Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Mùa gặt cỏ bàng miền Tây

Thứ ba, 1/9/2020, 02:08 (GMT+7)


Mùa  gặt  cỏ  bàng  miền  Tây

vnexpress.net

TIỀN GIANGBước vào mùa gặt, cánh đồng cỏ bàng xanh mướt đẹp như tranh ở Tân Phước níu chân các nhiếp ảnh gia bởi nét thanh bình của vùng quê.
Bức tranh cánh đồng cỏ bàng vào mùa gặt, do Trần Ngọc Dũng (TP HCM) chụp bằng flycam trong chuyến sáng tác ảnh của anh cùng tay máy Bùi Gia Phú người Mỹ Tho, tại xã Tân Hòa Thành, Tân Phước, Tiền Giang giữa tháng 8.
Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, địa phận Tiền Giang, có điều kiện tự nhiên đất phèn thuận lợi để trồng cỏ bàng. Huyện đang có trên 100 ha cỏ bàng, tập trung nhiều tại các xã Tân Hòa Thành, Hưng Thạnh và Phú Mỹ.
Cỏ bàng còn được gọi là bàng hoặc cói bàng, trước đây mọc tự nhiên nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cỏ có thân dưới cứng, dạng ống khoảng 8 - 10 mm, nằm ngang trong bùn. Thân thẳng đứng cao khoảng 1 - 1,5 m và có hoa màu nâu ở phần ngọn.
Vào mùa thu hoạch tháng 8, người dân dùng lưỡi liềm cắt gốc theo từng khóm, khóm nào cắt xong thì qua đến khóm khác, rồi thực hiện "vũ điệu giũ cỏ xuống đất". Cỏ cắt xong phân thành các loại ngắn, dài, sau đó cột thành từng bó tròn khoảng 2 - 3 kg.
Cỏ bàng dễ trồng, chịu phèn, ít tốn công chăm sóc và ít sâu bệnh. Cỏ trồng gần nửa năm đến khi cao quá đầu người lớn thì bắt đầu thu hoạch. Cỏ cắt xong cứ để gốc đó sẽ lại mọc nhiều lần và không cần trồng mới. Một ngày người dân cắt được khoảng 300 bó.
Nụ cười phấn khởi của người lao động trên đồng. Loại cỏ này được người dân miền Tây sáng tạo làm thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ như đan đệm, làm nón, giỏ xách... Để làm ra những sản phẩm đó, sau khi cắt về người dân dùng máy để ép bàng, phơi khô, rồi ép lại lần nữa, còn trước kia cỏ được giã bằng sức người, dùng chày để giã cho mềm.
Vợ chồng ông Thắng dành chút thời gian ăn trưa ngay trên thuyền chở cỏ. Mùa gặt cỏ bàng tuy vất vả nhưng ấm tình người khi họ cùng san sẻ công việc với nhau và luôn cởi mở, thân thiện với du khách, nhiếp ảnh gia về săn ảnh.
Động tác thuần thục của người dân khi thảy từng bó cỏ bàng cho người trên thuyền, vận chuyển ra đường lớn để thương lái đem về bán lại. Bàng mới thu hoạch còn tươi nếu thương lái chưa đến mua kịp hoặc gặp những ngày mưa không chỗ phơi, người dân sẽ phơi lên sào.
Thuyền chất đầy cỏ bàng đẹp như tranh khi nhìn từ trên cao. Từ lâu cỏ bàng đã đi vào ca dao vùng Đồng Tháp Mười: “Bông xanh mà lá cũng xanh/ Em đi cấy lúa cho anh nhổ bàng”.
Người dân chèo thuyền vận chuyển cỏ bàng ra đường lớn.
“Quá trình gặt cỏ, bó cỏ bàng diễn ra rất đời thường, cùng với sự nhiệt tình của người dân theo sắp đặt của chúng tôi góp phần tạo nên những tác bức ảnh độc đáo và rực rỡ sắc màu”, anh Dũng chia sẻ.
Người dân ôm những bó cỏ bàng lên vệ đường. Hiện giá bàng luôn giữ ở mức 15.000 - 20.000 đồng một bó. Ngoài ra, các cọng cỏ bàng có đường kính khoảng 4 - 6 mm còn được các cửa hàng kinh doanh nước uống thu mua làm ống hút thân thiện môi trường, thay thế ống hút nhựa. Ngoài huyện Tân Phước (Tiền Giang), ngày nay cỏ bàng còn được trồng nhiều tại huyện Đức Hòa (Long An) và huyện Giang Thành (Kiên Giang).
Huỳnh Phương
Ảnh: Trần Ngọc Dũng, Bùi Gia Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét