Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

MƯU MẸO


MƯU  MẸO

  September 16, 2019 - Trầm Thiên Thu




Nói về mưu mẹo (mưu mô, mưu chước) chắc hẳn không ai “qua mặt” ma quỷ – vua lừa bịp, vua dối trá, vua mánh lới, vua xảo quyệt, vua quảng cáo, vua xạo, vua lưu manh, ... Thật vậy, nó đã tỉ tê khiến bà Eva bùi tai nên siêu lòng, và rồi ông Adam cũng nghe vợ mà chịu chung số phận. Tiêu tùng! Ngày nay, không ít người cũng đã “chết dở” vì chiêu bài quảng cáo – bí quyết nói láo ăn tiền, nhưng được người ta khoái và công nhận. Thế mới chết!


Mưu phải có mẹo. Mẹo càng tinh xảo thì mưu càng thâm độc, khiến người ta càng dễ mắc lừa. Vì thế, rất cần sự khôn ngoan để trước tiên là “tự vệ” (bảo vệ mình), rồi mới có thể bảo vệ người khác. Khôn ngoan là điều rất cần thiết trong cuộc sống – cả đời thường và tâm linh. Bởi vì “tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa.” (Cn 1:1a)

Thật ngạc nhiên với nhận định của Robert A. Heinlein (1907-1988, văn sĩ về khoa học viễn tưởng, người Mỹ) nói: “Lòng tốt thiếu đi sự khôn khéo luôn luôn chẳng khác gì cái ác”. Còn kịch tác gia Menander (324-291 trước công nguyên, người Hy-lạp) nhận xét: “Tóc bạc không sinh ra khôn ngoan”. Ôi, vậy ư? Thông thường, tuổi già thì khôn ngoan, nhưng điều đó chưa chắc là mẫu số chung, tuy nhiên có điều chắc chắn: Càng nhiều tuổi càng nhiều tội. Thế thì lại càng sự khôn ngoan hơn nữa.

Nhưng có những trường hợp “đầu bạc” thực sự khôn ngoan, vì đó không chỉ là “vinh dự của hàng bô lão” (Cn 20:29) mà còn là “triều thiên vinh hiển được tặng ban cho người sống công chính” (Cn 16:31).

Khôn ngoan cũng liên quan nhiều thứ. Biết mình là sáng, biết người là khôn. Khổng Minh Gia Cát Lượng (Zhuge Liang, 181-234) nói: “Vấn chi dĩ thị phi nhi quan kỳ chí” – Muốn xem xét chí hướng của một người thì phải hỏi họ về điều phải trái, đúng sai. Mạnh mẽ hơn, Albert Einstein (1879-1955) xác định: “Đừng làm gì trái với lương tâm, ngay cả khi chính quyền yêu cầu bạn.” Thế mới là khôn ngoan – nghĩa là cũng cần có lòng can đảm.

KHÔN TỘI 
Cũng có năm bảy đường khôn ngoan – khôn tội hóa khốn. Dễ lầm nên phải phân biệt rạch ròi: Khôn lỏi, khôn đểu, khéo léo, mánh khóe hay tinh quái? Lạnh lẹ hay ranh mãnh? Linh động hay mưu chước? Việt ngữ độc đáo lắm: Chữ KHÔN rất gần chữ KHÔNG, cả cách viết và cách phát âm – chỉ khác nhau mẫu tự G. Đúng là “sai một ly đi một dặm”, vì KHÔN ngoan cũng dễ biến thành KHÔNG ngoan như thường. Thật vậy, sách Khôn Ngoan nói: “Những lý luận quanh co khiến con người lìa xa Thiên Chúa.” (Kn 1:3) Lươn lẹo thì người đời cũng chẳng ai ưa chứ nói chi Thiên Chúa. Nhưng xã hội Việt Nam ngày nay có vẻ người ta thích lươn lẹo, ăn không nói có, lọc lừa người khác để mình được sống vinh thân phì da.

Kẻ ác là kẻ hèn. Càng hèn thì càng nhát, càng nhát thì càng ác, càng ác thì càng độc, càng độc thì càng ngốc, càng ngốc thì càng dại, càng dại thì càng khờ, càng khờ thì càng ngu, càng ngu thì càng ác. Đúng theo quy trình khép kín của cái vòng lẩn quẩn. Thật khủng khiếp, đáng sợ!

Thời nào cũng có người khôn, kẻ khốn. Ngôn sứ A-mốt xuất thân là một mục đồng ở miền Nam Belem, thuộc chi tộc Giu-đa. Ông được Thiên Chúa sai đi tuyên sấm cho vương quốc Israel, và ông đã can đảm hành động. Ông kêu gọi: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. Các ngươi thầm nghĩ: ‘Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra?’. Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ” (Am 8:4-5). Người ta thường nói: “Vải thưa che mắt thánh”, hoặc: “Chiếc kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Với người đời còn chưa lừa được thì nói chi đối phó với Thiên Chúa, vì Ngài toàn năng và thấu suốt mọi bí ẩn.

Đôi khi Ngài im lặng chứ không phải Ngài không biết. Đừng ngu xuẩn mà suy nghĩ theo kiểu vô thần. Thánh Vịnh gia nói: “Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139:1-5). Thiên Chúa như vậy thì chúng ta còn có thể dùng mánh khóe nào mà trốn thoát Ngài chứ?

Trong cuộc sống đời thường, người ta ngông cuồng khi tìm đủ mưu mẹo để “đè bẹp” hoặc “chà đạp” người khác – nhất là đối với người dưới quyền hoặc người yếu thế hơn mình. Và còn hơn thế nữa, người ta tìm mọi thủ đoạn để lừa đảo người khác, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, cuộc sống hằng ngày vẫn xảy ra những chuyện như thế ở khắp nơi – thậm chí ngay trong các gia đình, giáo xứ, cộng đoàn, ... Người nghèo còn bị người ta đàn áp và bóc lột đến cả chiếc áo rách họ đang mặc, thế mà người ta vẫn ra vẻ nhân đạo mà “ngọt ngào” nói đến nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền. Giả hình rõ nét! Đó là cách “lấy vải thưa che mắt thánh” mà thôi. Tức nước thì vỡ bờ, đó là điều tất yếu. Con chó bị dồn vào góc tường thì nó cũng phải cắn lại. Con vật mà còn như vậy huống chi con người.

Thật đúng như Thánh Vịnh gia đã xác định: “Ra tay hại người thân nghĩa, lại lỗi ước quên thề; miệng nói năng ngọt xớt, lòng chỉ muốn chiến tranh; lời trơn tru hơn mỡ, mà bén nhọn như gươm.” (Tv 55:21-22) Lưỡi còn hơn gươm sắc bén, mà nó có thể như lửa thiêu rụi mọi thứ. Sống hay chết đều do cái lưỡi, (Cn 18:21) và nó chính là mối họa cho con người. (Hc 5:13) Ngay cả bốn thứ Thiện – Ác và Sinh – Tử cũng bị cái lưỡi chi phối. (Hc 37:18)

Lời khuyến cáo của tiền nhân rất chí lý: “Cẩn tắc vô ưu.” Chính Đức Chúa đã lấy Thánh Danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề lời này: “Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.” (Am 8:6-7) Thiên Chúa đã thề hứa thì không chút sai lệch. Ngài luôn thương xót trọn tình, sẵn sàng tha thứ, nhưng cũng rất công minh và chính trực, nếu không thì người nghèo và người thấp cổ bé miệng thiệt thòi quá. Vấn đề độc đáo là thế.

Là Đấng từ bi và nhân hậu, Thiên Chúa đặc biệt quan tâm những người nghèo khổ, cô thân, góa bụa, tù đày, tội nhân, ... Ngài sẵn sàng bỏ tất cả mọi thứ để đi tìm cho bằng được những con chiên lạc. Bằng chứng là Chúa Giêsu đã nhập thể và nhập thế, sinh nghèo, sống nghèo, và chết nghèo. Ngài làm thật chứ không nói suông. Còn chúng ta có được chút nào, hay là chỉ khéo dạy người khác làm, còn mình thì “cứ vô tư”? Nếu thế thì... Ôi thôi!


KHÔN PHÚC
Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, thế nên chẳng ai có thể giấu giếm hoặc tự biện hộ. (1 Sb 28:9b; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Gr 10:12; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 10:12; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 2:10; 1 Cr 12:4-6; 1 Ga 3:20) Ngài là Thiên Chúa độc nhất, quyền phép vô song, các thần linh khác cũng chỉ là thụ tạo của Ngài mà thôi: “Trước thánh nhan Chúa, hỡi địa cầu, hãy rung chuyển, trước thánh nhan Chúa Trời nhà Gia-cóp, Người biến đá tảng thành hồ ao, và sỏi đá nên mạch nước dồi dào.” (Tv 113:7-8)

Không có Ngài, chúng ta chỉ là hư vô. Ngài không chỉ tạo dựng chúng ta mà còn là sự sống của chúng ta, vì chính “thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.” (Ga 6:63) Thánh Phaolô chân thành nhắn nhủ: “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1 Tm 2:1-4) Rất mạch lạc, yêu thương, hiệp thông và hiệp nhất.

Để minh định mạnh mẽ hơn, thánh nhân cho biết thêm: “Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi. Và để làm chứng về điều này, tôi được đặt làm người rao giảng và làm Tông Đồ – tôi nói thật chứ không nói dối – nghĩa là làm thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý. Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.” (1 Tm 2:5-8) Cũng rất rạch ròi, không hề có gì văn hoa bóng bẩy, thế nên bất cứ tầng lớp nào cũng có thể hiểu. Chịu hiểu là khôn – khôn phúc. Không hiểu là vì không muốn hiểu, gọi là cố chấp – khôn tội.

Bóng tối cả thế gian này cũng không dập tắt được một đốm lửa nhỏ, nhưng bóng tối nguy hiểm vì khó có thể phân biệt chính xác. Không sợ kẻ xấu nhưng nó rình rập làm hại thì khó tránh, dễ bị nó hại – vì nó ở trong bóng tối nên khó nhận biết. Ma quỷ là “chuyên gia đen” như vậy.

Và rồi vào một ngày nọ, Thầy Giêsu nói với các đệ tử về chuyện người quản gia bất lương, lươn lẹo và mưu mô. Người ta tố cáo với ông chủ về việc hắn đã phung phí của cải nhà ông. Ông gọi anh ta đến và quyết định sa thải. Người quản gia lưu manh liền tìm mánh khóe cho cuộc sống tương lai. Bụng bảo dạ: “Ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” (Lc 16:3-4) Thế rồi hắn mưu mô tính toán, liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, người nợ 100 thùng dầu ô-liu thì được giảm còn 50 thùng; người nợ một ngàn giạ lúa thì được giảm còn 80 giạ. Rất mánh khóe, khôn lỏi và ranh mãnh. Cũng chỉ vì kế sinh nhai, vì miếng ăn mà tự giẫm đạp nhân cách và nhân phẩm của mình. Nhục nhã quá! Không chỉ vì miếng cơm, manh áo, hắn còn vì tự ái mà dám làm bất cứ điều gì, kể cả điều độc ác nhất. Nỗi nhục nhã nhân đôi!

Miếng ăn liên quan sự sống, dù chỉ là sự sống phần xác, thế nhưng kẻ hèn thì chỉ biết đến thế thôi, không thoát khỏi cái bóng của mình. Sự ăn uống là “đệ nhất khoái” trong “tứ khoái” của nhân phàm. Miếng ăn có thể rất lớn và rất quý, nhất là khi đói. Đúng như tục ngữ Việt Nam nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Bản năng sinh tồn của con người rất mạnh, người ta sẵn sàng hạ sát lẫn nhau vì miếng ăn. Thằng Bờm không cần bất kỳ thứ gì khác, dù những thứ rất mắc tiền và rất giá trị, lúc đó nó chỉ cần “nắm xôi” mà thôi. Thế như chuyện Thằng Bờm không đơn giản như thế, mà có điều thâm thúy hơn: Nó biết chắc có nhận những thứ kia thì gã quan tham kia cũng chẳng cho, thế nên cứ lấy nắm xôi cho chắc ăn. Kẻ đểu mưu mô thâm độc lắm!

Cuộc sống đơn giản mà nhiêu khê, không khéo mắc bẫy kẻ ác. Ca dao Việt Nam mỉa mai: “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.” Cũng chỉ vì miếng ăn mà người ta có thể dùng mọi thủ đoạn thâm độc, có khi giết chết một người chỉ vì một số tiền nhỏ – mà người bị hại không là người xa, kẻ lạ, có thể là thân nhân, thậm chí là cha mẹ. Thật đáng sợ thế thái nhân tình! Đồng tiền “nhỏ” thôi (mảnh giấy rộng vài chục cm) nhưng “giá trị” to lắm (theo cách hiểu của lòng tham).

Có lẽ lúc đó Chúa Giêsu lắc đầu nên Ngài nói thẳng: “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.” (Lc 16:8) Thật hay khi người Việt gọi là “tiền tệ” hoặc “tiền bạc”. Nó chẳng là gì, chỉ là tờ giấy với những con số được người ta quy ước khác nhau, thế nhưng nó có mãnh lực kỳ lạ, thậm chí là ma lực khiến người ta khó cưỡng lại, sẵn sàng xử tệ và xử bạc với nhau. Người ta dễ sa đọa vì tiền trong chốc lát mà không biết.

Bản chất đồng tiền không xấu, mà nó hóa xấu vì người dùng nó. Chúa Giêsu dạy bài học quan trọng về cách sử dụng đồng tiền qua lời căn dặn – và cũng là lời khuyến cáo: “Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?” (Lc 16:9-12)

Và Ngài xác định: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (Lc 16:13) Tiền không phải là Tiên, nhưng biết sử dụng khéo léo thì nó giúp thăng Tiến và rất Tiện (thuận tiện), không khéo thì nó hóa bần Tiện, và nó sẽ Tiễn biệt chính mình.

Tiền bạc không là gì, nhưng nó có thể xác định một con người thực chất là tốt hay xấu, Khổng Minh Gia Cát Lượng nói: “Lâm chi dĩ lợi nhi quan kỳ liêm” – Dùng lợi lộc, tiền bạc, công danh để xem sự liêm chính của một người. Người liêm chính thì không đánh mất mình vì lợi lộc, tiền bạc, công danh. Một tay giơ cao hô hào “liêm chính, chí công, vô tư” nhưng tay kia thò ra sau “kiếm chác” bằng mọi mánh khóe. Vô cùng hèn hạ!

Giữa Thiên Chúa và tiền bạc, chắc chắn ai cũng phải tự quyết định chọn một trong hai, vì Ngài cho phép chúng ta sự tự do. Vì thế, hãy cẩn trọng kẻo hối hận không kịp, và phải luôn cảnh giác kẻo “thần khẩu hại xác phàm” (nói bậy hại thân). Chính Chúa Giêsu cũng đã dạy: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” Với cách dịch ngày xưa cũng có cái hay: “Xin Cha cho chúng con rày hằng ngày dùng đủ.” Có lẽ “cách xin” này hay hơn, bởi vì giàu quá hay nghèo quá cũng có thể xa Chúa, chỉ cần ĐỦ là được.

Sống cho đúng Đạo Trung Dung khó lắm. Thật tuyệt vời với lời cầu xin của tác giả sách Châm Ngôn: “Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: ‘Đức Chúa là ai vậy?’ hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con.” (Cn 30:8-9)

Lạy Thiên Chúa toàn năng và chí thánh, xin ban đức khôn ngoan để chúng con biết luôn luôn chọn Chúa và tuân theo Thánh Ý Ngài trong mọi hoàn cảnh; xin Ngài đặc biệt thương xót những người thiếu thốn – trong đời thường và tâm linh, xin ban ơn thông minh để họ chân nhận chỉ có Ngài là cùng đích và cứu cánh; xin giúp mọi người hoàn tất nhiệm vụ trong cuộc sống mà Ngài muốn; xin ban bình an cho Giáo Hội và thế giới, cách riêng với Việt Nam và những quốc gia chịu nhiều đau khổ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU


















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét