Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019

Sep 15, 2019 - Chúa nhật 24 thường niên năm C




Sep  15,  2019 - Chúa  nhật  24  thường  niên  năm  C
"Con  Người  đến  để  tìm  kiếm  những  gì  đã  mất. "





Các Bạn thân mến,

Thật thoải mái dễ chịu khi thời tiết bắt đầu vào Thu phải không các bạn?  Nàng Thu đến, gió hiu hiu, và lá bắt đầu đổi mấu rồi từ từ rơi, nhưng cũng có nhửng lúc aò ào cuốn theo chiều gió, quay quay tít như những chôn ốc rồi đổ nghiêng ngả, vật vã! Đẹp, đẹp quá phải không và cũng có khoảng khắc lãng mạng vô cùng! Tuy là giữa tháng Chín rồi, cũng chỉ có những cây nhỏ bé mới đón Thu. Những cơn gió heo may chưa thổi về, hoa lá còn tươi, xanh. Không như những năm trước, giờ này thì những chiếc lá đầu tiên đã đong đưa bay lượn rồi rơi xuống đường phố, công viên, ngõ ngách, sạch dơ... rồi từng đợt, từng đám lá vàng, đỏ, cũng bay nhanh để đáp xuống cho kịp... Nếu hoa lá nào cố tình không muốn, cứng cỏi đeo bám, không chấp nhận qui luật thiên nhiên thì cũng phải cằn cỗi chết khô, treo lơ lửng trên chính thân cây của mình!

Thế đấy, cuộc đời mỗi chúng ta cũng không khác gì, có vui tuổi Xuân trẻ, thì cũng có héo hắt gió may, để rồi chuyển sang Đông lạnh an nghỉ...

Biết tuân thủ luật Tạo hóa thì an vui theo thời gian, xoay vần theo vũ trụ, nếu chống cự lại thì cũng chỉ là một kiếp"đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt" mà thôi, chẳng năng lực, quyền phép nào có thể thay đổi được luật tuyệt đối của Trời Đất!

Không phải là tư tưởng bi quan, mà về khía cạnh tin tưởng, tôn trọng Tạo Hoá. Ngài dựng mọi sự mọi loài để tôn vinh Ngài và cho tạo vật cùng hưởng thụ. Vì thế những gì chống cự lại, chắc chắn sẽ ở ngoài trật tự, rớt ra khỏi vòng quay của Ngài.

Nhưng Ngài không đành lòng bỏ qua những gì đã mất, đã văng rớt ra... Vì lòng nhân hậu, Ngài kiên nhẫn chờ đợi, kêu gọi và đón nhận cả những sự phản bội trắng trợn, nếu biết thực tâm quay về.

Tin Mừng Thánh Luca tuần này ghi lại những dụ ngôn Đức Giesu nói trong một hoàn cảnh đặc biệt là các thầy dạy luật và các đạo sĩ lấy làm vấp phạm khi thấy Ngài giao du với những kẻ mà người Do Thái đạo đức gọi là tội nhân. Họ đã xếp những ai không tuân giữ các chi tiết tỉ mỉ trong luật pháp vào chung một hàng, gọi là "Dân của đất ", tức hạng người cùng đinh, tội lỗi.

Chúng ta sẽ hiểu các dụ ngôn này đầy đủ hơn khi nhớ lại rằng người Do Thái ngoan đạo thường nói:"Cả Thiên đàng mừng vui vì một tội nhận bị hủy diệt trước mặt Thiên Chúa."

Một quan niệm độc ác, chỉ trừng phạt, tiêu diệt tội nhân chứ không mong cho tội nhận được cứu thoát. Và đương nhiên có một hàng rào ngăn cách triệt để về mọi phương diện giữa hai bên.

Nhưng Đức Giesu đã đến để xóa bỏ những tư tưởng, những quan niệm không đúng ấy và phác họa, mặc khải cho chúng ta về một Thiên Chúa nhân từ, đầy lòng xót thương qua ba dụ ngôn:


1. Về con chiên lạc:

-   Chăn chiên ở xứ Do Thái là một công việc khó khăn nguy hiểm.

-   Đồng cỏ hiếm hoi, cao nguyên ở giữa lại hẹp, chung quanh phần lớn là địa thế với những khe trũng, dốc thẳng đứng và cảnh sa mạc hoang vu.

-   Khung cảnh không gian ấy dễ làm con chiên đi lạc, bởi không có giới hạn cho những con chiên hiền lành đói ăn, khờ dại, không nghe được tiếng chủ, không biết suy nghĩ, không biết định hướng...

-   Người chăn chiên lại phải chịu trực tiếp trách nhiệm về đoàn chiên mình chăn. Vì đàn chiên lớn nhỏ gì thì cũng là cả một gia tài của một gia đình, một làng xóm.

 -   Nếu một con chiên bị mất thì người chăn chiên phải mang về nhà dấu vật làm bằng để chứng tỏ con chiên đã bị tai nạn như thế nào.

 -   Người chăn chiên có tài và kinh nghiệm, họ có thể theo dõi, tìm kiếm chiên lạc dễ dàng. Còn không thì thật khó khăn.

 -   Khi được biết một con chiên bị lạc, thì gần như mọi người đều chờ đợi lo lắng.

 -   Nếu tìm được chiên lạc thì mọi người trong gia đình, làng xóm đều reo vui, cùng cảm tạ với nhau.

 -   Đây là hình ảnh Đức Giesu phác họa về Thiên Chúa với cả triều thần vui mừng vì tìm được một tội nhận đã lạc mất.


2. Đồng quan bị mất:

    a) Nghĩa bình thường:

-    Đồng quan nói ở đây là một đồng tiền rất nhỏ, bằng kim loại.

-   Khung cảnh nhà người Do Thái tối tăm, chỉ có một cửa sổ tròn nhỏ. Nền nhà bằng đất, được phủ cành cây lá khô hay các cây tre sậy khô lên trên.

-   Nên khi đồng tiền bị rơi rớt trong nhà, muốn tìm kiếm nó quả là khó khăn.   

-   Nhưng người đàn bà này vẫn kiên nhẫn, thắp đèn, lục tìm khắp mọi nơi cho bằng được.

-  Vì dân chúng luôn sống trong cảnh thiếu hụt, đồng tiền nhỏ này tương đương với giá công một ngày làm việc của công nhân. Có thể giúp gia đình nghèo khổ no ấm một ngày!

     b) Nghĩa cao đẹp hơn:

 -   Tại Palestin, dấu hiệu của phụ nữ có chồng là một chiếc vành trên đầu làm bằng mười đồng tiền bạc nhỏ, được xâu lại với nhau.

 -  Những đồng tiền ấy là sự dành dụm của người con gái, khi lấy chồng, được đeo trên đầu, coi như là chiếc nhẫn cưới, là của riêng, rất đặc biệt, không ai có thể chiếm đoạt.

-   Có lẽ đồng bạc bị đánh mất trong dụ ngôn là loại đồng bạc này.

-   Và bà đã tìm kiếm như tìm cái nhẫn cưới bị đánh rơi.

-   Vì thế chúng ta hiểu được sự vui mừng to lớn của bà khi tìm lại được đồng bạc bị mất.

-   Bởi đồng bạc này có giá trị như một tài sản, hơn hẳn cả tiền bạc.

 Theo nghĩa nào thì đồng tiền bị mất cũng không phải lỗi của nó, mà do người đàn bà sơ hở, thiếu cẩn thận...Nên niềm vui này cũng thật đáng để mọi người cùng chung vui với bà.



 3. Người con hoang đàng:

     a) Giá trị của từng con người:

-   Người Pharisêu và các kinh sư cho rằng kẻ tội lỗi là hạng vất đi. Nhưng với Đức Giêsu, họ vẫn là những con người, là những giá trị do Thiên Chuá tạo nên.

-   Một đồng xu quý giá thế nào đối với người đàn bà nghèo khổ, một người con quý giá thế nào với tấm lòng người cha, thì một người tội lỗi cũng đáng giá thế ấy với tấm lòng của Thiên Chúa.

-   Như con chiên bị mất đang cô đơn, bơ vơ, đói khát, với bao nguy hiểm. Người mục tử nhân lành không thể ở yên chờ nó tìm đường về, mà phải đích thân đi tìm nó. Đức Giêsu như người mục tử ấy, Ngài không chờ kẻ tội lỗi đến với mình, nhưng bước trước đến với họ trong tình trạng họ còn đang là tội nhân, còn đang lầm lạc. Chính đó cho chúng ta biết con người có gia trị thật lớn lao.

     b) Những con người bị mất: Không chỉ đồ vật, thú vật bị mất, mà chính con người cũng có thể bị mất như khi:

·       đứa trẻ đi hoang vì không tìm được hạnh phúc trong gia đình,
·       thiếu niên bị thói xấu xã hội lôi kéo,
·       người nghiện ngập đến nỗi hư nát cả cuộc đời,
·       vợ chồng bất thuận đến độ không còn nhìn mặt nhau,
·       anh em bất hòa không coi nhau ra gì,
     *  tín hữu khô khan, tội lỗi xa lánh gia đình, xứ đạo…
-   Những người bị lạc mất ấy có thể là tự ý, ham vui, bị lôi cuốn, bị xua đuổi, bị kỳ thị…đang ở giữa chúng ta. Mà chưa được chúng ta đưa về.

-   Còn Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi, như người mục tử tốt lành sẵn sàng để chín mươi chín con chiên lại đi tìm một con chiên lạc mất; như người đàn bà cần mẫn, đốt đèn kiếm cho được đồng bạc đánh rơi; như người cha già nhân hậu, ngày ngày ra ngõ ngóng con.

-   Đúng thế, "lỗi lầm là của con người và tha thứ là của Thiên Chúa". Thiên Chúa yêu thương con người đến cùng. Mà tuyệt đỉnh của yêu thương chính là tha thứ, vì thế vào giờ phút cuối cuộc đời, dù phải đớn đau khôn tả, chịu khinh khi, chối bỏ, Ngài vẫn cầu nguyện tha thiết:"Lạy Cha, xin tha cho họ". Đây là lời rõ ràng, trang trọng nhất nói lên tâm hồn cao thượng, tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.

-  Tuy nhiên Thiên Chúa chỉ thứ tha ai thật lòng sám hối như: cô gái điếm biết sám hối; đứa con hoang đàng quay về; Giakêu biết đền bù; người trộm lành lầm lỡ, biết mình tội lỗi…

-  Kinh nghiệm cho hay chỉ dễ dàng tha thứ cho kẻ khác khi ý thức thân phận mỏng dòn yếu đuối của mình. Nhận ra mình cũng thường sai phạm, mọi người mới dễ cảm thông tha thứ cho những lỗi lầm của nhau.

-  Khi chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa thì như Chúa mất chúng ta, chúng ta làm mất Chúa. Dù dại dột, phản bội, lạnh lùng, bất tuân hay lý do nào, Chúa cũng tìm đưa chúng ta về với Ngài là cha, là chủ chúng ta.

     c) Đứa con hoang đàng:

-    Theo luật Do Thái, người cha không được chia gia tài tuỳ ý của mình. Mà con cả phải được hai phần ba, con thứ chỉ được một phần ba.

-    Nếu người cha muốn được nghỉ ngơi thì cũng có thể phân chia gia tài ngay lúc còn sống.

-   Người cha ở đây nhân từ, chưa nghỉ hưu, nhưng ông cũng không muốn tranh luận gì trước sự trơ tráo của đứa con thứ: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng."

 -   Ra khỏi nhà với gia tài vừa nắm trong tay, anh ta nhanh chóng ăn chơi hoang phí hết tiền và kết thúc bằng việc đi làm mướn; ở đó, anh phải chấp nhận làm những công việc hèn hạ nhất, nhưng cũng không được no thân ấm áo.

 -   Bước đường cùng, anh hồi tâm tự suy nghĩ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm đủ gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi ta đứng lên, đi về cùng cha...  "

 -   Đây là một điều đáng quí nhất mà Đức Giesu đã ban khen, cũng như đặt niềm tin và sự mong muốn nhất nơi con người tôi lỗi:"Khi nó hồi tâm tự nhủ, trở về với chính mình."

 -   Chúa tin rằng bao lâu con người tội lỗi, xa cách và chống nghịch lại Thiên Chúa, thì con người không thực sự là con người; con người chỉ thực sự là chính mình khi đang trên đường trở về với Thiên Chúa.

 -   Như người con thứ, quyết định trở về và thưa với cha mình: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy."

 -   Đó là sự khiêm hạ thật lòng của người con khi trở về, bởi theo nghĩa thì người nô lệ được coi như là một phần tử của gia đình; còn đầy tớ ở thuê thì là người ngoài, xong việc rồi thôi, lại có thể bị đuổi bất cứ lúc nào.

 -   Cái may mắn mà người con thứ nhận được là tình thương, lòng nhân hậu của người cha, luôn tin tưởng và chờ đợi ngày tỉnh ngộ của con.

 -   Bởi thế khi trông thấy con từ đằng xa, ông đã chạnh lòng thương, chạy ra ôm hôn thắm thiết.

 -   Người con chưa kịp nói hết lời, cha già đã lên tiếng công khai phục hồi quyền làm con cho anh.

 -   Còn tổ chức tiệc cho cả nhà cùng vui mừng đón sự trở về của con, đã mất nay tìm thấy, như chết nay sống lại.

 -   Đây là một bức tranh kiệt tác, mọi chi tiết đều sắc bén tuyệt với mà Thánh Luca đã vẽ lại.

 -  Không dụ ngôn nào được người ta nhắc đến, chiêm ngắm, soi mình mãi vẫn chưa thể học hết lời dạy của dụ ngôn này.

 -  Cũng không dụ ngôn nào mà tội nhân được đón tiếp nồng hậu, như ban thưởng, khiến không còn cảm giác tội lỗi tày trời của mình.

 -  Cũng không dụ ngôn nào thể hiện tình yêu của Thiên Chúa, sự thức tỉnh kịp thời và lòng cương quyết can đảm của con người bằng dụ ngôn này.


4. Quyết tâm tìm lại những gì đã mất:

Cả ba câu chuyện được nêu trong Tin Mừng tuần này đều xoay quang một chủ đề: đã mất mà lại tìm được.

   a) Cái mất là cái quý:

-  Nhiều người không thể hiểu tại sao người mục tử bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, người đàn bà còn 9 đồng trong tay lại chịu khó tìm cho bằng được một đồng bị mất.

-   Lý do là: cái mất đã trở thành cái quý giá. Rất nhiều thứ khi bị mất rồi chúng ta mới thấy nó quý.

-  Vì sự quý giá của một vật hay một người không chỉ do vật hay người đó đã làm ích cho chúng ta, mà còn do công sức chúng ta đã đổ dồn vào đó, cùng những hy sinh đau khổ chúng ta đã chịu vì vật hay người đó.

-  Tất cả chúng ta đều như những đồng bạc đã từng bị mất, những con chiên đã từng đi lạc và những đứa con đã từng đi hoang. Nhờ công lao khó nhọc của nhiều người và nhất là của Chúa mà chúng ta đã được tìm lại. Vậy chúng ta cần có những tâm tình: cảm mến, vui sướng, và tự trân trọng.

-   Bởi con chiên, đồng tiền và đứa con bị mất, đó là ba điều đáng quí nhất của con người: tài sản, tiền bạc và con cái.

-   Nếu chúng ta bị mất cả ba điều đó, thì thật là cái mất lớn lao đáng tiếc nhất.

-   Và khi mất vật gì, chúng ta cũng cố gắng đi tìm cho bằng được.

-   Nên niềm vui khi tìm lại được những sự đã mất đó cũng thật lớn lao.

-   Đấy chỉ là những sự mất mát của loài người, dù nhỏ, lớn, cũng chỉ nằm trong giới hạn, giá trị của tạo vật.

-  Và cũng chỉ là cái mất do ngu dại, do sơ hở, do ham vui thú, do bị lừa dối, do tự ý đi lạc...

   b) Tình yêu cuả Thiên Chuá:

-   Thiên Chúa thì không mất súc vật, tiền bạc, nhưng mất con người, mất cái quý báu nhất, và Ngài cũng tiếc, cũng đau khổ như chúng ta tiếc, đau khổ về của cái, tiền bạc, và con cái bị mất vậy.

-  Thiên Chúa lại không chỉ mất một ít, một phần, một nửa mà mất hết, mất hoàn toàn nhân loại, cái mất như luôn tiếp diễn nhau, từ thời tổ tiên chúng ta cho đến bây giờ, và vẫn còn mất mát mãi cho đến ngày tận thế.

-  Vì vậy Thiên Chúa đã lập cách cứu loài người, tìm những gì đã mất: "Con Người đến để tìm kiếm những gì đã mất."

-  Và Ngài đã dùng tình yêu chiến thắng sự dại dột, sự cám dỗ, và cả sự phản bội của con người để quyết tìm lại những gì đã mất của Ngài.



Lạy Chúa, biết bao lần chúng con đã như:

   -  Con chiên lạc, vì mải mê tìm kiếm cỏ ăn, nước uống nên đã xa bầy, xa chủ của mình.

   -  Đồng tiền không bám được vào đâu để bị xẩy khỏi tay chủ.

  -  Người con hoang đàng, muốn tự lập tự chủ, nhưng không đủ bản lãnh, thiếu kinh nghiệm, lại phóng đãng phung phí, ham vui ... nên đã tiêu tan tất cả những gì mình có.

Nhưng dù vô tình hay cố ý xa lìa Chúa thì Ngài cũng khẳng định sẽ đi tìm chúng con và vui mừng ôm ấp chúng con trở về với triều thần Thiên Chúa.

Đứng trước một tình yêu như thế, chúng con không biết làm gì hơn là xin chúc tụng và cảm tạ Chúa đến muôn đời. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen.

Thân mến,

duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét