MỘT THOÁNG NGHĨ VỀ
SỰ CHẾT
(Thứ bảy - 28/10/2017)
Ai cũng có lúc nghĩ về sự
chết. Sự chết của người khác và sự chết của chính mình. Và mỗi người mang tâm
trạng khác nhau. Người bi quan thì nghĩ rằng chết là hết. Là đi vào cõi hư
không. “Trăm năm còn có gì đâu, Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!” (Cung Oán
Ngâm Khúc). Còn người có một niềm tin nào đó thì luôn hi vọng vào sự tồn tại
sau cái chết. Ông bà ta thường nói “Sinh ký tử quy”, nghĩa là sống gửi thác về.
Phải chăng, lúc chết là lúc ta sẽ thực hiện một chuyến-trở-về vĩnh viễn? Phải
chăng “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”? (Kinh Hòa Bình của Thánh
PhanxicôAssisi)...
Khoa học đã và đang tìm
cách nghiên cứu và giải thích sự chết của con người. Trong khi chờ đợi một giải
đáp thỏa đáng, người ta vẫn phải xác nhận rằng: “Sự sống đã là một kỳ công do
Thiên Chúa tạo ra, nhưng Chết cũng là một huyền bí còn mung lung mờ tối. Để có
thể thấy được những gì xẩy ra ở những giây phút cuối cùng của đời ta lúc chết,
chúng ta còn cần phải tiếp tục nghiên cứu tìm tòi thêm nữa. Có hay không một
cái gì còn tiếp diễn sau đó...và mãi mãi…? Hãy nhớ rằng: Đời là vô thường, giả
trá. Sinh ký tử qui” (Bs Nguyễn Tiến Cảnh, Điều gì xảy ra khi ta chết,
conggiaovietnam.net).
Tuy nhiên, dựa vào những
kinh nghiệm thần bí và trực giác đức tin của một số người, các nhà nghiên cứu
sâu về những gì xảy ra sau khi chết của những người đã hồi sinh cho thấy về một
cảm nghiệm nhìn lại toàn bộ cuộc sống của mình.
“Một trong những yếu tố
hoàn toàn cơ bản khác của sự cảm nghiệm về sự chết là sự nhìn lại toàn bộ cuộc
sống mình. Trong sự cảm nghiệm này chúng ta sẽ không những phải đối mặt với
toàn diện cuộc sống của mình như một tình huống cụ thể mà chúng ta đã trải nghiệm,
nhưng chúng ta còn phải trải nghiệm các hậu quả của những tư tưởng, lời nói và
hành động của chúng ta nữa.
“Một người đã kể lại:
‘Lúc đó, tôi nhìn thấy cuộc đời tôi tương tự như một cuốn phim đang chạy nhanh
từ đầu tới cuối ra trước mắt. Cuốn phim được bắt đầu với sự sinh hạ của tôi… tiếp
đến là tuổi trẻ, thời thanh niên và cứ tiếp tục thế mãi cho tới khi tôi có được
cảm nghiệm về sự chết mà tôi đã trải qua. Tôi thấy mình đã sống cuộc sống của
mình thêm một lần nữa. Tất cả những gì tôi đã từng cảm nhận, tôi lại cảm nhận
thêm một lần nữa. Vâng, tất cả những giai đoạn trong cuộc sống, những vui buồn,
những cảm xúc và tất cả những gì thuộc về từng giai đoạn của cuộc sống tôi. Đồng
thời tôi cũng nhìn thấy được ảnh hưởng của cuộc sống tôi trên những người khác…
Tôi đã cảm giác được những gì họ đã cảm giác, và qua đó tôi đã nhận ra được những
hậu quả của toàn diện các hành động tôi đã làm, những hành động tốt cũng như những
hành động xấu’.” (Lm Nguyễn Hữu Thy , “Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết
(2)” – VietCatholic News * 21-11-2008).
Đức tin Ki-tô giáo, dựa
vào mạc khải cho ta biết rằng sống-chết là hai mặt của một thực tại. Do đó, sau
cái chết thể lý thì sự sống con người vẫn tồn tại và thay đổi chứ không mất đi.
Người ta đã so sánh sự thay đổi ấy giống như thân phận con sâu thành bướm khi
thoát ra khỏi cái tổ kén của chính nó. Hoặc như cái quạt trần, khi yên thì nhìn
thấy ba cánh (quạt) nhưng khi quay thì chẳng ai nhìn thấy cánh đâu, nhưng cái
quạt vẫn là cái quạt. Sự chết chính là ngưỡng cửa để con người bước vào sự sống
khác, như lữ khách vượt qua dòng sông sang bờ bên kia để đến miền đất tươi
sáng, lạ kỳ, bất tận…
Đối với chúng ta, là con
cái Thiên Chúa, Đấng nguồn mạch sự sống, thì sự chết chính là biến cố đưa ta
vào cõi sống. Thánh Phao-lô đã từng mong chết để được sống, ngài nói: “Đối với
tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi…” (x. Pl 1,21-23), và “Chúng tôi
luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên
Chúa” (2Cor 5,8).
Sống gửi thác về
Cái chết là sự chấm dứt
cuộc sống tạm bợ này để sau đó con người được trở về cõi sống vĩnh cửu.
Đức Giê-su khi biết mình
sẽ phải chết, đã nhắc đến cuộc ra đi vượt qua của Ngài để các môn đệ yên tâm và
không hoảng sợ trước sự chết. “Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên
Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã
nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Gio 14, 1-2).
Chúa dọn chỗ cho chúng ta
để Ngài ở đâu chúng ta cũng được ở đó với Ngài. “Ở-một-chỗ-với-Chúa” chính là sự
hiệp thông thần linh, kỳ diệu với Thiên Chúa, trong Thiên Chúa, một ân huệ mà Đức
Giê-su đã hứa chia sẻ cho các môn đệ. “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những
người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của
con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế
gian được tạo thành” (Gio 17,24).
Trong lịch sử Hội thánh,
không ít các vị thánh đã được ơn thị kiến nhờ đó các ngài đã có thể nếm trải hạnh
phúc được “thấy” Thiên Chúa như thế nào.
Sau đây là cảm nghiệm về
sự chết của thánh nữ Têrêxa Avila.
“Thánh nữ Têrêxa Avila, một
trong những vị đại thánh thuộc Giáo Hội Công Giáo, thường hay được trải nghiệm
tình trạng xuất thần. Những gì thánh nữ trình bày sau đây hoàn toàn đồng hóa với
một sự cảm nghiệm về sự chết:‘Tôi cảm thấy mình được đưa lên trời và những người
đầu tiên tôi nhìn thấy ở đó là hai ông bà thân sinh của tôi’.
“Và thánh nữ cũng so sánh
những cảm nghiệm của bà với sự chết. Bà thường nói về giây phút ‘…khi linh hồn
thoát ra khỏi ngục tù giam hãm nó trong một giây lát và được đưa vào trong sự
an bình yên tĩnh…và sự mạc khải về những điều thật cao siêu mà linh hồn chiêm
ngắm trong lúc xuất thần như thế, thì đối với tôi là một điều hết sức tương tự
giống như sự linh hồn lìa ra khỏi xác… Linh hồn chấp nhận điều đó’.
“Thánh nữ tâm sự là bà được
kết hiệp với Thiên Chúa. Và từ đó bà nhận thức được một cách chắc chắn rằng bà
hoàn toàn không thể rời bỏ đức tin đó được, bà nói:‘…Tôi đã không biết được rằng
Thiên Chúa hiện hữu trong mọi sự, và theo tôi là một điều bất khả, là Thiên
Chúa lại hiện diện cách thân tình với tôi dường ấy, như tôi đã trải nghiệm được
điều đó’.” (Lm Nguyễn Hữu Thy , “Cái nhìn khách quan và độc lập về sự chết (3)”
– VietCatholic News * 21-11-2008).
Ngoài ra, còn có chứng từ
về chân lý vĩnh cửu của ánh sáng mang đến cho chúng ta những cảm nghiệm về sự
chết.
“Có một người nữ bệnh
nhân bị mổ não và trong suốt thời gian mổ như thế thì não bộ của bà ngừng hoạt
động, sau đó tỉnh lại bà đã viết: ‘Ánh sáng tràn ngập trong tâm hồn, chung
quanh và chiếu toả ra khắp mọi nơi. Đó là ánh sáng làm nên các hào quang trên đầu
các thánh nhân. Đó chính là Thiên Chúa hiện thực: ở trong tâm hồn, ở chung
quanh bên ngoài và khắp mọi nơi…’
“Chúng ta thấy được rằng
tuy mỗi người diễn tả hơi khác nhau một chút, nhưng cảm nghiệm của thánh nữ
Têrêxa Avila và của người nữ bệnh nhân hoàn toàn đồng nhất, tức cả hai cùng cảm
thấy mình được kết hiệp với Thiên Chúa” (Lm Nguyễn Hữu Thy, bài đd,
VietCatholic News * 21-11-2008).
Đối với tất cả những ai
đang sống thì cái chết vẫn là một huyền nhiệm. Chính vì thế mà không ai lại
không lo sợ trước cái chết. Tuy nhiên, những kẻ tin theo Chúa sẽ an tâm sống cuộc
sống tạm thời này và sẵn sàng ra đi khi giờ chết đến. Vì chính Ngài sẽ nâng đỡ
và đem lại bình an hi vọng cho họ, như thánh Tông đồ Gio-an đã viết: “Hiện giờ
chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được
bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống Người,
vì Người thế nào, chúng ta cũng sẽ thấy Người như vậy” (1Gio 3,2)./.
Aug. Trần Cao Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét