Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

GIẢI ĐÁP THÊM THẮC MẮC

 

GIẢI  ĐÁP  THÊM  THẮC  MẮC

                                          Lm. P. X Ngô Tôn Huấn

Xin cha giải đáp những thắc mắc sau đây: 

1- Anh chị em Tin Lành thường phê phán Công Giáo về những việc mà họ cho là không có nguồn gốc Kinh Thánh như: Hỏa ngục, luyện ngục, sự sống lại của thân xác con người, lễ Misa, Đức Mẹ lên Trời cả hồn xác…. xin cha cho biết phải trả lời họ thế nào?

2- Trước khi cử hành Thánh lễ, có nghi thức sám hối xin Chúa thương tha tội lỗi để xứng đáng dâng và tham dự Thánh lễ. Như vậy, nghi thức này có tha hết mọi tội nặng nhẹ hay không?

3- Có cần cầu xin cho các thai nhi bị giết trong các vụ phá thai không?

 

Trả lời:


1- Tôi đã có đôi lần nói rõ là các nhánh Tin Lành (Protestants) nói chung chỉ dựa vào Kinh Thánh (Sola Scriptura) để giảng đạo và phê bình Giáo Hội Công Giáo về những điều họ cho là không có nguồn gốc Kinh Thánh.


Thí dụ, họ nói không tìm được đâu ra danh xưng “Công Giáo = Catholicism

 Trong Kinh Thánh, nên họ không công nhận Giáo Hội Công Giáo có căn bản Kinh Thánh.

 

Họ đã sai lầm vì không biết rằng Giáo Hội Công Giáo, ngoài Kinh Thánh, còn có các nguồn chân lý khác là mặc khải (revelation) Thánh Truyền (Sacred Tradition) và   Quyền Giáo Huấn (Magisterium) của Giáo Hội, mà họ không nhìn nhận, nhưng đây là những cơ sở vững chắc mà Giáo Hội dựa vào để dạy dỗ và bảo vệ đức tin Kitô Giáo tinh tuyền được truyền lại từ các Thánh Tông Đồ cho đến nay và cho đến ngày mãn thời gian.

 

Nếu nói về danh xưng có trong Kinh hánh, thì không những từ ngữ “Công Giáo”, mà cả “Tin Lành” và “Chính Thống”,  cũng  đều không có trong Kinh Thánh Cựu và Tân Ước.

 

Nhưng tại sao Giáo Hội của Chúa Kitô lại được gọi là Công Giáo?

 

Lý do là, trước khi về trời, Chúa Kitô đã truyền cho các Tông Đồ  mệnh lệnh  sau đây: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28: 19)

 

Có nghĩa là phải mang Đạo Thánh của Chúa đến với hết mọi người trong nhân loại, không phân biệt biên giới, chủng tộc và văn hóa.

 

Đây là nét phổ quát (universality) của ơn cứu độ mà Chúa Kitô đã trả bằng giá máu của Người để cho “muôn dân được cứu độ”. (Mt 20: 28)

 

Lại nữa, sự kiện Chúa tỏ mình cho dân ngoại qua ba chiêm tinh gia (vẫn quen gọi là ba Vua) từ phương đông đến bái lậy Chúa Hài Đồng và dâng lễ vật gồm vàng, nhũ hương và mộc dược (Mt 2: 1: 11) đã cho thấy Chúa Cứu Thế Giêsu đến trần gian không phải chỉ để cứu độ cho Dân Do Thái, dù họ là Dân riêng của Thiên Chúa, mà còn để cứu độ cho hết mọi người thuộc mọi chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Vì thế Đạo của Chúa phải là Đạo Công Giáo vì mục đích cứu rỗi dành cho hết mọi người đã sinh ra trong trần gian này.

 

Công giáo (Catholic) có nghiã là phổ quát = universal, là dành cho hết mọi người chứ không có nghĩa là công cộng = pubic như có kẻ mê muội và thù nghịch đã cố tình dịch ra Anh ngữ Đạo Công Giáo là “Public Religon”.

 

Đạo là Công giáo nên Giáo Hội của Chúa là Công Giáo vì mục đích mời gọi mọi người gia nhập để được lãnh ơn cứu chuộc của Chúa Giê-su Kitô.

 

Cũng vì chỉ dựa vào Kinh Thánh, nên anh em Tin Lành không thể tìm đâu ra danh xưng Công giáo, cũng như các phẩm trật trong Giáo Hội từ Đức Thánh Cha xuống hàng Hồng Y, Giám Mục, Linh mục và Phó tế.

 

Nếu họ dựa vào Kinh Thánh để phủ nhận danh xưng “Công giáo” thì chính họ cũng không có nguồn gốc Kinh Thánh nào khi khởi xướng Phong Trào canh tân và tự mang danh hiệu là Tin Lành (Thệ phản = Protestantism)

 

Lại nữa, chính vì không tin Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể (Eucharist) và Truyền Chức Thánh (Holy Orders) trong Bữa ăn sau cùng với 12 Tông Đồ, nên anh em Tin Lành không hiểu được vì sao Giáo Hội Công Giáo cử hành Thánh lễ Tạ ơn (Eucharist) và có các chức thánh Phó tế, Linh mục và Giám Mục để coi sóc và phục vụ cho nhu cầu thiêng liêng của giáo dân không phân biệt mầu da, ngôn ngữ và văn hóa.

 

Lại nữa, Vì họ không có chức Linh mục hữu hiệu nên họ không thể có Bí tích Thánh Thể được, cho dù họ có nghi thức bẻ bánh và uống rượu mỗi khi tụ họp để giảng Kinh Thánh. Vả lại, cũng vì họ không tin có sự biến đổi bản thể = Transubstantiation của bánh thành Mình và Máu Chúa Kitô như Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Đông Phương tin, nên họ có bẻ bánh và uống rượu thì đây chỉ là bánh và rượu thôi, chứ không phải là Mình Máu Chúa Kitô hiện diện thực sự trong hai chất thể là bánh và rượu mỗi khi Giáo Hội cử hành Thánh lễ Tạ Ơn (Eucharist) trên bàn thờ. Đây là điểm khác biệt to lớn giữa Công Giáo và Tin Lành liên quan đến Thần học bí tích. Cũng vậy, do không nhìn nhận vai trò và trách nhiệm của Đức Thánh Cha, nên họ không hiểu được rằng - với Quyên Giáo Huấn (Magisterium)- Đức Thánh Cha có năng quyền tuyên bố không sai lầm những tín điều về đức tin và luân lý như tín điều (dogma) Đức Mẹ hồn xác lên Trời (Assumption) được Đức Thánh Cha Piô XII tuyên bố năm 1950.. Tin điều Đức Mẹ Vô nhiễm Thai (Immaculate Conception) được Đức Thánh Cha Piô X công bố năm 1854. Tín điều này, sau đó, đã được chính Đức Mẹ xác nhận khi Mẹ  hiện ra với thiếu nữ (nay là thánh) Bernadette ở Hang Đá Lộ Đức năm 1858 khi Mẹ nói với Bernadtte: Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai. (Immaculate Conception)

 

Và cũng với Quyền Giáo Huấn, Giáo Hội đã công bố Sách Giáo Lý (Catechism) để dạy giáo dân những điều phải tin và thực hành cho được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Giáo lý dạy có Thiên Đàng, Luyện tội và hỏa ngục, cũng như tín điều các Thánh Thông công, tin phép tha tội, tin xác loài người ngày sau sống lại, và ân xá (indulgences) để tha các hình phạt  hữu hạn (temporal punishment). (x SGLGHCG số 1023, 1030, 1033, 1038, 1324-1328, 1440)

 

Anh em Tin Lành không công nhận Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội Công Giáo nên họ chỉ trích vì không tin những gì Sách Giáo lý dạy là điều dĩ nhiên, không thể tranh luận gì được.

 

Tóm lại, vì không hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, nên các nhánh Tin Lành có rất nhiều điều không đồng ý với Giáo Hội trong  nhiều phạm vi.

 

Và để trả lời cho những chỉ trích của họ, chúng ta chỉ cần nêu ra những điều họ không công nhận như Mặc khải, Thánh truyền và Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội,là những căn bản thần học và Kinh Thánh mà dựa vào đây Giáo Hội thi hành sứ mạng của mình, nhưng vì họ không tin nên  không thể cãi lý suông được.

 

2- Nghi thức sám hối có thay thế bí tích hòa giải hay không?

 

Liên quan đến cẩu hỏi thứ 2, xin được nói lại một lần nữa là Bí tích hòa giải đã được chính Chúa Giê-su thiết lập và truyền cho các Tông Đồ thi hành như sau:

 

 “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha

 

 Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cẩm giữ.” (Ga 20: 23)

 

Đây là nền tảng Kinh Thánh của Bí Tích hòa giải mà anh em Tin Lành không tin, mặc dù họ cứ viện dẫn Kinh Thánh để phê bình Giáo Hội Công Giáo.

 

Với bí tích trên, mọi tội con người phạm vì yếu đuối và vì ma quỷ cám đỗ, đều có thể được tha, nếu hối nhân thực tâm sám hối để xin Chúa thứ tha, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức tội hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa và tình thương tha thứ của Người, thì không còn lý do gì để thứ tha nữa. (Mc 3: 29; Lc 12: 10)

 

Khi tham dự Thánh lễ, mọi người phải cùng sám hối xin Chúa tha thứ những lầm lỗi nhẹ để xứng đáng được cử hành (Chủ Tế) và tham dự (giáo dân) Mầu nhiệm thánh.

 

 Tuy nhiên, Nghi thức sám hối trên (penitential rite) chỉ tha những tội nhẹ (venial sins) chứ không tha tội trọng (mortal sins). Vì thế, giáo luật và Giáo lý dạy nếu xét mình có tội trọng chưa được tha qua bí tích hòa giải. (x giáo luật số 916; thì không được cử hành (linh mục) và rước Mình Máu Thánh Chúa (giáo dân) khi tham dự Thánh Lễ. (SGGHCG số 1415).

 

Nghĩa là phải chạy đến với hành bí tích hòa giải để được tha mọi tội nặng và nhẹ trước khi cử hành và tham dự Thánh lễ Tạ Ơn, vì nghi thức sám hối trước Thánh lễ  không thay thế được bí tích hòa giải trong trường hợp ai đang mắc tội trọng.

 

Tóm lại, nếu có tội trọng thì phải đi xưng tội trước khi cử hành và tham dự Thánh lễ để được rước Mình Máu Chúa Kitô cách xứng đáng theo lời dạy của Giáo Hội

 

3. Để trả lời câu hỏi thứ ba, chúng ta nhớ ngay đến Điều răn Thứ Năm Chúa dạy không được giết người, trừ trường hợp phải tự vệ để bảo vệ mạng sống của mình, chống lại kẻ muốn sát hại mình hay sát hại mạng sống của thân nhân như cha mẹ, vợ con  thì mình phải chống lại kẻ toan sát nhân đó dù cho việc phải tự vệ này có đưa đến thiệt mạng của kẻ tấn công thì cũng không mắc tội sát nhân. Do đó kẻ phá thai hay giúp người khác phá thai có kết quả thì đều phạm tối sát nhân, vi phạm điều răn thứ Năm của Chúa.Trong trường hợp này, thai nhi, dù chỉ mới thành hình trong lòng mẹ dược 3, 4 tháng…, thì đã là mầm sống phải được bảo vệ và tôn trọng. Các bào thai kia hoàn toàn vô tội trước mặt Chúa và kẻ có tội là kẻ đã giết các mầm sống đó tức các thai nhi nạn nhân kia. Như vậy không cần phải cầu cho các thai nhi bị giết vì nạn phá thai. Thiên Chúa là tình yêu và công bằng nên Người không bao giờ bắt lỗi các thai nhi bị giết, là nạn nhân đáng thương của tệ trạng phá thai đang diễn ra ở khắp nơi trong thế giới vô luân, vô đạo ngày nay. Có cầu nguyện thì phải cầu cho cha mẹ hay cho những kẻ hành nghề phá thai đầy tội lỗi này để họ được thức tỉnh lương tâm mà từ bỏ nghề phá  thai nhi tức giết người này. Amen

 

Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn các câu hỏi đặt ra.

 

Lm. P. X Ngô Tôn Huấn, DMin (Tiến sĩ Sứ Vụ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét