Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

Sep 8, 2019 - Chúa nhật 23 thường niên năm C


Sep 8, 2019 - Chúa  nhật  23  thường  niên  năm  C 
 Phải  từ  bỏ  triệt  để!




Các Bạn thân mến,

Một lần nữa Đức Giesu yêu cầu môn đệ của Ngài phải hy sinh, từ bỏ cả những điều mà có lẽ Ngài cũng cảm thấy như khắt khe, vô lý, nên Ngài giải thích ngay, để người nghe hiểu rằng Ngài muốn mọi người phải ý thức cái giá phải trả khi làm môn đệ Ngài.

Nhưng thân phận con người lại mỏng giòn, yếu đuối nên rất cần Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan, can đảm để biết đi theo đường lối của Ngài hầu được cứu độ.

Bởi những yêu cầu của Chúa thật rõ ràng dứt khoát: tình yêu đối với Ngài phải chiếm chỗ nhất trong trái tim chúng ta, và chúng ta phải gỡ bỏ tất cả những gì cản trở tình yêu ấy.

 Chúa dạy chúng ta phải hiếu thảo với cha mẹ, yêu người lân cận như mình, phải có lòng bác ái với tha nhân. Nhưng không phải vì vậy mà quên lãng tình yêu với Ngài, mà vẫn phải giữ bậc thang giá trị trong tình yêu là Chúa trên hết mọi sự.

1. Phải từ bỏ - là một điều tiêu cực:

    a) Không phải ai theo Chúa cũng là đầy tớ của Ngài:

 -  Điều này dễ hiểu, cũng như không phải tất cả mọi binh lính trong đội quân đều là lính trung thành với nhà vua; không phải mọi người sống trong ngôi chùa yên tĩnh đều có ý tốt lành là tu thân tich đức.

 -   Có thể có nhiều kẻ bám víu vào một đại sự, mà vẫn không dấn thân, vẫn chẳng mất mát gì.

 -   Trong Hội Thành chúng ta cũng vậy, không phải tất cả những người đã rửa tội, đều đi theo Chúa, lại càng ít người thực sự là môn đệ của Ngài.

 -   Trong tình yêu vị kỷ của chúng ta, cũng không ai muốn nửa chừng, gián đoạn, nguội lạnh, hay tay ba...

-   Nên lời đanh thép của Chúa phải hiểu đơn giản rằng đối với Ngài, không có thái độ ỡm ờ, nửa vời.

-   Hẳn vấn đề này không đơn giản, theo kinh nghiệm thì đau khổ luôn có sẵn, và bất hạnh cũng kèm theo nếu thiếu một phản ứng với tinh thần đạo Kito.

-   Tuy nhiên chinh Chúa đã chịu đau khổ cho chúng ta, đã nêu gương để chúng ta theo, và còn mở ra con đường mới để chúng ta thấy rõ, nếu ai theo, thì sự sống và cả cái chết cũng sẽ được thánh hoá và có một ý nghĩa mới.

 -    Qua đó thập giá không còn là bi kịch, mà là phương pháp sư phạm Chúa dùng để rèn luyện, thánh hoá, liên kết chúng ta với Ngài, xứng đáng với vinh quang là môn đệ Ngài.

       b) Từ bỏ:

-  Thường thì muốn trở nên người tốt đẹp, chúng ta phải từ bỏ những xấu xa độc hại từ tư tưởng, tình cảm, lời nói đến hành động; những tính nết xấu, những thói quen hư hỏng, những quan hệ không tốt, những sở thích hư hại, những vật chất vô bổ, dư thừa, bừa bãi…

-   Rồi phải rèn luyện, trau dồi, gìn giữ những đức tính, những thói quen, những điều tốt lành ấy.

-   Đôi khi vì lý tưởng, vì công danh sự nghiệp hay tình yêu… chúng ta còn phải bỏ cả những điều không xấu nữa.

-   Có những điều bỏ dễ dàng, có những thói quen bỏ rất khó khăn, miễn cưỡng, dù gần như nó là điều tiêu cực.

-   Nhưng từ bỏ tính cảm, tình yêu là khó khăn, khổ đau, và mất mát nhiều hơn cả.

-   Đòi hỏi từ bỏ vì tình yêu Thiên Chúa hẳn còn khó khăn gấp bội, nhưng Đức Giêsu vẫn nói: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi.”

-  Nghĩa là tất cả: gia đình, cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cháu, người yêu, bạn bè và cả mạng sống, dù mình yêu thích tha thiết nhất, nhưng nếu nó cản trở chúng ta đến với Chúa, thì đều phải dứt khoát từ bỏ.

-  Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu động từ "dứt bỏ" phần lớn không có nghĩa là cắt đứt, là từ bỏ, mà được hiểu là "ít hơn, nhẹ hơn".

-  Vì ý của Đức Giêsu là nếu ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải đặt tình yêu Ngài lên trên hết mọi thứ, cả những tình yêu mà chúng ta, dù chính đáng, cần thiết, phải đạo ở đời; hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi thứ tình yêu thế gian: tình yêu đất nước, con người, gia đình, bạn bè và ngay cả bản thân mình.

-  Như thế, người tín hữu khi đã chọn Chúa, làm môn đệ Ngài, họ vẫn phải yêu mến quê hương, tổ tiên, gia đình, bạn bè người thân của họ; vẫn phải quí trọng chính bản thân mình; và cũng phải biết dùng của cải như những ơn huệ Chúa ban.

-  Rồi khi cần thì tất cả phải được hy sinh cho một tình yêu duy nhất là tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là bậc thang giá trị mà người môn đệ nào khi theo Chúa cũng phải đặt ra cho mình.


-  Nhưng có một cám dỗ triền miên rất nguy hiểm, là Thiên Chúa linh thiêng xa vời và luôn im lặng, còn con người và của cải thì sẵn sàng, ngay bên cạnh, lại hấp dẫn ngọt ngào, nên chúng ta dễ mắc mưu, dễ đặt lại giá trị ưu tiên lúc nào cũng chẳng hay biết!

-  Dù thế, Chúa cũng không bắt buộc ai, tự chúng ta phải chọn lựa, tính toán, quyết định theo, làm môn đệ Ngài hay không. Như chúng ta thường tính tóan kỹ lưỡng, cẩn thận trước khi làm việc gì ở trần gian.

-  Hiển nhiên Đức Giesu không bảo môn đệ nào cũng phài bỏ cách triệt để những thứ ấy, mà chỉ những ai bị nó bám bíu, vướng mắc, cản trở quá đáng việc đi theo Ngài.

-  Bởi có gia đình là điều tốt, mạng sống là cần, của cải vật chất là tiện nghi…nên gắn bó với gia đình và giữ gìn mạng sống không xấu, vì chính Thiên Chúa đã dựng nên tất cả.


2. Vác thập gía - một điều tích cực:

   a) Cần tính toán trước khi hành động:

 -  Trước tâm tình nồng nhiệt của đám đông dân chúng đang đi theo, Đức Giesu không làm nản lòng họ, nhưng Ngài nói họ phải tính toán trước cho kỹ.

 -   Ngài minh giải bằng hai hình ảnh về người xây cất và vị vua lâm chiến.

 -   Qua hai hình ảnh minh họa này, cho thấy con người khôn ngoan cần biết tiên liệu các rủi ro đi kèm với bất cứ công việc nào.

 -  Thì người Kito hữu còn có lý do hơn để tự tính và quảng đại chịu đau khổ thập giá để theo Chúa Kito.

 -   Chúng ta có đủ phương tiện để hoàn thành việc nên thánh, bởi ơn dư dật của Chúa và ý chí của mình.

 -   Tuy niên cần nhớ rằng, nếu khi trước Chúa nói tới việc từ bỏ cha mẹ và hiến mạng sống mình, thì giờ đây cũng vẫn đòi hỏi cao độ ấy với sự từ bỏ của cải vật chất.

-   Từ bỏ của cải ở đây phải thực tiễn và cụ thể: tâm lòng phải cởi bỏ mọi sự trói buộc của cái trần gian mới có thể tuyệt đối theo Chúa.

 -   Không thiếu trường hợp Chúa đòi hỏi một số người sống đói nghèo khổ tuyệt đối và tự nguyện.

 -   Còn đối với tất cả, Chúa mong muốn một sự từ bỏ thực sự và quảng đại trong xử dụng.

-   Người Kito hữu phải sẵn sàng từ bỏ cả mạng sống, thì nói chỉ đến việc từ bỏ của cải?

-   Ngoài ra, giáo lý Thiên Chúa đã dạy tâm hồn cần tống khứ tất cả những gì cản trở, vương víu, mới có thể đón nhận Thần Linh Thiên Chúa, đến biến đổi chúng ta.

-  Nhưng đừng sợ hãi những đòi hỏi ấy, đừng quên rằng chúng ta không chiến đấu cô đơn, Đấng đã kêu gọi chúng ta đi vào con đường hẹp, sẽ đi cùng chúng ta đến tận cuối đoạn đường.

    b) Vác thập giá

-  Khi từ bỏ điều gì, tự nhiên chúng ta buồn tiếc; điều càng lớn, càng quan trọng, càng gắn bó thì đau khổ càng sâu đậm. Thánh giá càng nặng nề.

-  Lại còn phải vác thập giá Chúa gởi đến như bệnh tật, hoạn nạn, thất bại, mất mátn nữa…

-  Nhưng nếu vượt qua được thì sẽ có tác dụng ngược, chúng ta vác thập gía dễ dàng hơn.

-  Đức Giesu rất thành thật, rõ ràng khi nói ai muốn theo Ngài, chứ Ngài không ngon ngọt, hứa hẹn dụ lừa ai.

-  Vì đời người không diễn ra trong một hai ngày nắng đẹp, mà kéo dài liên tiếp suốt bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông của cuộc sống. Theo Đức Kitô cũng chẳng là chuyện dễ dàng hay đùa giỡn, mà là chuyện thiệt thòi, sinh tử của kiếp người.

-  Kinh nghiệm chua chat là thời điểm chúng ta quyết tâm bỏ mọi sự đi theo Chúa, thì tư tưởng, tâm tình, tâm lý, sức khỏe và sinh lý của chúng ta ổn định. Nhưng thực tế sự phát triển toàn diện của con người chỉ tiến một chiều, như một thân cây cao lớn theo năm tháng. Không một quá trình nào lập lại, vì thế có nhiều thứ không thể đi lại từ đầu!

-  Tuổi trẻ chúng ta có những ước mơ trong sáng; khi trưởng thành, nhu cầu tâm sinh lý nổi cộm; tới trung niên muốn khẳng định mình trước công danh sự nghiệp; bước vào cao niên, ước mơ “hồi xuân”; và cuối cùng, chúng ta thất vọng ở tuồi lão thành!

-  Mỗi độ tuổi có lý tưởng, ước mơ, nhu cầu, khát khao riêng thì hẳn nhiên mỗi giai đoạn cũng có những cám dỗ riêng, những cạm bẫy khác nhau.

-  Có những sai trái có thể rút kinh nghiệm vì nó xẩy ra nhiều lần; cũng có những vấp ngã chúng ta không thể rút kinh nghiệm, vì nó chỉ đến một lần.

- Vì thế mỗi người có thể bị thất bại khác nhau, bỏ cuộc ở mỗi thời điểm khác nhau.

-  Nên phải luôn cậy trông vào Chúa, phải cảnh giác, phải từ bỏ liên tục, phải rèn luyện bồi dưỡng những điều tốt lành thành thói quen…mới có thể bền đỗ đến cùng.

-  Phải nhìn xa trông rộng, phải suy nghĩ kỹ về khả năng đáp ứng của mình trước đòi hỏi triệt để xuyên suốt tới mức đó, có thể chúng ta nản lòng không dám theo Chúa nữa.

-  Tuy nhiên gương các tông đồ là một khích lệ lớn cho chúng ta: ban đầu các ông theo Đức Giêsu như ngẫu hứng, không suy nghĩ, chẳng tính toán; rồi Đức Giêsu đã từ từ thanh luyện suy nghĩ của các ông và đặt vào đó những gì Ngài cần nơi mỗi người, rồi ban ơn để các ông hoàn thành.

-  Sau ngày Chúa phục sinh, các ông mới hiểu rõ thế nào là làm môn đệ Ngài; nhờ sức mạnh của Thánh Thần, các ông đã can đảm từ bỏ triệt để, vác thập giá mình đi theo Chúa cùng truyền đạo một cách hăng say, hiệu quả.

-  Nếu hiện tại chúng ta chưa đủ khả năng đáp ứng đòi hỏi của Chúa về một người môn đệ. Nhưng ít ra ý thức về những đòi hỏi đó cũng giúp chúng ta không đi theo Chúa vì những tính toán sai lệch.

-  Tất nhiên chúng ta cũng cần luôn suy xét để tìm phương cách giúp mình dạn dĩ và nghiêm túc bước theo Đức Kitô cho đến cuối đường.

-  Thái độ theo Ngài nửa vời, bồng bột, lừng khừng, chẳng khác gì không sẵn sàng cho cuộc chiến đã mở màn, khi đó chắc chắn chúng ta sẽ thất bại thôi!

-  Vì vậy lời mời gọi từ bỏ của Đức Giesu không phải chỉ là từ bỏ một lần, hai lần, mà Ngài mời chúng ta từ bỏ, và tiếp tục từ bỏ mỗi ngày cho đến hơi thở cuối cùng, như điều kiện tiên quyết cho tư thế người môn đệ đích thật của Ngài.

-  Tuy nhiên hiện nay ở trên trời, chắc Đức Kito còn đau lòng, vì một trong những khiếm khuyết lớn nhất của Giáo Hội là trong lòng Giáo Hội vẫn còn rất nhiều người đi theo Đức Giêsu, mà chẳng mất mát điều gì, còn vơ vào, được thêm nhiều thứ mà Đức Giesu đã kêu mời phải từ bỏ! Thế nên môn đệ thật sự của Ngài thì quả là quá ít!

Lạy Chúa, chúng con đã chọn Chúa là cùng đích cuộc đời, nhưng biết bao lần chúng con chỉ thấy chọn Chúa là thua thiệt, là hy sinh, là mất mát... Nhưng chúng con biết và tin Ngài là Đấng tuyệt hảo.

Xin Chúa đừng bao giờ để chúng con nản chí, bỏ cuộc, rút lui vì những đòi hỏi gắt gao của Ngài, nhưng xin cho những thử thách ấy trở nên những cơ hội giúp chúng con lớn lên trong tình yêu của Ngài nhiều hơn. Vì tình yêu của Đức Giesu Kito thúc bách chúng con. Amen.

 Thân mến,

duyenky




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét