Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Hương, Nến, Chuông: Khám Phá Những Giác Quan Của Thánh Lễ



Hương,  Nến,  Chuông:
 Khám  Phá  Những  Giác  Quan  Của  Thánh  Lễ
6 May, 2019

Người Công giáo nào cũng quen thuộc với cảnh quan, âm thanh và ngay cả mùi hương trong Thánh Lễ. Những ngọn nến cháy bập bùng, chuông vang thánh thót và hương thơm ngào ngạt đã in sâu vào giác quan, đánh động khi ta thờ lạy và tôn kính Chúa Toàn Năng. Việc sử dụng chúng đã có từ cả ngàn năm nay.

Tại sao Giáo Hội dùng hương trong thánh lễ?

Hương

Ở xứ Giuđêa, vào thời Chúa Giêsu, hương rất hiếm và đắt. Vì thế, đây chính là lễ vật hoàn hảo để dâng cho vị Vua mới sinh của dân Do Thái: “Họ (các đạo sĩ) vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11).

Người Công giáo từ lâu đã tin rằng khói hương cùng với lời cầu nguyện của chúng ta bay lên đến tận trời: “Một thiên thần khác đến đứng trước bàn thờ, tay cầm bình hương vàng. Thiên thần lãnh nhận nhiều hương thơm, để dâng trên bàn thờ bằng vàng trước ngai Thiên Chúa, cùng với những lời cầu nguyện của toàn thể dân thánh. Từ tay thiên thần, khói hương quyện theo lời cầu nguyện của dân thánh, bay lên trước nhan Thiên Chúa” (Kh 8,3-4).

Hai ngàn năm trước Đức Kitô, những nền văn minh cổ sử dụng hương trong các nghi lễ để trừ tà, trong ma chay tang chế và khi chúc tụng những thần linh của họ. Nơi những người ngoại giáo, họ cũng thường đốt hương mang đi trước đám rước các pharaông Ai Cập hay hoàng đế Rôma. Người Rôma đã cho các Kitô hữu cơ hội cứu lấy  chính mạng sống mình khi đốt hương trước các tượng thần của người Rôma. Trong sách Xuất Hành, chương 30, Thiên Chúa truyền đốt hương trên bàn thờ và trong lều hội ngộ. Các tư tế Do Thái giáo như Zacharia chẳng hạn (cf. Lc 1,8-10) đã dâng hương trong Đền Thờ.

Có lẽ Giáo Hội Đông phương đã sử dụng hương từ thế kỷ thứ V, nhưng mãi đến thế kỷ thứ VII thì Giáo Hội Latinh mới dùng hương, trước hết là cho các đám rước. Vào thế kỷ XI, nó mới được đưa vào nghi lễ Rôma, ban đầu là xông hương trước bài đọc Tin Mừng để tôn vinh lời Đức Kitô và sau đó là những phần khác trong Thánh Lễ. Chẳng bao lâu sau đó, hương được trong nghi lễ an táng, là một phần của Chầu Thánh Thể, và cũng để thanh tẩy con người, ảnh tượng thánh, nhà thờ và những vật dụng trong nhà thờ.

Tự điển New Catholic Dictionary giải thích rằng “đốt hương mang ý nghĩa sự nhiệt tâm, nhân đức tỏa hương thơm, và lời cầu nguyện tựa làn khói bay lên đến trước ngai Thiên Chúa”

Quy chế tổng quát sách lễ Rôma (GIRM), số 276, nói rằng: “Xông hương diễn tả lòng tôn kính và cầu nguyện, như Thánh Kinh đã nói (x. Tv 140,2; Kh 8,3)”. GIRM liệt kê những khi hương được sử dụng trong Thánh Lễ: đoàn rước tiến vào, đến cung thánh xông hương thánh giá và bàn thờ, linh mục và giáo dân, trước khi đọc Tin Mừng, dâng lễ phẩm, nâng bánh thánh và chén sau truyền phép.

Nến



Là nguồn ánh sáng trong 5.000 năm nay, người Rôma và Ai Cập đã đem nến vào trong các nghi lễ tôn giáo và để tôn vinh những thần thánh của họ. Hoàng đế Rôma được xem như thần thánh, và những ngọn nến cháy đi trước đoàn rước có ông tham dự và ngay cả trước hình ảnh của ông. Các Kitô hữu đốt đèn và nến trước mộ của vị tử đạo trong hang toại đạo. Trong những cơn bách hại, họ thờ phượng Chúa khi đêm về và sử dụng nến để xua tan bóng tối. Ngay cả sau khi họ có thể gặp gỡ nhau công khai, ánh sáng cũng không được đưa vào trong các nghi thức phụng tự của họ.

Việc sử dụng nến cách rộng rãi trong Giáo hội Rôma có vào khoảng thế kỷ VII và trước tiên có lẽ là đốt nến trước ảnh tượng Đức Giêsu hay các vị thánh. Nến cũng được mang đi trong các đám rước Đức giáo hoàng và được đưa vào trong Thánh Lễ khi công bố Tin Mừng. Vào thế kỷ XI, nến được đặt trên hay cạnh bàn thờ. Ngày nay, nến thường được mang đi trong đoàn rước vào Thánh Lễ và những nơi thờ kính trong nhà thờ:

*Nến bàn thờ — GIRM, số 117, xác định số nến được sử dụng trong Thánh Lễ: “Trong mọi cử hành, trên bàn thờ hoặc gần bàn thờ, phải đặt hai, hoặc bốn, hoặc sáu chân nến, có nến thắp; nếu Giám Mục giáo phận cử hành Thánh Lễ, thì đặt bảy chân nến”
*Nến khấn— Chúng được xếp thành hàng hay thành cụm khắp nhà thờ. Từ ‘khấn” xuất phát từ “votum” trong tiếng Latinh, có nghĩa là lời khấn tư hay khấn riêng cá nhân. Chúng ta đốt những nến này trước hình ảnh của Chúa Giêsu, Đức Mẹ, hay một vị thánh để tôn kính hay để diễn tả lời cầu nguyện của chúng ta được dâng lên qua ánh sáng của ngọn nến.
*Nến Phục Sinh — Nến Phục Sinh, tượng trưng cho Đức Giêsu Phục Sinh, là ngọn nến lớn được đặt gần giếng rửa tội. Một ngọn nến Phục Sinh mới được thắp lên trong ngày lễ Vọng Phục Sinh và long trọng rước vào nhà thờ. Người ta đặt nó cạnh giảng đài, suốt Mùa Phục Sinh, và rồi sau đó đưa về gần giếng rửa tội. Nó được thắp lên mỗi khi rửa tội hay lễ an táng.
*Nến cung thánh— Theo Giáo luật (số 940) sự hiện diện của Đức Giêsu được tượng trưng bằng cây nến này, giống như đèn hiệu, luôn luôn cháy sáng gần nhà tạm.
*Lễ Nến (Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh) — cứ ngày 2 tháng Hai, linh mục làm phép tất cả các cây nến được sử dụng trong giáo xứ, và rồi giáo dân mang nến cháy sáng trong đoàn rước vào Thánh Lễ. Ánh sáng của ngọn nến tinh tuyền tượng trưng cho Đức Kitô, nhắc lại con trẻ Giêsu trong Đền Thánh và lời của ông Simêôn nói về Đức Giêsu “như ánh sáng mạc khải cho dân ngoại và vinh quang của dân Israel” (Lc 2,32).

Chuông

Rung chuông là thực hành cổ xưa, và truyền thuyết cho rằng Thánh Paulinus thành Nola, nước Ý, là người đầu tiên dùng chuông trong bối cảnh tôn giáo, để báo hiệu cho các tu sĩ cầu nguyện vào thế kỷ V. Chẳng bao lâu sau dó, các nhà thờ lân cận tu viện đã rung chuông kêu mời các tín hữu thờ phượng. Chuông không chỉ rung để báo cho mọi người đến tham dự Thánh Lễ mà còn để báo giờ, cảnh báo những tai họa sắp xảy đến như thời tiết xấu hay có quân xâm lăng, loan báo ngày nghỉ lễ, lệnh giới nghiêm, mời gọi người ta đọc kinh Truyền Tin và báo tang. Tiếng chuông thu hút sự chú ý và mời gọi chúng ta đến cùng nhau.

Bắt đầu từ thế kỷ XIII, chuông tay được rung lên để nhấn mạnh đến những phần khác nhau trong Thánh Lễ, gồm kinh Thánh Thánh Thánh, truyền phép, đọc Tin Mừng và dâng lễ. Có một thời chuông trên tháp cũng được rung lên khi nâng Mình Thánh. Người rung chuông nhìn qua một cái lỗ trên trần khi phụng vụ diễn ra để biết khi nào phải rung chuông. Nghe tiếng chuông trên tháp, những người không tham dự Thánh Lễ cũng phải dừng lại, và cùng với những người trong nhà thờ, họ nhận biết phép lạ đang diễn ra.

Vài nhà thần học nào đó cho rằng chuông là không cần thiết và những người dự Thánh Lễ không cần phải được báo trước rằng có điều đặc biệt nào đó sắp xảy ra. Kết quả là một số người Công giáo tin cách sai lạc rằng không cần phải rung chuông trong Thánh Lễ. Tuy nhiên, Quy chế tổng quát sách lễ Rôma (GIRM) nói rằng: “Một lát trước khi truyền phép, nếu thuận tiện, người giúp lễ sẽ rung chuông nhắc nhở giáo dân. Cũng rung chuông mỗi lần dâng Mình Thánh, Máu Thánh lên, tùy theo thói quen mỗi địa phương.” (số 150).

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Nguồn: Website Giáo phận Qui Nhơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét