Nghề nghiệp
Chuyện phiếm Gã Siêu
Ngày xưa còn bé, trong thời gian tiểu học, mài đũng quần trên ghế nhà trường, thế nào cũng có lần thày cô bắt làm một bài luận với đề tài: Lớn lên em sẽ làm gì? Thế là bọn nhóc chúng tôi cắm cúi viết. Đứa thì mơ làm bác sĩ, đứa thì mơ làm kỹ sư, đứa thì mơ làm thương gia…Và thậm chí, có đứa cả gan dám mơ làm ông tổng thống nữa. Ôi ! những giấc mơ chưa bị ô nhiễm mới đẹp làm sao! Còn bây giờ, gặp nhau sau bao nhiêu năm dài xa cách và nhìn lại quãng đường mình đã đi qua với những vật lộn và bươn chải, nhất là sau những bầm giập của cuộc sống, hay nói cách khác, sau những lần bị đời đá lên đá xuống như một trái bóng, đứa thì cười ha hả với những thành công rực rỡ, đứa thì ngậm ngùi với những thất bại đắng cay. Có nhiều yếu tố tạo nên thành công hay thất bại trên đường đời.
Thứ nhất là cơ may, gặp thời gặp vận. Có những đứa chỉ với chút tiền còm, đầu tư vào lãnh vực nhà đất, thậm chí có đứa chẳng bỏ ra đồng bạc nào, chỉ cần làm cò, làm môi giới mua đi bán lại, nhưng trúng phóc vào lúc nhà đất đang lên cơn sốt. Và thế là chỉ trong một thời gian ngắn, phất lên trông thấy. Đúng là: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Làm bởi ngươi, nhưng ban bởi Ta.
Thứ hai là cố gắng và chắt bóp, vừa chí thú làm ăn lại vừa tiết kiệm trong chi tiêu, theo kiểu “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, để rồi cuối cùng cũng khấm khớ, như thiên hạ đã diễn tả: Trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống thì cũng chẳng ai bằng mình.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải có một nghề trong tay. Thực vậy, sống trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, người ta lại càng cần phải có một nghề chuyên môn, bằng không thì chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp. Mà đã thất nghiệp, thì chỉ còn cách nằm ở nhà, ăn lương vợ và làm….báo đời. Chính vì thế, người xưa đã bảo: Không có tiền bạc chưa phải là nghèo, nhưng không có nghề nghiệp mới thực sự là nghèo. Tiền bạc như núi, nhưng tiêu mãi tiêu hoài, có ngày cũng sẽ hết. Và khi hết tiền, hết bạc, chắc chắn chúng ta sẽ lâm cảnh túng thiếu. Chàng trai phung phá ôm cả một gia tài đi ăn chơi vung vít, phá gia chi tử. Miết rồi cũng rơi vào tình trạng đói khổ, phải đi chăn heo. Trong cảnh cơ cực ấy, chàng muốn tọng cám heo cho đầy bụng mà cũng chẳng ai cho. Trong khi đó, nghề nghiệp sẽ đẻ ra tiền, thì còn lo gì túng thiếu. Bởi đó, tục ngữ Việt Nam đã bảo: Trâu ruộng bề bề, không bằng nghề trong tay. Còn người Tàu cũng đã nói: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Hay như một câu danh ngôn đã xác quyết: Ruộng đất thẳng băng, chẳng bằng một nghề trong tay.
Vì thế, điều quan trọng là phải chọn cho mình một nghề, rồi ra sức trau dồi, học hỏi nghề mình đã chọn để có được một chất lượng cao, cũng như để có được một tay nghề vững. Vì thế, người ta cũng thường diễn tả: Toàn bộ cuộc đời chúng ta tùy thuộc vào một vài quyết định trong tuổi thanh xuân.Đúng thế, vào lúc đầu còn xanh và sức sống còn đang phơi phới, có những quyết định làm xoay chuyển hẳn hướng đi và ảnh hưởng mãi cho đến khi về già.
Quyết định thứ nhất, đó là chọn cho mình một bậc sống: Lập gia đình hay ở độc thân. Nếu lập gia đình thì chọn cho mình một người bạn trăm năm khả dĩ cùng đi với mình cho đủ ba vạn sáu ngàn ngày. Còn ở độc thân, thì độc thân giữa đời hay vào nấp bóng trong một dòng tu…
Quyết định thứ hai, đó là chọn cho mình một nghề, để rồi đầu tư công sức vào đó. Nghề đã chọn sẽ theo mình trong suốt cả cuộc đời. Nếu có đổi thay chăng nữa thì cũng thật long đong, vất cả mà nhiều lúc cũng chẳng nên cơm cháo gì. Chuyện rằng: Nước Trịnh có người học nghề làm dù che mưa, ba năm mới thành nghề. Trời hạn hán, không ai dùng đến dù, anh ta bèn bỏ nghề làm dù, đi học nghề làm gầu tát nước. Lại học ba năm mới thành nghề làm gầu, thì trời mưa mãi không ai dùng đến gầu. Bấy giờ anh ta lại quay về nghề làm dù như trước. Không bao lâu, trong nước có giặc, dân gian nhiều người phải đi lính, mặc đồ nhung phục, không ai cần đến dù, anh ta xoay ra nghề đúc bình khí thì đã già quách mất rồi. Úc Ly Tử thấy anh ta, thương tình, nói rằng: Than ôi ! Bác chẳng đã già đời rồi ư ! Già hay trẻ không phải là tự người, mà là tự trời, điều ấy đã cố nhiên. Nhưng nghề nghiệp thành hay bại, dù lỡ thời hay không gặp dịp, cũng chẳng nên đổ cả cho trời, tất có mình ở trong. Ngày xưa nước Việt có một người làm ruộng, cấy lúa chiêm ba năm đều thất vì lụt cả. Có người bảo anh ta nên tháo nước mà cấy lúa mùa. Anh ta không nghe, cứ cấy chiêm như trước. Năm ấy nắng to, mà nắng luôn ba năm, vụ chiêm nào cũng trúng, thành ra anh ta kéo lại, chẳng những hòa mấy năm mất mùa trước, mà còn trở nên giàu có. Cho nên thiên hạ mới bảo rằng: Trời đại hạn, nghĩ đến sắm thuyền. Trời nồng nực, nghĩ đến sắm áo bông. Đó là một câu thiên hạ nói rất phải.
Tuy nhiên, có một nghề trong tay không quan trọng cho bằng cách chúng ta hành nghề. Bởi vì có những cách hành nghề nhằm bóc lột người khác, làm nghèo quê hương và phá hoại đất nước. Nhưng cũng có những cách hành nghề giúp ích cho người khác, làm giàu cho quê hương và góp phần xây dựng đất nước, như một câu danh ngôn đã bảo: Giá trị của một nghề không bằng giá trị của cách hành nghề. Gã xin đưa ra những thí dụ cụ thể để minh chứng cho điều vừa mới trình bày.
Chẳng hạn những người sản xuất thuốc, giúp cho bàn dân thiên hạ trị bệnh, thế nhưng vì lòng tham đã chế biến những thứ thuốc dổm, làm cho người đau yếu tiền mất tật mang, bệnh vẫn hoàn bệnh và không chừng vì để lâu, còn mỗi ngày một trở nên trầm trọng hơn.
Chẳng hạn những người bán hàng, giúp cho bàn dân thiên hạ giải quyết được những nhu cầu cần thiết cho bản thân và gia đình, thế nhưng vì lòng tham, đã chế tạo ra những chiếc thước thiếu, những chiếc cân non, để móc túi người mua mà người mua chẳng hề hay biết. Mới đây tại Việt Nam, có một anh chàng đi mua lúa tại tỉnh Kiên Giang, đã mày mò chế tạo ra một chiếc cân với bộ phận điều khiển từ xa. Anh ta chỉ cần đứng ở đâu đó và nhấn nút một phát là chiếc cân tăng giảm theo ý muốn của mình. Quả là quỉ khóc thần sầu.
Chẳng hạn những người thầu khoán, giúp cho bàn dân thiên hạ xây dựng nhà cửa để có một nơi cư trú vừa ấm cúng lại vừa khang trang đẹp mắt, thế nhưng cũng vì lòng tham, nên đã bớt cừ trong lúc đóng móng, đã bớt sắt trong lúc đổ đà…khiến cho ngôi nhà chưa hoàn tất đã bị nghiêng đổ, hay mới sử dụng được ít ngày, đã bị sụp lún và nứt nẻ tùm lum khiến cho khổ chủ mặt mũi buồn xo!
Hầu như trong bất cứ ngành nghề nào, người ta cũng đều có thể lươn lẹo và luồn lách, gian dối và xảo trá để vơ vét về cho đầy lòng tham của mình. Nhưng khốn nỗi, lòng tham của người ta lại thường vô đáy, nên biết thế nào mà lấp cho đầy.
Có người nước Sở làm nghề vừa bán mộc, lại vừa bán giáo. Ai hỏi mua mộc, thì anh ta khoe: Mộc này thật chắc, không gì đâm thủng. Còn ai hỏi mua giáo, thì anh ta to miệng quảng cáo: Giáo này thật sắc, đâm cái gì cũng thủng. Nghe vậy, người ta bèn hỏi: Thế bây giờ lấy giáo của bác đâm vào mộc của bác thì sao? Và thế là anh ta tịt ngòi. Tác giả sách Cổ Học Tinh Hoa bèn góp lời bàn như sau: “Chẳng qua vì mối lợi mà thành ra nói dối. Thế nhưng khi bị người ta hỏi đến lẽ, thì liền không đối đáp được nữa. Có khác gì kẻ đem tượng gỗ ra chợ bán và khoe rằng: Ai mua tượng về nhà thì được giàu sang. Đến lúc có người bắt bẻ: Sao bác không để ở nhà cho được giàu sang, mà lại mang ra chợ bán làm gì? Lập tức tắt khẩu, mà đành vác tượng ra về”.
Vắt tay lên trán mà suy gẫm chuyện đời, lắm người đã phải dài hơi than thở cả tiếng: Có những nghề thấp đã nuôi dưỡng những nhân cách lớn và ngược lại nhiều nhân cách tồi lại ngự trị trong những nghề cao. Nghe xong lời phát biểu trên, gã bèn vỗ đùi đánh đét một cái và nói: Thật là tuyệt vời, tuyệt vời! Rất nhiều lần khi đọc những bài phóng sự về những phu hốt rác, những phu quét đường, hay những người thông ống cống thành phố…gã đã phải khẩu phục tâm phục những người phu, những người thợ này. Nghề của họ thật khiêm tốn, nhưng nhân cách của họ lại thật cao. Họ chẳng gian tham, chẳng mánh mung, nhưng âm thầm làm việc khi mọi người đang ngủ yên, hay chui rúc dưới những đường cống tăm tối và hôi thối, cốt để phục vụ dân phố và đem lại những thoải mái cho mọi người. Trái lại, thực là vô phúc và đại họa khi những kẻ có nhân cách tồi lại chễm chệ ngự trị trong những nghề cao. Chẳng hạn như những ông tổng thống, những ông bộ trưởng, những ông giám đốc…Nhãn hiệu trình tòa của họ thật là đẹp, nhưng nhân cách của họ lại tồi vì bị lòng tham lôi kéo và thúc đẩy, khiến họ đã nuốt trửng hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng mà vẫn cứ phây phây, làm cho đất nước đã nghèo lại càng nghèo hơn. Vì thế, yếu tố con người bao giờ cũng vẫn là yếu tố căn bản và đi hàng đầu. Nếu con người mà đã hỏng, thì mọi lãnh vực khác cũng sẽ bị sụm bà chè.
Trong phạm vi nghề nghiệp cũng vậy: Chẳng có nghề hèn, mà chỉ có kẻ hèn. Ở Hàng Châu có người bán các thứ trái cây, khéo để dành cam, lâu mà không ủng, vỏ vẫn đỏ hồng, trông đẹp như vàng, như ngọc đem ra chợ bán giá đắt, mà người ta tranh nhau mua. Ta cũng mua một quả. Đem về bóc ra, hơi xông lên mũi, múi xác như bông nát. Ta liền đem ra chợ hỏi người bán cam: Anh bán cam cho người ta để làm của cúng lễ, đãi khách khứa hay là chỉ làm cho choáng bề ngoài để đánh lừa người ta? Tệ thật! Anh giả dối lắm. Người bán cam cười và nói: Tôi làm nghề này đã lâu năm để kiếm tiền nuôi thân, Tôi bán, người ta mua, chẳng ai nói gì, chỉ có ông kêu ca! Thiên hạ giả dối nhiều chẳng phải một mình tôi? Ông thật không chịu nghĩ đến nơi…Này thử xem, người đeo hổ phù, ngồi da hổ, hùng dũng trông ra dáng quan võ lắm, kỳ thực không biết có giỏi được như Tôn Tẩn, Ngô Khởi không? Người đội mũ cao, đóng đai dài, đường hoàng trông ra dáng quan văn lắm, nhưng kỳ thực không biết có giỏi được như Y Doãn, Cao Dao không? Giặc nổi không biết dẹp, dân khổ không biết cứu, quan lại tham nhũng không biết trừng trị, pháp độ hỏng nát không biết sửa đổi, ngồi không ăn lương, không biết xấu hổ. Thế mà lúc ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của quí, oai vệ, hách dịch vô cùng! Đó bề ngoài chẳng như vàng, như ngọc, mà bề trong chẳng như bông nát là gì? Ông không chịu xét những hạng người ấy mà đi xét quả cam của tôi! Ta nghe nói, nín lặng, không trả lời được ra làm sao. Ta nghĩ người ấy nói có giọng khôi hài. Dễ chừng người ấy ghét kẻ gian tà, giận phường thế tục mới thác ra truyện bán cam để dạy người đời chăng?
Qua truyện trên, tác giả muốn lấy quả cam đẹp vỏ, thối ruột mà châm chích cái hách dịch, cái oai vệ bề ngoài của những bậc quan lớn một đời suy đốn, để phơi bày cái thực chất bất tài, bất trí, bất dũng ở bên trong. Nói rộng ra, bài này có ý dạy ta không nên tin bề ngoài, cũng như những bài ngụ ngôn nói: Cái thùng không, bông lúa lép, hay những câu ca dao:
– Trông em, anh ngỡ sao mai,
Biết rằng trong có như ngoài hay không?
– Nhác trông ngỡ tượng tô vàng,
Nhìn ra mới biết chẩu chàng ngày mưa.
Không có nghề hèn, mà chỉ có kẻ hèn. Chính kẻ hèn đã bôi tro trát trấu vào nghề nghiệp và làm cho nghề nghiệp cũng trở nên hèn, như một câu danh ngôn đã bảo: Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người, mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp. Viết tới đây, gã xin mượn lại một lần nữa mẩu chuyện trong sách “Cổ Học Tinh Hoa”. Mẩu chuyện ấy mang tựa đề là “Người bán thịt dê”:
Vua Chiêu Vương nước Sở bị mất nước, phải bỏ chạy. Có người bán thịt dê tên là Duyệt, cũng chạy theo vua. Thời gian sau, vua Chiêu Vương trở về, lấy lại được nước. Vua bèn thưởng cho những người chạy theo mình khi trước, trong số đó có cả người bán thịt dê nữa. Ai cũng nhận phần thưởng, chỉ một mình người bán thịt dê từ chối và nói: Trước nhà vua mất nước, tôi mất nghề bán thịt dê. Nay nhà vua còn nước, tôi còn nghề bán thịt dê. Thế là tôi giữ được nghiệp cũ đủ ăn rồi, còn đâu dám mong thưởng. Vua cố ép. Người bán thịt dê thưa rằng: Nhà vua mất nước không phải là tội tôi, nên tôi không dám liều chết. Nhà vua lấy lại được nước, không phải do công tôi, nên tôi không dám lĩnh thưởng. Vua bảo: Để rồi ta đến nhà ngươi chơi vậy. Người bán thịt dê nói: Theo phép nước Sở, phàm người nào có công to, được trọng thưởng thì vua mới đến nhà. Nay tôi xét mình tôi mưu trí không đủ giữ được nước, dũng cảm không đủ giết được giặc. Quân giặc vào trong nước, tôi chạy đi lánh nạn, phải theo nhà vua, chớ có phải là cốt ý theo nhà vua đâu! Nay nhà vua muốn bỏ phép nước đến chơi nhà tôi, e thiên hạ nghe thấy lại chê cười chăng. Chiêu Vương thấy nói, ngoảnh lại bảo Tư Mã Tử Kỳ rằng: Người bán thịt dê này tuy làm nghề vi tiện mà giãi bày nghĩa lý rất cao xa. Nhà ngươi làm thế nào mời được người ấy ra nhận chức tam công cho ta. Người bán thịt dê nghe thế bèn nói: Tôi biết chức tam công là quí hơn cửa hàng bán thịt dê, bổng lộc nghìn vạn, giàu hơn tiền lãi bán thịt dê. Nhưng tôi đâu dám tham tước lộc mà để nhà vua mang tiếng là gia ơn không phải nghĩa. Tôi thực không dám nhận. Xin cho về giữ lấy nghề bàn thịt dê. Nói đoạn, người ấy lùi ra ngay.
Tác giả sách “Cổ Học Tinh Hoa” đã góp thêm lời bàn như sau: “Vua Chiêu Vương muốn thưởng, là lấy cái ý khí mình gặp bước lưu vong mà người ta đi theo mình là người ta có lòng trung thành với mình. Người bán thịt dê không nhận thưởng là lấy cái nghĩa không đáng nhận, vì không có công cán gì. Nếu ai cũng biết an phận thủ thường, quí trọng nghề nghiệp như người bán thịt dê, thì còn ai là kẻ ham mê phú quí, quyền thế và sự thưởng phạt ở đời chẳng là công minh lắm ru! Thực đáng làm gương cho những kẻ không biết liêm sỉ, tài năng công đức chẳng có gì mà cũng cố cày cục, chạy chọt lấy chút phẩm hàm chức vụ để lòe đời vậy.”
Theo thiển ý của gã, nếu các vị tai to mặt lớn mà không tham sân si, tiền của, bổng lộc, để cho tệ nạn tham nhũng lộng lành, thì đất nước này đã phất lên từ lâu. Như vậy, chính lòng liêm khiết và tự trọng của người chủ quán đã mang lại vinh quang cho nghề bán thịt dê, một nghề xem ra rất tầm thường trong bất cứ xã hội nào. Phải chăng câu chuyện này đã củng cố phần nào cho ý tưởng gã đã trình bày ở trên, đó là không có nghề hèn, mà chỉ có kẻ hèn.
Một câu chuyện khác cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ, đó là câu chuyện về Alfred Nobel. Vào một buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát mình ra chất nổ và đang hái ra tiền như nước, đã thức giấc trong sự bàng hoàng và sửng sốt: tất cả báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của ông vua chất nổ. Thực ra, đây chỉ là sự lầm lẫn của một ký giả nào đó, bởi vì không phải Alfred Nobel qua đời, mà là người anh của ông. Thế nhưng, dù sao đây cũng là dịp để ông đọc được cảm nghĩ của người khác đang có đối với ông. Trên môi miệng mọi người, ông chỉ là ông vua chất nổ, là người làm giàu trên cái chết của không biết bao nhiêu sinh mạng. Người ta không hề nhắc tới những nỗ lực của ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không một ai đã nhắc đến những kiến tạo hòa bình của ông cả. Alfred Nobel buồn vô cùng vì hình ảnh của một nhà kinh doanh trên sự chết chóc mà thiên hạ đang nghĩ về mình. Ông quyết định làm cho cả thế giới biết lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc và viết tờ chúc thư, trong đó ông đã dành tất cả tài sản của mình để thiết lập nên một trong những giải thưởng có giá trị nhất thế giới, đó là giải Nobel hòa bình, nhằm tưởng thưởng cho tất cả những ai có công góp phần vào việc xây dựng hòa bình trên thế giới. Ngày nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua chất nổ nữa, mà là vua hòa bình.
Và như vậy, không phải nghề nghiệp đã làm danh giá cho con người, mà chính con người đã làm danh giá cho nghề nghiệp. Vì thế, chúng ta cần phải trao cho con cái một nghề để nó có thể tự mình kiếm sống, bởi vì: Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. Có làm thời mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho. Tuy nhiên, việc quan trọng hơn vẫn là phải đào luyện chính con người của chúng, vì yếu tố con người là yếu tố quyết định trong mọi lãnh vực. Chẳng thế mà người xưa đã từng xác quyết: Nhất niên chi kế, thụ cốc. thập niên chi kế, thụ mộc. bách niên chi kế, thụ nhân. Có nghĩa là: Kế trăm năm không gì bằng trồng lúa, kế mười năm không gì bằng trồng cây. kế trăm năm không gì bằng trồng người. Bởi vì: Đẻ con chẳng dạy chẳng răn, thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng. Vậy thử hỏi chúng ta đã đầu tư thế nào cho sứ mạng trồng người này?
Trong phạm vi xã hội, ngân sách nhà nước dành bao nhiêu phần trăm cho chi phí quốc phòng và bao nhiêu phần trăm cho công việc giáo dục? Khi con người đã rệu rạo thì chắc chắn xã hội sẽ tuột dốc, bất ổn sẽ xảy ra và người ta sẽ lại đổ tiền nhiều hơn nữa để ổn định trật tự, cũng như tái lập hòa bình. Quả là một cái vòng luẩn quẩn chết người, vì đã không chịu “chữa tận căn”. Con người là gốc rễ. Gốc rễ đã thối, thì dù có bón bao nhiêu phân, xịt bao nhiêu thuốc dưỡng, cũng chỉ là vô ích mà thôi.
Trong phạm vi gia đình, chúng ta đã thực sự quan tâm và bắt tay vào việc giáo dục con cái chưa? Hay là chúng ta lại chủ trương trao phó cho ông trời, như tục ngữ đã nói: Trời sinh voi, trời sinh cỏ. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Và cứ để mặc con cái lớn lên như một loài cỏ dại. Để kết thúc, gã xin chia sẻ như thế này: Đối với con cái, để lại tiền của không bằng để lại kiến thức. để lại kiến thức không bằng để lại nghề nghiệp. để lại nghề nghiệp không bằng để lại đức độ.
chuyện phiếm Gã Siêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét