Sự phục hung tất yếu của Kitô Giáo
(Vũ Văn An - 21/Oct/2017)
Tin vui tuần này là dân số
Công Giáo gia tăng. Theo bản tin ngày 20 tháng Mười, 2017 của Hãng Tin Fides,
nhân dịp Ngày Truyền Giáo Thế Giới lần thứ 91 sẽ được mừng vào ngyà 22 tháng Mười
này, dân số Công Giáo trên hoàn cầu hiện là 1 tỷ 300 triệu người, chiếm 17.7 phần
trăm dân số thế giới.
Hãng tin Fides vốn là cơ
quan thông tin của Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo. Hãng này, khi phân tích các dữ
liệu Thống Kê của Tòa Thánh, cho biết con số các người chịu phép rửa gia tăng
12.5 triệu người.
Cũng theo bản tin trên,
Châu Phi hiện có 222 triệu người Công Giáo, chiếm 19.42 phần trăm dân số Châu
này. Mỹ Châu có 635 triệu người Công Giáo, chiếm 63.6 phần trăm dân số. Âu Châu
có 285 triệu người Công Giáo, chiếm 39.87 phần trăm dân số. Á Châu có 141 triệu
người Công Giáo, chiếm 3.24 phần trăm dân số.
Ngoài ra, Giáo Hội Công
Giáo điều hành 216,548 trường học trên thế giới với sự tham dự của hơn 60 triệu
trẻ em. Có khoảng 118,000 cơ sở xã hội và bác ái Công Giáo (bệnh viện, nhà chăm
sóc người cùi, trẻ mồ côi, viện dưỡng lão) rải rác khắp thế giới.
Sự phục hưng tất yếu của
Kitô Giáo ở Âu Châu
Trong khi đó, nhiều người
thất vọng vì thấy các cố gắng của “phúc âm hóa” không có hậu quả chi ở vùng xưa
kia vốn là cái nôi của Kitô Giáo, tức Âu Châu. Nhưng theo Stephen Bullivant, dù
chúng ta có thể không sống lâu đủ để thấy sự phục hưng của Kitô Giáo ở Âu Châu,
nhưng đây là điều nhất định sẽ xẩy ra. Thành thử, như Chân Phúc Hồng Y John
Henry Newman hay nhấn mạnh, ta cần phải kiên nhẫn chờ tới ngày các lao công khó
nhọc của ta sinh hoa kết trái tốt.
Phần Thánh Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II, khi công bố việc “phúc âm hóa mới”, thì cho rằng việc này đòi
“phải mới trong nhiệt tình, trong phương pháp và trong cách biểu hiện của nó”.
Phần lớn chúng ta lưu ý tới
phương pháp và cách biểu hiện, ít lưu ý tới lòng nhiệt thành mới. Vì điều gì sẽ
xẩy ra khi các phương pháp và cách biểu hiện không đem lại các hoa trái mong chờ?
Hay không mang lại một cách nhanh chóng đủ cho những người đang nóng lòng chờ
mong hiện nay? Sau 10 năm, hay 50 năm, hoặc 100 năm, há cái nhiệt tình này
không nhường bước cho vỡ mộng và thất vọng đó ư? Lúc đó, phúc âm hóa mới sẽ ra
sao?
Dù cho có thành công, việc
phúc âm hóa mới này đòi ta phải dấn thân vào một công trình lâu hàng thế kỷ.
Kiên nhẫn vì thế là một đòi hỏi nền tảng.
Trong Redemptoris Missio,
Thánh Gioan Phaolô II phân biệt “phúc âm hóa mới” với 2 hình thức truyền giáo
khác: Thứ nhất, đề xuất Tin Mừng cho những người chưa bao giờ nghe nó; thứ hai,
chăm sóc mục vụ cho những người đang là Kitô hữu rồi. Trái lại, “phúc âm hóa mới”
là điều cần thiết khi một nền văn hóa bắt đầu lỏng dần mối liên kết của nó với
Kitô Giáo đã được thiết lập: tức tình huống trong đó, một nền văn hóa, nơi Giáo
Hội đã được thiết lập vững chãi, nay đang lâm vào diễn trình rơi trở lại vị trí
trong đó Chúa Kitô phần lớn không được biết đến. Đó là mô tả chính xác về Tây
Âu thời ta.
Có thể cho rằng, thách đố
hàng đầu của việc phúc âm hóa mới là giữ được những người chúng ta đã có. Giải
quyết việc này quả là một việc tự nó rất lớn lao, lý do, ít nhất, là: hiện nay,
ta hoàn toàn không biết chắc phải giải quyết điều chi (Dạy giáo lý? Chuẩn bị
các bí tích? Thừa tác vụ tuổi trẻ? Đời sống giáo xứ? Âm nhạc phụng vụ? Một số,
tất cả hay không thứ gì vừa kể?) Tuy nhiên, nhiều tìm tòi cho thấy khá rõ các
năm tháng huấn luyện tuổi thơ và thiếu niên là hết sức quan yếu đối với việc
“thiết dựng” tinh thần đạo hạnh trưởng thành cho một con người. Bất hạnh thay,
dựa vào các xu hướng xã hội nói chung hiện nay, điều này có nghĩa “việc xuống dốc”
gần như chắc chắn sẽ tiếp diễn trong nhiều năm sắp tới.
Ít nhất kể từ thập niên
1960, nhiều nơi trong thế giới Tây Phương đã mục kích sự thay đổi và xuống dốc
vô tiền khoáng hậu về tôn giáo. Cùng một lúc, ta mục kích hàng loạt cách mạng
xã hội và văn hóa, mà gần đây nhất là cuộc cách mạng kỹ thuật và truyền thông
do liên mạng thúc đẩy. Một mình cuộc cách mạng này đã thay đổi sâu xa lối suy
nghĩ và hành động của người ta, có lẽ mãi mãi, và bất kể nó có tiềm năng nào đối
với việc phúc âm hóa, điều chắc là nó sẽ góp phần làm kìm hãm và ngưng trệ việc
này nhiều hơn.
Ở đây, có những câu hỏi
ta chưa bắt đầu đặt ra, chứ đừng nói chi tới giải quyết. Dù vậy, điều rõ ràng
là không phải chỉ là việc cần tới các phương pháp mới, mà là các phương pháp
luôn được đổi mới, vì các khung cảnh xã hội và văn hóa hiện ta đang sống và là
nơi ta muốn đem Tin Mừng tới, không ngừng thay đổi. Hiển nhiên, đây không phải
là một trách vụ có thể chỉ một lần là chu toàn được, bất kể ta nhiệt thành đến
đâu và chắc chắn sẽ còn thế mãi.
Những nhận định trên nghe
ra có vẻ bi quan yếm thế. Nhưng nếu nhìn tới các nhân tố khác, người ta không
khỏi lạc quan. Đó là lòng nhiệt thành của những tân tòng mới đây. Stephen
Bullivant, chẳng hạn, cũng là một tân tòng. Thực vậy, anh rất biết ơn và hân
hoan tiếp nhận hồng ân đức tin và gia nhập Giáo Hội cách đây 9 năm. Đưa ra các
nhận định trên, vì thế, không phải để gây bi quan yếm thế. Trái lại “muốn giúp
người khác tiến đến chỗ nhận thức được sự thật (xem 1 Tm 2:4), ta phải bắt đầu
trung thực với chính ta. Và sự thật là: con đường ta dấn thân vào sẽ chậm chạp
và tiệm tiến, đôi khi gây đau lòng, và sẽ được đánh dấu bằng nhiều thất bại hoặc
phù phiếm. Đàng khác, dù không hề muốn làm giảm tầm quan trọng của các thành tựu
có thể có của thế hệ này, nhưng cơ may được mục kích các thành tựu này bằng
chính mắt ta là điều hết sức mong manh.
Con đường nhỏ mọn
Tuy nhiên, việc hiểu ra
như trên không nên làm ta nản lòng. Vì ở mặt bên kia của nó, ta thấy: các thành
công của việc phúc âm hóa mới, nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, sẽ nhất thiết
được xây dựng bằng những hành động, những cuộc đời bé nhỏ, xem ra vô nghĩa. Và
như các cuộc tìm tòi gần đây đã cho thấy, phần lớn các thành công của cuộc phúc
âm hóa đầu tiên của Giáo Hội sơ khai cũng đã có cùng một trải nghiệm.
Dù ta vẫn có xu hướng
nghĩ tới việc Kitô hóa thế giới Rôma như đã hoàn tất một cách mau chóng lạ
lùng, thì việc này thực sự đã diễn ra hàng nhiều thế kỷ nơi một dân số ít hơn
Tây Phương bây giờ rất nhiều. Hơn nữa, đã đành thời ấy có những bậc thánh nhân
truyền giảng tin mừng và làm phép lạ “cả thể” như thánh Phaolô, Thánh Grêgôriô
làm phép lạ, Thánh Augustinô thành Canterbury. Tuy nhiên, các tìm tòi gần đây
cho thấy “phòng máy” của cuộc truyền giảng tin mừng đầu tiên hệ ở việc chuyển
giao đức tin chậm chạp và đơn sơ từ tín hữu bình dân này tới tín hữu bình dân
khác, và nhất là từ cha mẹ tới con cái. Như Đức Bênêđíctô từng nói: “Sứ vụ
không thay đổi, y hệt như lòng nhiệt thành và sự can đảm từng động viên các
Tông Đồ và các môn đệ đầu tiên không thay đổi”.
Điều trên muốn nói ta phải
trì chí, lấy lại nhiệt thành, lấy các thành công nhỏ mọn của ta làm động lực trong
một thời gian dài. Chính ở đây, ta thấm thía lời Chân Phúc Hồng Y Newman, trong
một bài giảng, tựa là “Giêrêmia, Một Bài Học cho những người Thất Vọng”, 15 năm
trước khi trở lại Công Giáo.
Đức Hồng Y Newman nói rằng
“thừa tá vụ của Giêrêmia có thể được tóm gọn trong 3 chữ: hy vọng, lao nhọc, thất
vọng”. Từ đó, ngài rút ra bài học chung về bản chất sứ vụ của con người. Điều
này đặc biệt đúng khi ta thực hiện công việc của Thiên Chúa. Đức Hồng Y Newman
viết:
"Chờ mong các hiệu
quả lớn lao từ các cố gắng của ta đối với các đối tượng tôn giáo quả là điều tự
nhiên và vô tội, nhưng điều này phát sinh từ việc thiếu kinh nghiệm đối với loại
công việc ta có nghĩa vụ phải làm, là thay đổi tâm hồn và ý chí người ta. Một
tâm thức cao thượng hơn nhiều là lao nhọc, mà không hy vọng được thấy kết quả
việc làm của ta, nhưng như một vấn đề nghĩa vụ vì lương tâm ta; và một lần nữa,
bằng đức tin, tin rằng điều tốt sẽ được thực hiện, dù ta không thấy điều tốt
này”.
Đức Hồng Y Newman quả có
khen ngợi tiên tri Giêrêmia đã “nhẫn nhục” trước số phận của mình. Nhưng trọng
điểm của ngài không phải là: ta nên học cách chịu sống với sự thất bại tối hậu
của ta. Ngược lại, khả năng kiên trì của ta đặt tiền đề ở niềm tín thác và tin
tưởng của ta rằng các lao nhọc của ta không vô ích, dù chúng ta nhìn thấy rất
ít các kết quả của nó.
"Đọc suốt Thánh
Kinh, bạn sẽ thấy các tôi tớ của Thiên Chúa, dù khởi đầu có thành công, nhưng
đã kết thúc đầy thất vọng; không phải vì các mục đích của Thiên Chúa hay các dụng
cụ của Người bất thành, nhưng thời để gặt hái những gì chúng ta đã gieo là đời
sau, không phải đời này; ở đời này, không có kết quả lớn lao trông thấy trong bất
cứ đời người nào".
Cả điều đó nữa cũng đòi
phải có một loại nhiệt tâm nào đó, một loại nhiệt tâm nay rất có thể khác với
lúc nó “mới” được cảm nghiệm lần đầu, nhưng cũng không kém thực chất và nồng độ
như thế. Tóm lại, điều quan trọng muốn nói là kiên nhẫn và trì chí. Điều này chắc
chắn là điều quan trọng, nhưng cần áp dụng vào cả các sứ vụ lớn lao lẫn các sứ
vụ nhỏ mọn. Tuy nhiên, có thể nói rằng phần lớn công cuộc phúc âm hóa mới hệ ở
các việc làm nhỏ mọn, hệ ở việc hàng ngày sống thực các hệ luận của Đạo Công
Giáo, như cầu nguyện, sùng kính, thương người, thông đạt đức tin cho thế hệ kế
tiếp, v.v… Ở điểm này, các thánh có thể giúp chúng ta. Trong đó, dĩ nhiên có
chân phúc Newman và nếu nói tới “những con đường bé nhỏ” thì phải nhắc tới
Thánh Têrêsa thành Lisieux.
Nhiều vị khác nữa, như
Thánh Têrêxa thành Calcutta hoặc Dorothy Day. Tuy nhiên, vị thánh đáng lưu ý là
Thánh Josemaría Escrivá. Trong cuốn “Đạo” (The Way), vị thánh này chú giải lời
Chúa Kitô nói như sau: “Vì con đã in pauca fidelis, trung thành trong những việc
nhỏ mọn, nên con hãy đến và dự phần vào hạnh phúc của chủ nhân con. Chúa Kitô
phán thế. In pauca fidelis! … Giờ đây, anh em có quên những điều nhỏ mọn, nếu
thiên đàng đã được hứa cho những người lưu tâm đến chúng không?”
Ở nơi khác, Thánh Escrivá
còn viết rằng: “anh em sẽ hiểu lầm đạo nếu anh em coi khinh những điều nhỏ mọn”.
Các việc làm “lớn lao”
trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc hay dưỡng dục một đứa con, cả hai trường hợp
cần đến sự thể hiện và phát biểu lòng nhiệt thành một cách nhẫn nại và hằng
ngày, được bồi đắp bằng muôn vàn các hành vi không ai lưu ý, không ai phẩm bình
vì chúng quá nhỏ mọn thế nào, thì việc phúc âm hóa mới cũng thế. Ở đây, xin mượn
lời của Chân Phúc Hồng Y Newman ngỏ với người thất vọng:
"Đừng ngưng các cố gắng
phục vụ Thiên Chúa, dù bạn không thấy kết quả chi từ các cố gắng này. Hãy tỉnh
thức và cầu nguyện, và tuân theo lương tâm, dù bạn không thể tri cảm sự tiến
triển của mình trên đường thánh thiện. Hãy tiếp tục, dù không thể nhưng hãy tiến
bước; hãy tin vào nó dù không thấy nó. Hãy thi hành các bổn phận trong ơn gọi của
mình, dù chúng không có mùi vị chi với bạn. Hãy giáo dục con cái một cách cẩn
trọng trên đường tốt lành, dù bạn không thể nói ơn thánh của Thiên Chúa đã tác
động lên tâm hồn chúng bao xa. Hãy để ánh sáng của bạn soi chiếu trước mặt người
ta, và ca ngợi Thiên Chúa bằng một cuộc sống nhất quán, dù các người khác xem
ra không vinh tụng Cha của họ nhờ cuộc sống này, hay được ích nhờ gương sáng của
bạn".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét