Sep 13, 2020 - Chúa
nhật 24 thường niên năm A
Tha thứ là
một nhiệm vụ cao cả
https://canhdongtruyengiao.net/loi-chua/chua-nhat-24-thuong-nien-a-thanh-vinh-dap-ca.html
Các Bạn thân mến,
Chúng ta nghĩ lại
xem có đúng Chuá là Đấng từ bi và hay thương xót không nhỉ? Thế
thì đơn giản qúa, chúng ta cũng phải vậy thôi!
Thế giới càng văn minh tiến
bộ, thì những gì liên quan đến con người càng được đề cao, được tôn trọng, được
bảo vệ…nhất là quyền lợi cá nhân, khiến người ta có cảm tưởng như mình là tất cả,
tự làm chủ, tự thỏa mãn nên thường nói:“tôi là chủ vận mạng của chính
tôi-Tôi làm điều tôi thích-Tôi muốn cái này- cái kia là của tôi- đây là quyền của
tôi-cái đó cũng là của tôi và chính tôi”… Có lẽ họ nghĩ rằng chết là hết,
không còn gì khác nữa. Nên chỉ cần quan tâm đến đời sống trên mặt đất là đủ, vì
chết là tận cùng rồi. Mà không biết rằng Thiên Chúa mới là Chủ của sự chết và
là Chủ của sự sống. Nên chết không phải là hết, chưa phải là tận cùng. Cần ý
thức rằng cách chúng ta sống, điều chúng ta xác định cho cuộc đời mình mới là
cùng đích. Và phải ý thức thêm rằng chúng ta ở đời là để phụng sự Thiên Chúa,
nhận biết Ngài, yêu mến Ngài, thay đổi đời mình, uốn mình đi theo đường lối
giáo huấn của Ngài. Bài đọc thứ nhất hôm nay nói “Hãy nhớ đến ngày tận số.
Chấm dứt hận thù. Nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết, mà trung thành giữ
các điều răn.” Đó chính là cách chúng ta nên hành xử trong đời sống. Vì ai
trong chúng ta cũng sẽ phải ra trước tòa phán xét của Thiên Chúa.Trong bài đọc
hai hôm nay, Thánh Phaolô cũng nói rằng không ai trong chúng ta sống cho riêng
mình, và không ai trong chúng ta chết cho riêng mình. Chúng ta sống là sống cho
Chúa, chết là chết như những tôi tớ của Chúa. Đây phải là tư tưởng hàng đầu
trong trí khôn của chúng ta.
Nên Tin Mừng hôm nay nhắc
nhủ chúng ta phải biết thương người, biết tha thứ, và công bằng. Cần chu toàn
những lệnh truyền của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta có thể trở nên giầu có phong
phú trong ơn thánh, mong đợi lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Một ngày nào đó
chúng ta sẽ ra trước tòa phán xét của Thiên Chúa và do đó chúng ta phải sống
theo niềm tin Chúa dạy. Môt lần nữa Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn lại tương
giao của mình với kẻ khác, ở gia đình, nơi bạn bè thân hữu, trong cộng đòan....
Tự vấn xem tương giao nào cần được cải thiện sửa chữa, nuôi dưỡng, phát triển… Chúng
ta tiếp tục theo dõi câu chuyện về sửa lỗi cho người vi phạm trong Tin Mừng
tuần trước, được thánh Mattheu ghi lại như sau:"Bấy giờ ông Phero đến gần
Đức Giesu mà hỏi rằng:"Thưa Thầy, nếu anh em xúc phạm đến con, thì con phải
tha đến mấy lần? Có phải bẩy lần không?" Đức Giesu trả lời:"Thầy
không bảo là đến bẩy lần, nhưng là đền bẩy mươi lần bẩy." Lời phát biểu
đó thể hiện lòng nhân từ vô biên của Chúa mà chúng ta được biết là nhờ tính
nhanh mồm miệng của ông Phero, ông luôn nhanh nhẩu phát biểu, và mỗi lần
như vậy, lại được Chúa dạy cho một bài giáo lý tuyệt vời. Lần này có lẽ Ông cảm
nhận mình rất rộng lượng và cư xử đẹp với anh em có lỗi, nên đã hỏi Chúa
xem phải tha thứ như thế nào và Ông lại nhanh miệng tự trả lời câu hỏi đó bằng
đề nghị tha thứ cho họ bẩy lần. Đề nghị như vậy là ông Phero đã căn cứ vào
lời tiên tri và các rabi Do Thái là phải tha thứ ba lần. Từ đó người ta
suy ra rằng Thiên Chúa cũng chỉ tha thứ đến ba lần vi phạm thôi. Và Ngài sẽ
trừng phạt nếu vi phạm lần thứ bốn. Con người không thể nhân từ hơn Thiên
Chúa, nên sự tha thứ cũng chỉ giới hạn đến lần thứ ba. Khi hỏi như vậy có thể
Phero nghĩ rằng mình đã đi rất xa khi nhân đôi số lần tha thứ của các thầy
luật sĩ và còn cộng thêm một lần nữa. Và Ông cảm thấy tha thứ đến lần thứ
bẩy là qúa đủ rồi! Không thể nào thêm được nữa. Chắc ông Phero nghĩ Chúa sẽ
rất hài lòng và Ông đang chờ sự khen ngợi của Ngài! Nhưng Chúa đã trả lời
rằng người tin Đức Kito phải tha thứ cho anh em tới bẩy mươi lần bẩy...Nghĩa là
không có giới hạn phân định cho sự thứ tha. Sau đó Ngài kể chuyện về một bầy
tôi được vua tha cho một món nợ rất lớn, nhưng bản thân anh ta lại không tha
món nợ nhỏ cho người mắc nợ anh, mà còn đối xử tàn nhẫn. Rồi anh đã bị nhà
vua lên án vì không có lòng thương xót. Câu chuyện này cho chúng ta nhiều bài học:
1. Phải
tha thứ để được tha thứ:
- Thí dụ trên đã dạy một
bài học xuyên suốt cả Tin Mừng là chúng ta muốn được tha thứ thì bản thân mình
cũng phải tha thứ.
- Nghĩa là ai không tha
thứ cho anh em mình thì không hy vọng gì Thiên Chúa tha thứ cho mình.
-"Phúc thay cho những
kẻ hay thương xót thì sẽ được thương xót."
- Và Đức Giesu đã dạy các
môn đệ bằng lời cầu nguyện với Thiên Chúa qua Kinh Lạy Cha:"...
Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con..."
- Được hiểu là sự thương
xót, sự tha thứ của con người và của Thiên Chúa đi đôi với nhau.
- Tuy nhiên không phải vì
vậy, mà chúng ta lợi dụng lỗi lầm, sai phạm để được thứ tha hoài.
- Về mặt tâm lý và phương
pháp sống, tha thứ cũng còn là một trong những yếu tố giúp chúng ta sống lạc
quan yêu đời, hòa đồng với mọi người, mọi giai cấp, và thích nghi với nhiều
hoàn cảnh.
2. Sự
tương phản giữa hai món nợ:
- Trong
câu chuyện,"Một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng" đã được
nhà vua tha vì y không có gì để trả.
- Đó là một món nợ
không thể tưởng tượng được vào thời ấy, nó lớn hơn tổng ngân sách của một tỉnh,
tổng lợi tức của ba bốn thành phố gom lại.
- Lớn hơn cả tổng sản lượng
một tỉnh giầu có như Galile, vốn chỉ có ba trăm nén vàng.
- Và nó cũng lớn hơn cả số
tiền chuộc một vị vua nữa.
- Còn món nợ người bạn
thiếu anh ta không dáng gía bao nhiêu, chỉ có một trăm đồng. Nhưng anh ta
đã không tha, không cho hoãn lại, mà còn tống bạn vào ngục
tù cho đến khi trả xong nợ.
- Món nợ này chỉ dáng bằng
một phần năm trăm ngàn món nợ anh ta thiếu nhà vua.
- Sự tương phản giữa hai
món nợ thật là lớn lao, xa nhau như sự tương phản giữa
hai cách đối xử của hai chủ nợ với hai con nợ.
- Và nó cũng nói lên sự rất
khác xa giữa món nợ chúng ta nợ Thiên Chúa và những món nợ trần gian.
- Đó là điểm chính
mà chúng ta cần thấy là dù chúng ta có thể tha nợ hay làm gì cho người
khác thì cũng không có gì đáng kể so với những điều Thiên Chúa đã tha
và đã làm cho chúng ta.
3. Nhiệm vụ tha
thứ:
-
Hẳn ai cũng nhận ra bài học cần thiết cho mình trong đoạn Tin Mừng hôm nay?
- Nếu Thiên Chúa đã tha
thứ cho chúng ta những món nợ chúng ta thiếu Ngài, thì đương nhiên chúng ta
cũng phải tha thứ cho anh em mình những món nợ họ thiếu chúng ta.
- Điều chúng ta tha thứ
cho người khác không thể so sánh với sự tha thứ lớn lao của Thiên Chúa.
- Bởi tội lỗi con người,
Con Thiên Chúa đã phải chịu chết để đền bù cho chúng ta, vì vậy tha thứ cho
nhau là điều công bằng phải làm, và còn là điều kiện để chúng ta cũng được
thương xót tha thứ nữa.
- Thêm vào đó, cộng đòan
những người theo Chúa là cộng đòan gồm toàn những người đã được Thiên Chúa cứu.
- Nên mỗi phần tử đều có
nhiệm vụ cao cả là tha thứ. Tha thứ nhanh chóng, hết lòng, tự nguyện, tự
giác, không miễn cưỡng, không phân biệt...
- Lời giáo huấn cũng nêu
lên tính cấp bách của bổn phận tha thứ và hậu qủa nghiêm trọng nếu không thi
hành.
- Hãy luôn nhớ:"Điều
chúng ta không thể tha thứ cho người khác, chính là điều chúng ta không thể tha
thứ cho chính chúng ta."
- Hiển
nhiên rất khó thực hiện, vì không chỉ tha thứ cho các tín hữu với nhau hay thân
hữu của mình, mà phải thứ tha cho tất cả những ai xúc phạm, làm thiệt hại hay
là kẻ thù của chúng ta nữa.
- Con cái thế gian cũng
biết qúi trọng sự tha thứ nên xã hội xưa nay vẫn có những lời khuyên, lời dạy,
phương cách...giúp chúng ta có thể tha thứ dễ dàng, cũng như bỏ qua bực bội,
u sầu nhanh chóng.
- Ngoài những lý lẽ cao cả,
những lý do chính đáng, chúng ta cũng có thể cố gắng tự rèn luyện tha thứ theo
những lời khuyên hay như những cách chúng ta làm giảm stress vậy.
4.
Giúp tha thứ:
a) Tha thứ thật khó thực hiện:
- Bởi
mỗi người chúng ta khó thoát khỏi vòng lẩn quẩn là sự tranh chấp
và oán thù.
- Luật “mắt
đền mắt, răng thế răng” tuy là một luật giúp trả báo công
minh, nhưng lại là nguyên nhân làm mọi người tiếp tục giận ghét nhau, khiến
cho người người, nhà nhà, và cả thế giới bị lâm vào tình trạng hận thù,
chiến tranh liên miên.
- Chỉ
khi con người biết tha thứ cho nhau thì họ mới có thể sống an bình
và hạnh phúc thực sự. Vì tha thứ là sẵn sàng chịu thiệt thòi, là
xác tín rằng cuối cùng Tình Thương của Chúa sẽ giúp chúng ta chiến thắng
bản thân.
b) Để dễ dàng tha thứ:
- Phải khiêm
tốn, là điều kiện giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận tha thứ, bỏ qua
những sai phạm, những mất mát làm thiệt hại về danh dự, quyền lợi của chúng
ta.
- Đổi mới cách nhìn đối với
kẻ ghét chúng ta, tức là nhìn họ như những người đang đau khổ, đang
lầm đường lạc lối như chúng ta.
- Cầu xin Đức Giêsu ơn tha
thứ, giúp chúng ta noi gương Ngài về sự khoan dung tha thứ.
Vì khi truyền bảo chúng ta yêu kẻ thù, Ngài cũng ban ân sủng cần thiết kèm
theo để chúng ta tha thứ dễ dàng, yêu mến chân thành.
- Nhớ lại Chúa đã
tha thứ cho chúng ta vô cùng nhiều hơn Ngài yêu cầu chúng ta tha thứ cho
kẻ khác.
Lạy Chúa,
Chúa biết rất rõ tha thứ là một điều rất khó thực hiện đối với chúng con. Vâng,
đúng vậy, vì làm sao chúng con có thể tha thứ cho những tổn thương đau đớn đã
và đang theo suốt cả cuộc đời chúng con? Làm sao chúng con quên được những sự lừa
dối mà không bao giờ chúng con muốn quên? Làm sao chúng con có thể thứ tha khi
chúng con hằng ngày phải đối diện? Làm sao chúng con có thể bỏ qua khi khổ nhục
đã in dấu trong tâm hồn và trên thân xác chúng con? …Nhưng chúng con
cũng hiểu rằng tha thứ khó khăn như vậy thì những người khác tha thứ cho chúng
con cũng khó khăn không kém.Vậy xin Chúa thương xót giúp tất cả chúng
con biết rèn luyện theo lời dạy của Ngài, khoan dung, tha thứ vô điều kiện,
không giới hạn, không phân biệt... để trong mọi hòan cảnh, chúng con luôn luôn
ý thức được rằng tha thứ là một bổn phận, một trách nhiệm, một nhiệm vụ cao cả phải
có nơi người Kito Hữu, nếu chúng con muốn được Chúa khoan dung, thứ
tha mọi lỗi lầm. Vì Đức giesu Chuá chúng con. Amen.
Than men,
duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét