Hiểu thế nào về ghen tuông?
Thứ
tư, 22/7/2020-VnExpress.net
Tiến sĩ Monica Borschel - nhà tâm lý học lâm sàng Hong Kong. Ảnh: SCMP.
Ghen tuông là trạng thái
cảm xúc bình thường. Nó chỉ bất thường khi người ta không kiểm soát được sự
bùng phát dữ dội của nó, khiến bản thân và đối tác kiệt sức.
Một số người cho rằng
ghen tuông là cách thể hiện cho đối tác thấy rằng họ muốn được yêu thương, được
chăm sóc. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của ghen tuông là nó cho thấy sự thiếu tin tưởng,
sự đánh giá thấp về giá trị bản thân, hoặc các vấn đề tiềm ẩn trong mối quan hệ
giữa hai phía.
Khi một mối quan hệ không
đem lại cảm giác an toàn cho hai phía, sự ghen tuông có thể xuất hiện. Ảnh minh
họa: Shutterstock.
Ghen tuông, ở một góc độ
nào đó giúp làm tăng hương vị cho cuộc sống quen thuộc, giúp khơi dậy cảm xúc
và tạo thêm sự phấn khích cho mối quan hệ, nhưng chỉ trong điều kiện nó không
vượt ra khỏi tầm kiếm soát của bạn, không trở thành một "mồi lửa thiêu rụi"
mối quan hệ.
Chúng ta cần hiểu nguyên
nhân cơ bản của sự ghen tuông, trong một mối quan hệ. Theo tiến sĩ Monica
Borschel - nhà tâm lý học lâm sàng Hong Kong, ghen tuông có thể là một "cảnh
báo sai" hoặc một "cảnh báo thực".
Cảnh báo sai là sự tự
đánh giá thấp về bản thân hoặc nỗi lo âu gắn bó (attachment anxiety) xuất hiện ở
người nảy sinh sự ghen tuông. Nỗi lo âu gắn bó là loại cảm giác sâu sắc tồn tại
trong tiềm tức rằng người bạn yêu không ở bên bạn khi bạn cần đến họ. Trong khi
đó, một cảnh báo thực là cảm xúc nảy sinh khi đối tác của bạn xuất hiện những dấu
hiệu: coi thường, cô lập bạn, cố gắng kiểm soát bạn, lừa dối bạn.
Khi một mối quan hệ không
đem lại cảm giác an toàn cho hai phía, sự ghen tuông có thể xuất hiện.
Tiến sĩ Borschel giải
thích rằng ghen tuông là một loại cảm xúc bình thường của con người sau một
hành trình dài tiến hóa, nhằm bảo vệ và giữ người bạn đời/đối tác của mình. Các
nhà tâm lý học tiến hóa đã phát hiện ra rằng phụ nữ có nhiều khả năng bị tổn
thương bởi các vấn đề tình cảm hơn đàn ông, tức là họ dễ ghen tuông hơn đàn
ông, xuất phát từ thực tế rằng họ sợ bị mất nguồn lực chính cùng chăm sóc cho
những đứa con của họ. Trong khi đó, đàn ông thường ghen tuông vì các vấn đề về
thể xác nhiều hơn, vì họ không muốn nuôi con của người đàn ông khác.
Cũng theo vị tiến sĩ,
ghen tuông tự nhiên là một điều hoàn toàn bình thường, tức là một người có thể
biểu lộ cảm xúc đó và giải quyết với đối tác của mình. Ngay cả trong một mối
quan hệ lành mạnh và an toàn, việc tìm thấy một người thứ ba hấp dẫn cũng là một
điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, việc "thấy hấp dẫn" và việc hành động
thế nào lại là một chuyện khác.
Bên cạnh đó, Borschel
cũng nói rằng ghen tuông có thể là dấu hiệu của các vấn đề tiềm ẩn. Những người
phụ thuộc lẫn nhau có xu hướng coi trọng và ưu tiên mối quan hệ của họ hơn là
những người độc lập.
Sự phụ thuộc lẫn nhau là
việc có sở thích, mục tiêu... chung, và trong mối quan hệ này, cả hai dựa vào
nhau cả trên nhu cầu tình cảm, thể xác. Tuy nhiên, khi hai người quá độc lập, họ
có thể trở nên sợ sự thân mật, gần gũi. Điều này có thể kích hoạt cảm giác bị bỏ
bê, hay sự ghen tuông ở một trong hai phía.
Với vai trò người đồng
hành, họ cũng có thể trở nên ghen tuông khi cảm thấy mình không nhận được đủ sự
quan tâm. Sự dối trá, tán tỉnh bí mật... là những lý do rõ ràng hơn cho việc vì
sao một người trở nên ghen tuông. Trong một mối quan hệ an toàn, cả hai phía có
thể cởi mở trò chuyện về lý do khiến cho họ ghen tuông. Nửa kia có thể lắng
nghe, thấu hiểu.
Tuy nhiên, nếu đối tác âm
thầm kiểm tra điện thoại của bạn, rình rập bạn, cô lập bạn hoặc thẩm vấn bạn,
đó có thể là một "dấu hiệu đỏ" cho thấy vấn đề đã vượt ra khỏi sự
ghen tuông thông thường. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang hướng đến một
mối quan hệ lạm dụng, một sự ghen tuông cực đoan, Borschel cảnh báo.
Sự ghen tuông cực đoan chỉ
ra một số vấn đề nghiêm trọng trong mối quan hệ của bạn. Với trường hợp đối tác
của bạn từng lừa dối bạn, nhưng sau đó lại ghen tuông cực đoan, thì vấn đề
chính là người đó "suy bụng ta ra bụng người". Bên cạnh đó, ghen
tuông cực đoan cũng có thể là dấu hiệu cho thấy đối tác của bạn chỉ cảm thấy an
toàn khi kiểm soát được bạn.
Xung quanh câu hỏi liệu
có thể thay đổi sự ghen tuông của người yêu hay không, thì có hai điều bạn cần
lưu ý. Nếu một người ghen tuông vì bất an với chính giá trị bản thân, họ có thể
thay đổi bằng cách dần điều chỉnh suy nghĩ về chính họ tích cực hơn. Nhưng nếu
đối tác của bạn ghen tuông cực đoan, sẽ rất khó để thay đổi.
Borschel đưa ra lời
khuyên cho những người hay ghen tuông: "Nếu bạn cảm thấy mình ghen tuông,
điều quan trọng là bạn phải xác định nguyên cớ của những ghen tuông đó. Bạn cảm
thấy bất an trong mối quan hệ? Nếu thế, nó liên quan đến sự tự đánh giá bản
thân thấp, nhu cầu kiểm soát của bạn, hay đơn giản là bạn đang thực sự bị lừa dối?".
Với người có bạn đời ghen
tuông, Borschel cho rằng: Hãy tự hỏi bản thân xem đối phương có đang kiểm soát,
cô lập bạn không, hay họ ghen vì bạn không thành thật với họ? Hãy trò chuyện thẳng
thắn để có thể khiến đối tác cảm thấy an tâm hơn, và cùng nhau cải thiện tình
hình.
Sự tin tưởng là nền tảng
cho bất cứ mối quan hệ nào, và nó phải là cảm xúc từ cả hai phía. Bạn cũng cần
phải tin tưởng bản thân trước khi tin tưởng đối tác của mình, vì bạn không thể
cho đi những gì mà mình không có. Khi niềm tin được thiết lập, bạn có thể đem lại
cho đối tác cảm giác an toàn, tiến sĩ Borschel nói.
Thùy Linh (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét