Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

Phòng và chữa chóng mặt


Phòng  và  chữa  chóng  mặt
Thứ bảy, 31/8/2019-VnExpress


Chóng mặt không phải một bệnh mà là triệu chứng hoặc hội chứng của bệnh lý nào đó mà người bệnh mắc phải. Ảnh: Everyday Health

Tùy nguyên nhân gây chóng mặt, có thể điều trị bằng thuốc tuần hoàn não, liệu pháp tâm lý hay châm cứu và xoa bóp bấm huyệt. 
Theo bác sĩ Nguyễn Thu Nga, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, chóng mặt là biểu hiện phổ biến trong đời sống thường ngày, có thể xảy ra với mọi người, mọi lứa tuổi và mọi nơi. Người bệnh có cảm giác đồ vật xoay quanh mình, bản thân mình xoay quanh đồ vật hoặc cảm giác bị dịch chuyển trong không gian khi quay đầu.
Chóng mặt có nhiều nguyên nhân khác nhau, xuất phát từ hệ thần kinh, tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt, cơ xương khớp, tim mạch... Ba nhóm nguyên nhân chính là chóng mặt do tiền đình, do căng thẳng tâm lý, do các bệnh nội khoa.
Chóng mặt do tiền đình liên quan đến bệnh lý của cơ quan tiền đình ở tai trong, gây ra triệu chứng chóng mặt quay cuồng dữ dội, có thể kèm buồn nôn, ói, da tái xanh. Chóng mặt do căng thẳng tâm lý và các bệnh nội khoa thường thấy chao đảo, xây xẩm, choáng váng có thể kéo dài.

Bác sĩ Nga cho biết dựa trên những nguyên nhân gây ra chóng mặt, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân nên điều trị bằng phương pháp nào.
Y học hiện đại thường dùng liệu pháp hóa dược như thuốc điều hòa tuần hoàn não, ức chế hệ tiền đình, an thần, chống nôn... phối hợp với bài tập tiền đình, liệu pháp tâm lý. Một số trường hợp phải phẫu thuật.
Với y học cổ truyền, nguyên nhân chóng mặt thường là do can hỏa vượng, đàm ẩm thủy thấp ứ đọng, khí huyết không lưu thông vùng đầu mặt, hoặc nuôi dưỡng não tủy kém... xuất phát từ tâm lý uất ức, giận dữ, ngoại cảm, nội thương, ẩm thực không điều độ. Do đó, điều trị chóng mặt thường dùng phối hợp các vị thuốc có tính thanh can - giáng hỏa, trừ đàm táo thấp, hoạt huyết khử ứ, thông kinh lạc, bổ khí huyết.
Phương pháp châm cứu và xoa bóp bấm huyệt giúp cải thiện chóng mặt với một số huyệt thường được thầy thuốc áp dụng như Nội quan, Phong trì, Hợp cốc, An Miên, Thái Khê, Thái Xung, Thính Cung... có tác dụng thúc đẩy lưu thông khí huyết, an thần.
Để phòng ngừa chóng mặt tái phát, bác sĩ Nga khuyên người bệnh cần có lối sống lành mạnh, sắp xếp công việc khoa học, tránh quá tải. Tập thể dục thường xuyên khoảng 20-30 phút mỗi ngày hoặc thử một số kỹ thuật như yoga, thở sâu, thiền định giúp giảm stress.
Không ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, quá mặn hay quá ngọt. Uống đủ nước, hạn chế đồ uống chứa cafeine như trà, cà phê. Ngủ đủ giấc, không thức khuya, không sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
Khi bị chóng mặt, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám toàn diện và tiến hành các xét nghiệm giúp chẩn đoán nguyên nhân chính xác để điều trị bệnh hiệu quả.
Cẩm Anh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét