Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

Tháng Cầu Cho Các Linh Hồn:“cảm nghĩ về lòng khoan dung và sự cho đi

Tháng  Cầu  Cho  Các  Linh  Hồn:
“cảm  nghĩ  về  lòng  khoan  dung  và  sự  cho  đi”
(Thứ sáu - 27/10/2017 -baoconggiao)

Tháng Cầu Cho Các Linh Hồn “cảm nghĩ về lòng khoan dung và sự cho đi”

Tại nước Ý, trên các phương tiện truyền thông vào những ngày cuối năm 2002 có một bản tin tìm người với nội dung như sau:

“Ngày 17/5/1992, ở bãi đậu xe đường số 5, khu thương nghiệp thành phố Avenue, một người phụ nữ da trắng bị một chàng trai da đen cưỡng hiếp. Không lâu sau, người phụ nữ kia đã sinh ra một bé gái da đen. Hiện tại cô bé bị bệnh máu trắng, cần phải làm phẫu thuật cấy ghép tủy gấp, ba ruột của cô bé chính là niềm hy vọng duy nhất để cứu sống cô bé, hy vọng người năm xưa sau khi đọc được lời nhắn này, hãy mau chóng liên hệ với bác sĩ Adrew làm việc tại bệnh viện Elizabeth”.

Đây là một câu chuyện có thật đậm tính nhân văn, câu chuyện chuyên chở lòng hận thù, sự khoan dung, tha thứ và sự cho đi khi mà người phụ nữ da trắng là Marda và chồng cô là Peter đã vượt qua tủi nhục để chấp nhận một sinh linh không hề mong đợi; Và đó là sự vị tha của Lina vợ của chàng trai da đen tên là Achlia; Lina đã động viên, cùng chồng mình tìm đến bác sĩ Andrew hiến tủy nên bé gái da đen là Monica được cứu sống nhờ được ghép tủy của chính người cha ruột của mình là kẻ đã gây ra vụ cưỡng hiếp năm xưa. Hành vi cưỡng hiếp chị Marda do Achlia gây ra xuất phát bởi lòng thù hận, anh ta là nạn nhân của tình trạng phân biệt chủng tộc nên nung nấu ý định trả thù và việc cưỡng hiếp chị phụ nữ da trắng chính là để thỏa mãn lòng hận thù. Cái kết của câu chuyện có hậu và thật đẹp khi chàng trai da đen Achlia nghẹn ngào nói: “Xin lỗi, xin lỗi, xin hãy tha thứ cho tôi! Câu nói này tôi đã chôn sâu trong lòng suốt hơn 10 năm nay rồi, hôm nay cuối cùng đã có cơ hội để nói với chị. Tôi thực sự hi vọng bé Monica và anh chị sẽ sống hạnh phúc bên nhau. Tôi rất cảm ơn Monica, con bé đã cho tôi một cơ hội để chuộc tội và có thể sống thanh thản trong nửa đời còn lại. Đây chính là món quà mà con bé đã ban tặng cho tôi”. Và chị Marda, người bị cưỡng hiếp năm xưa đã nói: “Cảm ơn cậu đã có thể bước ra. Cúi xin Thượng Đế phù hộ, tủy xương của cậu đã cứu sống con gái tôi!”.

Vâng, khi và chỉ khi có lòng khoan dung, sự tha thứ thì ắt hẳn nơi mỗi người mới có sự cho đi để rồi nơi mỗi người lại được đón nhận những điều đẹp đẽ nhất.

Và Tháng Cầu Cho Các Linh Hồn cũng cần lắm những tấm lòng khoan dung.

Hàng năm, Giáo hội Công giáo đã dành nguyên tháng 11 Dương Lịch để cầu nguyện cho các linh hồn. Nếu như ngày 01 tháng 11 là Thánh Lễ trọng kính các Thánh Nam Nữ vì các Ngài đã được vinh hiển nơi Nhà Chúa thì ngày 02 tháng 11 lại là Thánh Lễ cầu cho các Đẳng linh hồn vẫn đang phải thanh luyện nơi chốn luyện hình.

Qua giáo huấn của Hội Thánh, khi còn ở trần thế thì các linh hồn là những người một thời chung sống cùng mọi người trong những mối quan hệ nhưng họ đi trước, bởi mang thân phận con người nên nhiều lúc, nhiều nơi họ cũng mắc phải những lỗi lầm và mang theo vào cõi chết. Và có thể rằng, những lỗi lầm của họ đã để lại vết thương lòng, thậm chí là lòng thù hận nơi những người còn sống; Giả như người cha, người chồng khi còn sống luôn thể hiện hành vi bạo lực gia đình gây ra nỗi ám ảnh khó phai mờ trong ký ức của những người con, người vợ; hay như những đứa con bất hiếu mà các bậc cha mẹ xem đó như những “của nợ”; giả như như mối quan hệ tồi tệ giữa mẹ chồng nàng dâu gây ra xung đột khó hàn gắn hoặc như mối quan hệ xã hội nảy sinh lòng thù hận giữa những con người với nhau… Trong những mối quan hệ này, sự “ra đi” của những người gây ra lỗi lầm có thể mang lại tâm thế trút đi được gánh nặng cho những người “ở lại” rồi họ dần bị lãng quên hoặc người “ở lại” chỉ nhớ đến họ một cách hời hợt.

Trong Tháng Cầu Cho Các Linh Hồn, Giáo hội cổ vũ mọi người kết nối sự yêu thương, kính trọng và tưởng nhớ thông qua các hành vi đạo đức như xin lễ, viếng mộ, đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn mà đó có thể là các đấng bậc sinh thành, những người thân hay những người trong mối lương duyên đời thường của mỗi người, xin Chúa thương ban ân phúc để các linh hồn sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa. Do đó, lòng khoan dung nơi mỗi người sẽ là quà tặng vô giá, là thông điệp yêu thương mà các linh hồn luôn cần được đón nhận. Bởi lẽ, trong kiếp nhân sinh chẳng ai là người hoàn thiện, luôn bất toàn và nơi mỗi con người không ít thì nhiều vẫn luôn tồn tại nơi mình những yếu đuối, những lỗi lầm, những ganh ghét đố kỵ… nên thiết nghĩ, chẳng phải một ai mà tất cả mọi người luôn cần đến lòng khoan dung. Và điều đó hơn hai ngàn năm qua, Chúa Giêsu vẫn luôn mời gọi, và như là lời hiệu triệu con cái của Người trên bước đường lữ thứ trần gian cần phải có tấm lòng khoan dung để làm hành trang vào Nước Trời.

“Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35)

Bối cảnh xã hội ngày nay, hình như người ta đang sống vội vã, gấp gáp hơn. Trong đời sống gia đình, xã hội khi mà nạn sùng bái chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vị kỷ hay chủ nghĩa vật chất…ngày càng gia tăng, nó như một loại thước đo để nhân danh, để khẳng định đẳng cấp cá nhân hay cái tôi nơi mỗi con người thì sự quan tâm đến nhau để làm vơi đi những nỗi đau, sự bất hạnh lắm khi lại là điều sa sỉ!?

Hẳn nhiên, trong đời sống con người từ khởi thủy đến nay và mãi mãi vẫn luôn cần đến sự cho và nhận, sự cho và nhận nó giống như một quá trình tuần hoàn để cuộc sống con người trở nên đẹp đẽ hơn mà trong đó, cho và nhận là sự tương tác đều đem lại hạnh phúc cho cả hai phía.

Một tác giả (khuyết danh) đã nói rằng: “Trong tất cả sự chia sẻ, thì sự chia sẻ tinh thần là quý giá nhất”. Vâng, cũng là như vậy, với các linh hồn đang đau khổ nơi chốn luyện hình thì sự chia sẻ về tinh thần của mỗi người chắc là điều quan trọng nhất; Vậy thì sự chia sẻ mà các linh hồn hằng luôn khẩn thiết sẽ là gì?

- Xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn vì Thánh Lễ là vô giá do bởi công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Ngài là Đấng Toàn Năng giàu lòng thương xót; là Đấng Duy Nhất với đầy đủ thẩm quyền trên các linh hồn và từng số phận con người.

- Đọc kinh, cầu nguyện cho các linh hồn là hành vi đạo đức đã có ngay từ thời Giáo hội sơ khai và hành vi này đến nay chưa bao giờ xưa cũ hay lỗi thời mà ngược lại, luôn được duy trì bền vững trong suốt chiều dài lịch sử Giáo hội. Bên cạnh đó, ngoài việc đọc kinh cầu nguyện, Giáo hội hằng luôn mời gọi mọi người ăn chay hãm mình, đền tội, làm việc bác ái là những cách thế đem lại sự hữu ích cho các linh hồn nơi chốn luyện hình.

- Trong Tháng Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn, việc đi viếng nghĩa trang và chỉnh trang mộ phần người thân hay mộ phần của những người vì một lý do nào đó mà không có thân nhân chăm sóc luôn là việc cần làm, là nét đẹp nhân văn của người tín hữu Công giáo.

Cảm nghĩ rằng, khi chia sẻ với các linh hồn thì chính là chúng ta đã cho Chúa và sự cho đi này chẳng phải là sự đánh mất nhưng bù lại, người ta sẽ được đón nhận nguồn ân sủng từ nơi Thiên Chúa. Vì Ngài đã nói như là một lời hứa rằng: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa”(Mc 4, 24). Và sách Công vụ Tông đồ đã chỉ ra kinh nghiệm: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35); nên bởi thế, khi cho đi thì chính là lúc người ta sẽ được nhận lại nhiều hơn!

Cảm thức Tháng Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn

Tháng Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn năm nay lại đến trong bối cảnh Giáo hội vừa qua đã long trọng kỷ niệm 100 năm ( 1917 – 2017) biến cố Đức Mẹ Maria hiện ra ở Fatima. Nơi biến cố hết sức đặc biệt này, ngoài những Sứ điệp cảnh tỉnh thế giới và con người, Mẹ còn khuyến khích và nhắc nhở con cái của mình: “Hãy hy sinh nhiều để xin ơn tha thứ cho các tội nhân. Có rất nhiều linh hồn đang sa xuống hỏa ngục, vì không có ai hy sinh đền tội và cầu nguyện cho họ”.

Khi Giáo hội mời gọi mỗi người hướng về Tháng Cầu Cho Các Linh Hồn thì đó chính là phương cách hữu hiệu để mỗi người bày tỏ tinh thần đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành của mỗi người khi hướng về các linh hồn sẽ mặc nhiên trở nên qu‎í giá, ấm áp và mối tình thân được liên kết một cách mật thiết, thiêng liêng trong tình yêu bao la và bao dung của Chúa; Và là sự vâng lời một cách triệt để lời Mẹ Maria đã dạy con cái của Mẹ năm xưa.

Có thể rằng, thời tiết Tháng Mười Một năm nay cũng như mọi năm sẽ không thuận lợi như người ta mong đợi vì những cơn mưa lúc thì bất chợt, khi thì kéo dài và giống như “một cô nàng đỏng đảnh” thường hay dỗi hờn với tính nết khó hiểu, khó chiều lòng người. Tuy là thế, nhưng lòng khoan dung và sự cho đi nơi mỗi người vẫn luôn là điều có thể để tâm hồn mỗi người được thanh thản, nhẹ nhàng bởi khi đó, người ta đã làm được những điều có ý nghĩa thiêng mà Thiên Chúa hằng gọi mời. Người ta vẫn thường đội mưa đến thăm tình nhân hay đến với những thú vui tiêu khiển thì chắc hẳn người ta cũng sẽ đội mưa đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ, đến nghĩa trang dâng lời kinh cầu nguyện cho các linh hồn. Vẫn hằng luôn tin tưởng như thế vì bởi lẽ, đây chính là hành vi đạo đức tốt đẹp, mang tính truyền thống mà các đấng bậc tiền nhân để lại.

Nguyện xin Chúa, Mẹ Maria soi sáng để con luôn biết nuôi dưỡng lòng khoan dung và sự cho đi, xin dạy con biết tư duy đúng đắn về “sự đời” và “sự người” để bản thân con được thăng tiến trong ơn gọi làm con cái Chúa./.


Jos Nguyễn Mừng





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét