Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2019

TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO, HÀNG GIÁO PHẨM LÀ AI VÀ CÓ ...


TRONG  GIÁO  HỘI  CÔNG  GIÁO,  HÀNG  GIÁO  PHẨM  LÀ  AI  VÀ  CÓ  CHỨC  NĂNG  GÌ?
Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.


Hỏi: xin cha giải thích rõ chức vụ và chức năng của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ và địa phương.

Trả lời:

Giáo Hội  là cơ chế và phẩm trật mà Chúa Kitô đã thiết lập trên nền  tảng  Tông Đồ với  Sứ Mệnh rao giảng Tin Mừng Cứu Độ  để ” làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con  và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh  em. ..” (Mt 28: 19-20)

Giáo Hội này” tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do Đấng kế vị Phêrô và các giám mục hiệp thông với ngài điều khiển.) (LG 8)     

Thi hành Sứ Mệnh trên, Giáo Hội có cơ chế, Hàng Giáo Phẩm ( Hierachy) rất chặt chẽ và hữu hiệu  từ trung ương cho đến địa  phương với các phẩm trật như sau:

 A- Hàng Giáo sĩ (Clergy)

I- Đức Thánh Cha:
Đứng đầu Hàng Giáo Phẩm gồm Giáo sĩ  và Tu sĩ là Đức Thánh Cha, vị  Đai Diện (Vicar) duy nhất của Chúa Kitô trên trần gian và là Chủ Chăn của toàn thể  Giáo Hội, với sự công tác, hiệp thông và vâng phục trọn vẹn của hàng Giám Mục trong toàn Giáo Hội. Ngài có quyền thông thường tối cao, sung mãn, trực tiếp và phổ quát trong Giáo Hội, và ngài luôn luôn có thể tự do hành sử quyền ấy. (x Giáo luật số 331)

Đức Thánh Cha phải là người có chức Giám mục. Do đó, ai được bầu lên ngôi Giáo Hoàng mà chưa có chức Giám mục thì lập tức phải được truyền chức Giám Mục, trước khi đăng quang, chính thức thi hành nhiệm vụ Giáo Hoàng.( x giáo luật số 332 & 1)

Như thế chức Giám Mục là chức thánh cao nhất trong Giáo Hội Công Giáo.

Thứ đến là chức Linh mục và cuối cùng là chức Phó Tế

Đức Thánh Cha cũng không bị giới hạn thời gian phục vụ Giáo Hội ở chức vụ Giáo Hoàng. Nghĩa là ngài có thể phục vụ bao lâu ngài muốn, vì giáo luật không ấn định thời gian phục vu cho Đức Thánh Cha, như  ấn định cho Giám mục phải từ chức khi tròn 75 tuổi. (x giáo luật số 401&1.)

Đức Thánh Cha được hưởng ơn bất khả ngộ (infallibility), tức là được gìn giữ cho khỏi sai lầm khi Ngài dậy dỗ điều gì thuộc phạm vi đức tin hay luân lý. Các Giám mục cũng được hưởng ơn này khi hiệp thông với Đức Thánh Cha để dạy dỗ trong hai pham vi nói trên. (x giáo luật số 749, &1, 2).

Sau hết, Đức Thánh Cha có quyền từ chức, nếu ngài tự ý chọn lựa như vậy và việc từ chức này đương nhiên có hiệu lực, không cần được ai phê chuẩn hay chấp nhận. Đó là trường hợp Đức Thánh Cha Bê-nê đictô XVI từ chức năm 2012. (x giáo luật số 332, & 1 và 2)

 II- Giám Mục Đoàn (College of Bishops):

Giám mục là người kế vị các Thánh Tông Đồ, được Đức Thánh Cha chọn và bổ nhiệm để cộng tác với Ngài trong sứ mệnh cai quản, dậy dỗ và thánh hóa

Dân Chúa được trao phó cho các ngài coi sóc ở các Giáo hội địa phương tức các Giáo Phận (Dioceses) ở các quốc gia trên toàn thế giới. Các Giám Mục họp lại thành Giám Mục Đoàn, đặt dưới quyền coi sóc của Đức Thánh Cha là Thủ Lãnh và cũng là Giám Mục Roma mà các Giám mục khác phải hiệp thông và vâng phục trọn vẹn.

Để thi hành nhiệm vụ và trách nhiệm, Giám Mục được phân chia thành ba cấp bậc như sau:

1- Giám mục chính tòa (Diocesan bishop= Ordinary) tức Giám mục cai quản một địa phận hay Giáo phận (Diocese)

2- Giám mục Phó (Coadjutor) là Giám Mục có quyền kế vị Giám muc chính tòa khi vi này đột nhiên từ trần hay đến tuổi phải về hưu (x. giáo luật số 403&3)

3- Giám mục Phụ Tá (Auxiliary Bishop) là Giám mục được chọn để phụ giúp Giám mục chính tòa. Giám mục phụ tá không có quyền kế vị như Giám mục Phó, (giáo luật số 403& 1). Muốn kế vị, Giám mục phụ tá phải được Đức Thánh Cha bổ nhiệm vào chức vụ mới.

Như vậy, các Giám Mục, tuy khác nhau về địa vị và trách nhiệm, nhưng bằng nhau về chức thánh cấp Giám mục, là chức thánh cao nhất của Giáo Hội Công Giáo. Đức Thánh Cha và các Hồng Y (sẽ nói sau) cũng chỉ có chức Giám mục mà thôi, nhưng có địa vị và trách nhiệm lớn  hơn Giám mục coi sóc các Giáo Phận trong toàn Giáo Hội

Khi các Giám mục tròn 75 tuổi,và đang coi Địa Phận hay giữ chức vụ nào  trong Giáo Triều Roma, thì phải xin về hưu ( giáo luật số 401 & 1)

4-Tổng Giám mục (Archbishop): cũng là Giám mục, nhưng được cử để coi sóc một Tổng Giáo Phận (Archdiocese) hay còn gọi là Giáo Tỉnh (Ecclesial Province). Tuỳ theo nhu cầu mục vụ đòi hỏi, Tòa Thánh có thể gom một số Giáo Phận thành Tổng Giáo Phận hay Giáo Tỉnh. Người đứng đầu một Tổng Giáo Phận được gọi  là Tổng Giám Mục, ngài cũng là Giám mục chính tòa của Địa Phận mình coi sóc.

Tổng Giám Mục có trách nhiệm sau đây:
 - theo dõi việc thi hành giáo lý đức tin và kỷ luật Giáo Hội trong Giáo Tỉnh của mình để báo cáo cho Đức Thánh Cha biết về những lạm dụng,hay sai trái nếu có. (x giáo luật số 435 &1)

 - Bổ nhiệm Giám Quản cho Giáo Phận khi Giám Mục chính tòa về hưu hay từ trần trong khi chờ Tòa Thánh bổ nhiệm Giám Mục chính tòa mới. Nhưng Tổng Giám Mục không có quyền hạn gì trên các Giám Mục trong Giáo Tỉnh của mình. Tất cả các Giám Mục, và Tổng Giám Mục đều trực tiếp chịu trách nhiệm trước Đức Thánh Cha mà thôi

 - Khi được bổ nhiệm coi sóc một Tổng Giáo Phận, Tổng Giám mục được Đức Thánh Cha trao cho dây PALLIUM là dấu chỉ quyền hành của Tổng Giám mục và cũng là dây hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo La Mã do

- Đức Thánh Cha lãnh đạo, thay mặt Chúa Kitô trên trần gian.

- Nếu Giám mục nào trong Giáo Tỉnh của mình vắng mặt cách bất hợp pháp trong sáu tháng ở Địa Phận mình coi sóc, thì Tổng Giám mục phải thông tri cho Tòa Thánh biết. Nhưng nếu Tổng Giám mục cũng vắng mặt như vậy, thì Giám muc cao niên nhất trong Giáo Tỉnh sẽ thông tri việc này. (x Giáo luật số 395 &4)

- Tổng Giám Mục được phép đeo dây Pallium trong bất cứ Thánh Đường nào thuộc Giáo Tỉnh của mình (x giáo luật số 437 &1-2)

- Khi Tổng Giám Mục được thuyên chuyển đến một Giáo Tỉnh khác, thì phải xin lại dây Pallium này.

III- HỒNG Y ĐOÀN (College of Cardinals)

- Hồng Y được mệnh danh  là “những Hoàng Tử của Giáo Hội = Princes of the Church), được chọn trong hàng Giám Mục trong toàn Giáo Hội với chức năng làm  cố vấn cho Đức Thánh Cha đương kim và là cử tri (Elector) đi bầu Giáo Hoàng  mới cho Giáo Hội khi Giáo Hoàng đương kim qua đời hay tự ý từ chức (Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI năm 2012)

- Hồng Y là một tước vi cao (title) chứ không phải là Chức Thánh, nhưng được chọn với hai chức năng  nói trên vì lợi ích của Giáo Hội.

- Theo giáo luật hiện hành thì chỉ có các Hồng Y dưới 80 tuổi mới được đi bầu Giáo Hoàng mà thôi. Khi vào Mât hội (Conclave) các Hồng Y cũng đương nhiên là những ứng viên (potential candidates) có thể được bầu mặc dù không ra tranh cử.

- Ngoài Giám mục ra, một vài linh mục cũng có thể được chọn làm Hồng Y. Nhưng sau khi được chọn, các vị này cũng sẽ được thụ phong Giám mục. Và nếu Hồng Y nào chưa có chức Giám mục mà được bầu làm Giáo Hoàng thì phải được truyền chức Giám Mục ngay, trước khi đăng quang, do Hồng Y niên trưởng tấn phong. (x giáo luật số 355& 1)

- Hồng Y họp lại thành Hồng Y Đoàn (College of Cardinals) do một vị làm niên Trưởng (Dean)

- Có ba đẳng cấp Hồng Y như sau:

- 1- Hồng Y Giám mục (Cardinal Bíshops) từng là những giám mục đã coi sóc các Địa phận chung quanh Roma, và nay là những Hồng Y thâm niên làm việc trọn thời gian (full time) trong Giáo Triều Roma (Roman Curia)

- 2- Hồng Y Linh mục (Cardinal Priests) là những Hồng Y hiện đang làm việc trong Giáo Triều hay đang coi các Tổng Giáo Phận ở Ý hay ở các quốc gia trên thế giới’

- 3-Hồng Y Phó Tế (Cardinal Deacons) là những giám mục hiệu tòa (Titular Bishops) tức là không coi sóc địa phận nào và đang làm việc trọn thời gian trong Giáo Triều. (x giáo luật số 350 & 1-2)

- Khi các Hồng Y trọn 75 tuổi – và diện đang giữ các chức vụ quan trọng trong Giáo Triều, hay coi sóc các Tổng Giáo Phận trên toàn thế giới đều phải xin từ chức và tùy Đức Thánh Cha cho từ chức hay tạm lưu chức thêm môt thời gian nữa.

- Các Hồng Y, nếu không coi sóc Giáo Phận nào, thì buộc phải cư trú ở Rome. (x. giáo luật số 356)

IV- Linh mục đoàn và Phó Tế
Linh mục là cộng sự viên đắc lực nhất của Giám mục (co-workers) mình trưc thuộc trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, dạy dỗ chân lý đức tin và luân lý cùng coi sóc giáo dân ở các giáo xứ (Parishes) được trao phó cho mình phục vụ với tư cách chủ chăn.

Linh mục rất cần thiết và quan trọng cho sứ mệnh của Giáo Hội nói chung, vì là người trực tiếp coi sóc giáo dân thay mặt cho Giám mục Giáo Phận. Nếu không có linh mục, thì sẽ không có Thánh Lễ  hay Bi Tích Thánh Thể và các Bí Tích Hòa giải, Xức dầu bệnh nhân, là những bí tích rất quan quan trọng cho đời sống Kitô Giáo.

Linh mục được phân chia thành linh mục Giáo Phận (Diocesan Priests) hay còn gọi là linh mục Triều, và Linh mục Dòng (Religious Priests) tức Linh muc thuộc một Dòng Tu hay Tu Hội, như Linh mục Dòng Đa Minh, Linh mục Dòng Tên (SJ), Dòng Ngôi Lời (SVD) .v.v

Linh mục Triều thì trực thuộc Giám mục của một Giáo Phận, còn Linh muc Dòng thì thuộc quyền Bề trên một Dòng tu hay Tu Hội liên hệ. Muốn thi hành sứ vụ linh mục (Priestly ministries) thì linh mục phải được Giám mục trao cho năng quyền (Faculties) để cử hành Thánh Lễ và các bí tích. Nếu vì lý do gì mà năng quyền này bị  rút (suspension) tạm thời hay vĩnh viễn  (hay gọi nôm na là bị treo chén) thì linh mục không được phép cử hành Thánh Lễ và các bí tích, bao lâu không có năng quyền.

Phụ tá linh mục trong sứ vụ  có các Phó tế vĩnh viễn, tức những người đang có vợ con nhưng được chịu chức Phó Tế để  phục vụ trong một giáo xứ. Phó tế được phụ giúp Bàn Thánh, được đọc Phúc Âm và có thể chia sẻ lời Chúa, được rửa tội cho trẻ  em, được chứng hôn phối và chủ sự nghi lễ an táng (Rite of Christian Funerals)

Trên đây là tất cả các chức vụ trong hệ thống Giáo quyền của Hàng Giáo Phẩm Công Giáo. Như thế, không ai có thể làm mục vụ trong Giáo Hội mà lại không thuộc Hàng Giáo Phẩm trên đây.

Cụ thể, không có Giám mục nào mà không thuộc một Giáo Phận để phục vụ và về hưu. Không một Linh mục hay Phó tế nào mà không trực thuộc một Giám mục hay Bề Trên một Dòng Tu hay Tu Hội. Nếu không trực thuộc thì sẽ không có năng quyền (Faculties) để thi hành tác vụ linh mục hay Phó tế, dù cho có chức thánh linh mục hay Phó tế.

B- Hàng Tu Sĩ (Religious)
Tu sĩ là những người có ba lời khấn khó nghèo (poverty), độc thân, khiết tịnh (celibacy, chastity) và vâng phục (obedience) và thuộc về một Dòng Tu hay Tu Hội được thành lập hợp pháp (đúng giáo luật) trong Giáo Hội.Thí dụ Dòng ĐaMinh, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Ngôi Lời (SVD) Dòng Mến Thánh Giá, Tu Hội Tận Hiến, v.v

Mỗi Dòng Tu hay Tu Hội đều có đặc sủng (charism) và linh đạo riêng (spirituality), nên ai thích linh đạo nào thì gia nhập Dòng hay Tu Hội cổ võ cho linh đạo đó.

Tu sĩ nam có thể học để lãnh chức linh mục và có thể được chọn làm Giám Mục, Hồng Y hay Giáo Hoàng (Đức Thánh Cha đương kim là tu sĩ  Dòng Tên SJ).

 Giáo sĩ (clerics) như Phó tế, Linh mục, Giám mục thì không phải là Tu sĩ và chỉ có hai lời khấn khiết tịnh (độc thân) và vâng phuc mà thôi. Ngược lại Tu Sĩ có thể là giáo sĩ nếu có chức Phó Tế, Linh mục hay Giám mục, và cả Giáo Hoàng nữa.

Tu sĩ  của các Dòng Tu và Tu Hội  đều  thuộc quyền coi sóc tối cao của Đức Thánh Cha, và hoạt động trong khuôn khổ giáo luật, và luật Dòng  cho phép. Nhưng khi làm việc trong một Giáo Phận thì Dòng Tu hay tu sĩ của Dòng đó phải có phép của Giám mục liên hệ.

Tóm lại, tất cả các vị trong Hàng Giáo Phẩm và Tu sĩ đều lãnh trách nhiệm từ các Bề Trên liên hệ, trừ Đức Thánh Cha được Hồng Y Đoàn bầu lên cách hợp lệ và lãnh trách nhiệm từ chức vụ được bầu này để thay mặt Chúa Kitô chăn dắt đoàn chiên của Người cho đến ngày hết nhiệm vụ vì từ trần hay tự ý từ chức. (cụ thể là Đức THánh Cha Bê-nê đich-tô XVI đã tự ý  từ chức năm 2012)

Chúng ta cùng cầu xin cho các vị lãnh đạo Trong Hàng Giáo Phẩm (giáo sĩ và Tu sĩ)  được sung mãn ơn Chúa để chu toàn trách nhiệm của mình trong toàn Giáo Hội.

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn. Doctor of Ministry

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét