PHẦN MỘ
Wed, 25/09/2019 - Trầm Thiên Thu
Có gì trong phần mộ? Hãy
xem xét câu chuyện của Ladarô. Một trong những câu tôi thích nhất trong Kinh
Thánh là câu này: “Chúa Giêsu KHÓC.” (Ga 11:35) Trước tiên, có lẽ bạn thắc mắc
tại sao người ta lại muốn nghe nói về người nào đó khóc; tuy nhiên, có độ sâu
thẳm và vẻ đẹp giữa những chữ đơn giản đó. Chúng mô tả cảm xúc của Chúa Giêsu –
về nhân tính của Ngài.
Là người Công giáo, chúng
ta biết rằng Đức Kitô có hai bản tính: thần tính và nhân tính. Chúng ta đã nghe
nói về nhiều phép lạ và sự lạ mà Chúa Giêsu thực hiện: cho vài ngàn người ăn uống
thỏa thuê, chữa lành bệnh nhân, tha tội, biến hình trên núi, chữa lành người
mù,… Nhưng có một điều đặc biệt khiến tôi chú ý: Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại.
Tôi thích câu chuyện này.
Nó phác họa vẻ đẹp và sự chân thật về những gì có ý nghĩa không chỉ về việc trải
nghiệm bi kịch trong cuộc sống, mà còn trải nghiệm về Đức Kitô trong chính các
nỗi đau đó. Câu chuyện này làm nổi bật cả phương diện thần tính và nhân tính của
Chúa Giêsu.
Ladarô, người bạn của
Chúa Giêsu, sắp chết. Hai người chị Mácta và Maria cho Chúa Giêsu biết tin về
người em trai. Thay vì vội vã đi cứu Ladarô, Chúa Giêsu vẫn ở lại đó hai ngày rồi
mới đi. Các tông đồ có thể không hiểu tại sao Thầy Giêsu lại chần chừ đi cứu
người như vậy. Chúa Giêsu quyết định chờ 4 ngày rồi mới đi gặp người bạn
Ladarô. Khi các tông đồ nghe nói Thầy tới Giuđê, họ nhắc Thầy rằng Ladarô đã chết
rồi.
Chúa Giêsu và các tông đồ
tới Giuđê, cô Mácta chạy ra đón và báo tin buồn: Ladarô chết 4 ngày rồi. Nghe vậy,
Chúa Giêsu đã bật khóc thương người bạn của Ngài.
Khóc. Chúa Giêsu đã khóc.
Con Thiên Chúa, Đấng là Alpha và Omega, đã tạo nên tinh tú và thở hơi cho ông
Ađam sống, thế mà lại khóc vì cảm thấy buồn. Ngài cảm thấy mất mát, đau khổ. Nước
mắt của Chúa Giêsu hòa vào nước mắt của Mácta và Maria về cái chết của Ladarô.
Điều này kỳ lạ lắm.
Chúng ta biết rằng Chúa
Giêsu hoàn toàn là Thiên Chúa và cũng hoàn toàn là Con Người, nhưng chúng ta có
nhớ rằng Ngài cũng là Con Người như chúng ta? Tôi không biết bạn thế nào, nhưng
đã có những lúc tôi khóc – vì buồn và cảm thấy mất mát. Chúa Giêsu thực sự hiểu
khi chúng ta khóc than với Ngài vì chúng ta đau khổ. Đó là lý do tôi thích mấy
chữ đơn giản này: “Chúa Giêsu khóc.” Nói cách khác, Ngài xúc động. Khi chúng ta
kêu xin Ngài thương xót, Ngài rất đồng cảm, chứ không chỉ thông cảm. Chúa Giêsu
vẫn ở đó chờ chúng ta, Ngài là bờ vai cho chúng ta tựa vào mà khóc, bởi vì Ngài
cũng đã từng khóc. Ngài là Thiên Chúa, nhưng cũng là Con Người như chúng ta –
ngoại trừ tội lỗi.
Mácta nhìn Chúa Giêsu và
nói hai điều: “Nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” (Ga 11:21) – “Con biết
em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 11:24) Đầy
lòng trắc ẩn và sức mạnh, Chúa Giêsu xác định rằng Ladarô sẽ sống lại… không phải
như Mácta nghĩ về ngày sau hết, mà là HÔM NAY và ngay bây giờ. Và rồi Ladarô sẽ
bước ra khỏi mộ, mắt mở to, và trái tim lại đập nhịp.
Điều kỳ diệu đã thực sự xảy
ra. Chúa Giêsu bảo người ta lăn tảng đá ra, mặc dù người ta bảo rằng nặng mùi
hôi thối lắm. Ngài vẫn bước tới ngôi mộ, biến đổi sự chết, và gọi Ladarô bước
ra. Chúa Giêsu bảo người ta mở vải liệm ra cho Ladarô bước đi. Câu chuyện trong
Kinh Thánh kết thúc ở đó. Thế thôi sao? Kinh Thánh không nói gì thêm, nhưng tôi
nghĩ rằng sau đó có một bữa tiệc lớn ngay trong đêm hôm đó.
Chúa Giêsu không cần biết
Ladarô nhìn như thế nào, tình trạng thi hài ra sao, hoặc có mùi gì khó ngửi hay
không, Ngài vẫn đi vào phần mộ. Chúa Giêsu vượt qua “mùi hôi thối” và gặp
Ladarô ngay nơi phần mộ. Đây có phải là sự sống Kitô giáo? Chúa Giêsu sẵn sàng
đến với Ladarô, đến với chúng ta… Ngài sẵn sàng vào trong phần mộ tăm tối để gọi
người bạn sống lại… Ngài cũng gọi chúng ta sống lại như vậy. Mỗi chúng ta đều
có “phần mộ” mà chúng ta không hãnh diện. Tất cả chúng ta chịu đau khổ và phạm
tội… và đôi khi tội lỗi chúng ta có “mùi hôi thối” lắm. Nhưng Chúa Giêsu vẫn đi
vào phần mộ của chúng ta để gọi chúng ta sống lại… gọi chúng ta trở về với
Ngài. Chúa Giêsu muốn ở với chúng ta, dù chúng ta có thế nào, và Ngài muốn
chúng ta cũng muốn ở với Ngài. Cuối cùng, Ngài muốn chúng ta cho phép Ngài gần
gũi, để cho Ngài chữa trị và yêu thương chúng ta.
Có vài vấn đề cần suy tư:
Tôi có để cho Chúa Giêsu vào trong “phần mộ” của tôi? Tôi có để cho Ngài, Đấng
vừa là Thiên Chúa vừa là Con Người, đến gần “mùi hôi thối” của tội lỗi, của nỗi
đau khổ, và muốn Ngài chữa lành cho tôi ngay trong “phần mộ” của tôi? Tôi có ẩn
náu trong bóng tối của phần mộ vì sợ Chúa Giêsu đến gần?
Thiên Chúa của chúng ta
là Thiên Chúa yêu thương và thương xót. Nhưng vì lý do nào đó, đôi khi Ngài vẫn
để cho chúng ta chịu đau khổ. Ngài chờ đợi chúng ta để cho Ngài vào trong “phần
mộ” của chúng ta để an ủi chúng ta, khóc lóc với chúng ta, yêu thương chúng ta,
chữa lành chúng ta, và ở bên chúng ta.
Vẫn còn vấn đề cuối cùng:
Chúng ta có để cho Chúa Giêsu vào “phần mộ” của mình để Ngài không chỉ chữa
lành mà còn cùng bước đi với chúng ta trong Ánh Sáng của Ngài? Ánh Sáng thương
xót và yêu thương của Chúa Giêsu luôn tốt hơn là cứ ngồi một mình trong bóng tối
của phần mộ. Những người khác cũng muốn chúng ta đi theo Chúa Giêsu mà bước ra
khỏi chính mình, cùng tay trong tay và vui cười trong Ánh Sáng chữa lành và Ân
Sủng của Chúa Giêsu.
MAGGIE CARROLL
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ
từ CatholicExchange.com)
Đêm 22-9-2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét