8 nhân vật truyền động lực nếu bạn chưa giàu trước 30 tuổi
Những nhân vật thành công sau đây sẽ là động lực phấn đấu nếu bạn chưa giàu trước 30 tuổi và đang quyết tâm đổi đời trước tứ tuần.
Giàu có ngay từ đôi mươi như Mark Zuckerberg, Bill Gates hay Evan Spiegel... là những câu chuyện tuyệt vời. Tuy nhiên, những trường hợp như thế này không quá phổ biến và không phải chuẩn mực cho những ai qua 30 tuổi mà vẫn chưa giàu phải lo lắng.
Theo khảo sát của Rich Habits với hơn 200 triệu phú USD, trung bình phải mất 32 năm để các triệu phú tự thân đạt được sự giàu có. Do đó, nếu bạn hơn tuổi 30 mà vẫn chưa giàu thì cũng không phải quá muộn. CNBC giới thiệu 8 nhân vật thành công ở độ tuổi này mà bạn có thể học hỏi để tăng động lực phấn đấu.
Jeff Bezos
Bezos sáng lập cửa hàng bán sách qua mạng tên Amazon vào năm ông 31 tuổi. Ngày nay, Amazon trở thành một nền tảng trực tuyến kinh doanh hầu như mọi thứ. Hiện, ở tuổi 54, Bezos đang là người giàu nhất thế giới.
Oprah Winfrey
Oprah Winfrey là con của một người mẹ đơn thân tuổi thiếu niên. Bà lớn lên trong một già đình thu nhập thấp ở Mississippi. Năm 32 tuổi, talkshow đầu tiên do bà dẫn dắt lên sóng toàn quốc tại Mỹ, đưa bà trở thành "nữ hoàng truyền hình"sau 3 thập kỷ miệt mài làm việc.
Bà là nhà sáng lập ra tạp chí "O, The Oprah Magazine", kênh truyền hình "The Oprah Winfrey Network" và nắm cổ phần tại Weight Watchers. Năm 2014, Forbes vinh danh bà là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ, nữ tỷ phú da đen đầu tiên trên thế giới. Hiện tại, tổng tài sản của bà đạt 2,8 tỷ USD.
Doris Fisher
Là một trong 100 người phụ nữ quyền lực nhất của Forbes, bà Doris Fisher cùng chồng sáng lập ra Gap vào năm 1969, lúc bà 37 tuổi. Cửa hàng đầu tiên của vợ chồng đặt tại San Francisco, với vốn đầu tư 63.000 USD, chuyên bán quần jean phục vụ dân Hippy.
Bà Fisher trực tiếp tham gia vào công việc kinh doanh của Gap cho đến năm 2003 và rời khỏi ban điều hành vào năm 2009. Hiện nay, ở độ tuổi gần 90, tài sản của bà đạt 2,8 tỷ USD. Trong khi đó, Gap trở thành một tập đoàn thời trang quốc tế và sở hữu hai thương hiệu khác là Old Navy và Banana Republic.
William Lever
Năm 1884, William Lever mua lại một xưởng sản xuất xà phòng nhỏ. Hai năm sau đó, ông cùng người thân đồng sáng lập ra hãng xà phòng tên Lever Brothers. Khi ấy, ông đã 35 tuổi.
Đến năm 1890, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang Australia, Canada, Đức và Thụy Sỹ. Thành công của hãng nhờ tư duy kinh doanh không chỉ xà phòng mà còn nhãn hiệu, với các chiến dịch PR đã đi vào lịch sử ngành tiếp thị thế giới.
Năm 1930, Lever Brothers hợp nhất với Margarine Union để tạo thành tập đoàn nhu yếu phẩm hàng đầu thế giới đến hôm nay, là Unilever.
Reid Hoffman
Hoffman từng khởi nghiệp với một trang web hẹn hò trực tuyến nhưng không thành công. Năm 31 tuổi, ông tham gia sáng lập ra PayPal và là phi vụ kinh doanh thành công đầu tiên trong đời. Bốn năm sau, ông đồng sáng lập nên LinkedIn ở tuổi 35. Năm 2016, Microsoft mua lại công ty của ông với giá 26,2 tỷ USD.
Sau thương vụ, ông tham gia vào hội đồng quản trị của Microsoft. Hiện ông còn nằm trong ban điều hành một số tổ chức phi lợi nhuận, bao gồm cả Kiva, chuyên chống đói nghèo thông qua các giải pháp tài chính vi mô. Forbes cho biết tài sản của ông hiện đạt 3,2 tỷ USD.
Masaru Ibuka
Doanh nhân người Nhật Masaru Ibuka đồng sáng lập ra Tokyo Tsushin Kogyo vào năm 1946, khi ông 38 tuổi. Đến năm 1957, công ty đổi tên thành Sony và chinh thức IPO. Thời điểm đó, dù chưa xuất khẩu mạnh mẽ nhưng công ty này đã nhìn xa trông rộng bằng cách đi đăng ký nhãn hiệu và các ngành nghề kinh doanh khác ngoài điện tử ở 170 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ông rời khỏi công việc điều hành của Sony vào năm 1976 nhưng vẫn là cố vấn cấp cao cho đến lúc qua đời vào năm 1998. Ngày nay, Sony không chỉ sản xuất hàng điện tử mà còn cung cấp dịch vụ viễn thông, sản xuất phim và âm nhạc.
Gordon Moore
Ở tuổi 39, Moore đồng sáng lập nên NM Electronics, nay chính là Intel Corporation. Sau nhiều năm đảm nhận các vai trò tại tập đoàn này, Moore được tiến cử làm chủ tịch danh dự vào năm 1997.
Moore nổi tiếng với nhận định sức mạnh xử lý của máy tính sẽ tăng gấp đôi sau mỗi năm, hay còn gọi là Định luật Moore.
Năm 2000, ông cùng vợ thành lập một quỹ từ thiện chuyên hỗ trợ bảo tồn môi trường, chăm sóc bệnh nhân và nghiên cứu khoa học với giá trị 6 tỷ USD. Hiện tổng tài sản của ông đạt 10 tỷ USD.
Vivienne Westwood
Westwood khởi đầu là một giáo viên và làm thêm đồ trang sức, quần áo để kiếm thêm. Đến 30 tuổi, bà nghỉ dạy và theo đuổi nghề thiết kế thời trang. Sự nghiệp bà thăng hoa sau khi gặp gỡ và kết hợp cùng Malcolm McLaren.
Đến năm 1983, bộ đôi tan rã và bà ra kinh doanh thương hiệu thời trang riêng. Ngày nay, đây vẫn là một thương hiệu mạnh với các khách hàng bổi bật từng có như hoàng gia Anh hay nghệ sỹ rap Pharrell.
Năm 2016, khi ở tuổi 75, bà vẫn duy trì phong cách sống như thời trẻ. Bà ở thuê một căn hộ giá 400 USD mỗi tháng và lái môtô đi làm.
Phiên An (theo CNBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét