Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Có nên kết hôn với người cờ bạc không?!

Có  nên  kết  hôn  với  người  cờ  bạc  không?!
(Trần Mỹ Duyệt)


Tôi vừa đọc được tâm tình của một bạn gái trên trang nhà VNExpress. Cô phân vân không biết có nên lấy một người cờ bạc hay không. Cô tâm sự:

Em 27 tuổi, đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, sắp sửa lấy chồng nhưng còn phân vân không biết quyết định của mình đúng không. Em có quen bạn trai gần 2 năm, ba mẹ bạn trai rất thương em, bạn trai cũng lo làm để tính chuyện cưới xin. Riêng có chuyện này làm em rất khổ tâm. Bạn trai em nghiện cá độ đá banh với lô đề, cứ vài tháng lại thiếu vài chục triệu, em lấy tiền 2 đứa để dành ra trả nợ. Em có nói chuyện này với mẹ bạn trai, bác gái cũng biết nhưng nhiều khi bạn trai làm không có dư thì bác gái chỉ nghĩ do em không biết quản lý tiền. Bạn trai cũng hứa là từ bỏ, lo làm nhưng sao em thấy mong manh quá.

Bạn trai từng nói với người khác quen em là vì tình nghĩa, vì em trả nợ giùm. Tình cảm của em bây giờ giống như tình thân vậy, xem như người trong nhà, cũng không từ bỏ được dù không còn cảm xúc như trước nữa; cảm giác thương yêu, mong ngóng cũng không còn. Nhiều khi ôm nhau ngủ mà em chẳng thấy có cảm giác hai người đang yêu nhau. Chuyện ấy bạn trai cũng không mặn nồng, chỉ qua loa cho có. Gia đình em chưa ai biết chuyện, ba mẹ mong ngóng chuyện cưới xin, em cũng không biết nên làm gì. Đám hỏi cũng làm rồi, chỉ còn đám cưới nữa, giờ em phải làm sao, mong độc giả cho em lời khuyên.

Ngọc

Trước khi đưa ra những ý kiến riêng của mình, tôi tâm đắc với một số gợi ý đóng góp của các bạn đã theo dõi câu truyện trên trang web.

“Ai mà dính vào cá độ bóng đá và lô đề thì chỉ có bán nhà mới cai được vì hết tài sản , người ta không cho nợ. Suy nghi kỹ còn kịp nhé em.” (Quang Gia Dũng)

“Hãy dừng lại ngay khi chưa muộn. Hãy nói Cha Mẹ biết và cùng hai bên ngồi lại để đình hôn nhân lại. Hãy yêu cầu anh ta thật sự thay đổi, chứng minh việc bỏ lô đề banh bóng, tập trung làm ăn thì hãy cưới, không ai dính tới mấy thứ đó mà còn nhà cửa, tình thân, vợ (chồng) con,... Em hãy cứng rắn, cương quyết ngay bây giờ đừng để muộn, cuộc sống của mình, gia đình của mình. Hãy tự quyết định, đừng buông xuôi hoặc nghĩ đã lỡ đám hỏi, lỡ lầm gì đó mà quyết định sai lầm về cuộc đời mình phía trước.” (hero)

“Xách dép chạy cho nhanh em nhé! Vì sao:
1. Người đã chơi lô đề, cá độ nó giống như dính vào máu ko bỏ được đâu => bản chất ko thay đổi được.
2. Tình cảm yêu trong em cũng ko còn lấy nhau chỉ thêm khổ.

Cưới sớm hay cưới muộn ko quan trọng, quan trọng là cưới đúng người em nhé.” (thanhmai005)

“Khỏi xách dép em ơi, chạy mất dép đi.” (Trí)

“Bỏ đi còn kịp e ah.
- Bạn trai cá độ là ngấm vào máu rồi khó mà bỏ, lấy về nợ nần sinh ra nh chuyện nửa.
- chưa cưới mà tình cảm kèm chuyện chăn gối nhạt nhẻo vậy thì ko sớm muộn củng bỏ nhau thôi.” (Dieu Ho)

Trong tất cả các lời khuyên trên đều hướng về một thực hành rất đáng được cô Ngọc quan tâm và suy nghĩ. Đó là: Dừng lại quyết định kết hôn. Và nếu có thể thì chạy tránh xa người đàn ông ấy càng xa càng tốt.

Tiền nhân xưa đã có kinh nghiệm đau đớn về cờ bạc và đã thốt lên một nhận xét vừa phũ phàng, vừa đau đớn, và cũng vừa thực tế:

“Cờ bạc là bác thằng bần
Nhà cửa bán hết, cho chân vào cùm.”

Theo kinh nghiệm nghề nghiệp, và cũng là kinh nghiệm đến từ những người thân trong họ hàng, tôi cũng khẳng định rằng, chừa được cờ bạc là một phép lạ, rất hiếm hoi xảy ra. Để chừa được cờ bạc, đòi hỏi người trong cuộc phải có một quyết tâm hết sức mạnh mẽ, một thực hành hết sức nghiêm chỉnh. Cháu tôi ở Việt Nam cũng đã hai lần bán đất, bán nhà vì cờ bạc. Gần đây nhất, tôi đã phải hy sinh căn nhà tổ của thầy mẹ tôi để lại làm nơi họp mặt con cháu để nó cầm cố mà tránh khỏi bọn du đãng, cho vay ăn lời thanh toán. Nó hứa sẽ tìm cách chuộc lại ngôi nhà, nhưng tôi đã nói với nó: “Không cần tìm cách nào hết, lúc này không phải là lúc chuộc lại căn nhà. Nhưng hãy tìm cách tránh xa bạn bè xấu và đừng cờ bạc nữa.” Tuy vậy, trong thâm tâm, tôi vẫn không tin cháu tôi nghe lời khuyên của tôi. Bởi vì tôi biết, những đứa như vậy, không dễ nhận ra sai sót của nó. Và cũng không muốn dừng lại ở đam mê cờ bạc.

Xét về kinh nghiệm chuyên môn, thì cờ bạc là một căn bệnh (gambling). Bệnh tâm lý (an impulse control disorder) và là một căn bệnh rất khó chữa, khó chừa. Trong các trung tâm cai nghiện (cờ bạc, thuốc lá, xì ke ma túy, rượu, tình dục), khi còn ở trong chương trình cai nghiện và được kiểm soát theo dõi gắt gao của các y tá, bác sỹ, và cán sự xã hội cùng với sự trợ lực của thuốc men, những con nghiện phần đông đã có những thay đổi. Nhưng khi xuất viện, khi phải đối đầu với những cám dỗ của bạn bè, của xã hội, và do thiếu quyết tâm, số đông những người này lại “ngựa quen đường cũ”. Nhiều người còn sa vào những nghiện ngập nặng hơn.

Tuy nhiên, trong câu truyện của cô, thì ngoài cái đam mê cờ bạc (cá độ, lô đề) của người bạn trai, của người hôn phu, thì cái khó dứt điểm nữa là chính cô, vì dường như cô vẫn yêu say đắm con người cờ bạc ấy. Và đó là điều làm cho trường hợp của cô đã khó càng trở nên phức tạp hơn.

Vậy lời khuyên chuyên môn của tôi trong trường hợp này là:

- Không tiến tới hôn nhân với người này, dù anh ta có theo năn nỉ, có hứa hẹn, có van nài, có thề độc, và đôi khi có dùng khổ nhục kế để chinh phục cô, thì cũng đừng xiêu lòng. Chính cô đã viết “Bạn trai em nghiện cá độ đá banh với lô đề, cứ vài tháng lại thiếu vài chục triệu, em lấy tiền 2 đứa để dành ra trả nợ.” Còn người đó thì “từng nói với người khác quen em là vì tình nghĩa, vì em trả nợ giùm.”

- Về mặt tâm lý và tình cảm. Đặt vấn đề cô không lấy người ấy vì lý do sinh lý, thì nguyên việc người ấy lơ là tình cảm, không dành trọn tình yêu cho cô cũng đủ để cho hôn nhân của cô không có tương lai, và không hạnh phúc. Người ta chỉ nghĩ đến cờ bạc, nghĩ đến thua, được, và không có giờ, có tình yêu nào dành cho cô. Quyết định lấy một người như vậy là một quyết định thiếu khôn ngoan và điên rồ.

- Người nhà của anh ta sẽ không phản đối hôn nhân của cô với con của họ. Bởi một lẽ rất giản dị, là họ không kiểm soát được con của họ, và họ rất muốn cô mang cái của nợ về mà trả tiền cờ bạc thay cho họ.

Tóm lại, tôi muốn kết luận bằng hai nhận xét sau đây của các bạn trên trang web, và cũng là những gì mà tôi đã vừa chia sẻ với cô. Mong cô biết dừng lại với một lý trí sáng suốt để khỏi phải hối hận sau này:

“Xách dép chạy cho nhanh em nhé! (thanhmai005)
“Khỏi xách dép em ơi, chạy mất dép đi.” (Trí)

Thân mến,


Trần Mỹ Duyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét