THƯƠNG và XÓT
September
09, 2019 -Trầm Thiên Thu,
CHẠNH LÒNG NHƯ CHÚA LUÔN TRẮC ẨN
THƯƠNG XÓT GIỐNG NGÀI MÃI NHÂN TỪ
Kinh Thánh nhiều lần xác
định: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (1 Sb 16:34 và 41; 2 Sb 5:13;
2 Sb 7:3 và 6; 2 Sb 20:21; Er 3:11; 1 Mcb 4:24; Tv 100:5; Tv 106:1; Tv 107:1;
Tv 118:1-4, 29; Tv 136:1-26). Tình thương thật kỳ diệu và lớn lao! Nếu không có
tình thương thì cuộc sống vô nghĩa, sống mà như chết. Trong cuộc sống đời thường,
người ta còn biết coi trọng chữ Tình, huống chi trong đời sống tâm linh, đời sống
tôn giáo – các tín nhân Kitô giáo (nói chung) và các tín nhân Công giáo (nói
riêng), bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4:8 và 16)
Đối với tình yêu đôi lứa,
có vẻ nhiêu khê theo cảm nhận của NS Lê
Dinh: “Chữ tình rắc rối lắm ai ơi, chữ tình khúc mắc quá đi thôi, chữ tình là số
kiếp thương đau con người. Chữ tình là vô vàn nước mắt, chữ tình là đêm dài thức
trắng, cuối cùng vòng tay rã rời là buồn nhiều hơn vui.” (Chữ Tình) Thật là khốn
khổ! Còn NS Trần Thiện Thanh lại thấy tình yêu thế này: “Tình là tình nhiều khi
không mà có, tình là tình nhiều lúc có như không…” (Tình Có Như Không) Trái tim
phàm nhân “lôi thôi” lắm, thế nên tình yêu có lúc kỳ lạ, có lúc kỳ cục, hiếm
khi kỳ diệu.
Có lẽ một trong những mối
tình “kỳ ảo” nhất là T.T.KH. bí ẩn, gần trăm năm qua vẫn không ai biết bà là
ai. Chỉ với 4 bài thơ, đặc biệt là bài “Hai Sắc Hoa Ti-gôn”, bà đã khiến bao
con tim rung động thời ấy vì chuyện tình đau thương của bà. Cái đau và cái buồn
không ai thích, nhưng nó lại quyến rũ và khiến người ta nhớ mãi. Phải chăng đó
là điều kỳ diệu của tình yêu?
Thế nhưng, dù có thế nào
thì đó cũng vẫn là dạng tình yêu bình thường, cấp thấp, bởi vì vẫn ẩn chứa phần
ích kỷ. Trong tình yêu bình thường, gọi là CHO nhiều hơn NHẬN, nhưng thực chất
vẫn vì mình hơn vì người mình yêu. Sự vị kỷ được che đậy khéo léo, vốn dĩ là
tình-yêu-vị-kỷ. Nhưng tình yêu theo phong cách của Đức Kitô thì hoàn toàn khác,
đó là tình-yêu-vị-tha, vì yêu cả kẻ thù – nên không cần đề cập vấn đề “yêu người
yêu mình”. Chính Đức Kitô đã minh chứng dạng tình-yêu-vị-tha này. Nói chung,
tình yêu loại nào cũng có cái “rắc rối” đặc thù, không hề đơn giản!
Là con người có trái tim
biết rung động nên liên quan cả Tình và Tội – vì có Tội nên luôn cần Tình, mà
ai cũng có Tội, do đó mà ai cũng cần Tình. Mối liên kết tuyệt vời, vừa mặc
nhiên vừa minh nhiên. Càng tuyệt vời hơn đối với tình yêu của Thiên Chúa: “Ta
đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót
thương.” (Gr 31:3) Có Tình nên thấy Thương, càng Thương càng thấy Xót.
TỘI TẠI TÔI
Tất cả chỉ tại tôi: Lỗi tại
tôi mọi đàng. Chắc chắn chẳng tại ai khác. Thiên Chúa đã truyền cho ông Môsê:
“Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã HƯ HỎNG rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập.
Chúng đã vội ĐI RA NGOÀI con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con
bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: ‘Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã
đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.’” (Xh 32:7-8) Dân Ít-ra-en “hư hỏng”, tức là phạm
tội, chính là hình ảnh của chính mỗi chúng ta. Bò vàng ngày nay không phải là
con bò thật hoặc bằng vàng, mà là những mánh lới tinh vi đủ kiểu – và đa dạng
mê tín dị đoan khác, người ta tôn thờ và bị lệ thuộc mà lại tưởng là không. Loại
“bò vàng” này còn nguy hiểm hơn nhiều.
Sẽ là quá hủ lậu nếu
chúng ta ngày nay còn đúc bò vàng để thờ. Không, chúng ta “văn minh” lắm rồi,
chúng ta “khôn khéo” hơn xưa nên “đúc” nhiều loại ngẫu tượng tinh xảo lắm, khó
mà biết được thật – giả. Nghĩa là cách phạm tội của chúng ta cũng tinh vi hơn,
với rất nhiều loại ngẫu tượng mà chúng ta lại cho đó không là tội lỗi – dạng tê
liệt cảm thức tội lỗi. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta sùng kính các tượng
thánh cũng có thể là tôn sùng ngẫu tượng, nếu chúng ta cuồng tín hoặc lệch lạc
niềm tin. Kính mến Chúa ở đâu cũng được, sao lại cứ chạy đua theo số đông, chỉ
vì ông kia hay bà nọ? Thật nguy hiểm biết bao với “phong cách tin” như vậy!
Thời nào cũng có kiểu
riêng của thời đó. Ảo tưởng và mê muội nên khoái “bỏ mồi bắt bóng”, lấy cái giả
mà bỏ cái thật, theo cái phụ mà quên cái chính. Ngày xưa, chính Thiên Chúa đã
nói với ông Môsê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân CỨNG ĐẦU CỨNG CỔ. Bây
giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu
diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.” (Xh 32:9-10) Con người
ngày nay cũng chẳng hơn gì, vẫn rất cứng đầu cứng cổ, rất bướng bỉnh, rất ương
ngạnh, cứ tái đi phạm lại biết bao lần trong hành trình cuộc sống, càng sống
lâu càng phạm tội nhiều. Thực tế ấy không thể chối cãi. Thế nên đừng vội cho rằng
trường thọ là tốt, nếu không sám hối thì còn khốn hơn người đoản thọ hoặc yểu mệnh!
Thiên Chúa đã nổi giận
khi thấy dân Ít-ra-en có những cái cổ xơ cứng, lòng chai dạ đá. Thấy Chúa như vậy,
ông Môsê cố làm cho nét mặt Thiên Chúa của ông dịu lại. Ông chân thành thân
thưa: “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà
Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập?” (Xh 32:11) Và rồi
ông khôn ngoan viện dẫn để cậy nhờ công nghiệp của các Tổ phụ: “Xin Ngài nhớ đến
các tôi tớ Ngài là Ápraham, Isaác và Ítraen; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề
với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời,
và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa;
chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.” (Xh 32:13) Thánh nữ
Margaret Maria Alacoque (1647-1690) đã lý luận: “Một linh hồn công chính có thể
xin được ơn tha thứ cho cả ngàn tội nhân.”
Đúng vậy. Kinh Thánh cũng
đã xác định: “Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.”
(Xh 32:14) Ôi, lòng thương xót của Chúa thật kỳ diệu! Lời cầu nguyện không chỉ
hiệu quả đối với chính người cầu nguyện, mà còn hiệu lực đối với người được người
khác nguyện giúp cầu thay.
Thật là tuyệt vời, bởi vì
nhờ “thủ trưởng” Môsê mà dân lại được Thiên Chúa xót thương để có thể được tiếp
tục sống. Tương tự, nhờ Đức Mẹ Maria, nhờ Đức Thánh Giuse và nhờ chư thần chư
thánh mà chúng ta lại được Thiên Chúa xót thương để có thể được sống tiếp tục
cho đến giây phút này. Quả thật, Hồng Ân Thiên Chúa bao la, chúng ta phải tự nhận
thức mà cảm tạ Ngài mãi mãi, bởi vì có những điều rất ư bình thường và giản dị
nhưng lại là thứ cụ thể vô cùng quan trọng: Không Khí.
Chắc hẳn đã có kinh nghiệm
về tình trạng phạm tội nhưng biết sám hối, mà Thánh Vịnh gia van xin Thiên
Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà
xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.”
(Tv 51:3-4) Rất rõ ràng, nếu không có lòng thương xót của Chúa thì chúng ta
tiêu tùng hết. Nhưng Thiên Chúa không nỡ lòng!
Không có gì không bởi
Thiên Chúa ban cho. Tất cả là hồng ân. Và ngay cả lòng sám hối của chúng ta
cũng là hồng ân Chúa ban: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần
Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.” (Tv 51:12-13) Thật
vậy, sống nhờ thần khí, và chỉ có thần khí làm cho sống. (x. Ed 37:14; Ga 6:63)
Thiên Chúa hứa: “Ta sẽ
ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta
sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một
quả tim bằng thịt.” (Ed 36:26) Thật là diễm phúc vì Thiên Chúa đã biến
trái-tim-đá của chúng ta thành trái-tim-thịt mềm mại để chúng ta có thể kịp ăn
năn sám hối sau mỗi lần lỡ bước sa chân. Ân tình thương xót của Ngài quá lớn.
Vì thế, chúng ta phải biết thi hành bổn phận chúc tụng và trách nhiệm tạ ơn đối
với Ngài: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.”
(Tv 51:17) Và thiết tha tâm nguyện: “Ca ngợi Danh Thánh Chúa, từ rạng đông tới
lúc chiều tà!” (Tv 113:3)
Mọi sự là của Chúa – hữu
hình và vô hình, Ngài có tất cả, Ngài không cần gì, ngay cả lời chúc tụng của
chúng ta cũng không thêm chút gì cho Ngài, nhưng lại có thể sinh ơn cứu độ cho
chúng ta. Thật kỳ lạ! Điều Ngài muốn ở chúng ta cũng là điều khác lạ: “Chúa chẳng
ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận.
Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát
giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.” (Tv 51:18-19) Chúng ta tồi tệ thế mà Chúa vẫn
yêu quý. Hạnh phúc cho chúng ta biết bao! Thú nhận tội lỗi là động thái khiêm
nhường, mà càng khiêm nhường thì càng được Thiên Chúa xót thương. Rất lô-gích.
Ngược lại, Ngài không chỉ ghét mà còn triệt hạ kẻ kiêu căng, ngạo mạn. (x. 1 Sm
2:7b; Tv 147:6; Lc 1:52)
Thánh Phaolô đã cảm nhận
sâu sắc ân tình của Thiên Chúa và công nhận: “Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa
chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục
vụ Người. Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi
đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc
chưa có lòng tin.” (1 Tm 1:12-13) Dám nói ra cái xấu của mình là khiêm nhường,
đã thực sự sám hối.
Và không thể không nói
ra, Thánh Phaolô trần tình thêm: “Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi
đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người.
Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Kitô Giêsu đã đến thế
gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương
xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi
là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống
muôn đời.” (1 Tm 1:14-16) Quả thật, đó là những lời tự thú, là xưng tội, nhờ vậy
mà được Chúa tha thứ và xót thương. Chúng ta cũng phải vậy, không còn cách
khác.
Cũng đã từng được thương
xót và tha thứ, mỗi chúng ta cũng phải noi gương Thánh Phaolô cất lời tuyên
xưng và tôn vinh: “Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và
duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen.”
(1 Tm 1:17) Thế thì thật tuyệt!
XÓT VÌ THƯƠNG
Vô tri bất mộ. Vì mến mà
yêu, vì yêu mà thương, vì thương mà xót. Trình thuật Lc 15:2-32 là bản “hợp xướng
thương xót” gồm ba đoạn: Con Chiên Lạc, Đồng Bạc Mất, và Đứa Con Hoang Đàng.
Từ khi nghe nói về Đức
Giêsu, các người thu thuế và tội lỗi đều lui tới với Ngài để nghe Ngài giảng
thuyết. Thấy thế, nhóm biệt phái và kinh sư xầm xì với nhau, cho rằng Chúa
Giêsu là “dân chơi” nên mới giao du và ăn uống với phường tội lỗi. Ác khẩu quá,
độc miệng quá, đúng là bản chất khó dời! Tuy nhiên, đừng vội trách họ mà tự
mãn, bởi vì chúng ta cũng chưa chắc tốt bụng hơn lũ ác nhân đó đâu. Đôi khi miệng
nói lời hay mà đầy vị cay!
Lòng Thương Xót của Thiên
Chúa vô tận và khôn tả. Cả ba dụ ngôn Chúa Giêsu kể đều đầy ắp ân tình thương
xót khiến chúng ta phải kinh ngạc.
Thật vậy, ai đời có một
trăm con chiên, nhưng chỉ mất một con, thế mà dám để chín mươi chín con ở đó rồi
đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Tìm được rồi thì mừng rỡ vác lên vai, sau
đó làm tiệc mời người ta đến cùng chia vui. Theo kiểu nói khôi hài của ĐHY F.X.
Nguyễn Văn Thuận, dụ ngôn này cho thấy Chúa Giêsu “không biết tính toán”. Nhưng
cũng phải chân nhận rằng chính nhờ Chúa “không biết làm toán” mà chúng ta mới
được cứu và được sinh tồn.
Còn nữa, có được mười đồng
nhưng chẳng may mất một đồng, phụ nữ này thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ
được. Tìm được rồi thì vui vẻ mời những người thân quen đến cùng ăn mừng. Cũng
theo kiểu nói khôi hài của ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận, dụ ngôn này cho thấy Chúa
Giêsu “không biết làm kinh tế”. Nhưng rồi cũng phải chân nhận rằng nhờ Chúa
“không biết làm kinh tế” mà chúng ta mới được bảo toàn mạng sống.
Còn dụ ngôn “Đứa Con
Hoang Đàng” (nói tích cực hơn là dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”). Đây là câu chuyện
“nổi tiếng” nhất về Lòng Chúa Thương Xót, chắc hẳn Kitô hữu nào cũng biết – và
thuộc lòng. Dụ ngôn này cũng là dụ ngôn “độc quyền” trong Phúc Âm theo Thánh
Luca.
Quả thật, Chúa Giêsu làm
toàn những “chuyện ngược đời”, thật là “khó hiểu”, kỳ lạ hóa kỳ diệu chứ không
kỳ cục hoặc kỳ quặc. Một đứa con coi cha mình không ra gì, ngang ngược đòi chia
gia tài rồi đi ăn chơi xả láng, trác táng. Đến khi cùng đường, thân tàn ma dại
rồi mới nhớ tới cha mình. Nếu là người cha trần gian chắc rằng ông sẽ từ nó
ngay. Thế nhưng cũng phải chân nhận rằng nhờ Chúa “ngược đời” như vậy mà chúng
ta vẫn được tha thứ bất cứ lúc nào. Lòng Chúa Thương Xót thật là mầu nhiệm!
Thường thì chúng ta chỉ
soi mói và xỉa xói thằng em, vì nó đi hoang công khai. Nhưng chính thằng anh
cũng đâu hơn gì, có khi còn tệ hơn thằng em, vì thằng anh đi hoang ngay trong
gia đình, không chỉ tức giận với em mà còn dám so đo với người cha. Tội thằng
anh chẳng nhỏ, cũng chẳng ít, thế mà người cha vẫn điềm tĩnh.
Chúng ta không thể hiểu
thấu Tình Yêu Thiên Chúa nên cũng không thể diễn tả rạch ròi. Nhưng đối với
Ngài, Một vẫn to hơn và nhiều hơn Một Trăm. Hãy can đảm đứng dậy, tự động viên
và tin tưởng: “Mạnh bạo lên, can đảm lên!” (Đnl 31:6-7, 23; Gs 1:6 và 9; Gs
10:25) Cách tốt là mỗi chúng ta phải nỗ lực sống yêu thương, đoàn kết, bảo vệ
công lý và kiến tạo hòa bình, làm nhân chứng của Thiên Chúa giữa đời thường.
Phàm nhân rất yếu đuối, nhưng quan trọng là không bao giờ thất vọng về Lòng
Thương Xót của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã thẳng thắn
chỉ trích các người biệt phái và kinh sư: “Khốn cho các người! Các người giống
như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết
và đủ mọi thứ ô uế” (Mt 23:27). Ước gì không ai trong chúng ta phải nghe lời
nguyền rủa nặng nề như vậy!
Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, tạ ơn Ngài luôn tha thứ và
từ bi. Xin biến đổi chúng con nên khí cụ yêu thương và bình an của Ngài qua việc
chu toàn bổn phận hằng ngày vì yêu mến Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh
Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét