người lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ trong
hành trình đức tin của chúng ta, dịp lễ mừng bổn mạng, ngày lãnh nhận các bí
tích Rửa tội, Thêm sức…Những người chịu trách nhiệm đưa thông tin hình ảnh sinh
hoạt của Giáo hội, lễ nghi phụng vụ cho nhiều người trên thế giới chia sẻ và hiệp
thông.
Ai trong chúng ta cũng biết
ảnh hưởng của truyền thông trong đời sống con người. Trong những thập niên gần
đây, Giáo hội luôn quan tâm đến vấn đề truyền thông, đặc biệt nhấn mạnh đến sứ
mạng của truyền thông trong việc loan báo Tin Mừng, xây dựng xã hội được công bằng,
huynh đệ và phục vụ cho nền văn minh sự sống. Đọc các sứ điệp ngày thế giới
Truyền thông của Đức Thánh Cha Phanxiô, chúng ta sẽ thấy được lợi ích của truyền
thông.
Trong sự phát triển mạnh
mẽ của truyền thông tại Việt Nam, những năm gần đây, truyền thông Công Giáo
cũng được các giáo xứ, giáo phận lưu tâm và đang trên đà phát triển. Các thánh
lễ, những cuộc rước kiệu, những chuyến công tác bác ái, những thông tin sinh hoạt
của các giáo xứ, hội đoàn được đưa lên các trang web, các trang mạng xã hội.
Ngồi tại căn nhà nhỏ của
mình ở Sài Gòn, người viết có thể xem được thánh lễ an táng Đức cố Giám mục
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám mục Thái Bình, với những hình ảnh sống
động rõ nét, nhiều góc hình đẹp.
Chúng ta trân trọng và biết
ơn những anh chị em trong các ban truyền thông đã làm việc đêm ngày, không ngại
xa xôi, mất thời giờ, tiền bạc, hy sinh thiệt thòi, đưa đến người xem những
thông tin hình ảnh sinh hoạt Giáo hội.
Thật vậy, truyền thông là
quà tặng của Thiên Chúa trong thời đại hiện nay. Truyền thông giúp cho mọi người
xích lại gần nhau hơn, hiểu biết tôn trọng và chia sẻ với nhau, những thành quả
của truyền thông cho chúng ta cơ hội học hỏi khám phá về Thiên Chúa, bồi dưỡng
thêm Giáo Lý Thánh Kinh. Tuy nhiên, truyền thông cũng là con dao hai lưỡi, nếu
chúng ta không biết khôn ngoan, tỉnh táo chắt lọc, làm sao để truyền thông mang
lại điều tốt đẹp.
“Chỉ với môt lick chuột,
một phím bấm Enter thế giới sẽ đổi khác”, có thể nói như vậy về truyền thông.
Ngày nay, những phương tiện kỹ thuật mới mang lại cho truyền thông những hiệu
quả không ngờ.
Cha ông chúng ta trước đây
không thể ngờ được con cháu bây giờ có thể gọi điện thoại qua Mỹ không tốn đồng
xu nào, chỉ bằng những ứng dụng của Facebook, Viber, đã không tốn tiền mà còn
nói chuyện thấy mặt nhau rõ ràng.
Vì thế, những Kitô hữu
đang tham gia vào việc truyền thông phải có một cảm thức Kitô, trong những công
việc mình làm, trong đưa tin, viết bài, thu thập hình ảnh, sinh hoạt Giáo hội
khắp nơi.
Hơn ai hết, những người
làm công tác truyền thông Công Giáo phải để cho mình được Chúa Giêsu đào tạo,
qua việc lắng nghe Lời Chúa, thẩm thấu sứ điệp Tin Mừng, được dưỡng nuôi qua
thánh lễ và các bí tích.
Chỉ khi được đào tạo bằng
Lời Chúa, nhà truyền thông Công Giáo sẽ biết cách đưa tin, viết bài đúng theo
tinh thần của Tin Mừng và đi đúng đường lối của Hội Thánh.
Chưa bao giờ truyền thông
trở nên dễ dàng như hiện nay. Ai ai cũng là những nhà truyền thông, vì mỗi người
đều có điện thoại thông minh bên cạnh mình. Chỉ một sự kiện diễn ra trước mắt,
ai cũng có thể ghi nhận lại bằng những hình ảnh, video clip, vừa nhanh chóng, vừa
kịp thời post lên mạng. Nguy hiểm cũng là ở đây.
Trở lại vấn đề chụp hình
trong thánh lễ. Thành thật mà nói, người viết chỉ là “kẻ ngoại đạo” trong vấn đề
truyền thông. Dù rằng, tôi có thân thiết với một số bạn bè trong ban truyền
thông của giáo phận Sài Gòn. Vì vậy, ở đây chúng tôi không dám bàn về những kỹ
năng chụp hình trong thánh lễ của anh em truyền thông nhà đạo, những con người
năng nổ \tâm huyết, nói theo kiểu các anh chị em truyền thông, đêm ngày các anh
chị em thao thức FR hình ảnh Chúa Giêsu và Giáo hội của Ngài cho mọi người.
Cho nên trong vấn đề này,
tôi đi “tầm sự học đạo”một cha sở già đang coi sóc giáo xứ ở Giáo phận Xuân Lộc.
Cách đây chục năm, cha“dị ứng”với truyền thông, những anh em chụp hình quay
phim, ngài không cho chụp hình ngay cả trong lễ cưới lễ tang. Anh em truyền
thông bị đuổi thẳng cẳng ra khỏi nhà thờ lúc cha đang dâng lễ, không ai dám hó
hé lên tiếng. Giáo xứ trước đây ngài coi sóc dĩ nhiên không có ban truyền
thông. Bây giờ, về giáo xứ mới, vài năm gần đây, cha cởi mở hơn trong vấn đề
truyền thông, cha cho phép lập ban truyền thông của giáo xứ, luôn hết mực ủng hộ
họ làm việc.
Tôi nêu vài thắc mắc và
được cha chia sẻ:“Thời buổi này không thể không có ban truyền thông. Tôi cho
anh em truyền thông trong giáo xứ làm việc, tác nghiệp trong khuôn khổ. Tôi nhắc
với anh em chụp hình quay phim, đây chỉ là việc phụ, đừng biến thành việc
chính, đừng làm cho cộng đoàn chia trí khi dự lễ là được. Không nên đi lại nhiều,
góc nào cần thì ghi lại, sau đó đi chỗ khác, đừng đứng ngang nhiên giữa nhà thờ.
Bàn thờ là trung tâm thờ phượng, mọi người tập trung chú ý vào bàn thờ nơi đang
diễn ra hy tế Đức Kitô. Đừng làm cho người ta chỉ thấy có người chụp hình, nên
di chuyển nhẹ nhàng, chụp hình vừa đủ thôi, không nên nhiều quá, đi đường bên
hông các dãy ghế. Bàn thờ là trung tâm cho nên khi vào thánh lễ, phụng vụ còn
yêu cầu tắt hết đèn sáng bên bàn thờ Đức Mẹ và Thánh Giuse, để mọi người chỉ tập
trung bàn thờ chính. Cớ gì người chụp hình cứ đi lại lúc đang lễ. ”
Hiện nay, ở nhiều giáo xứ
việc chụp hình của anh em truyền thông, tác nghiệp vẫn còn “bỏ ngõ”, tùy theo
cha sở. Nhiều cha để cho anh em chụp hình đi lại, lên xuống thoải mái. Tôi tham
dự thánh lễ ở giáo xứ H. mà cứ tưởng mình đi xem đại nhạc hội, 4- 5 máy chụp
hình quay phim, ánh đèn flash chớp liên tục, anh em truyền thông, kẻ đứng người
ngồi, cứ như người thừa thãi trong cộng đoàn, còn linh mục dâng lễ như là siêu
sao ca nhạc, vì có nhiều máy quay phim chụp hình chĩa vào.
Cộng thêm với chuyện bạn
trẻ “ăn ngủ”với facebook, đi đâu cũng “check in ”, đánh dấu sự hiện diện của
mình ở đó, từ những quán ăn, địa điểm vui chơi du lịch, công viên văn hóa,
phong trào này lan vào cả nhà thờ. Ở bất cứ chỗ nào các bạn cũng giơ máy lên chụp
hình đăng facebook Nhiều người còn “soi”Facebook của người khác, muốn biết bạn
là ai, chơi với ai, gia đình giàu hay nghèo, người ta cứ lên facebook mà tìm kiếm.
Trước khi ăn món nào đó, các bạn cũng phải chụp hình, như kiểu “làm phép trước
bữa ăn” của tín đồ mạng xã hội.
Các bà mẹ Công Giáo ở các
giáo xứ cũng “nhiễm” theo, đang lễ cũng đưa điện thoại lên “selfie” chụp ảnh tự
sướng ngay trong thánh lễ đại hội hành hương Đức Mẹ La Vang, mới đây nhất, tôi
lại thấy các bạn tự sướng ngay tại nghĩa trang trong thánh lễ cầu cho các linh
hồn ngày 2. 11. Từ “tự sướng” hiện nay của các bạn trẻ, các cụ nghe nhà mình
không thể hiểu được, tự sướng là gì, đây là tự mình chụp hình mình, thả tóc ra
che mắt một góc, chu mỏ lên, liếc mắt 1, 2, 3. . .
Nhiều linh mục hiện nay
cũng đang bị cuốn theo “hội chứng sống ảo”. Có một cha sở ngày nào cũng đưa những
hình ảnh lên mạng, đi đâu làm gì, với ai, cha cũng đăng hình, du lịch, ăn uống,
tận hưởng cuộc sống, lúc cảm thấy buồn lúc cảm thấy vui, có đủ trên facebook của
cha. Nếu lướt qua facebook chúng ta thấy, trang cá nhân của các linh mục bao giờ
cũng nhiều like hơn giáo dân. Các ngài có một lực lượng “fan cuồng” ủng hộ, sẵn
sàng like và shared tất cả, Comment khen ngợi ca tụng cha sở của mình. Được dân
ủng hộ trên mạng, một vài linh mục cảm thấy vui “nghiện facebook” lúc nào không
biết, càng nhiều like càng thích, đăng nhiều, cái gì cũng lên mạng, thậm chí
đang dâng lễ đồng tế, ngài cũng quay phim chụp hình, đăng tải lên mạng khoe với
“con dân” của mình.
Đời sống linh mục có lẽ
buồn, vì vậy các ngài tìm niềm vui và giãi bày trên mạng xã hội. Điều này không
có gì phải nói nếu nó chỉ là việc phụ. Nhưng chúng ta nên cảnh giác trước mạng
xã hội, phải hạn chế những điều tiêu cực của mạng xã hội. Bởi có người khen ngợi,
ủng hộ các cha bằng những việc like, thì bên cạnh đó còn có những người “thừa
nước đục thả câu”, sử dụng hình ảnh của các cha để làm “méo mó” xuyên tạc hình ảnh
linh mục của Chúa Kitô, bôi nhọ Giáo Hội, vì người ta nói “không ưa thì dưa
cũng có dòi”, nhưng các cha lại quá vô tư thánh thiện mà không để ý chuyện này.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc
nhở chúng ta hãy giữ bầu khi cầu nguyện trong thánh lễ, trong những cử hành phụng
vụ, để ta gặp gỡ Chúa thực sự. Hãy sống đời sống thực, đừng sống ảo, đừng trở
nên những “anh hùng bàn phím”, nói gì trên mạng cũng mạnh mẽ can đảm lắm, nhưng
chẳng dám dấn thân vào đời, dấn thân loan báo Tin Mừng, chẳng dám ra khơi thả
lưới, cứ yên thân ở nhà. Phong trào sống ảo kéo theo hội chứng “Gato” cũng rất
nguy hiểm.
Chúng ta biết rằng, một đứa
trẻ chỉ quanh quẩn với máy tính và mạng xã hội sẽ trở nên thụ động, ít vốn từ,
ngại giao tiếp, sợ hãi khi ra ngoài đời. Mạng xã hội làm cho người ta thu mình
lại trong căn nhà nhỏ của mình, càng ngày càng sống khép kín luôn cảm thấy cô
đơn lẻ loi.
Chúng ta đừng để cho mình
lệ thuộc vào mạng xã hội, những phương tiện kỹ thuật truyền thông, nhưng cần sử
dụng truyền thông để mở cửa ra với mọi người, dám đứng lên mái nhà mà nói Lời
Chúa cho mọi người, rao truyền Tin Mừng Tình yêu thương của Thiên Chúa cho thế
giới đang bị xâu xé bởi nạn khủng bố, chiến tranh, và nghi ngở nhau.
Ai cũng là những nhà truyền
thông, nhất là các linh mục, hãy cân nhắc trước khi đăng bài viết, đưa hình ảnh,
video clip lên mạng. Cần xem xét, nhũng gì tôi đưa lên mạng có đưa người ta đến
với Chúa và Giáo hội, giúp cho người ta hiểu nhau, yêu thương nhau hơn, chứ
không phải bài viết đó nói về tôi, nâng tôi lên, hay tôi là người biết tin đó sớm
nhất, tôi được vinh dự đi đến nơi này nơi kia, mà nhiều người không có điều kiện
kinh tế đi đến đó.
Để kết thúc bài viết,
chúng tôi xin gởi tặng quý vị 10 câu hỏi được đặt ra cho những nhà truyền
thông, như một món quà dành tặng cho bạn bè thân hữu gần xa. 10 điều này người
viết lượm lặt trên mạng xã hội.
1. Đăng bài này có làm
cho người ta gần Chúa hơn?
2. Bài này có đúng sự thật,
có tinh thần bác ái và tôn trọng không?
3. Nếu ai ở ngoài Giáo hội,
họ đọc bài này có khó chịu không?
4. Tôi có đang loan tin đồn,
hay nói xấu ai đó không?
5. Tôi có ở trong địa vị
người khác để nói không? Tôi có nghĩ đến cảm nhận của họ, gia đình họ, và các
kinh nghiệm sống đã làm cho họ có cách ứng xử và suy nghĩ như vậy không?
6. Tôi có bằng lòng bài
viết này trong một tuần, một tháng hay một năm sau không?
7. Câu phản hồi của tôi
có động lực là tình yêu hay vì tôi muốn biện minh cho mình?
8. Bài viết này có làm
sáng tỏ sự việc, hay làm nó đen tối hơn?
9. Có hữu ích hay cần thiết
để tôi chia sẻ ý kiến của tôi về chủ đề này trên diễn đàn không?
10. Tôi có được đánh động
bởi Chúa Thánh Thần khi đang nội dung này?
Giuse Nguyễn Bình An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét