Thói ghen ghét, đố kỵ của người Việt
Nguyễn
Thị Bích Ngà•Chủ Nhật, 22/09/2019 • trithucvn.net
Sự ghen ghét, đố kỵ hình
thành khi một người cảm thấy mình thua kém người khác và tức giận vì điều đó. Sự
ghen ghét, đố kỵ thường không chỉ dừng lại trong suy nghĩ của con người, nó
luôn bộc lộ ra ngoài thông qua hành động lời nói để giải tỏa ẩn ức mặc cảm tự
ti. Điều này làm cho con người càng trở nên thấp kém hơn chứ không mang lại suy
nghĩ tích cực cần vươn lên để hoàn thiện bản thân.
Người ta ví người Việt
như những con cua bị nhốt trong giỏ không đậy nắp nhưng không con nào thoát được
vì mỗi khi có con nào vươn lên liền bị các con khác kéo xuống. Sự ghen ghét, đố
kỵ làm cho chúng ta hại người hại mình và cùng chết mà không biết. Nó gây tổn
thương, chia rẽ và không thể có được sự đoàn kết.
Thấy nhà hàng xóm ăn nên
làm ra, ta không vui mừng thay cho họ, không học hỏi sự siêng năng cần mẫn giỏi
giang hay kinh nghiệm của họ, ta ghen ghét đố kỵ và nhìn họ bằng con mắt ác cảm
và tưởng tượng ra đủ thứ xấu xa trong đầu để nhủ họ cũng thường thôi, sao mà giỏi
hơn ta được, chẳng qua là vì xấu xa bất chính nên mới giàu. Và rồi ta bịa đặt,
nói xấu, vu khống, thậm chí quăng rác sang cổng nhà hoặc cho chó ỉa một bãi trước
cổng nhà nó cho đỡ ghét.
Thấy đứa trong công ty
làm việc giỏi được sếp yêu quý, cất nhắc, lương thưởng cao, ta không coi đó là
động lực thúc đẩy bản thân học hành thêm để tiến bộ, ta luôn tìm cách gây hại
cho nó phải bị kỷ luật thậm chí mất việc thì mới hả dạ.
Ai làm được một việc gì
đó có ích nho nhỏ, được nhiều người khen ngợi, lập tức sẽ có một số lượng người
không nhỏ khác cảm thấy không vui và ghen ghét, đố kỵ. Họ sẽ tìm cách chê bai,
dè bỉu, thậm chí phá hoại để người khác thấy rằng người kia cũng thường thôi,
thậm chí kém hơn họ, có gì đáng mà khen.
Hoạt động trong một nhóm
mà ý kiến được nhiều người nghe hơn những người lập nhóm, làm nhiều việc tích cực
được ngợi khen thì chẳng sớm cũng muộn liền bị đá văng ra khỏi nhóm.
Dạo gần đây, thỉnh thoảng,
ta lại đọc thấy những tin người này người kia bị ai đó bỏ thuốc vào ao cá nuôi,
phá hoại cây cối mùa màng. Sự ghen ghét đố kỵ tạo ra thù hằn ngấm ngầm và bùng
phát công khai khi con người không còn kiểm soát được nó.
Con người trong xã hội mất
niềm tin vào nhau, luôn nghi ngờ và đề phòng, cảnh giác, không còn dám nói thật
sống thật với nhau vì sợ bị ghen ghét đố kỵ, do đó cũng không dám giúp nhau bởi
lo âu người ta sẽ giỏi hơn mình, mình sẽ lép vế hơn.
Trong một xã hội có nhiều
người ghen ghét đố kỵ thì xã hội đó sẽ rất chậm tiến trong mọi lĩnh vực vì
không có sự khuyến khích phát triển. Người tài thường bị vùi dập. Sự chia rẽ
nghi ngờ và giả dối triệt tiêu mọi yếu tố cần thiết để gây dựng tình yêu thương
gắn kết trong cộng đồng.
Cộng đồng người Việt định
cư hoặc đi làm thuê ở nước ngoài cũng gặp tình trạng “ghen ăn tức ở” gây ra sự
mất đoàn kết và tranh giành xâu xé lẫn nhau khá khốc liệt, hoàn toàn không có
tính đoàn kết để xây dựng, bảo bọc và giúp nhau. Có những chuyện rất buồn đã xảy
ra. Khi trao đổi, tôi biết rất nhiều người muốn dân tộc mình có sự gắn kết đoàn
kết như nhiều dân tộc khác. Tôi thèm muốn điều đó. Nhưng, cuối cùng, chúng ta vẫn
là những cá thể mong manh yếu đuối dễ bẻ gãy vì đã tự chặt đứt sức mạnh của đám
đông bằng sự ghen ghét, đố kỵ.
Hôm trước, một người anh
lớn tuổi cười cười nói vui, “Em biết vì sao con voi nó chết không? Vì cái ngà.
Nó có cái ngà quý nên nó bị giết để lấy ngà. Con người có của thì đừng phô
phang vì người ta ghét, có tài năng thì cũng giấu bớt đi kẻo thiên hạ đố kỵ mà
gây hại.” Mình giật mình, thanh minh, “Em có đồng bạc nào đâu mà phô. Nhưng
đúng là em thường hay viết về kiến thức thường thức để chia sẻ với cộng đồng vì
em muốn người chưa biết sẽ biết được như mình, giỏi hơn mình. Việc đó có gì đâu
mà đố kỵ, anh ha?!” Ổng cười. Cái cười của người sống đủ lâu, trải nghiệm đủ
nhiều ấy làm cho mình hiểu rằng cái suy nghĩ mình không bị ghen ghét đố kỵ là một
suy nghĩ rất hồn nhiên, ngây thơ.
Ngẫm lại, thấy cũng nhiều
lần xấc bấc và bị tổn thương vì người ghen ghét đố kỵ hại rồi, có phải không
đâu, mình không chết vì việc đó nên nhanh quên thôi. Viết được một bài kha khá
là nhờ đọc nhiều, nghiên cứu kỹ và suy ngẫm rất nhiều ở nhiều góc độ cùng sự trải
nghiệm đủ nhiều. Nhưng người ghen ghét đâu hiểu điều đó, họ bảo, “Nó làm sao mà
viết được bài đó, toàn người khác viết cho.”
Bị cô lập, vùi dập và dựng
chuyện nói xấu vu khống đủ các kiểu từ những người mình quen và cả không hề
quen biết… mình trải đủ hết, có thiếu gì. Những việc ấy không làm mình buồn nhiều.
Nhưng nó làm mình nghĩ ngợi về chuyện lớn hơn: Làm sao để sửa được tính ghen
ghét đố kỵ đang xé nát xã hội này?
Mình nghĩ, để có thể sửa
được tính ghen ghét, đố kỵ, trước tiên con người cần nhìn nhận rõ bản thân
mình. Cần nhận ra bản thân có điều này giỏi nhưng còn yếu kém mặt kia. Mặt giỏi
thì ta phát huy và truyền kinh nghiệm cho người khác, mặt kém thì học của người
giỏi hơn để hoàn thiện bản thân.
Ngoài việc nhận rõ mạnh yếu
của bản thân, ta cũng cần tình yêu thương trong tâm hồn mình để dẹp tan những mầm
mống của ghen ghét, đố kỵ. Khi có tình yêu thương nhau trong tâm hồn, ta sẽ vui
sướng khi họ thành công chứ không ghen ghét. Sự yêu thương cũng làm ta bao
dung, dễ học hỏi, chia sẻ với nhau hơn trong mọi việc.
Trong gia đình, khi nuôi
dạy con nhỏ, ta cần sửa tính của mình để con không phải chứng kiến cảnh ta vứt
rác sang nhà hàng xóm chỉ vì nhà nó mới mua ô tô. Ta cần yêu thương và cử xử với
các con một cách công bằng để chúng không đố kỵ lẫn nhau, triệt tiêu mầm mống
ghen ghét đố kỵ của con trẻ ngay khi còn nhỏ. Ta cần khuyến khích chúng chia sẻ
và nhận thức rõ về bản thân, không hoắng huýt về những điều không thực chất để
thể hiện.
Sửa mình luôn là một quá
trình đau đớn, nhưng buộc phải làm nếu muốn tốt đẹp hơn cho bản thân. Mỗi người
có thay đổi thì xã hội mới thay đổi. Mình bớt lười thì mình sẽ thay đổi được
thôi.
Còm hay của Ngô Đăng Vinh:
Muốn sửa tính ghen ghét đố
kỵ thì trước hết phải hiểu được nguyên nhân khiến người ta đố kỵ lẫn nhau. Mình
cho rằng nó xuất phát từ việc không được thừa nhận. Ở các nước văn minh, con
người có thể giỏi hoặc không giỏi nhưng đều được đối xử công bằng, được ghi nhận
từ những điều nhỏ nhất. Nhưng ở Việt Nam thì khác, mà điển hình là câu “con nhà
người ta”. Đứa trẻ nào giỏi ở một khía cạnh nào đó thường được tâng bốc quá mức,
được lấy ra làm “tấm gương” bắt những đứa khác “học tập làm theo”, dù những đứa
khác đó cũng có thể giỏi ở khía cạnh khác.
Ví như đứa trẻ “ngoan
ngoãn chăm chỉ” thường dễ bảo, được điểm cao, được nêu gương… trong khi đứa cá
tính điểm không cao nhưng vẽ giỏi hoặc chơi thể thao giỏi không được ghi nhận
đánh giá đúng mức. Cái cách giáo dục hình thức và chạy theo thành tích của người
Việt tạo ra mầm mống cho thói ghen ghét đố kỵ và không dễ để thay đổi điều này.
Mình cá là nếu tự nhìn lại bản thân, hầu hết các ông bố bà mẹ Việt đều hành xử
như vậy tùy mức độ, mình cũng không ngoại lệ.
Theo facebook Nguyễn Thị
Bích Ngà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét