Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Bác sĩ thật vật lộn với 'bác sĩ Google'


Bác  sĩ  thật  vật  lộn  với  'bác  sĩ  Google'
Thứ sáu, 21/8/2020-vnexpress.net
  

Nhân viên y tế tại Trung tâm Bệnh viện Elmhurst, New York, tháng 7/2020. Ảnh: NY Times

MỸNhiều bệnh nhân tin vào các lời đồn trên mạng xã hội hơn là đơn thuốc của bác sĩ, khiến việc chống Covid-19 khó khăn bội phần.

Một bác sĩ bị buộc cố ý trục lợi chỉ vì kết luận rằng Covid-19 là nguyên nhân gây ra cái chết của người bệnh. Một bác sĩ khác phải điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng nôn mửa liên tục, sau khi người này uống thuốc tẩy nhà vệ sinh để giết virus, theo hướng dẫn tìm thấy trên mạng.

8 tháng đại dịch xảy ra, các bác sĩ tuyến đầu không chỉ chiến đấu với virus, mà còn phải chống chọi kẻ thù dai dẳng khác: thông tin sai.

Trước khi Covid-19 quét qua, các chuyên gia y tế đã quen xử lý các trường hợp bệnh nhân tự điều trị bằng các bài thuốc không kiểm nghiệm trên Internet. Họ gọi tình trạng này là "bác sĩ Google". Trong đại dịch, các nhà nghiên cứu tại Mỹ và châu Âu cho biết khối lượng tin tức liên quan đến nCoV dày đặc chưa từng thấy.

Trong ba tháng đầu năm, ít nhất 800 người đã chết, hàng nghìn người khác phải nhập viện do uống rượu có nồng độ cao để "tiêu diệt virus". Hành động xuất phát từ một tin đồn vô căn cứ lan truyền trên mạng. Tình trạng đã được báo cáo trên Tạp chí Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Mỹ.

Bức xúc của các bác sĩ tràn ngập nhóm hội trên Facebook cùng các diễn đàn trực tuyến. Hiệp hội Y khoa Mỹ cho biết thông tin sai lệch đang làm tổn hại đến nỗ lực dập dịch của cộng đồng.

Tháng trước, người Mỹ truyền tay nhau video của một nhóm "Bác sĩ Tuyến đầu" tự xưng. Nội dung là các luận điệu sai lệch, như khẩu trang không giúp ngăn ngừa virus và hydroxychloroquine (thuốc sốt rét) hiệu quả để điều trị người nhiễm nCoV.

Ryan Stanton, bác sĩ tại Kentucky, cho biết nhiều bệnh nhân có triệu chứng Covid-19 đã trì hoãn khám bệnh bởi nghĩ rằng đây "không phải vấn đề to tát". Đến khi họ nhập viện, mọi thứ đã quá muộn.

Thomas Knowles, nhân viên y tế tại Anh, thậm chí bắt gặp một bệnh nhân nhất quyết từ chối nhập viện do tin vào những lời đồn trên mạng, rằng bác sĩ sẽ lấy máu người dân để nghiên cứu rồi bỏ mặc họ đến chết.

"Cá nhân tôi chưa từng gặp phải một tập thể nào bướng bỉnh, mù quáng đến mức bám lấy định kiến sai lầm như vậy", ông Knowles nói.

Tại New York, tình hình đã tích cực hơn, nhưng vẫn đáng lo ngại. Tiến sĩ Parinda Warikarn, làm việc tại Trung tâm Y tế Elmhurst, cho biết một người đã uống thuốc tẩy sau khi xem video trên Youtube. Anh nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội.

Những người nhập cư Congo thì tin rằng Covid-19 là phương pháp để chính phủ Mỹ trục xuất họ. Số khác, đến từ Ấn Độ, trích dẫn bài đăng về việc bác sĩ cố tình lây nhiễm cho bệnh nhân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang phát triển các phương pháp đo lường tác hại của các tin đồn liên quan đến nCoV trên mạng. Hồi tháng 7, họ tổ chức một hội nghị trực tuyến với các bác sĩ và chuyên gia nghiên cứu internet, thảo luận về cách giải quyết vấn đề này.

Bác sĩ cho biết bệnh nhân thường phản đối cách điều trị của họ, có xu hướng tin vào những bài đăng trên mạng hơn là chuyên gia y tế. Nhiều người không đeo khẩu trang hoặc cho rằng độ nghiêm trọng của đại dịch đang bị thổi phồng quá mức. Một số bác sĩ thậm chí bị công kích khi lên tiếng đính chính các nội dung sai lệch.

\
Nhân viên y tế tại điểm xét nghiệm thành phố Orlando, tháng 6/2020. Ảnh: NY Times

"Đây không còn là hiện tượng mà các bác sĩ quan sát được. Nó đã trở thành mô hình có ý nghĩa thống kê mà chúng ta có thể rút ra trong một cuộc khảo sát lớn", Daniel Allington, giảng viên cấp cao tại Cao đẳng Hoàng gia London, nhận định. Nghiên cứu gần đây của ông cũng cho thấy người có thói quen xem tin tức trực tuyến thay vì theo dõi phát thanh hoặc truyền hình thường tin vào thuyết âm mưu, không tuân thủ các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng.

Một số bác sĩ phải tranh cãi với các bệnh nhân đòi được kê đơn thuốc sốt rét hydroxychloroquine. Loại thuốc sau đó được chứng minh là không đủ hiệu quả để điều trị Covid-19. Tại nhiều bệnh viện, người dân đến xin giấy chứng nhận để không phải đeo khẩu trang, bởi họ tin vào lời đồn thổi rằng che miệng sẽ làm cản trở lượng oxy thu vào cơ thể.

"Số ca nhiễm đang tăng trở lại và tôi thấy có nhiều thứ cần phải xử lý trên mạng xã hội, những thông tin như: đại dịch không phải vấn đề lớn, cộng đồng không cần thực hiện những bước phòng ngừa này", David Welsh, bác sĩ phẫu thuật từng điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Indiana, nói.

Các nền tảng trực tuyến đã đưa ra chính sách để hạn chế thông tin sai lệch về nCoV. Facebook và Twitter xóa nhiều bài đăng không có cơ sở khoa học. YouTube cam kết "cung cấp thông tin kịp thời và hữu ích về Covid-19", xóa hơn 200.000 video có thể gây nguy hiểm và hiểu nhầm.

Thục Linh (Theo NY Times)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét