Chuyện THÁNG SÁU
Đối với thời tiết tại Việt
Nam, Tháng Sáu là lúc “giao mùa” Nắng – Mưa. Cái nắng trong như pha lê, vàng
ươm, nhưng lại giống như lửa thiêu: gay gắt, oi ả, nóng bức, … Đã có những giọt
mưa đầu mùa nhưng chưa đủ để “xoa dịu” cơn nắng lửa, có lẽ vì vậy mà “trời
không mưa cũng lạy trời mưa” (Tháng Sáu Trời Mưa – thơ Nguyên Sa, nhạc Hoàng
Thanh Tâm).
Ngoài ra, chúng ta còn có
Ngày Hiền Phụ (Ngày của Cha – Father's Day) để tôn vinh những người làm cha, được
kỷ niệm vào Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu. Xin Thiên Chúa chúc phúc cho những
người mang trọng trách làm cha trong việc giáo dục con cái thay mặt Thiên Chúa
(x. Ep 6:4).
Đó là chuyện Tháng Sáu của
xã hội trần thế. Tháng Sáu của Công giáo là tháng biệt kính Thánh Tâm Chúa
Giêsu – Đấng cứu độ nhân loại. Thánh Tâm Chúa Giêsu là Nguồn Mạch Lòng Thương
Xót, là Cửa Ngõ Yêu Thương, và là Nơi Trú Ẩn An Toàn cho mọi người – nhất là những
người mệt mỏi vì gánh nặng khổ đau (x. Mt 11:28-30).
1. NGƯỜI CHẾT HAI LẦN
Sinh ký, tử quy. Vòng
sinh – tử là vòng định mệnh của phàm nhân, nói đúng hơn là tội nhân, không thể
khác hơn. Và mỗi người chỉ có một mạng sống, nghĩa là ai cũng chỉ chỉ sống một
cuộc đời, rồi chết một lần mà thôi. Vậy tại sao lại có chuyện “chết hai lần” chứ?
Có đấy!
Trong ca khúc “Ngụ Ngôn
Mùa Đông”, cố NS Trịnh Công Sơn mô tả: “Người chết hai lần, thịt da nát tan”.
Như đã nói, mỗi người chỉ có một mạng, tất nhiên cũng chỉ có thể chết một lần –
dù là “mạng cùi”, chẳng ai lại có thể chết đến hai lần. Ấy thế mà có một số người
“chết hai lần” thật đấy!
Thường thì ai cũng chỉ chết
một lần, đó là chuyện tất nhiên và dễ hiểu. Nhưng có những người lại thực sự chết
hai lần. Những người mà NS Trịnh nói đến là những người chết trong những cuộc
chiến. Họ đã chết thật rồi, nhưng họ lại phải chết lần nữa khi trái phá rơi
trúng vào họ: “Một ngày mùa Đông, trên con đường mòn, một chiếc xe tang, trái
mìn nổ chậm, người chết hai lần, thịt da nát tan”. Tàn nhẫn quá chừng! Thương
tâm biết bao!
Và chính Đức Giêsu Kitô
cũng là NGƯỜI CHẾT HAI LẦN.
Thật vậy, Thánh sử Gioan
tường thuật: “Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Ngài đã chết, họ không đánh giập ống
chân Ngài. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài” (Ga
19:33-34a). Rõ ràng Ngài đã tắt thở rồi, chết thật rồi, thế mà người ta vẫn nhẫn
tâm đâm mạnh vào trái-tim-đã-ngưng-đập để Ngài phải chết thêm một lần nữa. Người
ta tán ác quá!
Chúng ta – những tội nhân
khốn nạn – còn nhẫn tâm hơn nữa, bởi vì chúng ta liên tục yếu đuối và sa ngã,
nghĩa là chúng ta bắt Đức Kitô phải chết hàng triệu lần, hàng tỷ lần, chứ không
chỉ hai lần mà thôi. Ôi, thật là khủng khiếp, chúng ta độc ác quá!
Sau cái đâm bằng ngọn
giáo từ tay người lính La Mã, “tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19:34b). Máu
và Nước là bằng chứng của Tình Yêu Thiên Chúa, là suối nguồn của Lòng Chúa
Thương Xót. Đó là minh chứng hùng hồn cho người ta thấy rõ Lòng Thương Xót của
Đức Kitô, Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa, lớn hơn tội lỗi của cả nhân
loại của mọi thời. Thế mà ngày nay vẫn có những người không muốn tin vào Lòng
Thương Xót ấy, thậm chí có người còn ngăn cản việc người ta sùng kính Lòng Chúa
Thương xót, dù chính họ đã và đang hưởng nhờ Lòng Chúa Thương Xót. Rồi còn những
“phe nhóm” khác nhau, không hiệp nhất. Thật khó hiểu!
Một hệ lụy tất yếu: Chắc
chắn KHÔNG AI LẠI KHÔNG CẦN ĐẾN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT. Tại sao? Bởi vì ai cũng
phạm tội và tái phạm quá nhiều lần, không thể đếm xuể!
Ngày xưa, Chúa Giêsu đã từng
nguyền rủa những kinh sư, luật sĩ và những người Pharisêu giả hình: “Các người
khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ
muốn vào, các người cũng không để họ vào” (Mt 23:13). Rồi Ngài còn “láy” lại:
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình!” (Mt 23:14).
Kinh Thánh đã xác định rạch
ròi: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19:37). Thật vậy, chính viên đại
đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, khi thấy Ngài tắt thở như vậy, đã phải
thốt lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mt 27:54; Mc 15:39; Lc
23:47).
Tục ngữ Việt Nam cũng có
cách nhận định tương tự: “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được
người rồi thì mặt vàng như nghệ”. Những người càng hả hê và cao ngạo bao nhiêu
thì chính họ lại càng sợ hãi, hoảng loạn, và chạy trốn. Nếu không có Lòng Chúa
Thương Xót thì thế giới này sẽ biến thành hư vô!
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu,
xin thương xót mà tha thứ cho chúng con vì chúng con còn yếu đuối quá. Xin làm
cho những trái-tim-hóa-đá của chúng con nên mềm nhũn mà sớm nhận biết và thờ lạy
Thiên Chúa duy nhất là Đấng giàu lòng thương xót. Amen.
2. NỖI NIỀM LƯỠI ĐÒNG
Mỗi tội nhân chúng ta
cũng tương tự lưỡi đòng đã đâm vào Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tự nhận thức như vậy,
chúng ta cùng nhân cách hóa nỗi niềm của Lưỡi Đòng mà cầu xin Thiên Chúa tha thứ...
Lạy Đấng cứu độ giàu lòng
thương xót,
Con được Thiên Chúa tạo dựng
chỉ là một lưỡi đòng, dân gian thường gọi là lưỡi giáo – nghĩa là con chỉ là một
vật vô tri, vô giác, không có linh hồn, không có sinh hồn, cũng chẳng có giác hồn;
và như vậy, tất nhiên con không thể chủ động làm được điều gì. Con có chọc thủng
cái gì hoặc làm ai bị thương thì đều do những người ác điều khiển con mà thôi!
Tuy nhiên, cứ mỗi khi phụng
vụ nhắc lại câu Kinh Thánh: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức
thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19:34), con lại thấy chạnh lòng – nhất là mỗi
năm vào Thứ Sáu Tuần Thánh, các Thứ Sáu đầu tháng, các dịp lễ kính Thánh Tâm
Chúa Giêsu hoặc các dịp tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót. Con cảm thấy vừa tủi
thân vừa xấu hổ lắm, thưa Đức Chúa từ bi nhân hậu!
Hôm đó là ngày Sa-bát, là
ngày nghỉ vì là lễ trọng, hẳn là ai cũng muốn rảnh rang mừng lễ với vợ, với
con, với gia đình, nhưng quân lính La Mã còn “kẹt” vì ba tử tội – trong đó có
Chúa Giêsu, thế nên họ chưa được về nhà sớm. Vả lại, họ ăn lương của đế quốc La
Mã thì phải làm chu toàn trách nhiệm. Ăn được đồng tiền của người ta đâu có dễ
gì!
Chiều hôm đó có lẽ họ nôn
nóng về sớm, mà mấy tay tử tội sống dai dẳng quá, đóng đinh thế mà vẫn chưa chịu
tắt hơi, thế nên họ phải tìm cách làm cho các tử tội “sinh thì” càng sớm càng tốt.
Sau khi họ đánh giập ống chân hai tử tội kia, họ đến chỗ Chúa Giêsu, định bụng
cũng đập giập ống quyển cho Ngài chết sớm, nhưng chúng thở phào nhẹ nhõm vì thấy
Ngài đã tắt thở rồi (Ga 19:33). Họ bỏ búa xuống và nhìn nhau cười đắc chí. Chắc
hẳn là họ khoái lắm, cười toe toét, cười đến nỗi “không còn nhìn thấy tổ quốc”
luôn, vì ít ra cũng đỡ tốn sức mà đưa búa tạ lên giáng vào ống chân Chúa bị
treo cao trên Thập Giá.
Thật thương thay, chắc là
Ngài quá yếu vì phải nhịn đói, nhịn khát, bị hành hạ, lại phải vác Thập Giá nặng
nề leo lên đồi trên con đường gập ghềnh, kiệt sức rồi nên Ngài đã chết trước
hai tướng cướp kia.
Mặc dù biết rõ Ngài đã chết
thật rồi, thế mà một tay lính còn chơi khăm, chả biết vì đâm thử xem sao hay có
ác ý, sẵn ngọn giáo là con đây, họ liền chọc thẳng vào tim Ngài cho nước và máu
chảy kiệt luôn tới giọt cuối cùng. Người lính La Mã đó có tên gọi là Long-gi-nô
(Longinus).
Ôi chao, sao mà người ta
nhẫn tâm thế không biết, lòng lang dạ thú chứ chẳng phải con người nữa – dù họ
mang vóc dáng con người, đã thấy Ngài chết chắc rồi mà còn nỡ bắt Ngài chết lần
nữa. Khốn nạn vô cùng!
Chúa ơi, dù sao thì chuyện
cũng đã rồi. Chuyện gì đến sẽ đến, đang đến, và đã đến. Con không chủ động đâm
thấu tim Ngài, nhưng con vẫn tự thấy có tội. Dù sao cũng vì lưỡi-đòng-con mà
Ngài phải chết thêm lần thứ hai. Xin thương xót lưỡi-đòng-con, lạy Chúa Giêsu
nhân từ!
Mặc dù vậy nhưng con lại
có cái may, đó là con được trở nên kẻ đầu tiên được vào “khám phá” Thánh Tâm
Ngài. Nghĩ đến đây, con cảm thấy phần nào an ủi. Và chính con cũng là kẻ đầu
tiên được tắm gội trong Nước và Máu Thánh Ngài. Và cũng qua con, Máu Thánh Ngài
đã chảy xuống rồi chạm vào tay của Long-gi-nô, rồi gã lấy tay dụi mắt, và mắt
gã được sáng – vì gã có thị lực kém lắm, con không rõ gã cận thị, viễn thị hay
loạn thị nữa. Phép lạ nhãn tiền đã xảy ra ngay lập tức đối với chính kẻ nhẫn
tâm đâm thấu Thánh Tâm Ngài. Như vậy, con cũng có chút gì đó gọi là “công trạng”.
Ôi, con sung sướng và cảm tạ Ngài nhiều lắm!
Theo dòng thời gian, Tháng
Sáu lại về, Giáo hội Công giáo đặc biệt dành riêng tháng này để tôn kính và yêu
mến Thánh Tâm Ngài, con nhớ đến Ngài và nghĩ về thân phận con.
Lạy Thánh Tâm chan chứa
Lòng Thương Xót, , con xin tín thác vào Ngài, xin thương xót phận đời vô duyên
của con! Xin cho mọi người được nên như lưỡi-đòng-con, không phải để giống con
đâm thấu tim Ngài, mà là được nhận biết lòng thương xót bao la của Ngài, biết
khám phá Thánh Tâm Ngài và được cư ngụ trong Thánh Tâm Ngài, cả đời này và đời
sau. Amen.
3.
LỜI HỨA THÁNH TÂM
Khi mặc khải Thánh Tâm có
vòng gai quấn quanh và ngọn lửa bùng cháy cho Thánh Marguerite-Marie Alacoque
(người Pháp, sinh 22-7-1647, qua đời ngày 17-10-1690, nữ tu Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng),
Chúa Giêsu đã đưa ra 12 lời hứa để khuyến khích mọi người hiểu biết lợi ích của
việc thực hành Lòng Sùng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và khuyến khích mọi người thực
hành – đặc biệt trong Tháng Sáu này.
1. Ta sẽ ban cho họ mọi
ân sủng cần thiết trong đời sống.
2. Ta sẽ ban bình an cho
gia đình họ và sẽ tái hợp các gia đình đã ly tan.
3. Ta sẽ an ủi họ trong mọi
lúc khó khăn.
4. Ta sẽ là nơi họ trú ẩn
khi sống và trước khi chết.
5. Ta sẽ ban Phép Lành Nước
Trời trên công việc của họ.
6. Các tội nhân sẽ tìm được
Nguồn Thương Xót vô hạn nơi Thánh Tâm Ta.
7. Các linh hồn lạnh nhạt
sẽ trở nên nhiệt thành.
8. Các linh hồn nhiệt
thành sẽ mau đạt tới sự trọn lành.
9. Ta sẽ chúc lành cho
nơi nào trưng bày và tôn sùng linh ảnh Thánh Tâm Ta, và Ta sẽ ghi dấu tình yêu
của Ta vào lòng những người đeo hình Thánh Tâm Ta. Ta cũng sẽ phá hủy mọi sự rối
loạn nơi họ.
10. Các linh mục nhiệt
thành tôn sùng Thánh Tâm Ta thì Ta sẽ ban cho họ ơn hoán cải các linh hồn chai
cứng nhất.
11. Những người truyền bá
lòng tôn sùng này sẽ được ghi tên trong Thánh Tâm Ta, không bao giờ phai nhòa.
12. Ta hứa với lòng
thương xót vô biên của Thánh Tâm Ta rằng những người rước lễ vào Thứ Sáu Đầu
Tháng trong 9 tháng liên tiếp, tình yêu mãnh liệt của Ta sẽ ban cho ơn ăn năn
trở lại trong cuối đời: Họ sẽ không chết trong tình trạng thất sủng hoặc không
được lãnh nhận các bí tích. Thánh Tâm Ta sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho họ trong
giờ sau hết.
Những điều Chúa hứa luôn
chắc chắn và nên trọn. Hãy tin tưởng và cố gắng dành 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng để
biệt kính Thánh Tâm Chúa Giêsu – nghĩa là thực hành việc tôn sùng và yêu mến
Thánh Tâm Chúa Giêsu liên tục và rước lễ trong 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng. Tuy
nhiên, hãy nhờ rằng đừng “làm khoán” một vài lần rồi thôi, mà phải thực hành đến
hơi thở cuối cùng.
TRẦM THIÊN THU
[Bài chủ đề báo ĐMHCG, số
382, tháng 6-2018, DCCT xuất bản tại Hoa Kỳ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét