Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2020

Tất cả chúng ta đều có thể nên thánh


Tất  cả  chúng  ta  đều  có  thể  nên  thánh 

Fri, 18/09/2020 - Jeff Smith-Lại Thế Lãng dịch

Nên thánh mỗi ngày

Năm 2018 ĐTC Phanxicô đã viết một tông huấn tựa đề Hướng về lời mời gọi nên thánh (Gaudete et Exsultate). Trong lá thư này, ngài đã nói cách trìu mến về những vị thánh “ngay bên cạnh . . . những người đang sống ở giữa chúng ta, phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa” trong cuộc sống hàng ngày của họ. Đây là loại nên thánh mà ĐTC Phanxicô thúc giục chúng ta theo đuổi.

Hai mục tiếp theo đến từ bài huấn từ của ĐTC. Trong mục thứ nhất ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng nên thánh là dành cho mọi người. Và trong mục tiếp theo, ngài nói về việc cầu nguyện đóng vai trò trung tâm trong lời mời gọi nên thánh. 

Chúng tôi hy vọng rằng ĐTC Phanxicô sẽ giúp bạn nhìn thấy việc nên thánh là điều có thể được trong cuộc sống của bạn. Thế giới cần bạn, “vị thánh ngay bên cạnh”, để rao giảng Tin Mừng với những chứng tá trong cuộc sống của bạn.

Với tông huấn này tôi muốn nhấn mạnh trước hết vào lời mời gọi nên thánh mà Thiên Chúa nhắn gửi mỗi người chúng ta, lời mời gọi Ngài cũng nhắn gửi với tính cách cá nhân tới bạn “Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.” (1Pr 1: 16) Công đồng Vatican II đã tuyên bố rõ ràng: “Được củng cố bởi rất nhiều những phương tiện cứu độ tuyệt vời như thế, mọi tín hữu, không kể tình trạng hay điều kiện của họ, cũng được Chúa mời gọi – theo cách riêng của từng người – để vươn tới sự thánh thiện hoàn hảo đó, bởi bản thân Chúa Cha là hoàn hảo” (Hiến chế tín lý, 11)

 “Mỗi người theo cách riêng của mình”, Công đồng tuyên bố. Chúng ta không nên ngã lòng trước những mẫu gương thánh thiện có vẻ như không với tới được. Có một số chứng tá có thể minh chứng hữu ích và gợi hứng cho chúng ta, nhưng không có nghĩa là để chúng ta sao chép, vì điều đó có thể chỉ đưa chúng ta đi trật con đường riêng mà Chúa có ý dành cho chúng ta.

 Điều quan trọng là mỗi tín hữu nhận thức được con đường riêng của mình, rút ra được những điều tốt nhất của chính mình, những hồng ân cá nhân nhất mà Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn họ (1 Cr 12: 7), chứ không phải là cố gắng cách vô vọng để bắt chước cái gì đó không dành cho họ. Tất cả chúng ta đều được mời gọi là nhân chứng, nhưng có nhiều cách thực tế để làm chứng.

Bất cứ bạn ở đâu 

Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng nên thánh chỉ dành cho những người có thể rút khỏi những công việc thông thường để dành nhiều thời gian cho cầu nguyện. Không phải như vậy. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh thiện bằng cách sống cuộc sống của chúng ta với tình yêu và làm chứng trong mọi việc chúng ta làm, bất cứ chúng ta ở đâu.

Bạn được mời gọi để sống đời thánh hiến? Hãy nên thánh bằng cách sống lời cam kết của bạn với niềm vui. Bạn kết hôn? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hoặc vợ của mình như Chúa Kitô đã làm đối với Giáo Hội. Bạn đi làm để kiếm tiền nuôi gia đình? Hãy nên thánh bằng cách làm việc tận tụy với sự chính trực và tài năng trong việc phục vụ anh chị em. Bạn là ông bà hay cha mẹ? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dậy dỗ con, cháu biết theo Chúa Giêsu. Bạn ở vị trí quyền lực? Hãy nên thánh bằng cách phục vụ  cho công ích và từ bỏ lợi lộc cá nhân.

Hãy để ân sủng bạn đã nhận được trong phép thánh tẩy mang lại hoa trái trên con đường thánh thiện. Hãy để mọi thứ được mở ra cho Chúa; hãy đến với Ngài trong mọi hòan cảnh. Đừng nản lòng, vì quyền năng của Chúa Thánh Thần giúp cho bạn làm điều này, và việc nên thánh, cuối chính là hoa quả của Chúa Thánh Thần trong đời sống của bạn (Gl 5: 22-23). Khi bạn cảm thấy sự cám dỗ nằm trong sự yếu đuối của bạn, hãy đưa mắt nhìn lên Chúa Kitô bị đóng đinh và thưa: “Lạy Chúa, con là một kẻ tội lỗi đáng thương, nhưng Ngài có thể làm điều kỳ diệu làm cho con trở nên khá hơn một chút”. Trong Giáo Hội, tuy thánh thiện nhưng bao gồm những người tội lỗi, bạn sẽ tìm thấy mọi thứ bạn cần để phát triển hướng tới sự thánh thiện.

Qua những cử chỉ nhỏ bé

 Sự thánh thiện này mà Chúa mời gọi bạn sẽ lớn mạnh qua những cử chỉ nhỏ bé. Đây là một ví dụ: một người phụ nữ đi mua sắm, chị ta gặp một người hàng xóm và họ nói chuyện với nhau, rồi chuyện mách lẻo bắt đầu. Nhưng chị ta nói thầm trong thâm tâm: “Không, tôi sẽ không nói xấu bất cứ ai”. Đây là một bước tiến tới sự thánh thiện. Về sau, một trong những đứa con của chị ta muốn nói với chị ta về những hy vọng và những mơ ước của nó, và mặc dầu chị ta đang mệt mỏi, chị ta ngồi xuống và lắng nghe với sự kiên nhẫn và yêu thương. Đó là một hy sinh khác đưa đến sự thánh thiện. Sau dó chị ta cảm thấy bất an, nhưng nhớ lại tình yêu của Trinh nữ Maria, chị ta cầm tràng hạt và cầu nguyện với lòng tin. Đó là môt con đường khác của sự thánh thiện. Còn nữa, chị ta đi ra ngoài phố, gặp một người nghèo và đã dừng lại nói một lời tử tế với người này. Thêm một bước nữa.

Theo thời gian, cuộc sống lộ ra những thánh thức lớn lao. Qua những thách thức này Chúa lại mời gọi chúng ta hối cải để có thể làm cho ân sủng của Ngài hiển nhiên hơn trong cuộc sống chúng ta “để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người”(Dt 12:10). Vào những lúc khác chúng ta chỉ cần tìm một cách hoàn hảo hơn để làm những gì chúng ta đã làm . . . Trong cách này, được hướng dẫn bởi ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta hình thành những cử chỉ nhỏ bé Thiên Chúa đã muốn cho chúng ta, không phải vớì sự tự mãn về năng lực của chúng ta mà là “như những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.” (1Pr 4: 10) 

Mỗi vị thánh là một sứ mạng

Một Kitô hữu không thể nghĩ về sứ mạng của mình trên trần gian mà không nhìn sứ mạng đó là con đường nên thánh, vì “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1 Tx 4:3). Mỗi vị thánh là một sứ mạng, hoạch định bởi Chúa Cha để phản ảnh và biểu hiện, tại một thời điểm trong lịch sử, một khía cạnh nào đó của Tin Mừng. Sứ mạng đó có ý nghĩa trọn vẹn trong Chúa Kitô và chỉ qua Ngài mới có thể hiểu được.

Trong cốt lõi, sự thánh thiện là trải nghiệm, trong sự kết hợp với Chúa Kitô về mầu nhiệm cuộc đời của Ngài. Sự thánh thiện bao gồm trong sự liên kết bản thân chúng ta với cái chết và sự phục sinh của Chúa một cách độc nhất và cá nhân, luôn luôn chết và sống lại với Ngài . . . Mỗi vị thánh là một sứ điệp mà Chúa Thánh Thần lấy từ sự phong phú của Chúa Giêsu Kitô và ban cho dân Ngài.

Để nhận ra được lời mà Chúa muốn nói với chúng ta qua một trong các thánh của Ngài, chúng ta không cần phải chạy theo trong từng chi tiết vì ở đó chúng ta có thể gặp sai lầm và thất bại. Không phải mọi điều một vị thánh nói ra là hoàn toàn trung thành với Tin Mừng; không phải mọi điều ngài làm là xác thực hay hoàn hảo. Điều chúng ta cần để chiêm ngắm là toàn thể đời sống của các vị, toàn thể cuộc hành trình phát triển sự thánh thiện của các vị, là sự phản chiếu của Chúa Giêsu Kitô lộ rõ khi chúng ta nắm bắt ý nghĩa tổng thể của các vị như là một con người.

Đây là một lời hiệu triệu mạnh mẽ đối với tất cả chúng ta. Bạn cũng cần phải xem xét toàn bộ cuộc sống của bạn như là một sứ mệnh. Hãy cố gắng làm như vậy bằng cách lắng nghe Thiên Chúa trong cầu nguyện và nhận ra những dấu chỉ Ngài đem đến cho bạn. Hãy luôn luôn cầu xin Thần Khí xem những gì Chúa Giêsu mong đợi nơi bạn trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống và mỗi một quyết định bạn phải thực hiện, để nhận rõ vị trí của nó trong sứ mệnh bạn đã lãnh nhận. Hãy để cho Thần Khí rèn luyện cái mầu nhiệm cá thể có thể phản ảnh Chúa Giêsu Kitô trong thế giới hôm nay.

Cầu mong bạn nhận ra lời ấy, nhận ra thông điệp của Chúa Giêsu mà Thiên Chúa muốn nói với thế giới bằng cuộc sống của bạn. Hãy để bản thân bạn được biến đổi. Hãy để Chúa Thánh Thần  đổi mới bản thân bạn, để cho điều này có thể thành hiện thực, để bạn không thất bại trong sứ mệnh cao quý của bạn. Chúa  sẽ hoàn thành nó mặc cho những lỗi lầm và sơ xuất của bạn, với điều kiện là bạn không từ bỏ con đường tình yêu nhưng mãi mãi mở lòng ra cho ân sủng siêu nhiên Ngài thanh tẩy và soi dẫn.

Hoạt động thánh hóa

 Bạn không thể hiểu Chúa Kitô nếu tách rời Ngài khỏi Vương quốc Ngài mang đến, cũng vậy sứ mệnh cá nhân của bạn là không thể tách rời khỏi việc xây dựng Vương quốc đó: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6: 33). Sự đồng hóa bạn với Chúa Kitô và ý muốn của Ngài sẽ bao gồm một cam kết để cùng với Ngài xây dựng Vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình cho toàn thể nhân loại. Chính Chúa Kitô muốn trải nghiệm cùng với bạn trong tất cả những nỗ lực và hy sinh mà Vương quốc đó đòi hỏi, nhưng nó cũng đem lại tất cả niềm vui và sự phong phú. Bạn không thể phát triển trong sự thánh thiện mà không tự hiến dâng cả thể xác lẫn linh hồn để cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho những nỗ lực này.

 Điều này không có nghĩa là bỏ qua sự cần thiết của những lúc yên tĩnh, đơn độc và thinh lặng trước Thiên Chúa. Hoàn toàn ngược lại. Chúng ta bị choáng ngợp bởi những lời nói, bởi những thú vui hời hợt và bởi tiếng ồn ào không dứt, không được tràn đầy bởi nềm vui mà là bởi sự bất mãn của những người mà cuộc sống đã mất hết ý nghĩa. Làm sao chúng ta có thể không nhận ra sự cần thiết phải chấm dứt cuộc đua xấu xa này và để tìm lại khoảng không gian cá nhân cần thiết để thực hiện một cuộc đối thoại chân thành với Thiên Chúa? Tìm kiếm khoảng không gian đó có thể mất nhiều công sức nhưng nó luôn luôn đem lại kết quả. Sớm hay muộn, chúng ta cũng phải đối mặt với chính con người thật của chúng ta và để cho Chúa đi vào.

 Chúng ta cần một tinh thần thánh thiện có khả năng lấp đầy cả sự cô đơn lẫn việc phục vụ của chúng ta, lấp đầy cả cuộc sống cá nhân và những nỗ lực truyền giáo của chúng ta, để mỗi khoảnh khắc đều có thể là một biểu hiện của tình yêu tự hiến trong mắt của Thiên Chúa. Bằng cách này, mỗi giây phút của cuộc sống mới có thể là một bước trên con đường phát triển thánh thiện.

 Đừng sợ sự thánh thiện. Nó sẽ không lấy mất chút năng lượng, sinh lực hay niềm vui nào của bạn. Trái lại, bạn sẽ trở thành điều Chúa Cha đã nghĩ đến khi tạo nên bạn, và sẽ trung thành với chính con người sâu thẳm nhất của mình. Sự lệ thuộc vào Thiên Chúa giải thoát ta khỏi mọi hình thức nô lệ và đưa ta đến chỗ nhận ra nhân phẩm tuyệt vời của chúng ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét