Dạy trẻ không quá coi trọng vật chất
Thứ
hai, 17/8/2020-VnExpress.net
Ảnh: Shutterstock.
Thay vì khen thưởng bằng
vật chất như tiền bạc, thiết bị điện tử, phụ huynh hãy dành tặng con các món
quà về tinh thần hoặc lời khích lệ.
Một nghiên cứu năm 2015
được công bố trên tạp chí Nghiên cứu người tiêu dùng chỉ ra những đứa trẻ quá
coi trọng vật chất có hai niềm tin chính. Một là thành công được định nghĩa bằng
việc sở hữu những món đồ chất lượng cao và lượng của cải vật chất. Hai là giá
trị của một người được thể hiện qua những món đồ mà họ mang hay sở hữu.
Hầu hết phụ huynh không
chủ đích truyền dạy những điều này cho con cái. Tuy nhiên, phương pháp nuôi dạy,
vấn đề kỷ luật hoặc làm gương trong gia đình đã vô tình biến trẻ trở thành người
coi trọng vật chất. Có ba phương pháp nuôi dạy chính đã định hình lối sống vật
chất cho trẻ gồm:
Khen thưởng: Khi trẻ hoàn
thành mục tiêu đã đề ra, người lớn thường sử dụng phần thưởng để khích lệ. Tuy
nhiên, những món quà nặng về vật chất như tiền bạc, đồ chơi đắt tiền, điện thoại
thông minh có thể bóp méo ý tưởng khen ngợi. Trẻ sẽ cho rằng vật chất là mục
tiêu cuối cùng của mọi hành động.
Tặng quà: Quà tặng là biểu
hiện của tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái. Nhưng nếu liên tục nhận được
những món quà đắt tiền, trẻ sẽ nảy sinh tâm lý đòi hỏi, coi trọng các món quà
có giá trị về vật chất hơn về tinh thần.
Tịch thu tài sản: Hình phạt
liên quan đến tài sản như cắt tiền tiêu vặt, tịch thu đồ đắt tiền gửi đi thông
điệp rằng trẻ sẽ không thể sống thoải mái nếu thiếu vật chất.
Để nuôi dạy những đứa trẻ
không coi trọng vật chất, cha mẹ có thể áp dụng năm phương pháp dưới đây.
1. Thảo luận về
tiền bạc
Quản lý tiền bạc không phải
là môn học trong hệ thống giáo dục phổ thông nên hầu hết trẻ học về tiền bạc
thông qua cách chi tiêu của cha mẹ. Bước đầu tiên, phụ huynh hãy thảo luận với
con về khái niệm tiền bạc, nhấn mạnh rằng tiền không mọc từ trên cây mà phải nỗ
lực, chăm chỉ để kiếm được.
Theo Viện Phát triển trẻ
em Mỹ, việc dạy về tiền bạc giúp trẻ hiểu rõ hơn giá trị, mức độ tiêu hao của
tiền. Từ đó, hình thành thói quen chi tiêu có trách nhiệm và tiết kiệm khi trưởng
thành.
2. Hạn chế
quà tặng thiên về vật chất
Nghiên cứu chỉ ra rằng những
người quen được khen thưởng từ khi còn nhỏ sẽ tiếp tục tự thưởng cho bản thân
sau khi lớn lên. Nếu cha mẹ thưởng con nhiều quà về vật chất, lớn lên các bé
cũng sẽ tìm kiếm hoặc đòi hỏi những món quà tương tự.
Vì vậy, cha mẹ nên hạn chế
quà tặng về vật chất và thay bằng những món quà đề cao giá trị tinh thần hoặc
đơn giản là khen ngợi bằng lời nói. Ví dụ, thay vì thưởng tiền nếu con đạt điểm
10, bạn có thể đưa con đi sở thú, cắm trại nhằm nuôi dưỡng tình yêu thiên
nhiên, kết nối các thành viên trong gia đình.
3. Dành thời gian cho con
cái
Cuộc sống hiện nay khiến
con người trở nên bận rộn hơn, ít có thời gian dành cho gia đình, con cái. Để vừa
trông con vừa hoàn thành công việc, nhiều cha mẹ để con một mình với thiết bị
điện tử, đồ chơi. Điều này làm giảm giá trị của các mối quan hệ, đẩy mạnh việc
tiêu khiển bằng các món đồ vật chất.
Thay vào đó, phụ huynh
nên cố gắng dành nhiều thời gian chất lượng bên con cái hoặc khuyến khích con vẽ
tranh, tô màu, chơi thể thao, đọc sách, hạn chế sự chú ý vào các món đồ đắt tiền.
Khoảng thời gian dành cho con cái, cha mẹ không cần hoạt động phức tạp, có thể
chỉ cùng nhau đi dạo, trò chuyện cũng đã khiến trẻ cảm thấy vui vẻ, ấm áp.
4. Nuôi dưỡng
lòng biết ơn
Lòng biết ơn giúp trẻ hiểu
ra mọi món đồ đắt tiền đều không tự nhiên mà có, loại bỏ suy nghĩ hạnh phúc chỉ
đến từ vật chất. Tập trung vào những trải nghiệm tích cực trong cuộc sống sẽ
xây dựng hạnh phúc đồng thời là vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống lại
lòng tham.
5. Lời nói
Khi phụ huynh nói ghen tị
với chiếc ôtô đắt tiền nhà hàng xóm hay mong muốn có chiếc tủ lạnh đời mới nhất
như của bạn bè, bạn vô tình gửi đi thông điệp là khao khát những món đồ thiên về
vật chất. Những câu nói này sẽ bám rễ trong tư duy của trẻ, hình thành những so
sánh giữa đồ trẻ sở hữu và người khác sở hữu. Từ đó làm nảy sinh lòng tham, nhu
cầu tôn thờ vật chất.
Tú Anh (Theo Verywell
Family, Huffpost)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét